Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 49 : Truyền Phép
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival ngày 29 tháng 11 năm 2023
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
Sau khi cầu xin Chúa Thánh Thần xuống, giờ đây chúng ta đã sẵn sàng cho việc Truyền phép. Như Cha Charles Belmonte nhắc nhở chúng ta, “Điều mà nhân loại đã chờ đợi suốt nhiều thế kỷ nay sắp diễn ra giữa chúng ta” (Understanding the Mass, trang 138). Vào lúc này của Thánh Lễ, Linh mục cầm lấy bánh và chén rượu sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu. Chúng ta nghe những lời của Chúa Giêsu: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén Máu Thầy, Máu Giao Ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Chúng ta hãy dừng lại một chút và suy nghĩ về những gì vừa diễn ra trong: chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa Toàn năng, Ngôi Hai trong Ba Ngôi, qua bàn tay và giọng nói của Linh mục, giờ đây hiện diện thật, thật sự và bản thể trên bàn thờ!
Chúa Giêsu Thật Sự Hiện Diện với Chúng Ta
Sau khi truyền phép, Linh mục nâng Mình Thánh và Chén Thánh lên trên bàn thờ trong giây phút thinh lặng. Việc nâng cao này là một thời điểm tuyệt vời để cầu nguyện và tôn thờ. Chúng ta đang thực sự nhìn ngắm Chúa Giêsu ở cùng chúng ta, và trong giây phút đó, chúng ta có thể thờ lạy Người vì tất cả những gì Người đã làm cho chúng ta: rằng Người sẵn lòng đến và ở giữa chúng ta. Rằng Ngài sẵn lòng vác gánh nặng tội lỗi của chúng ta trên Thánh giá để chúng ta được tha thứ. Rằng Người yêu thương chúng ta nhiều đến nỗi ở lại với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể. Hãy ngợi khen Người!
Sau khi nâng cao, Linh mục đặt Mình Thánh và Chén Thánh lên bàn thờ, rồi bái gối thờ lạy Chúa Giêsu hiện diện trên bàn thờ. Trong thời điểm này trong Thánh Lễ, tôi thường nhớ đến một Linh mục có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời tôi. Ngài chia sẻ rằng bất cứ khi nào ngài bái gối, ngài cầu nguyện những lời của Thánh Tôma trong Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!” (Gioan 20:28). Ngài nói rằng việc cầu nguyện những lời này luôn nhắc nhở ngài về Đấng thật sự hiện diện trước mặt ngài, rằng Chúa Giêsu thật sự ở giữa chúng ta!
Sự Khác Biệt giữa Chầu Thánh Thể và Thánh Lễ
Đi sâu hơn nữa vào lúc nâng Mình Thánh lên, Cha Charles Belmonte giải thích: “Việc nâng Mình Thánh lên có ba mục đích: [1] Để nâng Chúa Giêsu Kitô, hiện đang hiện diện trên bàn thờ, lên cao cho các tín hữu tôn thờ. [2] Tái trình bày việc thân xác Chúa Giêsu Kitô được treo trên Thập giá… [3] Thinh lặng dâng lên Thiên Chúa Của Lễ duy nhất này của ơn cứu độ chúng ta.” Cha Belmonte tiếp tục: “Trong khi nâng lên, chúng ta phải nhìn lên Thánh Thể để tôn thờ. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng chúng ta đến tham dự Thánh Lễ không chỉ để thờ phượng Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong Bí tích Bàn Thờ. Điều đó cũng có thể được thực hiện tốt như vậy trong khi chầu Thánh Thể. Ngoài việc thờ phượng Chúa, chúng ta cũng đến dự Thánh Lễ để dâng Chúa Giêsu Kitô trên Thập giá cùng với Linh mục và toàn thể Hội Thánh, và dâng chính mình lên Thiên Chúa cùng với Chúa Giêsu Kitô và như một phần của Nhiệm Thể Người. Nói cách khác, chúng ta đến chủ yếu để thông phần vào Hy Tế của Chúa Giêsu Kitô. Là một phần tử của Hội Thánh, chúng ta kết hợp với Đức Kitô qua hành động trong đó chính Người dâng Hy Lễ của mình lên Chúa Cha” (Understanding the Mass, trang 142–143). Như chúng tôi đã nói trước đây trong phần Dâng Lễ, Thánh Lễ thực sự là một lời mời gọi chúng ta thông phần vào Hy Tế của Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ quay lại vấn đề đó khi tiếp tục đi qua Kinh nguyện Thánh Thể.
In Persona Christi (vtrong Con Người Đức Kitô) trong lúc Truyền phép
Một điều nữa về việc Truyền phép: bạn có nhận thấy điều gì khác biệt về cách Linh mục nói những lời này của Chúa Giêsu trong lúc Truyền phép không? Như Giáo phận Peoria dạy, “Linh mục nói ở ngôi thứ nhất bởi vì ngài đang hành động với tư cách là Đức Kitô [điều này được gọi là in Persona Christi]. Khi chịu chức, Linh mục được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Thượng Tế đến nỗi ngài hành động với tư cách là Đức Kitô khi ngài tiếp tục công việc tư tế của Đức Kitô ở trần gian này. Chính Đức Kitô trong Bữa Tiệc Ly đã truyền lệnh cho các Tông Đồ tiếp tục mầu nhiệm cao cả và Hy Lễ tình yêu này qua mọi thời đại. Cũng chính Ngôi Lời đã tạo nên trời và đất lúc ban đầu, và cũng chính Ngôi Lời đã trở nên xác phàm trong lòng Đức Maria, cũng chính là Ngôi Lời truyền cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Đức Kitô” (A Study of the Mass, trang 15). Đối với tôi, như một Linh mục, đây luôn là một trong những giây phút khiêm tốn, đầy hứng khởi và kinh ngạc nhất. Tôi sẽ không bao giờ quên cách đây gần 20 năm trong Thánh Lễ Tạ ơn mở tay của tôi, cầm Bánh Thánh —thực sự là Chúa Giêsu—và ngạc nhiên thưa: “Lạy Chúa, sao Chúa lại làm được điều đó… với đôi tay này… với giọng nói này… thật tuyệt vời!”
Câu Hỏi để Suy Nghĩ:
- Khi bái gồi, bạn có liên kết nó với một lời cầu nguyện cụ thể nào không? Hãy dành thì giờ để suy niệm và chọn một câu từ Thánh Kinh hoặc một lời cầu nguyện khác để phong phú hoá thực hành bái gối của bạn trong việc tôn thờ Chúa trong Bí tích Thánh Thể.
- Hãy cân nhắc việc áp dụng cụm từ “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28) như một lời cầu nguyện thầm lặng khi Linh mục nâng Mình Thánh lên. Nếu không dùng câu này, thì bạn muốn thưa gì với Chúa Giêsu vào lúc ấy?