Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 52 : Tưởng Nhớ, Mầu Nhiệm Đức Tin
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival ngày 19 tháng 12 năm 2023
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
Nguyện xin Chúa chúc lành cho tất cả các bạn! Khi chúng ta tiếp tục bàn về Thánh Lễ, đây là một từ lớn khác: Anamnesis (thường được phát âm: Anamnêsít), còn được gọi là Câu Tung Hô sau Truyền Phép. Bây giờ Chúa Giêsu thực sự hiện diện trên bàn thờ và chúng ta đã thầm lặng thờ phượng Người, chúng ta nên làm điều gì khác nếu không phải là cất lời và lớn tiếng công bố niềm vui của mình? Sau khi nâng cao Chén Thánh, linh mục bái gối thờ phượng. Khi đứng lên, ngài nói, “Đây là mầu nhiệm đức tin.” Những lời này mời gọi chúng ta đáp lại bằng một trong ba câu đáp: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”; hoặc “Lạy Chúa, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa đến”; hoặc “Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đã dùng Thánh giá và sự Phục sinh của Chúa để giải thoát chúng con, xin cứu độ chúng con.”
Cha Charles Belmonte viết, “Anamnesis là một kinh nguyện để tưởng nhớ trong đó Hội Thánh tưởng nhớ cuộc Khổ nạn, Sự Phục sinh và Lên Trời của Chúa… Chúng ta vừa được yêu cầu “công bố Mầu nhiệm Đức Tin.” Và Mầu nhiệm này là gì? Chính xác là Sự Hy sinh cứu chuộc của Đức Kitô được cử hành trong những nghi thức này (Understanding the Mass, trang 145).
Hy tế của Đức Kitô: một Sự kiện trong Quá khứ được Hiện tại hoá
Giáo phận Peoria vạch ra, “Như Công đồng Vaticanô II dạy, Thánh Lễ làm cho Hy tế Thập giá được tồn tại vĩnh viễn qua mọi thời đại cho đến khi Chúa Giêsu Kitô trở lại trong vinh quang. Mầu nhiệm Đức tin công bố ba điểm chính: quá khứ, hiện tại và tương lai. Nó nhắc lại biến cố Thập giá [Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết], một thực tại hiện tại [và tuyên xưng Chúa sống lại] và một dự liệu trong tương lai [cho tới khi Chúa đến]. Việc hy sinh cứu chuộc của Chúa Giêsu trên Thập giá có giá trị vô hạn và vĩnh cửu. Do đó, việc cứu chuộc vừa là một sự kiện lịch sử, mà cũng là một thực tại hiện tại! Như vậy, trong việc cử hành Thánh Lễ, Thập giá được tưởng nhớ theo cách mà nó được trở thành hiện tại. Chúng ta không phải là khán giả của một cuộc tái diễn trên sân khấu, mà là một việc tái trình bày [hoặc hiện tại hoá] cách bí tích.” (A Study of the Mass, Trang 15.
Giáo huấn này nhấn mạnh cho chúng ta rằng việc có Đức Kitô hiện diện thật trong Thánh Lễ thực sự kéo dài chúng ta ra ngoài giới hạn không gian và thời gian của mình. Ở một thời điểm trong lịch sử, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã vác Thập giá và hiến Mình làm Lễ Hy sinh để cho chúng ta được tha tội. Tuy nhiên, Thánh Lễ cho phép chúng ta tiếp xúc với Hy lễ ấy, không những chỉ như một điều đã xảy ra trong quá khứ mà còn thực sự trình bày (hiện tại hoá) Hy lễ hoàn hảo duy nhất của Chúa Giêsu ở đó trước mặt chúng ta.
Một Tưởng niệm Dẫn Chúng ta vào Mầu nhiệm
Tiếp tục với Giáo phận Peoria, “Điều này xảy ra thế nào? Trên bàn thờ Thập giá, Chúa Giêsu Kitô đã tự dâng mình cho Cha ‘cho các con và cho [nhiều người được tha tội]. Tại Bữa Tiệc Ly, khi Chúa Giêsu thiết lập cách mà trong đó Người sẽ cử hành Hy lễ cứu chuộc này. Người nói, ‘Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.’ Anamnesis (tưởng niệm) của Kinh nguyện Thánh Thể nhắc lại Mầu Nhiệm Vượt Qua, Cái chết, Sự Phục sinh và Lên trời của Chúa. Như Sách Giáo lý dạy, “Tưởng niệm không chỉ là nhớ lại những biến cố của quá khứ, nhưng còn là công bố các kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho loài người” (GLCG 1363). Do đó, các sự kiện thánh thiêng được hiện tại hoá và hiện thực hoá trong Thánh Lễ. Vì Mầu Nhiệm Vượt Qua được hiện tại hoá với Chúa Cha, Hội Thánh, qua Chúa Thánh Thần, được kết hợp với Đức Kitô trong Hy tế hoàn hảo của Người (A Study of the Mass, Tr. 16).
Có lẽ điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về việc chúng ta có ý gì khi dùng từ “Tưởng niệm.” Sự hiểu biết theo Thánh Kinh về Tưởng niệm còn hơn cả việc nhớ lại. Đối với chúng ta có thể xem một album ảnh cũ và nhớ lại từ những bức ảnh niềm vui của một ngày nhất định nào đó. Cái đẹp của Thánh Lễ như Hy lễ Tưởng niệm là nó đưa chúng ta vào ngày nhất định ấy. Thực tại này dẫn chúng ta vào ý nghĩa của “Mầu Nhiệm.”
Mầu Nhiệm: Lời Mời gọi để Đào sâu hơn
Tôi nghĩ rằng từ mầu nhiệm là một từ chúng ta không bao giờ hiểu hoàn toàn. Qua nhiều năm, tôi đã nghe người ta nói, “Đó là một mầu nhiệm”, như một lý do để tránh nói về một trong những giáo huấn của chúng ta. Có lẽ đối với họ, nói rằng một chân lý nào đó là một Mầu Nhiệm là một cách để nói rằng, “Đây là một điều vượt ra ngoài sự hiểu biết của tôi, vì vậy tôi sẽ không lo lắng về điều ấy.” Chắc chắn, một ý nghĩa của từ mầu nhiệm là một điều gì đó khó giải thích hoặc khó hiểu. Nhưng từ quan điểm đức tin của chúng ta, nó thực sự là một lời mời gọi để đào sâu hơn. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa thì vô hạn còn chúng ta thì không. Chúng ta biết rằng những chân lý về Thiên Chúa đôi khi có thể cảm thấy vượt ra ngoài sự quan sát và kinh nghiệm sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta cũng biết rằng Thiên Chúa đã mặc khải chính Mình cho chúng ta trong Tình Yêu và Chúa Giêsu đã tự hiến trong sự hy sinh vì Tình Yêu. Mầu nhiệm Đức tin thực sự mời gọi chúng ta suy niệm với niềm vui về việc ý thức rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và gom nhiều chân lý và thực tại lại với nhau cùng một lúc để cho chúng ta thấy lòng quảng đại phong phú của Tình Yêu ấy.
Một lời trích dẫn từ Mẹ Têrêsa có thể giúp chúng ta suy niệm về việc Bữa Tiệc Ly, Thập giá và Thánh Lễ cùng nhau là một Hy tế hoàn hảo và đáng yêu của Chúa Giêsu như thế nào: “Nếu Chúa Giêsu đã không thiết lập Bí tích Thánh Thể, thì chúng ta sẽ quên mất việc chịu đóng đinh. Nó sẽ mờ dần vào quá khứ và chúng ta sẽ quên rằng Chúa Giêsu yêu thương chúng ta. Có một câu nói rằng ‘xa mặt, cách lòng.’ Để chắc chắn rằng chúng ta không quên, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta Bí tích Thánh Thể như một Tưởng niệm Tình Yêu của Người … Khi bạn nhìn vào Tượng Chịu Nạn, bạn hiểu Chúa Giêsu yêu bạn đến mức nào; khi bạn nhìn vào Bánh Thánh, bạn hiểu Chúa Giêsu hiện đang yêu bạn đến mức nào lúc này.”
Câu Hỏi để Suy nghĩ:
- Lần tới khi bạn tham dự Thánh Lễ, hãy đến sớm để dành thì giờ suy niệm về Tượng Chịu Nạn trong nhà thờ. Hãy chú ý đến Tượng Chịu Nạn trong khi Thánh Lễ diễn ra khi bạn đào sâu thêm nhận thức của bạn về mối liên hệ giữa Hy tế của Đức Kitô trên Thập giá và sự Hiện diện Thánh Thể của Người.
- Bạn làm sao để tưởng niệm các sự kiện quan trọng trong cuộc sống của bạn? Hãy nghĩ đến việc tham dự Thánh Lễ vào những ngày kỷ niệm quan trọng ấy và suy niệm về cách Phụng vụ Lời Chúa và những kinh nguyện của Thánh Lễ liên quan đến lịch sử của đời bạn như thế nào.
Bài Sau