Bài Giáo Lý Thứ 15 của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thánh Lễ: Phụng Vụ Thánh Thể III – “Kinh Lạy Cha” và Việc Bẻ Bánh
“Khi mở lòng chúng ta ra với Thiên Chúa, ‘Kinh Lạy Cha’ cũng chuẩn bị chúng ta cho tình yêu thương huynh đệ”.
Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ 15 của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 14 tháng 3, 2018 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về “Kinh Lạy Cha” và việc bẻ Bánh. Kinh Lạy Cha là “lời cầu nguyện của con cái Thiên Chúa: nó là kinh nguyện tuyệt vời mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta.” Sau Kinh Lạy Cha, chúng ta xin Chúa ban bình an, nhưng “Bình an của Đức Kitô không thể bén rễ trong một con tim không có khả năng sống tình huynh đệ và nối lại nó sau khi đã làm tổn thương nó”. Ngài kết luận rằng các lời khẩn cầu “từ kinh Lạy Cha cho đến việc bẻ Bánh, giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn để dự bữa tiệc Thánh Thể, nguồn mạch của sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em”.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng ta tiếp tục loạt bài Giáo lý về Thánh Lễ. Trong Bữa Tiệc Ly, sau khi Chúa Giêsu cầm lấy bánh cùng chén rượu, và tạ ơn Thiên Chúa, chúng ta biết rằng “Người đã bẻ bánh”. Trong Phụng Vụ Thánh Thể của Thánh Lễ, cử chỉ này tương ứng với việc bẻ Bánh, được đi trước bằng kinh nguyện mà Chúa đã dạy chúng ta, là “Kinh Lạy Cha”.
Và như vậy Nghi thức Hiệp lễ bắt đầu, bằng cách kéo dài việc ngợi khen và khẩn cầu của Kinh Nguyện Thánh Thể với việc cộng đồng cùng đọc “Kinh Lạy Cha”. Đây không phải là một trong nhiều kinh nguyện Kitô giáo, nhưng là lời cầu nguyện của con cái Thiên Chúa: nó là kinh nguyện tuyệt vời mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Thực ra, được ban cho chúng ta trong ngày rửa tội của mình, “Kinh Lạy Cha” vang lên trong chúng ta những cảm xúc tương tự như những cảm xúc trong Chúa Giêsu Kitô. Khi chúng ta cầu nguyện bằng Kinh “Lạy Cha” chúng ta cầu nguyện như Chúa Giêsu đã cầu nguyện. Đó là kinh nguyện mà Chúa Giêsu đã đọc và đã dạy chúng ta; khi các môn đệ thưa Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Thầy cầu nguyện”. Và Chúa Giêsu đã cầu nguyện như thế. Thật là tuyệt đẹp khi cầu nguyện như Chúa Giêsu! Theo thể thức mà Chúa dạy, chúng ta dám hướng về Thiên Chúa mà gọi Ngài là “Cha” vì chúng ta được tái sinh như con con cái Ngài nhờ nước và Thánh Thần (Eph 1:5). Thật ra, không ai có thể thân mật gọi Ngài là “Abba” – “Cha ơi” – mà đã không được Thiên Chúa sinh ra, mà không có ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần, như Thánh Phaolô dạy (x. Rm 8:15). Chúng ta phải suy nghĩ: không ai có thể gọi Ngài là “Cha” mà không có ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần. Biết bao lần có những người đọc “Kinh Lạy Cha”, mà không biết điều mình đọc là gì. Tại sao, có chứ, đó là Cha, nhưng bạn có cảm thấy điều ấy khi nói “Lạy Cha”, Ngài có phải là Cha, Cha của bạn, là Cha của nhân loại, Cha của Chúa Giêsu Kitô không? Bạn có một mối liên hệ nào với người Cha này không? Khi chúng ta cầu nguyện bằng “Kinh Lạy Cha”, chúng ta liên kết với Chúa Cha, Đấng yêu thương chúng ta, nhưng Chính Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho chúng ta sự liên kết này, cái cảm giác làm con cái của Thiên Chúa này.
Có kinh nguyện nào có thể chuẩn bị cho sự hiệp thông Bí tích với Ngài tốt hơn kinh nguyện được Chúa Giêsu dạy không? Ngoài Thánh Lễ, “Kinh Lạy Cha” còn được cầu nguyện vào buổi sáng và buổi tối, trong Kinh Sáng và Kinh Chiều; bằng cách này, thái độ con thảo đối với Thiên Chúa và tình huynh đệ với những người lân cận góp phần vào việc ban cho những ngày của chúng ta một hình thái Kitô giáo.
Trong Kinh của Chúa – trong “Kinh Lạy Cha” – chúng ta xin “lương thực hằng ngày”, trong đó chúng ta thấy một ám chỉ cụ thể về Bánh Thánh Thể, là điều chúng ta cần để sống như con cái Thiên Chúa. Chúng ta cũng xin “tha nợ cho chúng con”, và để được xứng đáng nhận sự tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta cam kết tha thứ cho những ai đã xúc phạm đến mình. Và điều này không phải là dễ dàng. Việc tha thứ cho những kẻ đã xúc phạm đến mình không phải là điều dễ dàng; nó là một ân sủng mà chúng ta phải xin: “Lạy Chúa, xin dạy con tha thứ như Chúa đã tha thứ cho con”. Đó là một ân sủng. Với sức của mình chúng ta không thể: biết tha thứ là một ân sủng của Chúa Thánh Thần. Vì thế, trong khi mở lòng chúng ta ra với Thiên Chúa, “Kinh Lạy Cha” cũng chuẩn bị chúng ta cho tình yêu thương huynh đệ. Cuối cùng, chúng ta cầu xin Thiên Chúa “cứu chúng con khỏi sự dữ” là điều tách rời chúng ta ra khỏi Ngài và tách biệt chúng ta ra khỏi anh em mình. Chúng ta hiểu rõ rằng đây là những lời cầu xin rất hợp lý để chuẩn bị cho chúng ta Rước Lễ (Quy Chế Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, 81).
Thực ra, tất cả những gì chúng ta cầu xin trong “Kinh Lạy Cha” được kéo dài bằng lời cầu nguyện của linh mục, thay mặt tất cả mọi người, cầu xin: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin ban cho những ngày chúng con sống được bình an”. Và sau đó nhận được một loại ấn tín trong nghi thức chúc bình an: Điều đầu tiên chúng ta xin Đức Kitô là món quà bình an của Người (x Ga 14:27) – rất khác với bình an của thế gian – làm cho Hội Thánh lớn lên trong sự hiệp nhất và bình an theo ý của Người; rồi, với cử chỉ cụ thể được trao đổi giữa chúng ta, chúng ta bày tỏ “sự hiệp thông hội thánh và yêu thương lẫn nhau trước khi hiệp thông trong Bí Tích” (QCTQ, 82). Trong nghi lễ Rôma, việc trao đổi dấu chỉ bình an, từ thời cổ xưa đã được đặt trước khi Rước Lễ, hướng về sự hiệp thông Thánh Thể. Theo lời cảnh báo của Thánh Phaolô, không thể hiệp thông trong một Tấm Bánh duy nhất, là điều làm cho chúng ta thành một thân thể trong Đức Kitô, mà không nhận ra chính mình được hoà giải bởi tình yêu huynh đệ (x 1 Cor 10:16-17; 11:29). Bình an của Đức Kitô không thể bén rễ trong một con tim không có khả năng sống tình huynh đệ và nối lại nó sau khi đã làm tổn thương nó. Bình an được Chúa ban: Người ban cho chúng ta ân sủng để tha thứ cho những ai đã xúc phạm đến mình.
Việc chúc bình an được đi theo bởi việc Bẻ Bánh, mà từ thời các Tông Đồ, tên của nó đã được dùng cho toàn thể cuộc cử hành Thánh Thể (x. QCTQ, 83; GLCG, 1329). Được thực hiện bởi Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, việc Bẻ Bánh là cử chỉ tỏ mình ra, là điều cho phép các môn đệ nhận ra Người sau khi Phục Sinh. Chúng ta hãy nhở lại các môn đệ trên đường Emmau, khi nói về cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh, kể lại “họ đã nhận ra Người thế nào trong việc Bẻ Bánh” (Lc 24:30-31,35).
Việc Bẻ Bánh Thánh Thể được đi kèm với lời khẩn cầu ”Lạy Chiên Thiên Chúa”, một hình ảnh mà Thánh Gioan Tẩy Giả đã biểu thị nơi Chúa Giêsu “Người là Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1:29). Hình ảnh Thánh Kinh của con chiên nói về sự cứu chuộc (x Xh 12:1-14; Is 53:7; 1 Pr 1:19; Kh 7:14). Trong Bánh Thánh Thể, được bẻ ra cđể cho thế gian được sống, cộng đồng cầu nguyên nhận ra Chiên Con thật của Thiên Chúa, nghĩa là Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc, và nài xin Người: “Xin thương xót chúng con … xin ban bình an cho chúng con”.
“Xin thương xót chúng con”, “xin ban bình an cho chúng con” là những lời khẩn cầu, từ kinh “Lạy Cha” cho đến việc Bẻ Bánh, giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn để dự bữa tiệc Thánh Thể, nguồn mạch của sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em.
Chúng ta đừng quên kinh nguyện tuyệt vời mà Chúa Giêsu đã dạy, và đó là kinh nguyện mà Người đã cầu nguyện với Chúa Cha. Và kinh nguyện này chuẩn bị cho chúng ta Rước Lễ.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ