Thông Điệp ECCLESIA DE EUCHARISTIA : Chương VI

CHƯƠNG VI: NƠI TRƯỜNG HỌC CỦA ĐỨC MARIA, NGƯỜI NỮ “THÁNH THỂ”

53.   Nếu chúng ta muốn khám phá lại trong tất cả sự phong phú của Bí Tích Thánh Thể, mối liên hệ thâm sâu nối kết Giáo Hội và Bí Tích Thánh Thể, chúng ta không thể nào quên Đức Maria, là Mẹ và mẫu gương của Giáo hội. Trong Tông Thư Rosarium Virginis Mariae, khi đặt Đức Trinh Nữ rất thánh làm Thầy dạy trong việc chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô, tôi đã ghi việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể vào số các mầu nhiệm ánh sáng.[102] Thực vậy, Đức Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến Bí Tích cực thánh nầy, vì giữa Mẹ và bí tích này có một mối liên hệ sâu xa. 

Tin Mừng, thoạt nhìn qua, im lặng về vấn đề này. Trong trình thuật việc thiết lập (Bí Tích Thánh Thể), vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, không ai nói đến Đức Maria. Trái lại ai cũng biết là Mẹ đã có mặt với các Tông Đồ, hiệp nhất “cùng một lòng trong lời cầu nguyện” (x. Cv 114) trong cộng đoàn tiên khởi được qui tụ sau khi Chúa lên trời, trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chắc chắn, không thể thiếu vắng sự hiện diện của Mẹ trong những cử hành Thánh Thể giữa các tín hữu của thế hệ đầu tiên rất chuyên cần “trong nghi lễ bẻ bánh” (Cv 2, 42). 

Nhưng khi vượt xa hơn việc Mẹ tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể, người ta có thể phỏng đoán cách gián tiếp mối liên hệ giữa Đức Maria và Bí Tích Thánh Thể căn cứ vào thái độ nội tâm của Mẹ. Trong tất cả cuộc sống của Mẹ, Đức Maria là một phụ nữ “Thánh Thể”. Khi nhìn Đức Maria là mẫu gương của mình, Giáo hội cũng được mời gọi theo gương Mẹ trong mối liên hệ của mình với Mầu Nhiệm rất thánh này. 

54.   Mysterium Fidei ! Nếu Bí Tích Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin vượt xa lý trí chúng ta đến nỗi chúng ta chỉ còn phó thác hoàn toàn cho Lời Chúa mà thôi, thì không một ai ngoài Đức Maria có thể nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta trong tiến trình này. Khi chúng ta lập lại hành động của Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly. Khi vâng theo lệnh truyền của Ngài : “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19), chúng ta đón nhận cùng một lúc lời Đức Maria mời gọi vâng phục Chúa không do dự: “Hãy làm những gì Ngài bảo” (Ga 2,5). Với sự ân cần từ mẫu mà Mẹ đã tỏ ra ở tiệc cưới Cana, Đức Maria hình như muốn nói với chúng ta : “Đừng do dự, hãy tin vào những lời của Con Mẹ, Ngài có thể biến nước thành rượu ngon, Ngài cũng có thể biến bánh và rượu trở nên Thịt và Máu Ngài, thông truyền cho các tín hữu, trong mầu nhiệm này, việc tưởng nhớ sống động cuộc Vượt Qua của Ngài để trở nên “bánh sự sống”. 

55.   Theo một nghĩa nào đó, Đức Maria đã sử dụng đức tin Thánh Thể của mình ngay trước khi Bí Tích Thánh Thể được thiết lập, bởi vì Mẹ đã hiến dâng cung lòng trinh vẹn của Mẹ để Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể. Trong khi Bí Tích Thánh Thể đưa về cuộc khổ nạn và phục sinh, thì Đức Maria cùng lúc vẫn tiếp nối với việc Nhập Thể. Lúc truyền tin, Đức Maria đã thụ thai Con Thiên Chúa trong chính thực tại thể lý thân xác và máu huyết, thực hiện trước trong Mẹ, những gì được thực hiện một cách bí tích, trong một mức độ nào đó, nơi mọi tín hữu được lãnh nhận dưới hình bánh rượu, Mình và Máu Chúa.  

Như thế có một tương quan rất thâm sâu giữa tiếng fiat (xin vâng) của Đức Maria đáp lại lời thiên thần với tiếng Amen của người tín hữu khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Chúa đã đòi hỏi Đức Maria phải tin rằng Đấng mà Mẹ thụ thai “nhờ hoạt động của Thánh Thần” là “Con Thiên Chúa” (x. Lc 1, 30-35). Tiếp nối đức tin của Đức Maria, Chúa cũng đòi hỏi chúng ta tin rằng, trong Mầu Nhiệm Thánh Thể, cũng Chúa Giêsu đó, Con Thiên Chúa và Con của Đức Maria, hiện diện cách trọn vẹn gồm cả nhân tính lẫn thần tính của Ngài dưới hình bánh và rượu. 

“Phúc thay kẻ đã tin” (Lc 1,45) : trong mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Maria cũng đã đi trước đức tin Thánh Thể của Giáo Hội. Lúc đi viếng (bà Isave), Mẹ đã mang trong cung lòng Ngôi Lời làm người, Mẹ trở nên một “nhà tạm” một cách nào đó – “nhà tạm” đầu tiên trong lịch sử  – trong đó Con Thiên Chúa, chưa thấy được với mắt loài người, được bà Isave tôn thờ, như thể “chiếu tỏa” ánh sáng của Ngài qua ánh mắt và tiếng nói của Đức Maria. Và cái nhìn say đắm của Đức Maria, chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô vừa mới sinh ra và bồng ẵm Ngài trong vòng tay, phải chăng là mẫu gương tình yêu khôn sánh gợi hứng cho ta mỗi lần ta rước Chúa? 

56.   Trong suốt cuộc đời của Mẹ bên cạnh Chúa Kitô, và không chỉ trên đồi Canvariô, Đức Maria đã lấy chiều kích hy tế của Bí Tích Thánh Thể làm của mình. Khi Mẹ đem trẻ Giêsu vào đền thờ Giêrusalem để “tiến dâng cho Thiên Chúa” (x. Lc 2,34-35), Mẹ đã nghe cụ già Simêon loan báo cho Mẹ rằng Trẻ này sẽ là một “dấu hiệu chia rẽ” và rằng một “lưỡi gươm” sẽ đâm thâu trái tim của mẹ em (x. Lc 2, 34-35). Như thế bi kịch của Người Con chịu đóng đinh đã được tiên báo, và trong cách thế nào đó, cảnh “stabat Mater” (Mẹ đứng đó) của Đức Trinh Nữ dưới chân Thánh Giá, đã được hình dung trước. Từng ngày, chuẩn bị lên đỉnh đồi Canvariô, Đức Maria đã sống một thứ “Thánh Thể đã có trước” nào đó, đó là một cách “hiệp lễ thiêng liêng” bằng ước muốn và hiến dâng. “Thánh Thể đã có trước” này sẽ được hoàn tất bằng sự hiệp nhất với Con Ngài trong cuộc khổ nạn. Điều đó sẽ được diễn đạt, sau Phục Sinh, qua sựï tham dự của Mẹ vào việc cử hành Thánh Thể mà các tông đồ chủ sự để tưởng niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa. 

Làm sao tưởng tượng được những tâm tình của Đức Maria khi ngài nghe từ miệng của Thánh Phêrô, Gioan, Giacôbê và của các Tông Đồ khác, những lời trong Bữa Tiệc Ly : “Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con” (Lc 22,19) ? Thân mình được dâng lên làm lễ tế, và được biểu thị bằng dấu chỉ bí tích, cũng là thân mình của Đấng mà Mẹ đã cưu mang trong cung lòng. Nhận lấy Bí Tích Thánh Thể đối với Đức Maria, như là đón nhận một lần nữa trong cung lòng Mẹ quả tim đã đồng nhịp với quả tim của Mẹ và như sống lại những gì Mẹ đã đích thân cảm nghiệm dưới chân Thập Giá. 

57.   “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Tất cả những gì Chúa Kitô đã thực hiện trong cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài đều hiện diện trong việc “tưởng niệm” đồi Canvariô. Vì thế, những gì Chúa Kitô đã hoàn tất đối với Mẹ Ngài, Ngài cũng hoàn tất cho chúng ta. Quả vậy, Ngài đã trao phó cho Mẹ Ngài người môn đệ yêu dấu, và trong người môn đệ ấy, Ngài cũng trao phó cho Mẹ mỗi người chúng ta  : “Này là con bà!”. Cũng thế, Ngài nói với mỗi người chúng ta : “Này là mẹ con !” (x. Ga19,26-27). 

Sống việc tưởng niệm cái chết của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, cũng đòi hỏi lãnh nhận liên tục hồng ân này. Điều đó có nghĩa là đưa về nhà chúng ta – theo gương của Thánh Gioan – Đấng mà mỗi ngày chúng ta lãnh nhận như Mẹ chúng ta. Điều đó đồng thời cũng có nghĩa là chúng ta phải dấn thân trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, bằng cách học với Mẹ Ngài và để cho Mẹ Ngài hướng dẫn chúng ta. Đức Maria hiện diện với Giáo Hội và là Mẹ của Giáo Hội, trong mỗi  cử hành Bí Tích Thánh Thể của chúng ta. Nếu Giáo Hội và Bí Tích Thánh Thể làm thành một cặp song đôi không thể tách rời, thì giữa Đức Maria và Bí Tích Thánh Thể cũng vậy. Chính vì thế việc kính nhớ Đức Maria trong cử hành Bí Tích Thánh Thể được thi hành đồng loạt, từ thời xa xưa trong các Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương. 

58.   Trong Bí Tích Thánh Thể, Giáo Hội, lấy tinh thần Đức Maria làm của mình, kết hiệp hoàn toàn với Chúa Kitô và với hy tế của Ngài. Đó là một chân lý mà người ta có thể đào sâu khi đọc lại kinh Magnificat (linh hồn tôi ngợi khen) trong viễn tượng Thánh Thể. Quả thật, như bài ca của Đức Maria, Bí Tích Thánh Thể trước hết là một lời ngợi khen và là một lời tạ ơn. Khi Đức Maria thốt lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa và lòng trí tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi”, Chúa Giêsu đang ở trong cung lòng của Mẹ. Mẹ ngợi khen Chúa Cha “thay cho” Chúa Giêsu, nhưng Mẹ cũng ngợi khen Chúa Cha “trong” Chúa Giêsu và “cùng với” Chúa Giêsu. Đó chính là “thái độ Thánh Thể” đích thực. 

Cùng một lúc, Đức Maria nhắc đến những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử cứu độ theo như lời hứa với cha ông chúng ta (x. Lc 1,55), và Mẹ loan báo việc kỳ diệu vượt lên trên mọi kỳ công, việc Nhập Thể cứu chuộc. Sau cùng trong kinh Magnificat, cũng có cả việc hướng đến quang lâm của Bí Tích Thánh Thể. Mỗi khi Con Thiên Chúa xuất hiện cho chúng ta trong sự “nghèo nàn” của những dấu chỉ bí tích, bánh và rượu, hạt giống của lịch sử mới, trong đó những kẻ quyền thế bị “lật đổ khỏi ngai vàng” và những người hèn mọn được “nâng cao” (x. Lc 1,52) đã được gieo trong thế gian. Đức Maria hát lên “trời mới” và “đất mới”, chúng được thực hiện trước trong Bí Tích Thánh Thể, và theo một nghĩa nào đó, “dự định về chúng”  đã được sắp đặt. Nếu bài Magnificat diễn tả “đường lối thiêng liêng” của Đức Maria thì không có gì giúp chúng ta sống mầu nhiệm Thánh Thể bằng linh đạo này. Bí Tích Thánh Thể đã được trao tặng cho chúng ta, để toàn bộ cuộc sống chúng ta như cuộc sống của Đức Maria, trở nên một bài ca Magnificat.


[102] X. Số 21: AAS 95 (2003), 20.