Tóm Tắt Sắc Chỉ Spes Non Confundit

Công Bố Năm Thánh Thường Lệ 2025 Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Ngày 9 tháng 5 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Sắc Chỉ công bố Năm Thánh 2025 với tựa đề “Spes non confundit – Hy vọng không làm chúng ta thất vọng” (Rm 5:5). Sắc Chỉ này tái khẳng định vị trí trung tâm của Đức Cậy trong đời sống Kitô hữu, nhấn mạnh đến cam kết của Hội Thánh trong việc là hiện thân và rao giảng niềm hy vọng vững bền bắt nguồn từ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.  Bài này tóm tắt những điểm chính trong từng phần của Sắc Chỉ.  Muốn xem bản dịch toàn thể Sắc Chỉ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, xin nhấn vào đây.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Spes Non Confundit. “Hy vọng không làm chúng ta thất vọng” (Rm 5:5) nhắc nhở các tín hữu về niềm hy vọng không hề chuyển lay vào Chúa Giêsu, là “cánh cửa” ơn cứu độ (x. Ga 10,7.9), và “niềm hy vọng của chúng ta” (x. 1 Tm 1,1). Người là Đấng mà Hội Thánh có nhiệm vụ không ngừng rao giảng, ở mọi nơi và cho tất cả mọi người.

Đặc biệt là trong Năm Thánh, Hội Thánh mời gọi những khách hành hương tìm thấy sức mạnh mới trong đức tin. Bất chấp những điều bấp bênh trong cuộc sống. Năm Thánh này cổ võ sự tin tưởng vào lòng nhân từ bền bỉ của Thiên Chúa, rút ​​ra từ Thánh Kinh để gợi hứng cho hòa bình và sự lạc quan vào tương lai.

Một lời hy vọng (2-4)

Trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô đã đi đến một thời điểm quan trọng khi ngài chuẩn bị đem Tin Mừng vào Rôma, trung tâm của đế quốc. Mặc dù không thành lập Hội Thánh ở đó, Thánh Phaolô cảm thấy một ơn gọi sâu xa để công bố sứ điệp về Cái Chết và sự Phục sinh của Đức Kitô như một niềm hy vọng phổ quát. Ngài giải thích rằng nhờ Chúa Giêsu, chúng ta tìm thấy sự bình an với Thiên Chúa và đến gần ân sủng. Đó là một hy vọng “không làm chúng ta thất vọng, vì tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần” (Rm 5:1-2, 5). Sứ điệp này hoàn thành những lời hứa xa xưa của Thiên Chúa, thiết lập nền tảng đức tin, tình yêu và vinh quang vượt mọi ranh giới.

Niềm hy vọng của Kitô hữu xuất phát từ tình yêu của Chúa Giêsu, được bày tỏ trên Thập giá. Ngay cả khi chúng ta xa lìa Thiên Chúa, Ngài vẫn hòa giải chúng ta qua cái chết của Chúa Giêsu, mang đến cho chúng ta sự sống mới trong Sự Phục sinh của Người. Sự sống này bắt đầu trong Bí tích Rửa tội, phát triển nhờ ân sủng và được đổi mới bởi Chúa Thánh Thần, Đấng duy trì niềm hy vọng trong Hội Thánh.

Thánh Phaolô dạy rằng cả vui mừng lẫn đau khổ đều củng cố niềm hy vọng (Rm 5:3-4). Tính kiên nhẫn, thường thiếu trong thế giới vội vã ngày nay, là một đức tính bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa, dẫn đến sự kiên trì và mối liên hệ sâu đậm hơn với nhau và với các thụ tạo.

Một cuộc hành trình hy vọng (5-6)

Cuộc hành trình của các Kitô hữu là cuộc hành trình hy vọng và kiên nhẫn, hướng đến một cuộc gặp gỡ sâu đặm với Thiên Chúa. Suy niệm về nguồn gốc của Năm Thánh, bắt đầu từ Năm Thánh đầu tiên năm 1300, chúng ta thấy một truyền thống bắt nguồn từ các hành động tha thứ và ân sủng, chẳng hạn như ơn tha thứ của Thánh Celestine V và ơn xá của Thánh Phanxicô ở Portiuncula. Thậm chí trước đó, Năm Thánh đã được cử hành ở những nơi như Santiago de Compostela, với lòng thương xót của Thiên Chúa trợ giúp các tín hữu trong cuộc hành hương của họ.

Trọng tâm của Năm Thánh là chính cuộc hành hương, tượng trưng cho việc tìm kiếm ý nghĩa tâm linh của nhân loại. Những người hành hương sẽ hành trình đến Roma trong Năm Thánh, đi trên những con đường cổ xưa và ghé thăm các nơi thánh như các hang toại đạo và Bảy Thánh Đường, ở đó họ được mời đón nhận sự giản dị, yên tĩnh và đổi mới qua Bí tích Hòa giải. Cuộc hành trình này thúc đẩy sự hợp nhất giữa các nền văn hóa, mang đến một trải nghiệm mãnh liệt về đức tin và sự phát triển tâm linh.

Hội Thánh Công giáo nhiệt thành mời các Kitô hữu thuộc các Hội Thánh Đông Phương tham gia, đặc biệt là những người phải đối diện với khó khăn vì đức tin của mình. Sự kiên cường của họ củng cố sứ điệp của Năm Thánh về niềm hy vọng và sự hiệp thông không hề lay chuyển.

Năm Thánh 2025, bắt đầu vào ngày 24 tháng 12 năm 2024, với việc mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, tiếp tục di sản tập trung vào lòng thương xót của Thiên Chúa, hướng đến kỷ niệm hai nghìn năm cứu chuộc của Đức Kitô vào năm 2033. Các Cửa Thánh khác sẽ mở vào đầu năm 2025, tượng trưng cho hành trình ân sủng và đổi mới. Khi các tín hữu tham gia vào Năm Thánh này, họ được mời gọi hiện thân cho niềm hy vọng và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trên khắp thế giới. Năm Thánh sẽ kết thúc vào ngày 6 tháng 1 năm 2026.

Những dấu chỉ của hy vọng (7-15)

Lời kêu gọi tìm thấy niềm hy vọng trong ân sủng của Thiên Chúa và các dấu chỉ của thời đại, như Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh, thách thức Hội Thánh giải thích các nhu cầu của thế giới dựa vào Tin Mừng. Qua việc phân định sự tốt lành và niềm khao khát Thiên Chúa thâm sâu của nhân loại, chúng ta biến những dấu chỉ này thành nguồn hy vọng giữa những nghịch cảnh.

Một dấu chỉ hy vọng mãnh liệt ngày nay là sự mong ước chung về hoà bình. Khi xung đột và bạo lực tàn phá các cộng đồng, mọi người ở khắp nơi phải chịu những khó khăn không thể tưởng tượng được. Năm Thánh mời gọi các nhà lãnh đạo và công dân toàn cầu đấu tranh cho hòa bình bằng sự táo bạo và ngoại giao, phấn đấu giải quyết các cuộc xung đột đang diễn ra. Lời mời gọi làm “con cái Thiên Chúa” (Mt 5:9), như những người kiến ​​tạo hòa bình, thách thức mọi người xây dựng những con đường hòa giải và chữa lành.

Nhìn về phía trước với niềm hy vọng cũng đòi hỏi một sự nhiệt tình mới đối với sự sống. Khi tỷ lệ sinh sản giảm sút vì bất ổn kinh tế, chủ nghĩa tiêu dùng và lo sợ về tương lai, xã hội phải khuyến khích việc sẵn sàng đón nhận sự sống và trách nhiệm làm cha mẹ. Các cộng đồng, chính phủ và các tín hữu phải cổ võ những chính sách giúp đỡ các gia đình, và cho phép những người trẻ hình dung và hiện thực hóa một tương lai có nhiều con cái, một dấu chỉ thực sự của niềm hy vọng và sức sống cho xã hội.

Cộng đồng Kitô giáo được kêu gọi trở thành hiện thân của niềm hy vọng cho những người bị thiệt thòi, đặc biệt là những người đang bị cầm tù. Năm Thánh khuyến khích các chính phủ thực hiện các chương trình ân xá, tha thứ và tái hòa nhập để khôi phục phẩm giá và hy vọng cho các tù nhân, tôn trọng nhân tính của họ trong khi vẫn bảo vệ công lý. Việc Đức Giáo hoàng lên kế hoạch mở Cửa Thánh trong nhà tù tượng trưng cho lòng thương xót của Thiên Chúa, mời gọi các tù nhân hướng về phía trước với một niểm hy vọng và sự biến đổi mới.

Sự chăm sóc đầy trắc ẩn đối với những người bệnh tật, già cả và khuyết tật là một dấu chỉ hy vọng sâu xa khác. Những việc làm thương xót đối với các bệnh nhân, dù tại gia hay bệnh viện, cũng như sự trợ giúp cách tôn trọng đối với các nhân viên y tế, thể hiện giá trị của nhân phẩm. Hội Thánh và xã hội cũng phải hỗ trợ những người khuyết tật, khẳng định giá trị của họ và cung cấp sự chăm sóc mà họ cần đến.

Những người trẻ, với những ước mơ và khát vọng của họ, là những dấu chỉ vô giá của hy vọng. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với những trở ngại như thất nghiệp, bất ổn và áp lực xã hội. Hội Thánh, đặc biệt là trong Năm Thánh, phải hỗ trợ và hướng dẫn họ, tán dương những tiềm năng của họ và cung cấp mục đích và những con đường để phát triển. Năng lực của họ, được thấy trong việc tình nguyện và đáp ứng với khủng hoảng, là một động lực mạnh mẽ cho sự thay đổi tích cực.

Những người di cư, tị nạn và những người tản cư cũng đại diện cho hy vọng, qua việc tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn, tránh xa bạo lực hoặc nghèo đói. Cộng đồng Kitô giáo được mời gọi chào đón họ một cách tôn trọng, cung cấp sự an toàn, việc làm và giáo dục để giúp họ hòa nhập. Giáo huấn của Tin Mừng, “Ta là khách lạ và các con đã tiếp đón Ta” (Mt 25:35), đóng vai trò nguyên tắc chỉ đạo để nâng đỡ những người tìm kiếm nơi ẩn náu.

Những người cao tuổi cũng đáng được xã hội tôn trọng, vì họ chứa đựng sự khôn ngoan và đức tin của nhiều thế hệ trước. Mối quan hệ giữa các thế hệ có thể củng cố cộng đồng, với ông bà truyền lại các giá trị cho gia đình họ, là những đơn vị sẽ trao tặng tình yêu thương và tình bạn.

Cuối cùng, hoàn cảnh của người nghèo, những người thường thiếu thốn các nhu cầu cơ bản, là lời kêu gọi hành động khẩn cấp. Mặc dù thường bị bỏ qua, họ vẫn là nhóm đa số bị đói khổ, bị loại trừ và thờ ơ. Năm Thánh nhắc nhở chúng ta về bổn phận phục vụ những người đang gặp khó khăn, chú ý đến những nỗi đau của họ và cam kết hành động với lòng trắc ẩn và công lý. Qua những hành động này, Hội Thánh nỗ lực phản ảnh tình yêu và hy vọng của Thiên Chúa dành cho thế giới.

Lời kêu gọi hy vọng (16-17)

Năm Thánh nhắc nhở rằng các nguồn tài nguyên của trái đất không chỉ dành cho một số ít người mà dành cho tất cả mọi người. Những người giàu có trách nhiệm chia sẻ rộng rãi, giải quyết nhu cầu của những người thiếu cả các nhu cầu cơ bản như thực phẩm và nước uống. Nạn đói là một bất công vô cùng, kêu gọi chúng ta thiết lập các sáng kiến ​​toàn cầu nhằm chấm dứt nạn đói và thúc đẩy sự phát triển lâu dài, đặc biệt ở các khu vực nghèo đói, để ngăn ngừa xung đột và cưỡng bức di cư.

Khi Năm Thánh đang đến gần, tôi khuyến khích các nước giàu có xóa nợ cho những nước không có khả năng trả nợ, coi đây không chỉ là hành động hào phóng mà còn là hành động công lý. Công lý này đặc biệt cấp bách khi xét đến khoản nợ sinh thái giữa Bắc và Nam toàn cầu, phát sinh từ việc khai thác tài nguyên và suy thoái môi trường. Thánh Kinh nhắc nhở chúng ta rằng trái đất thuộc về Thiên Chúa; do đó, chúng ta phải loại trừ bất công tận gốc rễ, giải quyết các khoản nợ nặng nề và đảm bảo không còn ai bị đói.

Năm Thánh cũng đánh dấu 1700 năm kể từ Công đồng chung đầu tiên Nicaea, nơi duy trì sự hợp nhất của Hội Thánh trong việc công bố thiên tính của Đức Kitô. Kỷ niệm này mời gọi các Kitô hữu tìm kiếm sự hợp nhất, như Chúa Giêsu đã cầu nguyện, để làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa và gợi hứng cho niềm tin qua đức tin và mục đích được chia sẻ.

Được giữ chặt trong hy vọng (18-25)

Năm Thánh Hy vọng nhắc nhở chúng ta về vai trò vững chắc của Đức Cậy trong đời sống Kitô hữu, được giữ chặt trong đức tin và đức mến. Đức cậy cho người ta hướng đi, giúp các tín hữu tìm thấy niềm vui, sự kiên nhẫn và bền chí ngay cả trong những lúc gặp khó khăn (x. Rm 12:12). Nó ban cho các Kitô hữu khả năng để sống trong niềm vui, lan tỏa những hành động ân cần nho nhỏ, là điều đóng vai trò như hạt giống của hy vọng. Hy vọng của chúng ta bắt nguồn từ Đức Kitô, khi Chúa Thánh Thần trong chúng ta nâng đỡ và củng cố chúng ta, cho phép chúng ta suy nghĩ về “lý do cho niềm hy vọng của chúng ta” (x. 1 Pr 3:15) và mời những người khác nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ.

Hy vọng của Kitô hữu gắn liền với niềm tin của chúng ta vào sự sống vĩnh cửu. Nó đảm bảo với chúng ta rằng cuộc hành trình của chúng ta ở đây không phải là vô ích, mà dẫn đến sự đoàn tụ cuối cùng với Thiên Chúa. Hy vọng này, như Công đồng Vaticanô II đã dạy, bảo vệ phẩm giá con người và giúp chúng ta tránh tuyệt vọng bằng cách đặt nền tảng cho chúng ta trong lời hứa về sự sống với Đức Kitô, cho phép chúng ta cầu nguyện với niềm tin tưởng, “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22:20).

Trọng tâm của niềm hy vọng này là Cái Chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu, đó là nền tảng của đức tin Kitô giáo. Thánh Phaolô lọc nó thành bốn hành động thiết yếu: Chúa Giêsu đã chết, được mai táng, sống lại và hiện ra (x. 1 Cr 15:3-5). Trình tự này khẳng định sự biến đổi mà Bí tích Rửa tội mang lại, vì cuộc sống ở đây trở thành sự chuẩn bị cho sự sống vĩnh cửu. Cái chết không còn là sự kết thúc nữa mà là cánh cửa dẫn vào cõi vĩnh hằng, tái định hình nỗi buồn liên quan đến sự chia ly. Các biểu tượng cổ xưa, như giếng Rửa tội hình bát giác, nhắc nhở chúng ta về mối liên hệ của Bí tích Rửa tội với “ngày thứ tám” hoặc ngày Phục sinh, mở ra con đường đến với sự sống vĩnh cửu (x. Rm 6:22). Các vị tử vì đạo, những chứng nhân trung thành từ mọi truyền thống Kitô giáo, nhắc nhở chúng ta về sức mạnh đại kết của hy vọng, và Năm Thánh mời gọi chúng ta tôn vinh họ qua các cuộc cử hành đại kết.

Hy vọng cuối cùng của chúng ta là sự sống vĩnh cửu, được hiệp thông với Thiên Chúa, cảm nghiệm tình yêu trọn vẹn của Ngài. Viễn cảnh hạnh phúc này không phải là tạm thời nhưng là sự viên mãn trọn vẹn, bắt nguồn từ tình yêu. Như Thánh Phaolô tuyên bố, không gì có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa (x. Rm 8:38-39), mang đến một nền tảng cho niềm vui và bình an.

Sự sống vĩnh cửu bao gồm sự phán xét của Thiên Chúa, dựa trên tình yêu và việc phục vụ người khác, chứ không phải sự sợ hãi. Sự phán xét này là sự phán xét của chân lý và lòng thương xót, một cuộc gặp gỡ có sức biến đổi với Thiên Chúa, ở đó sự thanh tẩy mang lại cả niềm vui lẫn bình an. Ơn toàn xá của Năm Thánh, qua cầu nguyện và sự hiệp thông của các thánh, mang lại ơn thương xót cho những người đã khuất bóng. Ơn toàn xá phản ảnh lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, và Bí tích Giải tội cho phép chúng ta gặp gỡ sự tha thứ và lòng trắc ẩn của Ngài, xóa bỏ tội lỗi và chữa lành tâm hồn. Điều quan trọng là phải tái khám phá vẻ đẹp của Bí tích này như một con đường dẫn đến sự hòa giải và bình an.

Sự tha thứ, không thể thay đổi quá khứ, nhưng có thể biến đổi tương lai, mở lòng chúng ta ra để khai trừ những cơn giận dữ và oán hờn. Các thừa sai của Lòng Thương Xót, được ủy nhiệm trong Năm Thánh vừa qua, sẽ tiếp tục công việc của họ, an ủi và mang ơn tha thứ đến cho những người đang cần đến nó. Các Giám mục được khuyến khích sai các thừa sai này đến những nơi đau khổ, ở đó, sự hiện diện của họ có thể mang lại hy vọng.

Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương hy vọng của chúng ta, dạy chúng ta rằng hy vọng thật không chỉ là sự lạc quan mà là một sức mạnh tràn đầy ân sủng khi đối mặt với đau khổ. Từ lời tiên tri của ông Simeon đến việc chứng kiến ​​Chúa Giêsu chịu đóng đinh, Đức Mẹ đã giữ vững niềm hy vọng, tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa. Được biết đến với danh hiệu Stella Maris, “Ngôi Sao Biển”, Mẹ dẫn dắt chúng ta vượt qua những cơn bão táp của cuộc đời, mang lại sự an ủi và tín thác. Các đền thờ kính Đức Mẹ, đặc biệt là các đền thờ ở Roma, sẽ đóng vai trò là nơi an ủi trong suốt Năm Thánh, mời gọi những người đau khổ tìm thấy niềm an ủi trong sự hiện diện của Mẹ.

Kết luận

Hy vọng, như Thư gửi tín hữu Do Thái mô tả, là “mỏ neo vững chắn và kiên định của linh hồn” (Dt 6:18-20). Nó đặt nền tảng cho chúng ta trong ân sủng của Thiên Chúa, cho phép chúng ta chống chọi với những cơn bão táp của cuộc đời, vượt qua tội lỗi và sợ hãi. Năm Thánh kêu gọi chúng ta canh tân niềm tin vào Thiên Chúa, vào xã hội và vào nhau, hướng tới một thế giới công lý, hòa bình và mang lại phẩm giá cho tất cả mọi người.

Trong Năm Thánh Hy vọng này, chúng ta cùng rao giảng, “Hãy hy vọng vào Chúa!” (Tv 27:14), mời gọi những người khác chia sẻ niềm vui chờ đợi Đức Kitô, Đấng mà chúng ta ngợi khen và tôn vinh, trở lại.

Câu hỏi để suy nghĩ

  1. Gặp gỡ cá nhân với niềm Hy vọng: Niềm hy vọng vào Đức Kitô đã nâng đỡ bạn như thế nào trong những giây phút vui mừng và đau khổ của cuộc sống?
  2. Cộng đồng và sự hiệp nhất: Làm sao bạn có thể đóng góp vào việc nuôi dưỡng niềm hy vọng và sự đoàn kết trong cộng đồng của bạn, đặc biệt là đối với những người đang cần chúng nhất?
  3. Hành hương như một sự đổi mới: Bạn có thể kết hợp tinh thần hành hương – qua sự giản dị, im lặng và đổi mới – vào cuộc sống hàng ngày và các hoạt động đức tin của bạn bằng những cách nào?
  4. Dấu chỉ sống động của hy vọng: Làm sao bạn có thể tích cực hiện thân cho niềm hy vọng này, giải quyết các thách đố như bất bình đẳng trong xã hội, chăm sóc môi trường hoặc hỗ trợ thanh thiếu niên và những người lão thành trong phạm vi của bạn?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *