Thánh Thể và Lời Mời Gọi Truyền Giáo, Phần I
Dưới đây là bản dịch bài ” The Eucharist and Our Call to Mission, Part I” của Tiến sĩ James Pauley* được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 20 tháng 8 năm 2024. Bài này cũng được đăng trên Catechetical Review, tập 10, số 3.
Bài này có thể được tóm lược như sau: Chúng ta rước Lễ không chỉ vì tin vào Sự Hiện Diện Thật của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, mà còn vì chúng ta muốn để cho niềm tin ấy tác động đến cách sống và các lựa chọn của mình.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển dịch, thêm phần kết luận và các câu hỏi cho người Việt Nam.
Rước Lễ là bước vào sự hiệp thông với Chúa Giêsu có nghĩa gì?
Những người Công giáo chúng ta có thể đã quá tập trung vào việc giải thích rằng Thánh Thể chính là Chúa Giêsu, đến nỗi chúng ta đã không dành thì giờ, một mình hoặc cùng với những người thân yêu, để suy nghĩ về những hiệu quả của việc đón nhận món quà thiêng liêng này. Việc rước Lễ có ý nghĩa gì với chúng ta? Có phải chỉ vì phúc lợi tinh thần cá nhân của mình không?
Mặc dù chúng ta có thể cảm thấy an ủi rất nhiều trong sự kết hợp mật thiết và thực sự này với Chúa Cứu Thế của mình, nhưng Tin Mừng Thánh Gioan nói rõ rằng đây không phải là lợi ích duy nhất mà Chúa nghĩ đến. Sau khi các môn đệ ở phòng trên lầu được ban Thánh Thể đầu tiên tại Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã đưa ra một hình ảnh phi thường về những gì Người vừa làm cho họ. Người nói: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15:5). Tất nhiên, chúng ta sẽ lưu ý đến sự kết hợp tự nhiên giữa cây nho và các nhánh của nó: chúng tạo thành một thân thể sống động. Hình ảnh này chắc chắn sẽ đào sâu sự hiểu biết này đối với các môn đệ, cho phép họ thấy cách họ có thể sống trong sự kết hợp với Chúa Giêsu, ngay cả khi Người được cất đi khỏi họ. Nhưng chúng ta cũng nhận thấy ở đây sự nhấn mạnh của Chúa chúng ta về việc sinh hoa trái: “[Cha Thầy] chặt bỏ mọi cành trong Thầy mà không sinh hoa trái, và mọi cành sinh hoa trái, Ngài cắt tỉa để nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15:2). Chúng ta không thể bỏ qua thực tại về đòi hỏi phải sinh hoa trái này khi đọc văn bản.
Như thế, việc rước Lễ có mục đích thay đổi chúng ta. Việc bước vào sự hiệp thông với chính Chúa Giêsu có mục đích làm cho chúng ta ngày càng giống Người hơn, để nhìn như Người nhìn, suy nghĩ như Người suy nghĩ, và yêu thương như Người yêu thương. Tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Cha, nhờ vào sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Con, có nghĩa là trở nên giống Chúa Con hơn. Và tình yêu của chúng ta dành cho đồng loại có nghĩa là trở nên giống tình yêu của Người dành cho họ hơn. Sự thay đổi này không phải là điều chúng ta có thể tuỳ ý chọn lựa; nó thực sự là chuẩn mực Công giáo. Đó là ý định của Thiên Chúa dành cho mỗi người lãnh nhận Thánh Thể.
Sherry Weddell nêu ra một câu hỏi quan trọng cho chúng ta, những người Công giáo ở thế kỷ 21, theo chiều hướng này.
Trong những thập kỷ gần đây, có rất ít hoặc không có cuộc thảo luận nghiêm túc nào ở cấp giáo xứ về cách một cá nhân lãnh nhận các Bí tích có thể chuẩn bị lòng trí, linh hồn và cuộc sống của họ để lãnh nhận một cách hiệu quả. Chúng ta cũng không mơ về những điều tuyệt diệu mà Thiên Chúa sẽ làm giữa chúng ta nếu cuộc sống của dân tộc chúng ta được đặc trưng bởi sự những hiệu quả thiêng liêng lớn lao. Một Hội Thánh tự hiểu mình sở hữu “sự viên mãn của các phương tiện ân sủng” phải khao khát sự đầy đủ của việc biểu lộ ân sủng ấy.[1]
Trong Hội Thánh ngày nay, khi xem xét hoàn cảnh văn hóa của mình, chúng ta phải bắt đầu nói một cách nhất quán hơn về cách chuẩn bị tốt cho cuộc gặp gỡ bí tích, cũng như làm thế nào để hợp tác với ân sủng bí tích để chúng ta có thể sống một cuộc sống hiệu quả về mặt thiêng liêng. Khi Hội Thánh tại Hoa Kỳ bước vào giai đoạn cuối cùng và đang diễn ra của cuộc Phục hưng Thánh Thể, tập trung vào việc sống Sứ vụ Thánh Thể, thì đây là thời điểm thích hợp cho cuộc thảo luận này.
Có hai nguyên tắc chính về Thánh Thể mà chúng ta sẽ xem xét ở đây: (1) việc lãnh nhận Thánh Thể trao quyền cho chúng ta để sống siêu nhiên; và (2) việc kết hợp với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể trao cho chúng ta những trách nhiệm mới về cách chúng ta sống, đặc biệt là trong các mối quan hệ của chúng ta.
Những Hiệu quả Siêu nhiên của Bí tích
Mỗi cuộc gặp gỡ bí tích trao quyền cho chúng ta để sống một cuộc sống Kitô hữu hiệu quả. Có một điều gì đó mới mẻ trong chúng ta, một điều gì đó phi thường được ban cho chúng ta, khi chúng ta lãnh nhận bất kỳ Bí tích nào. Chúng ta hãy xem xét một số thí dụ về những gì xảy ra bên trong chúng ta trong một số Bí tích.
Qua nước Rửa tội, có một số hiệu quả thực sự thay đổi cuộc sống. Mọi tội lỗi đều được tha thứ, Tội Nguyên Tổ và cá nhân. Người được rửa tội bước vào một mối quan hệ mới với Thiên Chúa, trở thành dưỡng tử của Chúa Cha (x. GLCG, số 1263–65). Bí tích Hoà giải phục hồi ân sủng và “tình bằng hữu thân thiết” của Thiên Chúa (GLCG, số 1468). Ân sủng của Bí tích Xức dầu Bệnh nhân mang đến sự kết hợp mới với Cuộc Khổ nạn của Đức Kitô, ban sức mạnh, bình an và lòng can đảm thiêng liêng cho nỗi đau khổ của chính chúng ta. Khi cận kề cái chết, Bí tích này củng cố chúng ta cho cuộc chiến đấu cuối cùng (GLCG, số 1521–23). Đối với những người kết hôn cách Bí tích, chính Chúa Giêsu bước vào mối quan hệ của họ một cách mới mẻ, và sự hiện diện của Người ban cho cặp vợ chồng những khả năng mới để chung thủy, tha thứ và yêu thương. Thật vậy, Sách Giáo lý cho chúng ta biết rằng vợ chồng kết hôn cách Bí tích có thể yêu thương nhau một cách siêu nhiên. Họ không chỉ cần dựa vào khả năng yêu thương tự nhiên của mình, mà vì Đức Kitô đã hiến mình cho họ và hiện diện trong cuộc hôn nhân của họ, họ có thể tận dụng nguồn ân sủng vô tận. Bây giờ họ có thể yêu thương và tha thứ bằng những cách vượt xa khả năng thông thường của họ, những con người hạn hẹp và đầy khuyết điểm (x. GLCG, các số từ 1642).[2]
Chúng ta có thể hỏi rằng những hiệu quả của việc rước lễ là gì? Các đoạn 1391–1401 của Sách Giáo lý rất đáng cho chúng ta đọc thật kỹ. Đương nhiên, hoa trái chính là sự kết hợp mật thiết với Đức Kitô. Đời sống ân sủng được duy trì, gia tăng và đổi mới. Sự kết hợp của chúng ta với Hội Thánh trở nên thực chất hơn. Và việc lãnh nhận một cách bí tích Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Đấng sinh ra trong cảnh khó nghèo ở Bêlem làm cho chúng ta cam kết dấn thân một cách sâu xa hơn trong việc phục vụ những người nghèo. Và vì vậy, việc rước Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể không phải là điều nhỏ. Mỗi người chúng ta đều nhận được những khả năng mới hoặc sâu xa hơn mà chúng ta không thể tạo ra bằng sự khéo léo hoặc ý chí của riêng mình.
Có một điểm cần nhấn mạnh ở đây là: Cha Trên Trời ban cho chúng ta những gì Ngài ban cho chúng ta trong các Bí tích để chúng ta có thể trở nên hiệu quả về tâm linh. Ngài muốn rằng ân sủng Bí tích có tác động sâu xa đến cách chúng ta nhìn, suy nghĩ và sống. Tuy nhiên, các Bí tích không phải là pháp thuật, và tất nhiên, loại thay đổi này không phải tự động. Biết về những hiệu quả này và tự do hợp tác với ân sủng của bí tích là điều rất tốt cho chúng ta. Chúng ta phải dựa vào đời sống và sứ vụ mà Thiên Chúa ban cho một cách thông minh qua việc sống đời sống bí tích. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta thường xuyên rước Lễ.
Sự nhất quán trong Thánh Thể
Việc lãnh nhận bất kỳ bí tích nào cũng đặt ra cho chúng ta một trách nhiệm cấp bách. Đây là trường hợp sâu sắc nhất khi bước vào sự hiệp thông Thánh Thể với Chúa Giêsu. Trách nhiệm của chúng ta là sống phù hợp với Đấng mà chúng ta được kết hợp. Việc bước vào sự hiệp thông với Chúa Giêsu, rồi sau đó sống một cách trái ngược với Đấng mà chúng ta ở trong Người, sẽ mang lại sự bất ổn lớn lao cho linh hồn chúng ta, và cho mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Nó cũng xoi mòn niềm tin vào Bí tích Thánh Thể cho những người khác, là những người có thể nhận ra sự trái nghịch này. Khi một người là một nhân vật của quần chúng, sự hie83u lầm và tổn thương về tâm linh sẽ trầm trọng hơn. Chúng ta có thể nhớ đến lời cảnh báo của Thánh Phaolô ở đây: “Vì vậy, ai ăn Bánh và uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì sẽ phạm tội đối với Mình và Máu Chúa. Nhưng mỗi người phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Vì ai ăn và uống mà không phân biệt được Mình Chúa, là ăn và uống án phạt của chính mình” (1 Cor 11:27–29). Chắc chắn rằng việc chấp nhận lời kêu gọi sống gắn kết với Chúa Thánh Thể của chúng ta là một thách đố vô cùng lớn đối với tất cả chúng ta. Tuy nhiên, ân sủng được ban cho cùng với các thách đố, và đây là địa hạt mà trên đó các thánh đã được tạo ra.
Một thần học gia về bí tích của thế kỷ 20 vạch ra một điều thật quan trọng ở đây. Ngài mô tả cách chúng ta lãnh nhận bí tích có nghĩa là sẵn sàng “thề ngầm” và tự mình gánh lấy “nhiệm vụ luân lý cho tương lai”.[3] Nói cách khác, lãnh nhận Bí tích có nghĩa là chúng ta có ý định sống theo cách sống của Đức Kitô. Chúng ta có thể không sống theo lời hứa này, nhưng việc có ý định chắc chắn để tiến về phía trước là điều quan trọng. Cách hợp tác tự nguyện này, được củng cố bởi ân sủng, làm cho sự vĩ đại trở nên khả thi trong đời sống Kitô hữu. Thật vậy, để kết hợp với Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải mong muốn sống một cuộc sống mới bén rễ thật sâu trong Người. Thánh Leo Cả đã đưa yếu tố chính này của đời sống Kitô hữu vào những lời đáng nhớ dưới đây:
Hỡi Kitô hữu, hãy ý thức phẩm giá của bạn, và đã được thông phần bản tính thần linh, bạn đừng quay trở lại với sự thấp hèn trước kia. Bạn hãy nhớ bạn thuộc về Đầu nào và là chi thể của ai. Bạn hãy nhớ rằng bạn đã được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm và được đưa vào ánh sáng và Nước của Thiên Chúa”.[4]
Tham dự bữa tiệc Thánh Thể đưa chúng ta vào sự hiệp thông sâu xa với Chúa của chúng ta. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã từng so sánh sức mạnh tinh thần của sự kết hợp này với sức mạnh phát điện của phản ứng phân hạt nhân (neuclar fission)[5]. Việc đón nhận Thánh Thể đem vào chính bản thân chúng ta một chất xúc tác trong trật tự tâm linh, một chất xúc tác có mục đích mang lại sự thay đổi triệt để, một sự phù hợp thật sự giữa cách chúng ta nhìn, suy nghĩ và yêu thương và cách Chúa Giêsu nhìn, suy nghĩ và yêu thương. Thánh Thể vừa ban cho chúng ta những khả năng mới để thực hiện điều này, vừa trao cho chúng ta trách nhiệm bước vào cuộc sống mới này trong Đức Kitô.
Kết Luận
Rước Lễ là một cuộc gặp gỡ sâu xa với Chúa Giêsu, biến đổi chúng ta nên giống Người. Nó kết hợp chúng ta với Người như cành nho với cây nho, giúp chúng ta sinh hoa trái thiêng liêng và liên kết tình yêu của chúng ta với Người. Thánh Thể đào sâu sự kết hợp của chúng ta với Hội Thánh, phục hồi ân sủng và trao phó cho chúng ta việc chăm lo cho những người nghèo. Tuy nhiên, sự biến đổi này đòi hỏi chúng ta phải hợp tác một cách tích cực với ân sủng bí tích, chứ không tự động. Sống sự nhất quán Thánh Thể có nghĩa là liên kết cuộc sống của mình với Đức Kitô, tránh sự bất nhất làm tổn hại đến đức tin. Bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa, Thánh Thể ban ơn cho chúng ta để thay đổi tâm linh một cách triệt để, truyền cảm hứng cho chúng ta sống như những chi thể thực sự của Nhiệm thể Đức Kitô, nuôi dưỡng sự thánh thiện và sứ vụ truyền giáo.
Câu Hỏi để Suy Nghĩ
- Việc rước Lễ thách đố bạn như thế nào trong việc phát triển tình yêu của mình đối với Thiên Chúa và tha nhân, đặc biệt là với những người nghèo và những người bị thiệt thòi?
- Bạn có thể thực hiện những bước nào để chuẩn bị tốt hơn cho lòng trí và linh hồn mình hầu rước Lễ một cách hiệu quả hơn và sống một cuộc sống gắn liền với Đức Kitô?
- Bạn có thể sinh hoa trái thiêng liêng bằng những cách nào trong cuộc sống hằng ngày như phản ảnh về sự kết hợp của bạn với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể?
Trong Phần II của bài này, Tiến sĩ Pauley sẽ mô tả cách lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi chúng ta ra sao, cũng như cách Bí tích Thánh Thể và mẫu gương của các Thánh giúp chúng ta sống lòng thương xót này như thế nào.
———–
* Tiến sĩ James Pauley là Giáo sư Thần học và Dạy Giáo lý tại Đại học Franciscan Steubenville và là Biên tập viên của Tạp chí Catechetical Review. Ông được bổ nhiệm vào Ban điều hành của Phục hưng Thánh thể của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, và là tác giả của một số sách, trong đó có sách tập trung vào việc canh tân giáo lý phụng vụ và bí tích. Ông hướng dẫn những ngày hồi tâm và đào tạo giáo lý viên cũng như sứ vụ giáo xứ.
[1] Sherry A. Weddell, Forming Intentional Disciples, rev. ed. (Huntington, IN: Our Sunday Visitor, 2022), 97, nhấn mạnh bằng chữ nghiêng được thêm vào.
[2] Có nhiều hiệu quả của các Bí tich được liệt kê trong sách Giáo Lý hơn những hiệu quả được kể ra trong bài này. Các phần có liên quan trong Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo là những tài liệu vô giá để đọc.
[3] Cyprian Vagaggini, OSB, Theological Dimensions of the Liturgy (Collegeville, MN: Liturgical Press, 1976), 71.
[4] Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 1691, trích dẫn Thánh Leo Cả, Bài giảng 21 trong nat. Dom., 3: PL 54, 192C.
[5] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, số 11.