TÔNG THƯ DOMINICAE CENAE (BỮA TIỆC CỦA CHÚA) – PHẦN III
III. HAI BÀN TIỆC CỦA CHÚA VÀ GIA SẢN CHUNG CỦA GIÁO HỘI
Bàn tiệc Lời Chúa
10. Chúng ta biết rõ: từ thời xa xưa, việc cử hành Thánh Thể không những được kết hợp với kinh nguyện mà còn với việc đọc Lời Chúa và ca hát của cả cộng đoàn. Nhờ đó, các Giáo Phụ đã có thể ví thánh lễ như hai bàn tiệc mà Hội Thánh dọn ra cho con cái mình: Lời Chúa và Thánh Thể. Nghĩa là bánh của Chúa. Như vậy, ta phải trở lại phần đầu của mầu nhiệm thánh, mà nay gọi là phụng vụ Lời Chúa.
Các đoạn Kinh Thánh được chọn cho mỗi ngày phải dựa theo đòi hỏi của Công Đồng và theo các tiêu chuẩn mới.[54] Chiếu theo các quy tắc của Công Đồng, người ta đã soạn thảo bộ sách bài đọc mới, cố gắng giữ tính cách liên tục của các bản văn, cũng như giúp tín hữu làm quen với toàn bộ sách thánh. Các thánh vịnh với những câu đáp ca trong phụng vụ giúp những ai tham dự quen dần với gia sản kinh nguyện và thánh ca Cựu Ước. Tiếp đến, việc đọc hay hát các bản văn đó trong ngôn ngữ địa phương giúp mọi người hiểu sâu hơn ý nghĩa. Nhưng cũng có những người, đã quen với phụng vụ cũ bằng tiếng Latin, cảm thấy thiếu vắng “ngôn ngữ độc nhất”, một ngôn ngữ vốn đã là dấu chứng cho sự hiệp nhất của Hội Thánh toàn cầu và, nhờ tính trang trọng của ngôn ngữ này, đã khơi dậy một sự hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm Thánh Thể. Như vậy, không những phải nhận biết, mà còn phải tôn trọng các tâm tình và ước nguyện đó; chúng ta phải cố gắng thỏa mãn trong mức độ có thể, như các điều khoản mới tiên liệu.[55] Giáo Hội Rôma có bổn phận đặc biệt với tiếng Latin, ngôn ngữ huy hoàng của kinh thành Rôma cổ xưa, phải thực hiện những bổn phận ấy khi có dịp thuận tiện.
Các khả năng do cuộc canh tân phụng vụ sau Công Đồng đem lại đã được sử dụng để giúp chúng ta trở thành những chứng nhân và thành viên tham dự vào việc cử hành Lời Chúa. Số người tích tham gia việc cử hành này ngày một tăng. Đã có những nhóm quy tụ các độc viên và ca viên, nhiều khi có cả những “scholae cantorum”, gồm những người nam và người nữ; họ đảm nhận trách vụ với cả nhiệt tình. Lời Chúa, Sách Thánh bắt đầu sống lại trong nhiều cộng đoàn Kitô hữu. Các tín hữu quy tụ để cử hành phụng vụ được chuẩn bị bằng lời ca để dọn mình lắng nghe Tin Mừng được công bố xứng đáng với lòng nhiệt thành và yêu mến.
Khi nhận thức những điều vừa nói trên với thái độ quý chuộng và tri ân, ta cũng không quên rằng một cuộc canh tân đích thực còn đặt ra và sẽ luôn luôn đặt ra những đòi hỏi khác. Các đòi hỏi này nằm ở trách nhiệm mới đối với Lời Chúa do phụng vụ mang lại, trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, và điều này tương ứng với tính phổ quát và cứu cánh của Tin Mừng. Ta cũng phải có trách nhiệm đối với việc thực thi các hành động phụng vụ, phải chú tâm đến việc đọc sách thánh và ca hát cũng thích ứng với những nguyên tắc của nghệ thuật. Để tránh cho các tác động đó trở nên giả tạo, ta phải tỏ ra có khả năng, giản dị và đồng thời trang trọng khi đọc cũng như khi hát, để làm nổi bật tính chất đặc thù của bản văn thánh.
Như vậy, các đòi hỏi nà, phát xuất từ ý thức trách nhiệm mới đối với Lời Chúa trong phụng vụ,[56] sẽ đâm rễ sâu xa hơn; chúng liên quan đến thái độ nội tâm của các thừa tác viên khi phục vụ Lời Chúa trong cộng đoàn phụng vụ.[57] Việc lựa chọn các bản văn cũng được chi phối với cùng một ý thức trách nhiệm như vậy. Sự lựa chọn đó được thẩm quyền Giáo Hội quyết định; thẩm quyền cũng tiên liệu những trường hợp có thể chọn các bài đọc thích hợp hơn với những hoàn cảnh đặc biệt.[58] Ngoài ra, bao giờ cũng phải nhớ rằng chỉ có Lời Chúa mới được đọc trong thánh lễ. Việc đọc Kinh Thánh không được thay thế bằng các bản văn khác, dù các bản văn này chứa đựng một giá trị tôn giáo và luân lý không ai chối cãi được. Trái lại, các bản văn đó có thể được sử dụng cách rất hữu ích trong các bài giảng. Trong bài giảng, người ta có thể sử dụng các bản văn đó cách dễ dàng, miễn là nội dung của chúng phù hợp với các điều kiện được đặt ra, vì một trong những mục tiêu của bài giảng là cho thấy sự hội tụ giữa đức khôn ngoan của Thiên Chúa được mạc khải với tư tưởng cao sâu của loài người đang dùng những nẻo đường khác nhau để tìm kiến chân lý.
Bàn tiệc Bánh của Chúa
11. Bàn tiệc thứ hai của mầu nhiệm Thánh Thể, bàn tiệc bánh của Chúa, cũng đòi buộc chúng ta phải suy nghĩ lại theo quan điểm canh tân phụng vụ hiện hành. Đây là một vấn đề tối quan trọng, vì đụng chạm đến một hành vi đặc biệt của đức tin sống động, như đã được chứng minh từ những thế kỷ đầu tiên,[59] đây là việc biểu lộ thái độ phụng thờ Chúa Kitô, qua việc hiệp lễ, đã giao phó mình cho mỗi người chúng ta, cho con tim, cho lương tâm, cho môi miệng chúng ta, dưới hình thức của ăn nuôi sống. Như vậy, trong vấn đề này, cần phải có thái độ tỉnh thức được Phúc Âm nhắc đến, điều này có giá trị cho các mục tử mang trách nhiệm về việc tôn sùng Thánh Thể cũng như dân Thiên Chúa, mà “chiều kích đức tin”[60] của họ phải đặc biệt tỉnh táo và sắc bén.
Thưa Anh Em đáng kính và thân mến trong hàng giám mục, tôi muốn trao phó vấn đề này cho mỗi người trong anh em. Anh em phải đặt vấn đề này trên mọi lo lắng đối với Giáo Hội đã được trao phó cho anh em. Tôi xin anh em điều này nhân danh sự hiệp nhất mà chúng ta đã lãnh nhận các tông đồ như một gia sản: sự hiệp nhất của Giám Mục đoàn. Theo một nghĩa nào đó, sự hiệp nhất này được hình thành từ bàn tiệc Bánh của Chúa vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Với sự trợ giúp của các anh em trong chức linh mục, anh em hãy làm tất cả những gì có thể để bảo đảm phẩm chất thánh thiêng của thừa tác vụ Thánh Thể và tinh thần sâu đậm của sự hiệp thông Thánh Thể, đó là phúc lợi (bien) đặc biệt của Hội Thánh xét như là dân Thiên Chúa. đồng thời bảo đảm gia sản (héritage) đặc biệt đã chuyển đạt cho chúng ta do các tông đồ, các truyền thống phụng vụ khác nhau và biết bao thế hệ tín hữu, thường là những chứng nhân anh dũng của Chúa Kitô, những chứng nhân đã được giáo dục trong “trường học của thập giá” (Ơn Cứu Chuộc) và của Thánh Thể.
Phải nhắc lại rằng Bí tích Thánh Thể, xét như bàn tiệc Bánh của Chúa, là một lời mời liên tục. Điều này hiện rõ trong công thức phụng vụ mà chủ tế dùng khi đọc: “Đây Chiên Thiên Chúa! Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”,[61] và trong dụ ngôn về các người được mời đến dự tiệc cưới.[62] Xin nhắc lại rằng, trong dụ ngôn này, nhiều người đã viện dẫn bao lý lẽ để từ chối không đáp lại lời mời.
Trong các cộng đoàn Kitô hữu cũng vậy, chắc chắn có nhiều người có thể hiệp lễ mà đã không làm, dù lương tâm không bị một tội nặng nào ngăn trở. Thực ra, thái độ này, gắn liền với một sự nghiêm khắc quá đáng, đã thay đổi trong thời đại chúng ta, mặc dù vẫn ảnh hưởng ở một vài nơi. Thật ra, không phải vì ý thức về sự bất xứng của mình cho bằng vì thiếu sự sẵn sàng nội tâm – có thể nói như vậy – vì người ta không cảm thấy “đói” và “khát” Thánh Thể, đàng sau điều này ta cũng có thể nhận ra một tình trạng thiếu nhạy cảm và thiếu hiểu biết đúng đắn bản chất của bí tích tình thương cao cả.
Tuy vậy từ nhiều năm nay, ta thấy xuất hiện một hiện tượng khác. Có những lần – và đây không phải là hiếm – mọi người tham dự thánh lễ đều lên rước lễ; thực ra, như các mục tử đầy kinh nghiệm đã chứng thực, nhiều khi người ta không quan tâm lãnh nhận bí tích sám hối để lương tâm được thanh tẩy. Dĩ nhiên, điều này có thể hiểu là những ai tiến đến bàn tiệc của Chúa không thấy gì, trong lương tâm họ và theo luật khách quan của Thiên Chúa, cản trở tác động cao siêu và vui vẻ để kết hiệp với Chúa Kitô trên bình diện bí tích. Nhưng đàng sau điều đó cũng có thể ẩn chứa một xác tín khác, ít nhất là trong một vài trường hợp: coi thánh lễ như một bàn tiệc,[63] người ta tham dự bằng cách lãnh nhận Mình Thánh Chúa Kitô, chỉ để biểu lộ sự kết hiệp huynh đệ. Người ta cũng có thể thêm vào các lý do trên một nhân sinh quan nào đó và một thái độ đơn giản là “chiều theo số đông”.
Về phần chúng ta, hiện tượng này đòi hỏi phải tập trung chú ý: phải có một sự phân tích trên bình diện thần học và mục vụ, được hướng dẫn với tinh thần trách nhiệm tối đa. Trong đời sống cộng đoàn, chúng ta không thể để mất đi sự nhạy cảm của lương tâm Kiô giáo, được hướng dẫn nhờ quy chiếu về Đức Kitô, Đấng được lãnh nhận trong Thánh Thể, sẽ tìm được trong trái tim mỗi người một nơi lưu ngụ xứng đáng. Vấn đề này gắn chặt không những với việc siêng năng lãnh nhận bí tích sám hối, mà còn với ý thức trách nhiệm đối với kho tàng luân lý và với việc phân định rõ ràng cái thiện và cái ác. Sự phân biệt này trở thành nền tảng cho mỗi người tham dự tham dự Thánh Thể, để suy xét một cách trung thực về chính mình trong thâm cung của lương tâm. Ai cũng biết lời của thánh Phaolô: “Ai nấy phải tự xét mình”;[64] việc suy xét này là một điều kiện thiết yếu để mỗi người tự quyết định có đến lãnh nhận Thánh Thể hay không. Việc cử hành Thánh Thể đặt chúng ta trước nhiều đòi hỏi khác liên quan đến những gì thuộc về thừa tác vụ bàn tiệc Thánh Thể, các đòi hỏi này một phn dành riêng cho các linh mục và phó tế, một phần dành cho mọi người tham dự phụng vụ Thánh Thể. Với các linh mục và phó tế, cần phải nhắc lại rằng việc phục vụ bàn tiệc Bánh của Chúa áp đặt trên họ những bó buộc đặc biệt, quy chiếu trước hết vào chính Chúa Kitô hiện hiện trong Thánh Thể, và thứ đến liên hệ đến mọi người tham dự hay có thể tham dự Thánh Thể. Về điểm thứ nhất, có lẽ cũng cần nhắc lại những lời trong sách Nghi lễ Giáo Chủ (Pontifical) dành cho các giám mục: trong ngày thụ phong, Giám mục trao cho tân linh mục dĩa và chén thánh có bánh và rượu được các tín hữu tiến dâng và phó tế chuẩn bị, với lời: “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh để tiến dâng Thiên Chúa. Hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện và rập đời sống con theo khuôn mẫu mầu nhiệm thánh giá Chúa”.[65] Lời huấn dụ này của Giám mục phải mãi mãi là một trong những quy tắc quý giá nhất cho thừa tác vụ Thánh Thể đối với tân chức.
Linh mục phải tìm trong lời huấn dụ đó nguồn cảm hứng để xác định thái độ đối với bánh và rượu, đã trở nên Mình và Máu Chúa Cứu Thế. Với tư cách là thừa tác viên của Thánh Thể, tất cả chúng ta phải xét kỹ lưỡng về các hành động của mình nơi bàn thờ, đặc biệt trong cách chúng ta tôn kính của ăn và thức uống là Mình và Máu Chúa là Thiên Chúa trong đôi tay chúng ta, cách chúng ta cho rước lễ, cách chúng ta lau rửa chén thánh.
Tất cả những hành động này này đều có ý nghĩa riêng của chúng. Lẽ tất nhiên phải tránh tâm trạng bối rối, nhưng xin Thiên Chúa đừng để chúng ta có thái độ bất kính, hấp tấp không cần thiết, thiếu kiên nhẫn gây gương mù cho các tín hữu! Hạnh phúc lớn nhất của chúng ta – ngoài bổn phận chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng – là được thi hành quyền năng mầu nhiệm trên Thân Mình Chúa Cứu Thế, và tất cả những gì có trong chúng ta phải dứt khoát quy hướng về điều này. Đàng khác, chúng ta phải luôn nhớ rằng chúng ta được mời gọi để được hiến thánh cho quyền năng thừa tác, nhớ rằng chúng ta đã được chọn giữa loài người và “để phục vụ lợi ích con người”.[66] Chúng ta phải luôn nghĩ đến điều này vì chúng ta là những linh mục của Giáo Hội Latin, mà nghi lễ truyền chức, với dòng thời gian, đã thêm vào thói quen xức dầu đôi tay của vị linh mục.
Tại một số quốc gia đã thực hành việc rước lễ trên tay. Thực hành này đã được nhiều Hội Đồng Giám Mục thỉnh cầu và được Tòa Thánh chấp thuận. Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi được nghe nói đến những trường hợp đáng tiếc do thiếu tôn kính đối với các hình thái Thánh Thể, những thiếu sót này không những thuộc trách nhiệm của những ai có hành vi bất xứng, nhưng cũng là trách nhiệm của các chủ chăn Giáo Hội, vì thiếu cảnh giác về thái độ của tín hữu đối với Thánh Thể.
Đôi khi cũng xảy ra cả trường hợp người ta không tôn trọng sự lựa chọn và ý muốn tự do của những tín hữu muốn tiếp tục rước lễ nơi miệng, tại những nơi người ta được đặc ân rước lễ trên tay.
Như vậy, trong khung cảnh của lá thư này, phải nhắc tới những hiện tượng đau lòng đã nói trên đây. Khi viết những dòng này, tuyệt nhiên tôi không muốn ám chỉ những người đón nhận Chúa Giêsu trong tay, với tinh thần đạo đức và kính trọng sâu xa, tại những quốc gia đã được phép thực hành.
Nhưng không vì thế mà quên đi chức năng đầu tiên của các linh mục là những người, do bí tích truyền chức, được hiến thánh để biểu thị Chúa Kitô thượng tế: đôi tay, cũng như lời nói và ý muốn của họ, đã trở thành khí cụ trực tiếp của Chúa Kitô. Vì lý do này, như các thừa tác viên của Bí tích Thánh Thể, họ có một trách nhiệm hàng đầu vì toàn thể (responsabilit primordiale parce que totale) về Mình Máu Thánh: họ dâng bánh và rượu, hiến thánh, và phân phát của những ai tham dự cộng đoàn phụng vụ và ước muốn rước lễ. Các phó tế chỉ có thể đưa lên bàn thờ lễ vật của các tín hữu và phân phát, khi các lễ vật này đã được vị linh mục thánh hiến. Vì vậy, nghi thức xức dầu đôi tay trong lễ truyền chức của Giáo Hội Latin thật đầy ý nghĩa, mặc dù không xuất hiện trong thời nguyên thủy, nhưng cho thấy bàn tay linh mục cần một ân sủng và sức mạnh đặc biệt của Thánh Thần.
Chạm tới Mình Máu Thánh, dùng tay để phân phát, là một đặc quyền của những con người đã chịu chức thánh, đặc quyền này nói lên sự tham dự sinh động vào thừa tác vụ Thánh Thể. Chắc chắn Giáo Hội có thể chuyển nhượng đặc ân này cho những người không phải là linh mục hay phó tế, ví dụ các thầy giúp lễ trong khi thi hành thừa tác vụ của mình, đặc biệt nếu họ sẽ được chịu chức thánh, hay các giáo dân khác có đủ điều kiện cần thiết, nhưng luôn luôn phải chuẩn bị cho họ cách xứng đáng.
Gia sản chung của Hội Thánh
12. Chúng ta không được quên, dù trong giây lát, rằng Thánh Thể là một gia sản đặc biệt của toàn thể Hội Thánh. Đó là tặng phẩm vĩ đại, trên bình diện ân sủng và bí tích, mà vị Hôn Phu thần linh đã ban và không ngừng ban cho Hiền Thê của mình. Vì là một tặng phẩm quý báu, nên tất cả chúng ta, trong một đức tin sâu sắc, phải ý thức trách nhiệm.
Một tặng phẩm ràng buộc chúng ta một cách sâu thẳm, vì nó không dùng sức mạnh của luật pháp mà nói với chúng ta, mà là dùng sức mạnh của sự tín nhiệm, và như vậy, tuy không đề ra những ràng buộc theo luật pháp, tặng phẩm này đòi hỏi sự tín nhiệm và lòng tri ân. Thánh Thể là một tặng phẩm theo nghĩa đặc sắc đó, là một gia sản đặc biệt như vậy. Chúng ta phải trung thành trong các chi tiết với những gì bí tích đó diễn tả và những gì bí tích đó đòi hỏi nơi chúng ta, nghĩa là lòng cảm tạ tri ân.
Bí tích Thánh Thể là gia sản chung của toàn thể Hội Thánh, là bí tích của sự hiệp nhất Giáo Hội. Hội Thánh có trách nhiệm xác định rõ tất cả những điều liên quan đến việc tham dự Thánh Thể và việc cử hành bí tích này. Do đó, chúng ta phải thực hiện đúng các nguyên tắc mà Công Đồng Vatican II đề ra trong hiến chế về phụng vụ thánh, các thẩm quyền và bổn phận của mỗi Giám mục trong giáo phận mình cũng như của các Hội Đồng Giám Mục, với điều kiện là các giám mục cùng hành động trong sự hiệp nhất mang tính đồng đoàn với Tòa Thánh.
Ngoài ra chúng ta phải theo các quyết định liên quan đến lãnh vực này do các thánh bộ ban hành: cả trong lãnh vực chất liệu phụng vụ, trong các quy tắc xác định được đề ra trong các sách phụng vụ liên quan đến mầu nhiệm Thánh Thể, và trong các huấn thị dành cho mầu nhiệm này,[67] cũng như trong tất cả những gì liên quan đến sự “thông hiệp thánh” (communicatio in sacris), trong các quy tắc của “Kim chỉ nam về sự hiệp nhất” (Directorium de re oecumenica)[68] và trong “Huấn thị về những trường hợp cho phép các Kitô hữu không Công Giáo rước lễ trong Giáo Hội Công Giáo”.[69] Mặc dù trong giai đoạn canh tân này Tòa Thánh đã chấp nhận có thể có một sự độc lập nào đó để giúp phần “sáng tạo”, chúng ta vẫn phải tôn trọng một cách nghiêm nhặt tất cả những đòi hỏi cần thiết cho sự hiệp nhất trong những điều cốt yếu.
Trên con đường chấp nhận vẻ đa dạng này (phát xuất từ việc đưa vào phụng vụ các ngôn ngữ khác biệt), chúng ta chỉ có thể bước đến một giới hạn nào đó: giới hạn đó là không để mất đi các đặc tính cốt yếu của việc cử hành Thánh Thể, và tôn trọng các quy phạm được ban hành trong cuộc canh tân phụng vụ vừa qua.
Trong mọi nơi, chúng ta phải cố gắng hết sức để biểu lộ sự hiệp nhất mà Bí tích Thánh Thể vừa là dấu chỉ vừa là nhân tố, ngay trong sự đa dạng của lòng tôn sùng Thánh Thể mà Công Đồng Vatican II đã dự liệu.
Nhiệm vụ này thuộc về trách nhiệm của Tòa Thánh. Trong thực tế, nó cũng thuộc trách nhiệm không những của các Hội Đồng Giám Mục, mà còn của tất cả các thừa tác viên Thánh Thể, không trừ một ai. Ngoài ra, mỗi thừa tác viên phải nhớ rằng mình có trách nhiệm về gia sản chung của toàn thể Hội Thánh. Vị linh mục, như thừa tác viên, là người cử hành và chủ tọa cộng đoàn Thánh Thể quy tụ các tín hữu, phải có một ý thức đặc biệt về gia sản chung của Hội Thánh, mà mình là đại diện do thừa tác vụ cũng phải phục tùng gia sản đó theo một kỷ luệt nghiêm chỉnh của đức tin. Ngài không được tự coi mình như một “sở hữu chủ”, có quyền tự do sử dụng bản văn phụng vụ và nghi lễ thánh như gia sản riêng của mình, đến độ gán cho nó một vẻ đặc thù và độc đáo. Thái độ này thỉnh thoảng có vẻ hữu hiệu và cũng có thể thích hợp với một lối sống đạo chủ quan, nhưng trên bình diện khách quan thì thái độ này bao giờ cũng làm tổn thương sự hiệp nhất mà bí tích hiệp nhất này muốn diễn tả.
Mọi linh mục khi dâng lễ đều phải nhớ rằng, trong hy lễ này, không phải chỉ riêng mình với cộng đoàn hiện diện cầu nguyện, mà tất cả Hội Thánh cầu nguyện, thế nên việc sử dụng bản văn phụng vụ đã được phê chuẩn sẽ làm nổi bật sự hiệp nhất thiêng liêng trong bí tích này. Nếu có ai gọi thái độ này là “chủ nghĩa đồng nhất”, thì người đó không biết các đòi hỏi khách quan của sự hiệp nhất đích thực, và đây có thể là triệu chứng của một thái độ cá nhân chủ nghĩa nguy hiểm.
Sự tùy thuộc của thừa tác viên, của chủ tế, vào “Mầu Nhiệm” đã được Hội Thánh trao phó cho ngài để mưu ích cho toàn dân Thiên Chúa, phải được diễn tả trong sự tuân giữ các đòi hỏi phụng vụ liên quan đến việc cử hành Thánh Lễ. Các đòi hỏi này nhằm vào phẩm phục, chẳng hạn, và đặc biệt vào lễ phục mà chủ tế phải mặc. Đương nhiên trong quá khứ cũng như hiện tại đã có và đang có những trường hợp mà các chỉ thị này không có tính bó buộc. Chúng ta thật cảm động khi đọc thấy trong các sách của những linh mục bị cầm tù trong các trại tập trung, liên quan đến những buổi cử hành Thánh Thể không theo các nguyên tắc này, nghĩa là không có bàn thờ, không có phẩm phục. Trong những điều kiện như thế, đó là một bằng chứng anh hùng và phải khơi dậy lòng cảm phục, tuy nhiên trong những điều kiện bình thường, việc lơ là đối với các quy tắc phụng vụ có thể được xem như thái độ thiếu tôn kính đối với Thánh Thể, có thể phát xuất từ thái độ cá nhân chủ nghĩa, hay từ sự thiếu tinh thần phán đoán (sens critique) đối với các ý kiến phổ biến, hay từ một thái độ thiếu tinh thần đức tin.
Nhờ ơn Thiên Chúa, chúng ta là những thừa tác viên của Thánh Thể, phải có trách nhiệm về ý hướng và thái độ của anh chị em tín hữu được trao phó cho chúng ta coi sóc. Ơn gọi của chúng ta là khơi dậy, đặc biệt nhờ gương sáng xá nhân, một lối diễn tả lành mạnh về lòng sùng kính đối với Chúa Kitô hiện diện và hoạt động trong bí tích tình yêu. Mong sao Thiên Chúa giúp chúng ta tránh những hành động làm suy yếu việc tôn kính Bí tích Thánh Thể, bằng cách thực hành các lối diễn tả và hình thức khác nhau của việc tôn kính, các lối diễn tả và hình thức dù chứa đựng một lòng đạo đức có lẽ “truyền thống” nhưng lành mạnh, và chứa đựng “cảm nghiệm đức tin” là đặc hữu của toàn thể dân Thiên Chúa,[70] như Công Đồng Vatican II đã nhắc nhở!
Đến lúc phải kết thúc lá thư này – nhân danh cá nhân và các Anh Em đáng kính và thân mến trong hàng giám mục –, tôi muốn xin lỗi về tất cả những điều có thể đã gây ra gương mù gương xấu và sự khó chịu về lối cắt nghĩa giáo lý và sự sùng kính đáng được dành cho bí tích cao cả này, những điều đáng tiếc có thể do sự yếu đuối con người, sự thiếu kiên nhẫn, sự lơ là, và cũng do sự áp dụng phiến diện và sai lầm các chỉ thị của Công Đồng Vatican II. Tôi cầu nguyện xin Chúa Giêsu, để từ nay, trong cách trình bày mầu nhiệm thánh này, tránh được tất cả những điều có thể làm suy yếu hay lạc hướng sự tôn kính và lòng mến yêu của các tín hữu.
Nguyện xin chính Chúa Kitô giúp chúng ta tiếp tục trên con đường canh tân đích thuc, để tiến về sự sung mãn của cuộc sống trong Thánh Thể và của việc tôn sùng mầu nhiệm đó, nhờ đó Người xây dựng Hội Thánh trong sự hiệp nhất mà hiện nay Hội Thánh đang có, và ao ước thuc hiện sâu đậm hơn nữa để tôn vinh Thiên Chúa hàng sng và mưu ích cho tất cả mọi người!
[54] Cf. Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh) n. 35 và 51.
[55] Cf. Thánh Bộ Lễ Nghi, Huấn thị In edicendis normis, VI, 17-18; VII, 19-20; Huấn thị Musicam sacram, IV, 48; Sắc lệnh De titulo Basilicae Minoris, II, 8; Thánh Bộ Phụng Tự, notification De Missali romano, Liturgia horarum et calendario, I, 4.
[56] Cf. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông hiến Missale romanum: “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, nhờ sắp xếp như vậy, linh mục và các tín hữu sẽ chuẩn bị tâm hồn mình cách thánh thiện hơn để tham dự bữa tiệc của Chúa, đồng thời khi suy niệm Thánh Kinh cách sâu rộng hơn, càng ngày họ càng được lời Chúa nuôi dưỡng dồi dào hơn”.
[57] Cf. Pontificale romanum. De institutione lectorum et acolythorum, n. 4, Éd. typique 1972, p. 19-20.
[58] Cf. Institutio generalis missalis romani, n. 319-320: Missale romanum, Éd. cit.. p. 87.
[59] Cf. F J. Dölger, Das Segnen der Sinne mit der Eucharistie. Eine altchristliche Kommunionsitte: Antike und Christentum, t. 3 (1932), p. 231-244; Das Kultvergehen der Donatistin Lucilla von Karthago, Reliquienkuss vor dem Kuss der Eucharistie, Ibid., p. 245-252.
[60] Cf. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), n. 12 và 35.
[61] Cf. Ga 1,29; Kh 19,9
[62] Cf. Lc 14,16 s.
[63] Cf. Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma, n. 7-8: Missale romanum, Éd. cit., p. 29.
[64] 1Cr 11,28
[65] Pontificale romanum. De ordinatione diaconi, presbyteri et episcopi, Éd. typique 1968, p. 93.
[66] Dt 5,1
[67] Cf. Thánh Bộ Lễ Nghi, Huấn thị Eucharisticum mysterium; Rituale romanum. De sacra communione et de cultu Mysterii eucharistici extra missam, Éd. typique 1973; Thánh Bộ Phụng Tự, Thư luân lưu Eucharistiae participationem gửi các chủ tịch Hội Đồng Giám Mục về Kinh Nguyện Thánh Thể.
[68] n. 38-63.
[69] AAS 64 (1972), p. 518-525. Cũng xem Thông Báo được ban hành năm sau (17-10-1973), về một cách áp dụng đúng huấn thị này.
[70] Cf. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), n. 12.