8 Lý Do Để Biến Đổi Một Giáo Xứ từ Tình Trạng Bảo Trì sang Truyền Giáo

Hội Thánh Công giáo đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng vể đức tin.  Chúng ta đang phải đương đầu với những thách đố đáng kể trong một bối cảnh xã hội và văn hóa phản Kitô giáo hiện nay. Việc sống đạo càng ngày càng lỏng lẻo ở nhiều nơi, và một số lớn người trẻ bỏ đạo do ảnh hưởng của một xã hội càng ngày càng bị tục hóa. Rất nhiều người đang giữ đạo vì thói quen chứ không thực sự sống đạo. Ngay cả những giáo xứ xem ra sầm uất như các giáo xứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, tỷ số người trẻ bỏ đạo cũng không kém gì các giáo xứ địa phương.

Để giải quyết vấn đề này, các giáo xứ phải chuyển từ tình trạng bảo trì, là tình trạng tập trung vào việc giữ đạo và duy trì các cách sống đạo theo truyền thống hiện có, sang tình trạng truyền giáo, nhấn mạnh đến việc tích cực Phúc Âm hoá và đào tạo giáo dân thành những thừa sai Thánh Thể, thành những nhà tạm sống động để đem Chúa Thánh Thể đến cho những người khác nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.

Nhìn lại lịch sử Hội Thánh Việt Nam, chúng ta thấy rõ ràng rằng Hội Thánh đã phát triển rất nhanh trong giai đoạn truyền giáo, nhưng hầu như không phát triển nổi nữa từ khi chuyển sang giai đoạn bào trì, sau khi có Hàng Giáo Phẩm. Chính vì thế, việc biến đổi này rất quan trọng, không những chỉ cho sự phát triển mà cả cho cho sự sống còn của Hội Thánh, vì tám lý do chính.

1. Khơi Dậy Đức Tin và Đời Sống Tâm Linh

Một trong những lý do chính cho việc biến đổi này là nhu cầu khơi dậy đức tin và đời sống tâm linh của giáo dân, đặc biệt là niềm tin vào sự Hiện diện Thật của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Trong tình trạng bảo trì, các giáo xứ thường tập trung vào việc cử hành các bí tích, dạy giáo lý để chuẩn bị cho các bí tích, các việc thờ phượng và điều hành giáo xứ như thường lệ cùng duy trì các sinh hoạt theo truyền thống mà không nhất thiết phải đáp ứng nhu cầu tâm linh của mỗi giáo dân. Điều này có thể dẫn đến cảm giác tự mãn và trì trệ về tinh thần.

Trong tình trạng truyền giáo, trọng tâm của các sinh hoạt của giáo xứ chuyển sang việc nuôi dưỡng một đời sống đức tin sống động và tích cực của toàn thể giáo xứ. Qua việc nhấn mạnh đến sự hoán cải cá nhân và trưởng thành về tâm linh, các giáo xứ có thể giúp từng giáo dân đào sâu mối quan hệ của họ với Đức Kitô. Điều này bao gồm việc khuyến khích một đời sống cầu nguyện, thường xuyên tham gia các bí tích, đào sâu sự hiểu biết về đức tin và sống đức tin của mình, cũng như những cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu, đặc biệt trong Thánh Kinh và Bí tích Thánh Thể. Một cộng đồng tích cực sống đức tin của mình sẽ có nhiều khả năng lan rộng đức tin ấy ra bên ngoài và có sức thu hút những người khác đến cùng Hội Thánh.

2. Đáp Lại việc Bỏ Đạo và Thờ Ơ với Hội Thánh

Một lý do quan trọng khác cho sự biến đổi này là nhu cầu giải quyết tình trạng rời bỏ Hội Thánh và sự thờ ơ trong việc tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ, đặc biệt là của giới trẻ. Nhiều giáo xứ đang chứng kiến ​​việc giảm thiểu số người tham dự Thánh Lễ thường xuyên. Khuynh hướng này có thể được quy cho nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm việc thế tục hóa, các sinh hoạt cạnh tranh nhau trong ngày Chúa nhật, và sự thiếu liên hệ giữa Hội Thánh và cuộc sống hiện đại.

Bằng cách chuyển sang tình trạng truyền giáo, các giáo xứ có thể trở nên chủ động hơn trong việc tiếp cận với những người đã rời xa Hội Thánh. Điều này không chỉ liên quan đến việc mời họ trở lại tham dự Thánh Lễ mà còn tạo ra một môi trường thân thiện và hòa nhập nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh và cá nhân của họ. Các sáng kiến ​​tiếp cận cộng đồng, chẳng hạn như các sự kiện tôn giáo, giáo dục, văn hoá hay xã hội được tổ chức thường xuyên trong cộng đồng, các dự án phục vụ và sự hiện diện hấp dẫn trên phương tiện truyền thông xã hội, có thể giúp thu hẹp khoảng cách và tái giới thiệu sự phong phú của đức tin Công giáo cho mọi người.

3. Nhấn Mạnh đến Tình Yêu của Thiên Chúa trong Bí Tích Thánh Thể

Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu. Tuy nhiên, trong tình trạng bảo trì, tầm quan trọng Bí tích này đôi khi bị lu mờ bởi thói quen. Việc chuyển sang tình trạng truyền giáo đòi hỏi một sự tập trung mới mẻ vào Bí tích Thánh Thể như trung tâm của đời sống giáo xứ. Đó là lý do chính mà các Giám mục Hoa kỳ đã đề ra sáng kiến Phục hưng Thánh Thể.

Sáng kiến này nhấn mạnh đến việc đào sâu sự hiểu biết và lòng trân quý Bí tích Thánh Thể của giáo dân qua việc dạy giáo lý về Thánh Thể, chầu Thánh Thể và những cuộc cử hành phụng vụ đầy ý nghĩa. Khi giáo dân nhận ra rằng Thánh Thể là cuộc gặp gỡ cá nhân với Chính Con Người Đức Kitô, họ có nhiều khả năng trở nên hứng khởi và xung phong trở thành những thừa sai Thánh Thể, mang tình yêu và sự hiện diện của Đức Kitô vào đời sống cá nhân và cộng đồng của họ.

4. Vun Trồng Một Nền Văn Hóa Truyền Giáo trong Giáo Xứ

Sứ vụ của Hội Thánh là truyền giáo, đem Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô vào thế gian. Trong tình trạng bảo trì, các nỗ lực truyền giáo của giáo xứ có thể ở mức tối thiểu hoặc không hiện hữu, vì chủ yếu của tình trạng này là tập trung vào các mục vụ Bí tích và việc giữ đạo của những người thường xuyên lui tới giáo xứ. Tuy nhiên, lời kêu gọi của Hội Thánh là chúng ta phải đến với tất cả mọi người và mời gọi họ bước vào mối quan hệ với Đức Kitô.

Việc chuyển sang tình trạng truyền giáo ưu tiên cho việc Phúc Âm hoá như một hoạt động nòng cốt của giáo xứ. Điều này liên quan đến việc đào luyện và trang bị cho giáo dân sống đức tin một cách tích cực và chia sẻ đức tin của họ một cách đầy tin tưởng và cảm thông với những người khác. Truyền giáo không chỉ đơn thuần là rao giảng mà còn là sống Tin Mừng qua các hành động yêu thương, phục vụ và công bằng. Bằng cách truyền thụ một Nền Văn Hóa Truyền giáo cho mọi phần tử của giáo xứ để biến họ thành những môn đệ truyền giáo, các giáo xứ có thể tham gia một cách hiệu quả với toàn thể Hội Thánh và hoàn thành sứ vụ truyền giáo của mình.

5. Giải Quyết Các Nhu của Cầu Xã Hội và Cộng Đồng

Việc chuyển một giáo xứ từ tình trạng bảo trì sang tình trạng truyền giáo cũng bao gồm việc nâng cao nhận thức và đáp ứng các nhu cầu xã hội và cộng đồng. Các giáo xứ trong tình trạng bảo trì có thể sống cô lập hơn, tập trung vào các vấn đề nội bộ và bỏ bê cộng đồng rộng lớn hơn. Đôi khi còn cạnh tranh một cách thiếu bác ái với những giáo xứ khác.

Trái lại, các giáo xứ trong tình trạng truyền giáo tích cực tìm cách đáp ứng nhu cầu của những người chung quanh, noi gương phục vụ của Đức Kitô. Điều này có thể bao gồm các sáng kiến ​​như phát thực phẩm cho người nghèo, giúp đỡ những người vô gia cư, cung cấp những lớp dạy sinh ngữ, dạy nghề, các dịch vụ tư vấn và tìm việc làm cùng nhiều hình thức tiếp cận xã hội khác nhau. Bằng cách phục vụ cộng đồng rộng lớn hơn, các giáo xứ không những chỉ hoàn thành sứ vụ Kitô giáo của mình mà còn làm chứng cho tình yêu Đức Kitô một cách hữu hình, thu hút những người khác đến với đức tin.

6. Nuôi Dưỡng Ý Thức Thuộc Về và Ý Thức Cộng Đồng

Trong một xã hội sống theo chủ nghĩa cá nhân hiện nay, nhiều người đang cảm thấy bị cô đơn và tìm kiếm cảm giác thân thuộc và thuộc về cộng đồng. Các giáo xứ trong tình trạng bảo trì có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu này, vì trọng tâm thường là duy trì các cơ cấu hiện có hơn là xây dựng các mối quan hệ.

Các giáo xứ trong tình trạng truyền giáo nhấn mạnh đến việc tạo ra một cộng đồng sống động, nâng đỡ lẫn nhau, ở đó các cá nhân cảm thấy thân thương, có giá trị và được liên kết với những người khác trong giáo xứ. Điều này liên quan đến việc cổ võ và các nhóm chia sẻ đức tin nhỏ, tổ chức các sự kiện xã hội và tạo cơ hội cho giáo dân gần gũi và kết hợp với nhau. Một y thức cộng đồng mạnh mẽ khuyến khích sự tham gia và dấn thân tích cực của họ, giúp các cá nhân cảm thấy rằng họ là một phần quan trọng của gia đình giáo xứ.

7. Trao Trách Nhiệm cho Giáo Dân

Việc chuyển từ tình trạng duy trì sang tình trạng truyền giáo đòi hỏi sự tham gia tích cực tinh thần trách nhiệm của giáo dân. Trong tình trạng bảo trì, các giáo sĩ thường phải gánh chịu những trách nhiệm nặng nề về các hoạt động của giáo xứ, điều này có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức và hạn chế khả năng phát triển của giáo xứ. Trong khi đó tạo nên một tầng lớp giáo dân chỉ biết ỷ nại vào các giáo sĩ. Và tệ hơn nữa là đưa giáo xứ đến tệ trạng giáo sĩ trị.

Các giáo xứ trong tình trạng truyền giáo nhận ra những ân sủng và tài năng đa dạng được Thiên Chúa ban cho giáo dân của mình và tìm cách uỷ thác cho họ việc đảm nhận những trách nhiệm khác nhau trong giáo xứ tuỳ theo khả năng và quá trình đào tạo chuyên môn của họ. Đức Bênêđictô nhấn mạnh rằng giáo dân không phải là những người cộng tác mà là những người đồng trách nhiệm với các giáo sĩ trong Hội Thánh. Điều này bao gồm việc cung cấp các cơ hội huấn luyện và đào tạo cho giáo dân và khuyến khích cách tiếp cận có tính hợp tác trong mục vụ. Khi giáo dân được uỷ quyền và dấn thân, giáo xứ sẽ trở nên năng động và hiệu quả hơn trong sứ vụ của mình, đồng thời các giáo sĩ cũng nhẹ gánh hơn trong việc điều hành giáo xứ.

8. Chấp Nhận Đổi Mới và Khả Năng Thích Nghi

Cuối cùng, việc chuyển sang tình trạng truyền giáo bao gồm việc chấp nhận sự đổi mới và khả năng thích nghi. Tình trạng bảo trì thường dựa vào những thói quen làm việc theo truyền thống và sợ thay đổi. Điều này có thể cản trở khả năng của giáo xứ trong việc đáp ứng với những thách đố, những nhu cầu và những cơ hội có thể có trong hiện tại.

Các giáo xứ truyền giáo luôn cởi mở với những ý tưởng và phương pháp truyền giáo và mục vụ mới. Điều này có thể liên quan đến việc tận dụng công nghệ kỹ thuật số để tiếp cận ảo với giáo dân, đặc biệt là giới trẻ, qua mạng, phát triển các kinh nghiệm mục vụ, huấn giáo và phụng vụ có tính sáng tạo, nhưng tuân theo giáo luật, hoặc thực hiện các sáng kiến ​​mục vụ mới nhằm giải quyết các nhu cầu cụ thể của cộng đồng. Bằng cách thích nghi và đổi mới, các giáo xứ có thể luôn trở nên thích hợp với hoàn cảnh và hữu hiệu trong một thế giới không ngừng đổi thay.

Kết Luận

Việc đổi một giáo xứ từ tình trạng duy trì sang tình trạng truyền giáo là điều cấp thiết để khơi dậy đức tin, giải quyết thảm trạng rời bỏ Hội Thánh, đặc biệt là của giới trẻ, nhấn mạnh đến Bí tích Thánh Thể, vun trồng một nền văn hóa truyền giáo, giải quyết các nhu cầu xã hội và cộng đồng, nuôi dưỡng ý thức thuộc về Hội Thánh, chia sẻ trách nhiệm cho giáo dân và chấp nhận đổi mới. Sự biến đổi này không chỉ là những thay đổi về cơ cấu mà còn là một sự đổi mới về tâm linh sâu xa nhằm gắn liền giáo xứ với sứ vụ cơ bản của Hội Thánh. Bằng cách chuyển sang tình trạng truyền giáo, các giáo xứ có thể trở thành những trung tâm sống động của đức tin, của niềm hy vọng và của đức ái, truyền cảm hứng và trang bị cho mỗi giáo dân trở thành một thừa sai Thánh Thể trên thế gian. Mục đích của trang web EucharisticRevival.org bằng tiếng Anh và trang web PhuchungThanhthe.org bằng tiếng Việt là để trang bị cho các giáo xứ những phương tiện hầu đạt được sự biến đổi này.

Phaolô Phạm Xuân Khôi