Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 69 : Chuẩn bị Rước Lễ

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 1 tháng 5 năm 2024

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

“Mình Thánh Đức Kitô.” “Amen.” Khi chúng ta tiếp tục thảo luận về việc Rước Lễ, chúng ta xét đến việc ai có thể Rước Lễ. Giáo phận Peoria nhắc nhở chúng ta rẳng: “Việc Rước Lễ dành cho tất cả những ai sẵn sàng đón nhận Người. Để có thái độ đúng đắn, chúng ta phải là người Công giáo, trong tình trạng ân sủng và đã ăn chay một giờ trước khi Rước Lễ” (A Study of the Mass trang, 19).

Một Dấu Chỉ Hiệp Nhất

Tại sao phải là người Công giáo? Việc Rước Lễ là dấu chỉ đầy đủ nhất của sự hợp nhất Kitô giáo. Như chúng tôi đã nói trước đây, việc đón nhận Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể kết hợp chúng ta với Người. Vì chỉ có một Đức Kitô duy nhất nên Người liên kết chúng ta lại với nhau thành một. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu một người tin Chúa Giêsu thật sự hiện diện được Rước Lễ trong khi một người khác chỉ tin vào sự hiện diện cách biểu tượng cũng được Rước Lễ? Đó sẽ là một vấn đề. Đó là việc hai người bày tỏ một dấu chỉ hợp nhất bề ngoài nhưng không phải là sự hợp nhất thực sự. Sự hợp nhất giả tạo này không tôn trọng sự hiện diện thật của Chúa Giêsu, cũng như sự hợp nhất mà Người đã cầu nguyện trong Bữa Tiệc Ly. Đó là lý do tại sao việc Rước Lễ trước tiên chỉ giới hạn cho những ai tin rằng Đức Kitô thực sự hiện diện: Mình và Máu, Linh hồn và Thiên Tính. Vì đây là đức tin Công giáo, nên người Công giáo (cũng như các Giáo hội Công giáo Chính thống và Đông phương duy trì các Bí tích hợp lệ và tin rằng Đức Kitô thực sự hiện diện) đều đủ điều kiện để Rước Lễ. Ngoài ra, việc chỉ cho người Công giáo Rước Lễ bảo vệ sự toàn vẹn của những người ngoài Công giáo. Khi Rước Lễ, trước tiên chúng ta nghe: “Mình Thánh Đức Kitô”. Chúng ta thưa “Amen”, hàm ý rằng chúng ta tin rằng Mình và Máu Chúa Giêsu thực sự hiện diện và chúng ta mong muốn được đón nhận Người. Đối với những người ngoài Công giáo không tin rằng Đức Kitô thực sự hiện diện, việc Rước Lễ sẽ mâu thuẫn với đức tin của họ. Họ thưa “Amen” trước một câu nói mà họ không tin. Vì vậy, việc không cho họ Rước Lễ thực sự là tôn trọng niềm tin của họ.

Chuẩn Bị Rước Lễ

Tại sao chúng ta phải ở trong tình trạng ân sủng mới được Rước Lễ? Nói một cách đơn giản, bởi vì Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể là Thiên Chúa – hoàn hảo, thánh thiện và tình yêu trọn vẹn. Rước nhận Người trong tình trạng tội lỗi là xúc phạm đến lòng nhân từ của Người. Cha Charles Belmonte dạy: “Chúng ta không bao giờ dám lãnh nhận Bí tích Thánh Thể trong tình trạng mắc tội trọng. Làm như vậy là lạm dụng một cách phạm thánh lòng thương xót của Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu nông cạn và giả tạo, dựa trên tình cảm đơn thuần, mới có thể đưa chúng ta đến một hành động đáng ghê tởm như vậy. Sự ngược đãi Bí tích này là một xúc phạm nghiêm trọng chống lại Thiên Chúa. Lời cảnh báo của Thánh Phaolô về vấn đề này khá rõ ràng: ‘bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình’ (1 Cor 11:27–29). […] Vì vậy, chúng ta không thể—và không được—rước Chúa với một tâm hồn bị nhơ nhớp tội lỗi. Nếu chúng ta nhận ra mình phạm một tội trọng, dù có vẻ ăn năn, chúng ta không thể lên Rước Lễ mà không xưng tội trước” (Understanding the Mass, trang 182–3).

Tương tự, Cha Belmonte lưu ý rằng Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dạy rằng “Hai bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể vẫn liên kết chặt chẽ với nhau. Nếu không liên tục hoán cải và đón nhận ơn tha thứ của bí tích Hoà Giải, việc tham dự Bí tích Thánh Thể sẽ không đạt được hiệu quả cứu chuộc trọn vẹn… Không những chỉ Bí tích Sám hối dẫn đến Bí tích Thánh Thể, mà Bí tích Thánh Thể cũng dẫn đến Bí tích Sám hối. Vì khi chúng ta nhận ra ai là người mà chúng ta Rước Lễ, thì hầu như tự nhiên chúng ta thấy mình bất xứng, cùng với sự đau buồn về tội lỗi của mình và nhu cầu cần được thanh tẩy nội tâm” (Understanding the Mass, tr. 184; Đức Gioan Phaolô II, Thư Thứ Năm Tuần Thánh [1986], 8; DC, 7). Đương nhiên, chúng ta biết mình không xứng đáng nhận được món quà tuyệt vời như vậy, nhưng chúng ta buộc phải cố gắng hết sức để chuẩn bị tốt nhất có thể. Đó là lý do tại sao việc thường xuyên lãnh nhận Bí tích Hòa giải và cố gắng sống trong tình trạng ân sủng là điều rất quan trọng.

Đói khát Thiên Chúa

Tại sao phải ăn chay một giờ trước khi Rước Lễ? Khi ăn chay, chúng ta sẽ đói. Khi chúng ta ăn nhiều, dù đó là món ưa thích thì chúng ta cũng không muốn ăn thêm. Ăn chay là một cách đã có từ lâu đời để làm gia tăng sự đói khát, trong trường hợp này là đối với Thiên Chúa hằng sống. Cơn đói nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta về khao khát được no nê, khao khát được thỏa mãn cơn đói của mình. Điều này có tác dụng đối với thể xác nhưng cũng có tác dụng đối với tâm hồn. Khi chúng ta “dọn sạch” khoảng trống trong lòng mình bằng việc ăn chay, chúng ta nhận ra rằng khoảng trống đó cần được Chúa lấp đầy. Như Thánh Augustinô từng nói một câu thời danh, Đấng duy nhất thực sự có thể lấp đầy cơn đói ấy là Thiên Chúa (“Tâm hồn chúng con không nghỉ ngơi cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”). Ăn chay một giờ giúp đảm bảo rằng chúng ta tập trung tốt hơn vào Chúa để nuôi dưỡng chúng ta và sẵn sàng đón nhận Người khi Rước Lễ. Việc ăn chay trước Thánh Lễ thường bao gồm thức ăn và đồ uống không cần thiết như rượu, nước ngọt, v.v. Được phép uống nước lã cũng như thuốc. Những người bị bệnh nặng (ở bệnh viện, viện dưỡng lão, ở nhà) và những người chăm sóc họ, được miễn ăn chay. Chẳng hạn, một người trong bệnh viện đang ăn trưa khi Linh Mục đến được phép Rước Lễ. Điều tương tự cũng đúng với một y tá vừa kết thúc giờ nghỉ trưa khi Linh Mục đến.

Sau khi đã ôn lại việc chuẩn bị Rước Lễ cho đúng cách, lần tới chúng tôi sẽ bàn về các hướng dẫn chính thức về việc Rước Lễ. Những hướng dẫn này tiếp tục nhấn mạnh đến đức tin của chúng ta vào Sự Hiện Diện Thật Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể và cung cấp hướng dẫn cho những người thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau có thể tham dự Thánh Lễ.

Đề Nghị để Suy Nghĩ và Thảo Luận:

  1. Hãy xem lại cách bạn chuẩn bị cho những sự kiện quan trọng trong thói quen hàng ngày hoặc hàng tuần của bạn. Hãy ý thức hơn về mục đích của việc ăn chay trước khi Rước Lễ bằng cách chủ ý lựa chọn cách bạn dành thời gian đó trước Thánh Lễ.
  2. Hãy cầu nguyện theo lời Thánh Phaolô trong 1 Cor 11:17–34. Hãy nghĩ đến những bước bạn có thể làm để chuẩn bị đón nhận món quà Thánh Thể một cách xứng đáng hơn.