Tóm Lược Giáo Lý Công Giáo về Thánh Lễ

1406. Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời…. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời…. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,51.54.56).

1407. Bí tích Thánh Thể là trung tâm và tột đỉnh của đời sống Hội Thánh, vì trong bí tích này, Đức Kitô liên kết Hội Thánh và tất cả các chi thể của Người vào hy tế chúc tụng và tạ ơn được dâng lên Chúa Cha trên thập giá một lần cho mãi mãi. Qua hy tế này, Người tuôn đổ các ân sủng cứu độ trên Thân Thể của Người là Hội Thánh.

1408. Việc cử hành Thánh Lễ luôn bao gồm: việc công bố Lời Chúa; việc tạ ơn Thiên Chúa Cha vì mọi ơn lành, nhất là vì Ngài đã ban Con của Ngài cho chúng ta; việc thánh hiến bánh rượu và việc tham dự vào bàn tiệc phụng vụ nhờ lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa. Các yếu tố này kết thành một hành vi phụng tự duy nhất.

1409. Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô: nghĩa là công trình cứu độ được thực hiện qua đời sống, cái Chết và sự Phục sinh của Đức Kitô. Công trình này được hành động phụng vụ làm cho hiện diện.

1410. Đức Kitô, vị thượng tế đời đời của Giao Ước Mới, Đấng đang hoạt động nhờ thừa tác vụ của các tư tế, dâng hy tế Thánh Thể. Cũng chính Đức Kitô, Đấng thật sự hiện diện trong hình bánh rượu, là lễ vật của hy tế Thánh Thể.

1411. Chỉ các tư tế đã được phong chức thánh thành sự mới có quyền chủ tọa thánh lễ và thánh hiến (truyền phép) để bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa.

1412. Dấu chỉ chính yếu của bí tích Thánh Thể là bánh mì và rượu nho. Lời chúc lành của Chúa Thánh Thần được khẩn cầu xuống trên bánh và rượu này và vị tư tế đọc lời thánh hiến (truyền phép) được Chúa Giêsu nói trong bữa Tiệc ly: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con… Này là Chén Máu Thầy…”.

1413. Nhờ lời thánh hiến (truyền phép), đã có sự biến đổi bản thể bánh và rượu thành Mình và Máu Thánh Chúa. Trong hình bánh rượu đã được truyền phép, chính Đức Kitô, hằng sống và vinh hiển, hiện diện cách đích thực, thật sự và theo bản thể, với trọn mình, máu, linh hồn và thần tính của Người.

1414. Với tính cách là một hy tế, bí tích Thánh Thể được dâng lên để đền tội cho người sống cũng như kẻ chết và để đạt được những ơn lành hồn xác từ Thiên Chúa.

1415. Ai muốn đón nhận Đức Kitô qua việc hiệp lễ, phải ở trong tình trạng ân sủng. Ai biết mình đang mắc tội trọng, không được rước lễ nếu chưa lãnh nhận ơn tha tội trong bí tích Hòa Giải.

1416. Việc rước Mình và Máu Thánh Đức Kitô gia tăng sự kết hợp của người rước lễ với Chúa, tha thứ cho họ các tội nhẹ và gìn giữ họ khỏi các tội trọng. Vì việc rước lễ củng cố mối liên hệ tình yêu giữa người rước lễ với Đức Kitô, nên việc lãnh nhận bí tích này cũng củng cố sự hiệp nhất của Hội Thánh là Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô.

1417. Hội Thánh tha thiết khuyên tín hữu nên rước lễ mỗi khi tham dự Thánh lễ. Hội Thánh buộc tín hữu rước lễ mỗi năm ít là một lần.

1418. Vì Đức Kitô hiện diện thật sự trong bí tích bàn thờ, nên chúng ta phải tôn vinh Người bằng một phụng tự tôn thờ. “Việc viếng Thánh Thể là một bằng chứng bày tỏ lòng biết ơn, một dấu chỉ tình yêu và một bổn phận thờ lạy đối với Đức Kitô, Chúa chúng ta”.