Khám Phá Căn Tính Thật Sự của Chúng Ta trong Thiên Chúa
Một trong bốn trụ cột của Năm Truyền Giáo là “Khuyến khích các môn đệ truyền giáo giữ chặt căn tính thực sự của họ là con cái yêu dấu của Chúa Cha qua mối quan hệ của họ với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể”. Trước khi đào sâu về căn tính Thánh Thể, điều tiên quyết là phải hiểu câu hỏi rộng hơn về căn tính của chúng ta. Trong thế giới ngày nay, khái niệm về căn tính đã trở thành chủ đề chính trong những cuộc hội thoại về văn hóa. Có vẻ như mọi cuộc đàm thoại, dù giữa các chính trị gia, các người nổi tiếng hay các triết gia, cuối cùng đều quay trở lại câu hỏi: “Chúng ta là ai và chúng ta đáng lẽ phải là ai?” Việc khám phá căn tính này không chỉ là một xu hướng phổ biến; đó là một hành trình sâu sắc mang tính cá nhân, chạm đến cốt lõi của con người chúng ta và cách chúng ta nhận thức về chỗ đứng của mình trên thế giới. Nhưng con đường để hiểu được căn tính thật sự của chúng ta thường đầy nhầm lẫn, đặc biệt là khi chúng ta dựa vào những nguồn sai lầm để tìm kiếm câu trả lời.
Ảo Tưởng về Căn Tính Giả
Nhiều người trong chúng ta đã dành phần lớn cuộc đời để ôm lấy những căn tính giả, dù là cố ý hay vô tình. Thắc mắc về căn tính là một phần không thể thiếu trong tiến trình trưởng thành. Chúng ta không tránh khỏi những so sánh như “Tôi thông minh hay ngu ngốc hơn? Tôi đẹp hay xấu hơn?” Tuy nhiên, nhiều người chưa bao giờ thực sự bằng lòng với chính mình mà luôn so sánh mình với người khác. Một số cha mẹ so sánh con cái mình với những đứa trẻ khác và mong con họ trở nên giống con cái nhà hàng xóm. Một số người chồng hay vợ cũng so sánh bạn đời của mình với người khác và không bao giờ chấp nhận căn tính thật của người ây. Những so sánh này dần dần định hình cách chúng ta nhìn nhận về bản thân và những người thân yêu của mình, đồng thời cũng là căn nguyên của những đổ vỡ trong gia đình. Khi làm như thế, chúng ta tìm kiếm căn tính giả và đánh mất cơ hội chấp nhận căn tính thật của chính mình và của những người thân yêu trong Thiên Chúa.
Chúng ta thường đầu tư thì giờ và năng lực vào những căn tính không phản ánh đúng con người thật của mình. Những căn tính này có thể dựa trên kỳ vọng xã hội, vai trò chúng ta cảm thấy áp lực phải đảm nhận, hoặc thậm chí là những sai lầm trong quá khứ. Tuy nhiên, vấn đề với những căn tính giả này là chúng làm cho chúng ta mất tập trung vào việc khám phá con người thật mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở thành..
Cuộc Gặp Gỡ Dẫn Đến Căn Tính Thật Sự
Hành trình để hiểu được căn tính thật sự của chúng ta bắt đầu bằng một cuộc gặp gỡ—một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Không những chỉ để biết mình là ai, mà là khám phá ra mình là ai trong mối quan hệ với Ngài. Khi chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa một cách rõ ràng, điều ấy sẽ làm cho sự mật thiết của chúng ta với Ngài được bén rễ thật sâu, từ đó định hình nên căn tính của chúng ta. Và căn tính này không chỉ là một nhãn hiệu hay một vai trò khác. Đó đó là một ơn gọi chạm đến chính bản chất của con người chúng ta.
Trong nền văn hóa hiện đại, căn tính thường trình bày hình như một vấn đề của việc tự khám phá. Chúng ta được khuyến khích hướng nội, “theo tiếng nói của con tim” và xác định chính mình dựa trên ước muốn và cảm xúc của mình. Mặc dù việc tự phản ảnh có một phần nào giá trị, nhưng việc chỉ dựa vào nội tâm của mình để xác định căn tính có thể gây ra hiểu lầm. Trái tim chúng ta có thể xung đột, mong muốn của chúng ta có thể mâu thuẫn và cảm xúc của chúng ta có thể phù du. Việc tập trung vào bên trong này có nguy cơ dẫn đến nhầm lẫn, khi chúng ta cố gắng hòa hợp các khía cạnh khác nhau của cá tính, kinh nghiệm và nguyện vọng của mình.
Thánh Augustinô, trong cuốn Tự Thú của ngài, đã mô tả một cách hùng hồn cuộc đấu tranh nội tâm này. Ngài nói về việc “bị phân tâm trong đời tôi”, ở đó những suy nghĩ và mong muốn của ngài lôi kéo ngài theo những hướng khác nhau, xé nát lòng ngài. Sự hỗn loạn này là điều mà nhiều người trong chúng ta có thể liên tưởng đến. Khi nhìn vào bên trong, chúng ta thường thấy những khuyết điểm, lỗi lầm và tội lỗi của mình rõ ràng hơn bất kỳ điều gì khác. Và sự cám dỗ là để cho những khía cạnh tiêu cực này xác định con người chúng ta.
Nguy Cơ của việc Nhìn Vào Bên Trong và Chiều Ngang
Nếu nhìn vào bên trong chưa đủ, một cách tiếp cận phổ biến khác là nhìn chiều ngang—để đặt nền tảng cho căn tính của chúng ta dựa vào các mối quan hệ, thành công và ý kiến của người khác. Đương nhiên, các mối quan hệ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, trong khi những mối quan hệ này góp phần tạo nên căn tính của chúng ta, thì chúng không phải là nguồn cuối cùng.
Việc dựa vào các mối quan hệ để có được ý thức về bản thân có thể là vấn đề vì các mối quan hệ trần thế rất mong manh và hữu hạn. Chúng có thể thay đổi, kết thúc hoặc mất đi, khiến chúng ta cảm thấy lạc lõng nếu chúng ta chỉ đóng cọc căn tính của mình vào chúng. Chẳng hạn trường hợp của một người mà mẹ người ấy vừa qua đời. Nếu căn tính của người ấy hoàn toàn dựa trên mối quan hệ với mẹ, nỗi đau buồn của người ấy sẽ vô cùng lớn lao, không còn cảm thấy có nơi nương tựa vững chắc. Tuy nhiên, vì căn tính của người ấy bắt nguồn từ một điều gì đó lớn lao hơn—mối quan hệ của người ấy với Thiên Chúa—nên người ấy có thể tìm thấy sức mạnh và sự bình yên ngay cả trong lúc đau buồn của mình.
Hơn nữa, khi chúng ta đặt nền tảng cho căn tính của mình dựa vào những thành tựu, thành công hoặc địa vị xã hội, chúng ta chắc chắn sẽ trải qua sự bất mãn. Những điều thuộc về thế gian này, mặc dù một cách nào đó có giá trị, nhưng cuối cùng không thể đáp ứng được những nhu cầu sâu xa nhất của chúng ta. Kevin Hart, diễn viên hài nổi tiếng, đã vô tình làm nổi bật sự thật này trong một cuộc phỏng vấn. Ông đã nói về cách ông đã đấu tranh để vượt qua quá trình trưởng thành khó khăn ở Philadelphia ngõ hầu đạt được thành công, chỉ để nhận ra rằng thành công đơn thuần không thể mang lại sự viên mãn mà ông tìm kiếm. Nhận thức này chỉ đến một sự thật rộng lớn hơn: thành công vật chất, lời khen ngợi và thành tựu thế gian chỉ là phù vân và không bao giờ có thể thỏa mãn hoàn toàn khát vọng của chúng ta về căn tính và mục đích.
Lời Mời Gọi Nhìn Theo Chiều Dọc
Như vậy, nếu nhìn vào bên trong và chiều ngang chưa đủ thì chúng ta phải hướng về đâu để tìm thấy căn tính thật sự của mình? Câu trả lời nằm ở việc nhìn chiều dọc—hướng về Thiên Chúa. Căn tính của chúng ta cuối cùng được tìm thấy trong mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Khi chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa một cách rõ ràng, điều đó dẫn đến sự mật thiết sâu xa hơn với Ngài, từ đó tỏ lộ căn tính thật sự của chúng ta. Một khi chúng ta hiểu căn tính của mình trong Thiên Chúa, nó sẽ biến đổi cách chúng ta sống, di chuyển và tương tác với thế gian.
Những lời của Thánh Augustinô đã tóm lược một cách tuyệt đẹp việc tập trung theo chiều dọc này. Sau khi bày tỏ sự hỗn loạn bên trong của mình, ngài nói về việc được “thanh tẩy và tan chảy trong ngọn lửa tình yêu [của Thiên Chúa]”. Hình ảnh này nhắc nhở chúng ta rằng khi chúng ta hướng về Thiên Chúa, Ngài sẽ thanh tẩy chúng ta, kết hợp mọi phần khác biệt trong cuộc sống của chúng ta và mang đến cho chúng ta cảm giác bình yên và mục đích mà chúng ta không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Trong Thiên Chúa, chúng ta khám phá ra rằng mình là những người con yêu dấu của Ngài—những người con được kêu gọi sống trong sự hiệp thông với Ngài. Căn tính này không thể lay chuyển, bất kể hoàn cảnh hay sai lầm trong quá khứ của chúng ta.
Sống Căn Tính của Chúng Ta trong Thiên Chúa
Hiểu được căn tính của chúng ta trong Thiên Chúa không chỉ là một bài tập trí tuệ; nó có những tác động thực tế, hữu hình đến cuộc sống của chúng ta. Nó thay đổi cách chúng ta nhận thức về bản thân, cách chúng ta tương tác với người khác và cách chúng ta tiếp cận thế giới. Khi chúng ta biết mình là ai trong Thiên Chúa, chúng ta được Ngài ban cho khả năng để sống theo ơn gọi của mình với lòng tin tưởng, khiêm nhường và ý thức về sứ mệnh của mình.
Để minh họa cho điều này, ông Chris Frank đã chia sẻ một câu chuyện cá nhân. Vài năm trước, ông được mời đến nói chuyện tại một nhà thờ. Đó là một trong những ngày hỗn loạn ở nhà ông, với các con ông đã cư xử rất bất nhã và vợ ông thì ngập đầu vì việc gia đình. Để giảm bớt gánh nặng cho vợ, ông quyết định đưa cô con gái sáu tuổi của ông là Eden, đến buổi thuyết trình cùng ông, mặc dù cô bé không thích ý tưởng này.
Khi hai bố con đến địa điểm, Eden vẫn còn bất mãn. Ông đặt em ngồi trên một chiếc ghế ở phía sau phòng và hy vọng điều tốt nhất trong khi ông nói chuyện. Sau bài nói chuyện, đến buổi Chầu Thánh Thể. Khi hai bố con quỳ xuống cầu nguyện, ông nhận thấy Eden đang chằm chằm nhìn ông, dường như đang chìm trong suy nghĩ. Sau đó, em cúi xuống và thì thầm vào tai ông, “Mọi người đã lắng nghe bố!”
Những lời em nói khiến ông ngạc nhiên. Ông không ngờ rằng em đã chú ý, chứ đừng nói đến việc bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm này. Nhưng vào lúc đó, có một điều gì đã thay đổi trong nhận thức của em về ông. Những nỗi thất vọng mà em cảm thấy trước đó dường như tan biến, thay vào đó là sự tôn trọng và tình cảm mới được tìm thấy. Em đã nhìn ông dưới một cái nhìn khác—một cái nhìn đã thay đổi thái độ và hành vi của em, ít nhất là vào buổi tối hôm ấy.
Khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng án tượng này với con gái ông đã nhắc nhở ông về sức mạnh biến đổi của việc nhận ra một ai đó dưới một cái nhìn mới, đặc biệt là khi vị ấy là Thiên Chúa. Nếu nhận thức của con gái ông về ông, với tất cả những khiếm khuyết và sự bất toàn của ông, có thể thay đổi sâu xa như vậy, thì cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi nhiều biết bao khi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và nhận ra Ngài thực sự là ai?
Một Con Đường Mới để Tiến Bước: Chấp Nhận Căn Tính của Chính Mình trong Thiên Chúa
Cuộc hành trình khám phá căn tính thật sự của chúng ta không phải là một cuộc hành trình dễ dàng. Điều này đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những căn tính hời hợt mà chúng ta đã xây dựng cho chính mình, hay những ý kiến và kỳ vọng của người khác, và chống lại cám dỗ để những sai lầm trong quá khứ xác định chúng ta. Thay vào đó, chúng ta được mời gọi ngước lên—hướng mắt về Thiên Chúa và để tình yêu của Ngài hình thành sự hiểu biết của chúng ta về con người mình.
Khi chấp nhận căn tính của mình nơi Thiên Chúa, chúng ta tìm thấy mục đích và ý nghĩa vượt trên hoàn cảnh của mình. Chúng ta không còn bị xác định bởi những thành công hay thất bại, các mối quan hệ của mình hay ý kiến của người khác. Thay vào đó, chúng ta được xác định bởi mối quan hệ của mình với Thiên Chúa, Đấng gọi chúng ta là của riêng của Ngài. Căn tính này mang đến cho chúng ta sức mạnh để đối diện với những thách đố của cuộc sống một cách tin tưởng và sống theo ơn gọi của mình với niềm vui và mục đích.
Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thấy chân lý này được thể hiện trong cuộc sống của các Tông đồ, đặc biệt là trong cuộc đời của Thánh Gioan, người được biết đến như một môn đệ mà Chúa Giêsu yêu thương. Căn tính của Thánh Gioan không dựa trên những thành tựu hay địa vị của ngài, mà dựa trên mối quan hệ mật thiết của ngài với Chúa Giâsu. Mối quan hệ này đã hình thành toàn thể cuộc đời ngài, từ cách ngài sống đến cách ngài phục vụ người khác. Và chính sự gần gũi này với Chúa là điều chúng ta được kêu gọi vun đắp trong cuộc sống của mình.
Kết luận: Hành Trình Liên Tục của Căn Tính
Khi chúng ta hành trình qua sự phức tạp của căn tính trong thế giới ngày nay, chúng ta phải nhớ rằng căn tính thật sự của chúng ta không phải là điều chúng ta tự tạo ra hoặc khám phá. Đó là một món quà từ Thiên Chúa, được tỏ lộ qua mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Và khi lớn lên trong sự gần gũi với Thiên Chúa, sự hiểu biết của chúng ta về căn tính của mình sẽ sâu sắc hơn, hướng dẫn chúng ta trong cách chúng ta sống, yêu thương và phục vụ trên thế gian.
Hành trình khám phá căn tính thật sự của chúng ta trong Thiên Chúa vẫn đang tiếp diễn. Nó đòi hỏi chúng ta phải liên tục quay về với Ngài, tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài và để tình yêu của Ngài hình thành mọi bình diện trong cuộc sống của mình. Khi làm như thế, chúng ta sẽ tìm thấy cảm giác bình an, mục đích và niềm vui siêu việt mọi sự thuộc về thế gian này.
Câu hỏi để Suy Nghĩ
- Làm thế nào để tôi có thể phân biệt và buông bỏ những căn tính giả mà xã hội, các mối quan hệ, hoặc chính tôi đã tạo nên, để hướng về căn tính đích thực của mình là con cái yêu dấu của Thiên Chúa?
- Trong những lúc tôi gặp khó khăn hay bối rối, tôi có hướng về Thiên Chúa để củng cố căn tính của mình, hay tôi dễ dàng bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác và các yếu tố bên ngoài? Làm sao tôi có thể thay đổi điều này để sống gần gũi hơn với căn tính của mình trong Thiên Chúa?
- Tôi có nhận thấy những khía cạnh trong đời sống của mình được biến đổi khi tôi khám phá và sống căn tính của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa không? Điều này ảnh hưởng thế nào đến các mối quan hệ của tôi và cách tôi phục vụ người khác?
Phaolô Phạm Xuân Khôi
Viết dựa theo Phấn I của Eucharistic Encounter + Eucharistic Identity Webinar