Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 53 : Dâng Tiến – Offering

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival ngày 3 tháng 1 năm 2024

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Tiếp tục qua các phần của Kinh nguyện Thánh Thể, tuần này chúng ta nhìn vào phần Dâng Tiến, ở đó Hội Thánh “dâng của lễ tinh tuyền lên Chúa Cha… mà còn học cho biết dâng chính mình.” (QCSL, 79). Chắc chắn có rất nhiều điều làm cho chúng tra hứng khởi, đặc biệt là việc Hiệp Thông Thánh (Rước Lễ) sắp diễn ra. Để chúng ta không bị mất tập trung và sao lãng, những kinh nguyện sau Lời Tung hô Tưởng niệm giúp chúng ta nhớ lại rằng Thánh Lễ là một Hy lễ hoàn hảo duy nhất, cũng như sự tham dự của chúng ta vào Hy lễ ấy.

Đặt Chính Mình trên Bàn Thờ cùng với Đức Kitô

Có lẽ bạn sẽ nhận ra những lời này trong Kinh nguyện Thánh Thể I: “chúng con là tôi tớ Chúa, và toàn thể dân Thánh Chúa, kính nhớ cuộc khổ hình hồng phúc, sự sống lại từ cõi chết và lên trời vinh hiển của Đức Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con. Chúng con lựa chọn trong những của Chúa đã ban mà dâng lên trước tôn nhan uy linh Chúa: lễ vật thanh khiết, lễ vật thánh thiện, lễ vật tinh tuyền, bánh thánh ban sự sống vĩnh cửu và chén cứu độ muôn đời.” Theo Giáo phận Peoria, “Khi chúng ta dâng lên Thiên Chúa các của lễ, chúng ta dâng chính mỉnh lên cho Ngài—như Đức Kitô đã làm, chúng ta dâng lên Ngài chính cuộc sống của mình. Khi chúng ta dâng chính mình, chúng ta làm như thế với toàn thể Hội Thánh, ở đây dưới thế và trên trời, và chúng ta cầu xin rằng chúng ta cũng có thể thông phần vào sự hiệp thông của họ… Lời ngợi khen và thờ phượng của chúng ta luôn kết hợp với họ, khi toàn thể Hội Thánh hiện diện trong mỗi Thánh Lễ” (“A Study of the Mass,” trang 16). Như chúng ta nghe trong Kinh nguyện Thánh Thể II, “Chúng con nài xin Chúa thương xót tất cả chúng con, cho chúng con được đồng hưởng sự sống đời đời, cùng với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, các Thánh Tông đồ và toàn thể các Thánh đã sống đẹp lòng Chúa qua mọi thời đại, và cùng với các ngài, chúng con được ca ngợi và tôn vinh Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa.”

Lễ vật này cũng nhắc nhở chúng ta: “Chúng ta không chỉ là khán giả; chúng ta là những tham dự viên. Mặc dù chính linh mục là người đọc những kinh nguyện này nhân danh cộng đoàn, nhưng tất cả những người có mặt trong Thánh Lễ đều có thể dâng lời cầu nguyện thầm lặng của mình cùng với linh mục. Đây là thời điểm thích hợp nhất để ‘đặt những ý chỉ của chúng ta trên đĩa thánh’ và kết hợp của lễ của chúng ta với Chúa Chúng ta” (“A Study of the Mass,” tr. 16). Bạn có thể nhớ lại trước đây chúng tôi đã chia sẻ rằng Mẹ Têrêsa đã tưởng tượng là Mẹ đang đặt trái tim và ý chỉ của Mẹ lên đĩa thánh trên bàn thờ. Điều Mẹ Têrêsa hiểu là vào thời điểm này của Thánh Lễ, mọi con mắt trên trời đều tập trung vào bàn thờ trước mặt chúng ta. Cùng với tất cả các Thánh và các thiên thần tụ họp chung quanh để tôn vinh Thiên Chúa, các ngài đang cầu nguyện cùng với chúng ta và cho chúng ta, làm cho thời gian này trở thành một thời điểm tuyệt vời để được cùng nhau kết hợp với Đức Kitô.

Dâng Chính Mình cho Thiên Chúa

Kinh nguyện Thánh Thể nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không chỉ dâng lời cầu nguyện của mình trong sự kết hợp với Chúa Giêsu, Lễ vật hoàn hảo, mà chúng ta còn dâng chính mình cho Thiên Chúa: tất cả những gì chúng ta là và tất cả những gì chúng ta có để hiến dâng, cho cả Thiên Chúa lẫn tha nhân. Phần này của Thánh Lễ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thông phần vào sự sống của Chúa Giêsu và chúng ta phải sống sự thông phần đó mỗi ngày. Cha Charles Belmonte viết: “Theo dấu chân Chúa Giêsu, cuộc đời chúng ta trở thành một Thánh Lễ kéo dài. Đây là một bản tóm tắt hoặc chương trình sống để chúng ta có thể đạt được lý tưởng này:

  • Tưởng nhớ cuộc Khổ nạn và Cái chết của Đức Kitô, là biến cố giải thoát chúng ta khỏi sự dữ thực sự là tội lỗi; và làm cho chúng ta xứng đáng được hưởng mọi sự tốt lành thật.
  • Liên tục hưởng niềm vui Phục sinh của Người.
  • Loan báo sự Phục sinh và Lên Trời của Người bằng lời nói và việc làm của mình.
  • Tập trung ngày sống của chúng ta vào Hy lễ thánh thiện này, trong khi chúng ta mong chờ Đức Kitô đến” (Understanding the Mass, trang 147).

Vì vậy, thay vì nghĩ về một bữa ăn ngon sau Thánh Lễ, một ngày vui mà bạn dự định, hoặc thậm chí tuần tới sẽ ra sao, tại sao không cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân có Chúa Giêsu hiện diện và tự nhắc nhở mình “sống Thánh Lễ”? Theo cách suy nghĩ này, bữa ăn hoặc hoạt động vui chơi có thể sẽ trở thành một của lễ vui mừng. Tuần làm việc hoặc lịch trình học hành của chúng ta có thể trở thành một của lễ hy sinh. Công việc của chúng ta có thể sẽ ra khác như thế nào nếu thay vì chỉ dành thỉ giờ làm việc hoặc học tập ở nhà, chúng ta biến chúng thành của lễ và cùng với Đức Kitô dâng chúng lên Thiên Chúa?

Câu hỏi để Suy nghĩ:

  1. Áp dụng “chương trình sống” của Cha Charles Belmonte vào hoàn cảnh của chính bạn và nghĩ đến cách bạn có thể làm chứng cho niềm vui Phục Sinh và Lên Trời trong cuộc sống hàng ngày của bạn.
  2. Khi bạn lập chương trình cho ngày hoặc tuần lễ của bạn, hãy suy nghĩ về những gì xảy ra ngay sau khi bạn tham dự Thánh Lễ và làm thế nào để đem những ân sủng bạn đã nhận được vào thời gian còn lại trong ngày của bạn.