Linh đạo Thánh Thể của Linh mục – Bài 3

Dưới đây là tóm tắt từng bài huấn đức trong bốn bài của Đức Cha Daniel Flores, Chủ Tịch Ủy Ban Tín Lý của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Bốn bài huấn đức này tập trung vào linh đạo Thánh Thể của Linh mục. Ngài mời gọi các Linh mục gặp gỡ nơi Bí tích Thánh Thể nguồn mạch canh tân cho ơn gọi Linh mục của các ngài. Ngoài ra, Bí tích Thánh Thể cũng là một phần không thể thiếu được trong sứ mệnh thúc đẩy tinh thần đồng trách nhiệm trong giáo xứ giữa các tín hữu đã được rửa tội. Các video này được McGrath Institute for Church Life thực hiện và đăng trên YouTube. Loạt bài này này tóm tắt những điểm chính của Đức Cha Flores trong mỗi video.

Trong chương trình Phục hưng Thánh Thể Năm Thứ Nhất, Tiểu ban Phục hưng Thánh Thể của HĐGMHK đề nghị các Linh mục suy niệm về các bài gỉảng này dựa trên phương pháp Lectio Divina khi xem từng video. Các Giám mục tha thiết yêu cầu các Linh mục bỏ ra chút ít thì giờ để xem những video này vì nó là nền tảng cho công trình Phục hưng Thánh Thể của giáo xứ.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Bài 3 – Bày Tỏ Đức Kitô:  Dâng Lễ vật đến Kinh Tạ Ơn

Câu hỏi thứ ba tôi muốn khám phá một chút là tự hỏi đây là cách biểu hiện nào khi chúng ta bước vào chuyển động từ Dâng lễ đến Kinh nguyện Thánh Thể và việc trỉnh bày Đức Kitô Thánh Thể cho dân chúng, cả lúc truyền phép và kinh Chiên Con Thiên Chúa. (Đức Cha Flores).

Theo Đức Cha Flores thì việc bày tỏ Đức Kitô trong cuộc cử hành Thánh Lễ, đặc biệt từ phần Dâng lễ đến Kinh nguyện Thánh Thể, và việc trình bày Đức Kitô Thánh Thể cho dân chúng gắn liền một cách mật thiết với việc Truyền Phép và Kinh Chiên Thiên Chúa. Đây là một chuyển động sâu xa mời gọi chúng ta suy tư và hiểu biết.

Các Giáo phụ thường nói đến sự tỏ mình ra của Đức Kitô, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nhìn thấy Đức Kitô chịu đóng đinh như một minh chứng cho tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Chính nhờ Hy Tế của Đức Kitô trên Thập giá mà chúng ta hiểu được tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho chúng ta, như được diễn tả trong Thư gửi tín hữu Rôma.

Sự Hiểu Biết Thiêng Liêng về Hy Tế của Đức Kitô

Tuy nhiên, việc thấu triệt được sự hiểu biết thiêng liêng này về Đức Kitô chịu đóng đinh và sự hiện diện Phục sinh của Người trong Bí tích Thánh Thể đòi hỏi nhiều điều hơn là sự hiểu biết đơn thuần trí tuệ; nó đòi hỏi một sự hiểu biết tâm linh để chuẩn bị cho chúng ta một đáp trả sâu xa hơn. Sự hiểu biết tâm linh này vượt xa kiến thức sách vở và đi sâu vào bản chất của những gì chúng ta cảm nhận được khi nhìn thấy Đức Kitô chịu đóng đinh và Phục sinh trong Bí tích Thánh Thể.

Sự tỏ hiện mà chúng ta chứng kiến trong cử hành Thánh Lễ nhằm khơi dậy sự đáp trả, dẫn chúng ta đến việc tham gia tích cực vào sứ vụ của Đức Kitô. Sự tham gia này bao gồm cả việc lãnh nhận Thánh Thể và việc được sai đi để chia sẻ sứ điệp tình yêu của Đức Kitô với người khác.

Phụng vụ Lời Chúa đóng một vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị chúng ta cho sự biểu lộ này. Nó bao gồm toàn bộ lịch sử của dân Israel và giáo huấn của các Tông đồ, hướng dẫn chúng ta hiểu biết sâu xa hơn về tình yêu của Thiên Chúa và mong ước hiệp thông với chúng ta của Ngài. Qua phụng vụ Lời Chúa, chúng ta được gíao huấn về ân sủng, giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa Hy Tế của Đức Kitô và đáp lại lời mời gọi của Người với một tâm hồn rộng mở.

Hình ảnh ông Môsê đi vào đám mây là một ẩn dụ hướng dẫn cho hành trình tìm hiểu mầu nhiệm Thánh Thể của chúng ta. Trong khi mầu nhiệm này vượt quá tầm hiểu biết của con người, chúng ta được mời gọi thu thập những hiểu biết sâu xa giúp chúng ta đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Bằng cách để cho hành động yêu thương cao cả của Đức Kitô thấm nhập vào tâm hồn chúng ta, chúng ta trở thành người nhận được ân sủng của Ngài và được trao quyền để chia sẻ tình yêu phi thường này với người khác.

Lời mời tham gia vào mầu nhiệm Thánh Thể này không phải là một lời mời thụ động mà là một lời mời chủ động. Nó mời gọi chúng ta dấn thân vào mầu nhiệm Hy sinh và Phục sinh của Đức Kitô, để cho tình yêu của Người biến đổi chúng ta từ bên trong. Khi chúng ta đắm mình trong phụng vụ và suy niệm Lời Chúa, chúng ta được lôi kéo vào mối quan hệ sâu đặm hơn với Đức Kitô, trở thành những người tham gia tích cực vào sứ vụ yêu thương và cứu rỗi của Người.

Những Dấu Chỉ Bí Tích về Sự Hiện Diện của Đức Kitô

Sự tỏ lộ của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể có tính bí tích, nghĩa là nó được truyền đạt qua các dấu chỉ hướng đến một thực tại sâu xa hơn. Cạnh sườn bị thương của Đức Kitô, như được Thánh Gioan mô tả, tượng trưng cho sự tuôn đổ ân sủng qua các Bí tích Rửa tội và Thánh Thể. Dòng ân sủng liên tục này nuôi dưỡng và nâng đỡ Hội Thánh, nhắc nhở chúng ta rằng Hy Tế của Đức Kitô không phải là một sự kiện trong quá khứ mà là một thực tại trong hiện tại nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta.

Trong việc cử hành Thánh Lễ, Hội Thánh được nuôi dưỡng bằng Hy Tế duy nhất của Đức Kitô, hiện tại hoá việc máu và nước cứu rỗi chảy ra từ cạnh sườn bị thương của Người. Cuộc gặp gỡ bí tích này với Hy Tế của Đức Kitô mời gọi chúng ta thông phần vào sự sống thần linh của Người, củng cố đức tin của chúng ta và đào sâu sự hiệp thông của chúng ta với Người.

Hành Vi Tự Hiến: Phản Ánh Tình Yêu của Thiên Chúa

Trọng tâm của mầu nhiệm Thánh Thể là hành vi tự hiến, phản ánh chính bản chất tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa mạc khải chính Ngài là mẫu mực của tình yêu vị tha qua món quà của Con Ngài, Đấng hiến mình để cứu rỗi nhân loại. Hành động tự hiến này tóm gọn bản chất của Thiên Chúa cùng mời gọi chúng ta nhận ra và đáp lại tình yêu vô biên của Ngài.

Trong việc cử hành Thánh Lễ, chúng ta gặp mầu nhiệm sâu xa về tình yêu tự hiến của Thiên Chúa, khi Đức Kitô hiến mình hoàn toàn cho phần rỗi của thế gian. Hành động yêu thương hy sinh này mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận ân sủng của Người, để tình yêu của Người biến đổi chúng ta và trao quyền cho chúng ta để chia sẻ món quà đặc biệt này với người khác.

Những Hiểu Biết Thánh Kinh về Việc Cử Hành Thánh Lễ

Hình ảnh Thánh Kinh, chẳng hạn như dụ ngôn người con hoang đàng, cung cấp những hiểu biết sâu sắc có giá trị về việc cử hành Thánh Lễ. Sự vắng mặt của người con cả trong dụ ngôn làm nổi bật nhu cầu hiểu biết sâu xa hơn và thể hiện tình yêu của người cha. Tương tự như vậy, Đức Kitô, với tư cách là Trường Tử trong mọi loài thụ tạo, là hiện thân của tấm lòng của Chúa Cha và tìm kiếm những người hư mất, dâng hiến mạng sống của mình làm của lễ để hòa giải nhân loại với Thiên Chúa.

Những câu chuyện ngụ ngôn, những lời giảng dạy và hành động của Đức Kitô được ghi lại trong các Tin Mừng làm sáng tỏ bản chất sứ vụ của Người và ý nghĩa của sự hy sinh của Người. Qua những hiểu biết sâu xa về Thánh Kinh này, chúng ta hiểu rõ ràng hơn về việc cử hành Thánh Lễ và quyền năng biến đổi của nó trong cuộc sống của chúng ta.

Lời Mời Đến Gần với Lòng Tin Tưởng

Là linh mục và tín hữu, chúng ta có đặc ân được gần gũi với mầu nhiệm Thánh Thể, tuy nhiên đôi khi chúng ta có thể cảm thấy xa cách vì những yếu đuối và thiếu sót của con người. Bất chấp sự bất toàn của chúng ta, chúng ta được kêu gọi khuyến khích người khác đến gần Đức Kitô với lòng tin tưởng, tín thác vào lòng thương xót và tình yêu vô biên của Người.

Sự tự hiến hoàn toàn của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể xua tan mọi ý niệm oán giận hay do dự, mời gọi chúng ta đón nhận tình yêu của Người một cách trọn vẹn. Khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhận quyền năng biến đổi của tình yêu Thiên Chúa, để tình yêu ấy nuôi dưỡng chúng ta và biến chúng ta thành những môn đệ truyền giáo trên thế gian.

Kết luận

Sự tỏ hiện của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể mời gọi chúng ta bước vào một cuộc gặp gỡ sâu đặm với tình yêu của Thiên Chúa. Nhờ sự hiểu biết thiêng liêng, các dấu chỉ bí tích và những hiểu biết sâu xa về Thánh Kinh, chúng ta được dẫn dắt đến việc tham gia tích cực vào công cuộc cứu rỗi của Đức Kitô. Khi chúng ta hành trình từ Dâng Lễ đến Kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhận quyền năng biến đổi của tình yêu Thiên Chúa, để nó nuôi dưỡng chúng ta và trao quyền cho chúng ta chia sẻ mầu nhiệm phi thường này với thế gian.