Tông Thư DOMINICAE CENAE (BỮA TIỆC CỦA CHÚA) – Phần II

II. TÍNH CÁCH THÁNH THIÊNG CỦA THÁNH THỂ VÀ HY LỄ

Tính cách thánh thiêng

8. Việc cử hành Thánh Thể, bắt đầu từ Thứ năm Tuần Thánh nơi Nhà Tiệc Ly, có một lịch sử lâu dài như lịch sử Hội Thánh. Suốt dòng lịch sử này, các yếu tố thứ yếu đã có một vài thay đổi, nhưng bản chất của “Mầu Nhiệm” do Đấng Cứu Thế thiết lập trong bữa Tiệc Ly không hề thay đổi. Công Đồng Vatican II đã đưa ra một vài bổ túc, do đó phụng vụ thánh lễ hiện tại khác với nghi thức chúng ta biết trước Công Đồng. Tôi không muốn nói đến những khác biệt đó trong bức thư này. Chúng ta nên dừng lại trên điều trọng yếu và bất biến trong phụng vụ tạ ơn.

Yếu tố trọng yếu đó gắn liền mật thiết với “tính thánh thiêng” (sacrum) của Thánh Thể, nghĩa là một hành động thánh và thiêng. Thánh và thiêng, bởi vì trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô luôn hiện diện và hoạt động, Người là “Đấng Thánh” của Thiên Chúa,[36] “Đấng được xức dầu bằng Thánh Thần”,[37] “Đấng được thánh hiến bởi Chúa Cha”,[38] để tự do thí mạng mình rồi lấy lại,[39] “Đấng là thượng tế của Giao Ước Mới”.[40]

Thật vậy, chính Người, hiện diện qua vị chủ tế, tiến vào cung thánh và loan báo Tin Mừng. Chính Người là “Đấng hiến tế và là lễ vật, là người hiến thánh và là của lễ được hiến thánh”.[41] Hành động thánh và thiêng, vì chính hành động của Người tạo nên của thánh (saintes espèces), tạo ra “Sancta sanctis”, nghĩa là “các của thánh – Chúa Kitô, Đấng Thánh – ban tặng cho các thánh”, như người ta hát trong các nghi lễ phụng vụ Đông Phương khi chủ tế giơ lên cao bánh Thánh Thể để mời gọi các tín hữu đến dự Tiệc của Chúa.

Tính “thánh thiêng” (sacrum) của thánh lễ không phải là một “sự thần thiêng hóa” (sacralisation), nghĩa là một sự thêm thắt của con người vào hành động của Chúa Kitô tại Nhà Tiệc Ly, vì chưng Bữa Tiệc Ly vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh tự nó đã là một nghi thức thiêng thánh, một phụng vụ uyên nguyên và có tính thiết lập, qua đó Chúa Kitô, khi cam kết hiến mạng sống mình vì chúng ta, đã cử hành cách bí tích, mầu nhiệm thương khó và phục sinh của chính Người, là trọng tâm của mọi thánh lễ. Phát xuất từ phụng vụ đó, các thánh lễ của chúng ta mặc lấy một hình thức phụng vụ đầy đủ, dù có khác biệt tùy theo các gia đình nghi lễ, nhưng vẫn là một trong bản chất. Tính “thánh thiêng” của thánh lễ là một sự thánh thiêng do Chúa Kitô thiết lập. Lời nói và hành động của mỗi linh mục, được đáp ứng bằng sự tham dự có ý thức và linh động của cộng đoàn tạ ơn, làm vọng lại lời nói và hành động của Chúa Kitô trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh.

Vị tư tế dâng Hy Tế Thánh “trong tư cách của Chúa Kitô” (in persona Christi), điều này có nghĩa sâu đậm hơn là “nhân danh” (au nom) hay “thay thế” (à la place) Chúa Kitô. “Trong tư cách” (in persona): nghĩa là linh mục được đồng hóa cách đặc biệt, cách bí tích, với “Vị thượng tế của Giao Ước vĩnh cửu”,[42] Đấng là tác giả và là chủ tế chính của việc hiến tế chính mình, trong đó không ai có thể thay thế Người được. Chỉ mình Người – một mình Đức Kitô – mới có thể là hy lễ đích thực và hữu hiệu “đền tạ tội lỗi chúng ta… và của cả thế gian”.[43]

Chỉ hy tế của Người – và không phải của ai khác – mới có thể có “nhân đức đền tạ” trước mặt Thiên Chúa, trước Thiên Chúa Ba Ngôi, trước sự thánh thiện siêu vượt của Ngài. Việc nhận thức thực tại này sẽ soi sáng cho chúng ta hiểu rõ đặc tính và ý nghĩa của linh mục chủ tế, khi thực hiện Hy Tế Thánh và hành động “trong tư cách Chúa Kitô”, được dẫn vào và gắn với, cách bí tích (và đồng thời khôn tả), trọng tâm của sự “Thánh Thiêng” (Sacrum), qua đó ngài liên kết cách thiêng liêng với tất cả những ai thông phần vào cộng đoàn Thánh Thể.

Sự “thánh thiêng” này, được diễn dịch dước các hình thức phụng vụ khác nhau, có thể thiếu một vài yếu tố phụ thuộc, nhưng không bao giờ có thể lột bỏ tính thánh thiêng và tính bí tích, là những điều cốt yếu vì cchính Chúa Kitô muốn như thế, đó cũng là những điều được Hội Thánh lưu truyền và kiểm soát. “Sacrum” không thể bị xoay chiều để phục vụ cho các mục tiêu khác. Thánh Thể, nếu bị tách rời khỏi bản chất hy tế và bí tích, sẽ không còn là mầu nhiệm. Mầu nhiệm đó không thể bị mô phỏng cách “phàm tục”, sự mô phỏng như thế rất dễ trở thành một sự phạm thánh (dù rằng đó không phải là một quy luật tuyệt đối). Phải luôn nhớ điều này, nhất là trong thời đại hôm nay người ta thường có khuynh hướng muốn xóa bỏ khoảng cách giữa “thiêng thánh” (Sacrum) và “phàm tục” (profane), dựa vào khuynh hướng tổng quát hóa (ít nhất trong một số nơi) nhằm giải thiêng mọi sự.

Chính vì điều này, Hội Thánh có bổn phận đặc biệt bảo đảm và chứng thực cái “thánh thiêng” của Thánh Thể. Trong xã hội đa diện và cũng thường trần tục hóa cách cố tâm, đức tin sống động của cộng đoàn Kitô hữu – một đức tin ý thức về quyền lợi so với những ai không chia sẻ cùng một niềm tin – bảo đảm quyền công dân dựa trên sự “thánh thiêng”. Bổn phận tôn trọng đức tin của mỗi người, đồng thời liên quan đến quyền tự nhiên và dân sự về tự do lương tâm và tôn giáo.

Tính thánh thiêng của Thánh Thể đã và vẫn tìm thấy lối diễn tả trong từ vựng thần học và phụng vụ.[44] Ý nghĩa thiêng thánh khách quan của mầu nhiệm Thánh Thể là một yếu tố xây dựng cho đức tin của Dân Chúa thêm phong phú và vững mạnh.[45] Ngày nay các thừa tác viên của Thánh Thể phải chiếu tỏa ánh sáng đức tin sống động này, và dưới ánh sáng đức tin này, họ phải hiểu và hoàn tất những gì thuộc về thừa tác vụ tư tế, theo ý muốn của Chúa Kitô và Giáo Hội Người.

Hy lễ: “Sacrificium”

9. Thánh Thể là một hy lễ: hy lễ của Ơn Cứu Chuộc và, cũng là hy lễ của Giao Ước Mới,[46] như chúng ta tin và các Giáo Hội Đông Phương cũng tuyên xưng rõ ràng như thế: “Hy lễ hôm nay – Giáo Hội hy lạp từ bao thế kỷ đã quả quyết – như hy lễ ngày Ngôi Lời nhập thể duy nhất đã dâng lên; hy lễ được Người dâng lên (hôm nay như lúc ấy), chỉ vì Người là hy lễ chính xác và duy nhất”.[47] Vì thế, khi tái hiện hy lễ duy nhất của ơn cứu độ chúng ta, con người và thế giới được hoàn lại cho Thiên Chúa trong tính mới mẻ vượt qua của Ơn Cứu Chuộc. Sự hoàn lại này thật rõ ràng, đó là nền tảng của “Giao Ước Mới và Vĩnh Cửu” của Thiên Chúa với con người và con người với Thiên Chúa.

Nếu xảy ra trường hợp thiếu sự hoàn lại đó, thì phải đặt lại vấn đề về sự tuyệt hảo của hy lễ Cứu Chuộc, một hy lễ trong thực tế hoàn hảo và có tính dứt khoát, cũng như về giá trị hy tế thánh lễ. Vì là một hy lễ đích thực, Thánh Thể thực hiện sự hoàn lại đó.

Do đó, vị chủ tế, trong tư cách là thừa tác viên của hy lễ, là tư tế đích thực – và nhờ quyền thánh chức đặc biệt – thực hiện hành động hiến tế đưa muôn loài về với Thiên Chúa. Ngược lại, tất cả những ai thông phần Thánh Thể dù không hiến tế như ngài thì, nhờ chức tư tế cộng đồng, họ cùng với ngài dâng tiến hy lễ thiêng liêng của mình, tượng trưng bằng bánh và rượu ngay từ lúc được dâng lên bàn thờ. Thật vậy, hành động phụng vụ này, một hành động được các nền phụng vụ long trọng hóa, “có giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó”.[48] Theo một nghĩa thiêng liêng, bánh và rượu biểu trưng cho tất cả những gì cộng đoàn Thánh Thể dâng lên Thiên Chúa, và dâng trong Thánh Thần.

Việc di chuyển đầu tiên của phụng vụ Thánh Thể, theo nghĩa hẹp, tìm được cách diễn tả trong cử chỉ của những người tham dự. Thích ứng với việc này là cuộc rước các lễ vật, được dự liệu trong cuộc canh tân phụng vụ gần đây,[49] và theo như truyền thống cổ xưa, cuộc rước có kèm theo một thánh vịnh hay thánh ca. cần có một thời gian để mọi người nhân thức được hành động này, đồng thời được diễn tả qua lời đọc của vị chủ tế.

Ý thức về hành động dâng của lễ phải được giữ mãi trong suốt thánh lễ. Hơn nữa, ý thức này sẽ trọn vẹn ngay lúc truyền phép và tưởng niệm, như giá trị căn bản của hy lễ đòi hỏi. Lời trong Kinh Nguyện Thánh Thể mà linh mục đọc lớn tiếng nhằm minh chứng điều này. Ở đây cũng nên lấy lại một vài diễn ngữ trong Kinh Nguyện Thánh Thể III diễn tả cách đặc biệt tính chất hy tế của Thánh Thể và nối kết việc hiến dâng lễ vật của chúng ta với hiến lễ của Chúa Kitô: “Lạy Chúa, xin đoái nhìn hiến lễ Hội Thánh dâng lên Chúa, và khi Chúa nhận đây chính là Của Lễ mà Chúa muốn hiến tế để nguôi lòng Chúa, xin cho chúng con được bổ dưỡng bởi Mình và Máu Con Chúa, và được tràn đầy Chúa Thánh Thần, thì trở nên một thân thể, và một tinh thần trong Đức Kitô”.

Giá trị hy lễ được diễn tả trong mỗi cử hành bằng những lời linh mục dùng để kết thúc việc tiến dâng lễ vật, khi linh mục kêu mời các tín hữu cầu nguyện “khi tiến dâng lễ vật của toàn thể Hội Thánh”. Những lời này có giá trị cam kết theo nghĩa chúng diễn tả đặc tính và nội dung sung mãn của mọi phụng vụ Thánh Thể, theo bình diện thiên linh của Hội Thánh.

Tất cả những ai tham dự vào Thánh Thể với đức tin đều nhận thấy rằng bí tích này là một “Sacrificium”, nghĩa là một “lễ phẩm được hiến thánh”. Quả vậy, bánh và rượu, được tiến dâng trên bàn thờ cùng với lòng sùng mộ và lễ hy sinh của những ng tham dự, cuối cùng được hiến thánh, và trở nên Thân Mình Chúa Kitô bị trao nộp và Máu chính Người đổ ra cách đích thực, thực tế và bản thể (vraiment, réllement et substantiellement). Bằng việc hiến thánh, các hình thái bánh và rượu đã thực tại hóa,[50] cách bí tích và không đổ máu, hy tế đền tội có đổ máu mà Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha trên thập giá để cứu độ thế giới. Thật vậy, chỉ mình Người, đã giao hòa nhân loại với Chúa Cha, “xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta”,[51] nhờ hy lễ duy nhất của Người, khi tự hiến như lễ hy sinh đền tội trong một hành động hiến dâng và đền tội.

Tuy nhiên, việc dâng bánh và rượu, kết hợp với lòng đạo đức của các tín hữu, đem lại một đóng góp không thay thế được cho hy tế được tái diễn cách bí tích trên bàn thờ, chỉ vì, nhờ lời truyền phép của vị linh mục, bánh rượu trở nên Mình và Máu Thánh. Điều này được biểu lộ rõ rệt trong thái độ của linh mục khi đọc Kinh Nguyện Thánh Thể, nhất là vào lúc truyền phép, khi cử hành hiến lễ thánh và sự tham dự này được kèm theo ý thức rằng “Thầy đó, Người gọi em”.[52] Lời gọi của Chúa đến với chúng ta qua hy lễ của Người, mở rộng các tâm hồn để – một khi được thanh luyện nhờ mầu nhiệm Cứu Chuộc chúng ta – các tín hữu được kết hiệp với Người trong việc hiệp lễ; đem lại cho việc tham dự thánh lễ một giá trị sâu sắc, tròn đầy và có tính cách quyết định cho cả cuộc đời: “Hội Thánh muốn các tín hữu không những dâng hiến lễ vật không tỳ vết, mà còn phải học dâng hiến chính bản thân mình, việc hiến dâng này sẽ được hoàn tất mỗi ngày một hơn, nhờ sự trung gian của Chúa Kitô, trong sự kết hiệp với Chúa Cha và với mọi anh em, để cuối cùng Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự”.[53] Như vậy, cần phải bắt tay ngay vào việc giáo dục các tín hữu để giúp họ khám phá các nét phong phú của phụng vụ hiện tại. Cuộc canh tân phụng vụ sau Công Đồng Vatican II đã đem lại cho hy lễ tạ ơn một sự trong sáng, nhờ nhiều yếu tố, như việc chủ tế đọc lớn tiếng Kinh Nguyện Thánh Thể, đặc biệt các lời truyền phép, cùng với lời tung hô của cộng đoàn sau khi thờ lạy.

Nếu tất cả những điểm này đem lại niềm vui, thì cũng phải nhớ rằng các thay đổi đó đòi hỏi chúng ta phải có một ý thức và một sự chín chắn thiêng liêng mới, cả nơi chủ tế – nhất là khi ngài cử hành “đối diện với cộng đoàn” – cũng như các tín hữu. Việc tôn sùng Thánh Thể được đào sâu và tăng trưởng khi Kinh Nguyện Thánh Thể, đặc biệt là lời truyền phép, được chủ tế đọc lên cách khiêm tốn và trang nghiêm, cách dễ hiểu xứng với tính thiêng liêng của mầu nhiệm, và một cách đẹp đẽ và xứng đáng; khi hành động chính yếu của phụng vụ Thánh Thể được cử hành cách khoan thai; khi hướng đến thái độ tôn sùng và mặc niệm giúp những ng tham dự khám phá được tính cách cao cả của mầu nhiệm đang diễn ra và bộc lộ lòng tôn sùng qua thái độ của họ.


[36] Lc 1,35; Ga 6,69; Cv 3,14; Kh 3,7

[37] Ac 10,38; Lc 4,18

[38] Ga 10,36

[39] Cf. Ga 10,17

[40] Dt 3,1; 4,15; etc.

[41] Như phụng vụ Byzantine của thế kỷ thứ 9 đã nói, theo sách cổ xưa nhất, trước đây là Barberino di San Marco (Florence), hiện nằm trong Thư viện Toà Thánh Vatican, Barberini greco 336, f° 8 verso, dòng 17-20, đã xuất bản, cho phần này, của F. E. Brightman, Eastern and Western Liturgies, I Eastern Liturgies, Oxford 1896, tr. 318, 34-35.

[42] Lời nguyện nhập lễ lễ Mình Máu Thánh, B: Missale romanum, Éd. cit.. p. 858.

[43] 1Ga 2,2; Ibid. 4,10

[44] Chúng ta nói về “Mysterium divinum”, về “sanctissimum” hay “sacrosanctum”, nghĩa là về sự “thánh” hay “thánh thiện” tuyệt hảo. Còn các Giáo hội Đông phương gọi Thánh lễ là “raza”, tức là “mysterion”, “hagiasmos”, “quddasha”, “qedasse”, tức là “sự thánh hiến” tuyệt hảo. Hơn nữa, còn có các nghi thức phụng vụ, để khơi dậy cảm thức thiêng liêng, đôi khi đòi hỏi sự im lặng, tư thế đứng hoặc quỳ, hoặc tuyên xưng đức tin, xông hương sách Tin Mừng, bàn thờ, chủ tế và các hình thánh. Những nghi thức này thậm chí còn cầu xin sự giúp đỡ của các thiên sứ, được tạo ra để phục vụ Thiên Chúa chí thánh: bởi “Kinh Thánh Thánh Thánh” của các Giáo hội Latinh của chúng ta, bởi “trisagion” và “sancta sanctis” của phụng vụ phương Đông.

[45] Chẳng hạn, trong lời mời rước lễ, đức tin này đã được hình thành để cho thấy những khía cạnh bổ sung cho sự hiện diện của Chúa Kitô Đấng Thánh: khía cạnh hiển linh được người Byzantine lưu ý (“Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa : Chúa là Thiên Chúa và đã hiện ra với chúng tôi”. La divina Liturgia del santo nostro Padre Giovanni Crisostomo, Roma Grotta ferrata 1967, pp.136f.); khía cạnh của mối quan hệ và sự kết hợp được người Armenia hát [Phụng vụ Thánh Ignatius thành Antioch: “Unus Pater sanctus nobiscum, unus Filius sanctus nobiscum, unus Spiritus sanctus nobiscum” Die Anaphora des heiligen Ignatius von Antiochien, libersetzt von A. Rucker, Oriens Christianus, 3 ser., 5 [1930], tr. 76); và khía cạnh thiên đàng ẩn giấu được cử hành bởi người Chaldeans và Malabars (x. bài thánh thi đối ca do linh mục và cộng đồng hát sau khi rước lễ: F.E. Brightman, op. cit., tr. 299.

[46] Cf. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), n. 2 và 47; Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), n. 3 và 28; Sắc lệnh Unitatis redintegratio (Về Đại Kết), n. 2; Sắc lệnh Presbyterorum ordinis (Chức vụ và đời sống linh mục), n. 13; Công Đồng Trente, sess. XXII, chap. I et II: Conciliorum oecumenicorum decreta, Bologne 1973, p. 732-733, đặc biệt là:  “Đó chỉ là một và cùng một hy lễ, cùng một Đấng xưa kia tự hiến trên Thánh Gia, bây giờ  hiến mình qua tay các linh mục; chỉ có cách dâng hiến là khác” (Ibid., p. 733).

[47] Synodus Constantinopolita adversus Sotericum (Tháng 1 năm 1156 và tháng 5 năm 1157): Angelo Mai, Spicilegium romanum, t. X, Rome 1844, p. 77; PG 140, 190; cf. Martin Jugie, Dict. Theol. Cath., t. X, 1338; Theologia dogmatica christianorum orientalium, Paris, 1930, pp. 317-320.

[48] Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma, n. 49 c: Missale romanum Éd. cit., p. 39; cf. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis (Chức vụ và đời sống linh mục), n. 5.

[49] Cf. Ordo missae cum populo, n. 18; Missale romanum, Éd. cit., p. 390.

[50] Công ĐồngTrente, sess. XXII, chap. I: Conciliorum oecumenicorum decreta, Bologne 1973, p. 732s.

[51] Cl 2,14

[52] Ga 11,28

[53] Instituto Generalis Mlssalis Romani, 55f.: Missale Romanum, ed. cit., p. 40.


One Reply to “Tông Thư DOMINICAE CENAE (BỮA TIỆC CỦA CHÚA) – Phần II”

Comments are closed.