Thánh Lễ Là Suối Nguồn Của Lòng Thương Xót

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Chúng ta sắp sửa kết thúc Năm Phục hưng Giáo Xứ. Trong năm này, các Giám mục Hoa Kỳ tha thiết kêu gọi các Cha Xứ không những tạo điều kiện cho các cá nhân học hỏi để hiểu biết tình yêu của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể mà còn tạo nhiều cơ hội để giáo dân của mình có thể gặp gỡ Người một cách cá nhân ngõ hầu được Người chữa lành và biến đổi.

Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót Chúa là một dịp để chúng ta đi sâu vào Mầu nhiệm Thánh Thể qua một số mặc khải của Chúa Giêsu cho Thánh Faustina. Trong những trang Nhật ký của Thánh Nhân, chúng ta gặp những lời mời gọi tha thiết để đào sâu Mầu nhiệm Thánh Lễ – một cuộc hành trình thiêng liêng cho thấy chiều sâu của Lòng Thương Xót Chúa. Có thể nói là trong Nhật ký của Thánh Faustina, chúng ta khó mà có thể tách rời Mầu Nhiệm Thánh Thể ra khỏi Lòng Thương Xót Chúa.

Mục đích của bài này là tóm lược một số điều cốt yếu mà Chúa Giêsu mặc khải cho Thánh Faustina về Thánh Thể trong tương quan với kế hoạch Phục hưng Thánh Thể của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Thánh Lễ là Suối Nguồn của Lòng Thương Xót

Nhật ký của Thánh Faustina đưa ra một cái nhìn thoáng qua về mầu nhiệm cao cả đầy kinh ngạc diễn ra trong Thánh Lễ. Chị viết, “Một mầu nhiệm cao cả được hoàn thành trong Thánh Lễ. Chúng ta phải lắng nghe và thông phần vào Cái Chết này của Chúa Giêsu với lòng sùng kính lớn lao như thế nào” (Nhật Ký, 914). Ở đây, Thánh Faustina nhấn mạnh đến ý nghĩa sâu xa của Thánh Lễ như một cuộc gặp gỡ thánh thiêng với Mầu nhiệm Vượt Qua, là Mầu nhiệm Tình yêu Hy sinh của Đức Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Đây cũng là điều mà các Giám mục Hoa Kỳ nhấn mạnh trong Phục hưng Thánh Thể.

Sách Giáo Lý dạy rằng “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu. Những Bí tích khác cũng như mọi thừa tác vụ trong Hội Thánh, và các hoạt động tông đồ, đều gắn liền với Bí tích Thánh Thể và quy hướng về bí tích đó. Thật vậy, phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng toàn bộ của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó là chính Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta” (câu 1324).

Đức Giáo Hoàng Lêo XIII, khi nhìn nhận sự phong phú của tình yêu thương xót của Thiên Chúa chứa đựng trong Bí tích Thánh Thể, đã dạy rằng chỉ trong Bí tích Thánh Thể mới chứa đựng sự phong phú đáng chú ý và hàng loạt phép lạ, tất cả mọi thực tại siêu nhiên. Giáo huấn này nhấn mạnh đến bản chất toàn diện của Thánh Lễ, ở đó toàn thể Tình Yêu đầy Thương Xót của Thiên Chúa được tỏ bày. Công đồng Trentô đã khẳng định điều này rằng Thánh Lễ là nguồn mạch của mọi ân sủng, bao gồm mọi phúc lành siêu nhiên được ban cho nhân loại. Thật vậy, mọi yếu tố của Lòng Nhân Lành của Thiên Chúa, từ Chúa Ba Ngôi đến Đức Trinh Nữ Maria, đều hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, khiến Thánh Lễ trở thành suối nguồn của Lòng Thương Xót.

Gặp Gỡ Đức Kitô Hằng Sống và Hay Thương Xót trong Thánh Thể

Trọng tâm của mầu nhiệm Thánh Lễ là thực tại về Sự Hiện diện Thật của Chúa Giêsu Kitô trong bánh và rượu đã được thánh hiến. “Sự Diện diện Thật” này có nghĩa gì? Điều đó có nghĩa là trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta gặp gỡ không phải một vật vô tri, không chỉ là một mẩu bánh tượng trưng, mà là một Con Người đang Sống: Chúa Giêsu Kitô. Bí tích Thánh Thể thực sự không phải là “nó”, mà là “Người”. Đó không phải là điều gì đó mà là Ai đó, Đấng Cứu Chuộc Hằng Sống của chúng ta. Có lẽ đôi khi chúng ta nhầm lẫn về điều này vì Hội Thánh thường nói về các yếu tố của Thánh Thể như “Mình” và “Máu” Đức Kitô, như thể chỉ có các yếu tố vật chất của Mình và Máu Chúa hiện diện cho chúng ta. Nhưng những từ “Mình” và “Máu” đó chỉ là một cách nói bình dân mà thôi. Thực ra, Sách Giáo lý dạy, “Trong Bí tích Thánh Thể cực thánh, Mình và Máu cùng với linh hồn và thần tính của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và như vậy là Đức Kitô toàn thể (totus Christus), hiện diện một cách đích thực, thật sự, và theo bản thể ” (câu 1374). Như thế, Chúa Giêsu hiện diện hoàn toàn với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, trong sự trọn vẹn của thiên tính và nhân tính của Người, dưới các dấu chỉ bề ngoài là bánh và rượu.

Những cuộc gặp gỡ của Thánh Faustina với Chúa Giêsu làm nổi bật chân lý sâu xa này. Thánh Nữ ghi lại những lời của Chúa: Ta mong muốn kết hợp Ta với linh hồn con người… Khi Ta đến với trái tim con người lúc Rước Lễ, tay Ta tràn đầy mọi loại ân sủng.” (Nhật Ký 1385). Ở đây, Thánh Faustina tiết lộ lòng tha thiết khao khát ngự trong chúng ta của Chúa Giêsu để ban tặng cho chúng ta Tình Yêu và Lòng Thương Xót chứa chan của Người.

Nhật ký của Thánh Faustina cũng ghi lại lời than thở đau thương của Chúa Giêsu về sự thờ ơ của các linh hồn khi Rước lễ. Chúa nói tiếp, “Nhưng linh hồn thậm chí không chú ý đến Ta. Chúng để Ta một mình và bận rộn với những việc khác. Chúng coi Ta như một vật vô tri.” Bất chấp mong ước tha thiết ban ân sủng cho họ của Người, nhiều người lên rước Lễ chỉ vì thói quen mà không nghĩ gì đến Người, không biết gì về tình yêu và Lòng Thương Xót vô biên của Người, coi Người như một vật vô tri.

Hơn nữa, Thánh Faustina còn nhấn mạnh đến quyền năng biến đổi của việc Rước Lễ, khi tuyên bố, “Tất cả những điều tốt lành trong tôi đều do sự Hiệp Thông Thánh (rước Lễ)” (Nhật Ký 1392). “Đây là toàn thể bí mật về sự thánh thiện của tôi” (Nhật Ký 1489). Qua việc rước Lễ, chúng ta được mời gọi hiệp thông một cách mật thiết với Thiên Chúa hằng sống, Đấng mong muốn củng cố và nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta bằng ân sủng của Người.

Thánh Lễ, như Thánh Faustina tiết lộ trong các câu 1447 và 1385, không chỉ đơn thuần là một nghi lễ hay một biểu tượng mà là một cuộc gặp gỡ thân mật với Đức Kitô Hằng sống. Chị viết, “Thánh Thể không chỉ là một ‘vật vô tri’ hay một biểu tượng vô hồn. Đúng hơn, Thánh Thể là chính Chúa Giêsu, Chúa hằng sống và là Đấng Cứu Độ của chúng ta.” Trong mỗi Thánh Lễ, Chúa Giêsu hiến mình cho chúng ta một cách độc đáo và kỳ diệu, mời gọi chúng ta hiệp thông với Trái Tim nhân hậu của Người.

Hơn nữa, Thánh Faustina nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhà tạm như nơi cư ngụ của sự hiện diện của Đức Kitô dưới trần. Chính Chúa Giêsu đã bày tỏ lòng mong ước được các linh hồn đến viếng thăm Người trong nhà tạm, không phải vì Người, mà vì ước ao an ủi, thêm sức và ban ân sủng của Người cho những ai tìm kiếm Người. Thánh Faustina viết, “Trái Tim Ta tràn ngập Lòng Thương Xót cả thể dành cho các linh hồn… Ta mong muốn ban các ân sủng của Ta cho các linh hồn” (Nhật Ký 367). Ở đây, Chị nhắc nhở chúng ta về sự mật thiết sâu đặm của cuộc gặp gỡ Thánh Thể, ở đó Chúa Giêsu chờ đợi để đón chúng ta vào vòng tay yêu thương của Người.

Phục hưng Thánh Thể là Đáp lại Lời Mời Gọi Tha Thiết của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu, qua Thánh Faustina, gửi lời mời chân thành đến các linh hồn đến thăm Người trong Bí Tích Thánh Thể. Người khao khát tuôn đổ Tình Yêu Thương Xót của Người cho những ai tìm kiếm Người và mang lại niềm an ủi cho Thánh Tâm khao khát của Người. Trong một thế giới bị bao trùm bởi sự thờ ơ và tục hoá của chúng ta hôm nay, thông điệp của Thánh Faustina vọng lên khắp nơi, kêu gọi các tín hữu đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô với một lòng sùng kính và tôn thờ nhiệt thành.

Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, vang vọng lời của Thánh Faustina, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn vinh và tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Ngài viết “Bí tích Thánh Thể được lưu giữ trong các nhà thờ hoặc nhà nguyện để làm trung tâm tinh thần của một cộng đồng tu trì hoặc một cộng đồng giáo xứ, thực ra của toàn thể Hội Thánh và toàn thể nhân loại, vì nó chứa đựng, dưới bức màn hình bánh, Đức Kitô là Đầu vô hình của Hội Thánh, Đấng Cứu chuộc thế gian, trung tâm của mọi tâm hồn, ‘bởi Người mà vạn vật hiện hữu và bởi Người mà chúng ta hiện hữu’” (Mysterium Fidei, 68).

Đó chính là lý do tại sao các Giám Mục Hoa Kỳ đề ra Ba Năm Phục hưng Thánh Thể. Mục đích của các ngài là canh tân Hội thánh bằng cách khơi dậy một mối liên hệ sống động với Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể trong mỗi người Công Giáo chúng ta, để chúng ta trở thành những nơi cư ngụ sống động của Người. Đồng thời các ngài muốn gợi hứng cho một phong trào của những người Công giáo trên khắp nước Hoa Kỳ, là những người đã được chữa lành, hoán cải, đào luyện và hợp nhất nhờ gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể — và sau đó được sai đi “làm những nhà tạm sống động có chân của Chúa Thánh Thể trên thế gian,” vì tất cả chúng ta đều là hiện thân của Lòng Thương Xót của Người.

Cho nên không phổ biến rộng rãi kế hoạch Phục hưng Thánh Thể là tắc trách với lời mời gọi tha thiết của Chúa vì đã không tạo cơ hội cho giáo dân học biết về Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Chúa để họ thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và được biến đổi. Làm như thế có nghĩa là để họ tiếp tục đi Lễ, Chầu Thánh Thể, và thậm chí rước Lễ vì thói quen và sau đó để Chúa nằm cô đơn trong chính tâm hồn nguôi lạnh của họ, chẳng khác gì coi Chúa là một “vật vô tri” ngay sau khi rước Lễ.

Kết Luận

Tóm lại, những lời trong Nhật Ký của Thánh Faustina cung cấp một sự hiểu biết sâu xa về các mầu nhiệm của Thánh Lễ, mời gọi các tín hữu dấn thân vào cuộc hành trình biến đổi qua việc gặp gỡ Đức Kitô hằng sống trong Bí tích Thánh Thể. Qua lời nói của Chị, chúng ta được nhắc nhở về thực tại sâu xa của Sự Hiện Thật và quyền năng biến đổi của việc gặp gỡ Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể.

Khi đề ra kế hoạch ba năm Phục hưng Thánh Thể, các Giám Mục Hoa Kỳ cũng không làm gì khác hơn là tiếp tục sứ vụ mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Thánh Faustina. Các Giám mục mong ước rằng công việc Phục hưng Thánh Thể không chấm dứt sau ba năm rồi đi vào quên lãng, mà trở thành một phong trào lan rộng khắp nơi như phong trào phổ biến Lòng Thương Xót Chúa. Các ngài đã cung cấp một kho dữ kiện mà mọi người, nhất là các mục tử và các phó tế cũng như giáo lý viên, có thể dùng để phục hưng lòng sùng kính Người trong trang web eucharisticrevival.org và phuchungthanhthe.org.

Khi chúng ta đáp lại lời mời gọi của Chị Thánh Faustina và của các Giám mục Hoa kỳ để đón nhận những cuộc gặp gỡ mật thiết với Đức Kitô với lòng sùng kính nhiệt thành, tâm hồn chúng ta được canh tân và biến đổi bởi tình yêu và Lòng Thương Xót vô biên của Người trong Bí tích Thánh Thể. Và sau mỗi Thánh Lễ chúng ta trở thành những nhà tạm sống động đem Chúa Thánh Thể vào thế gian qua những việc làm thương xót của mình.

Câu Hỏi Để Suy Nghĩ

  1. Bạn có thói quen lần Chuỗi Thương Xót không ? Nếu có thì mục đích của bạn khi lần Chuỗi Thương Xót là gì ?
  2. Tại sao Chúa Giêsu lại than phiền rằng, “Chúng để Ta một mình và bận rộn với những việc khác. Chúng coi Ta như một vật vô tri” ? Có khi nào bạn để Chúa một mình sau khi rước Lễ không ? Bạn sẽ dốc lòng đốu xử với Chúa ra sao sau khi rước Lễ ?
  3. Mục đích của các “nhà tạm” là gì ? Bạn phải làm gì để trở nên một “nhà tạm” sống động của Chúa giữa trần gian ?