Tông Thư Mane Nobiscum Domine – Phần II

II. THÁNH THỂ LÀ MẦU NHIỆM ÁNH SÁNG

“Người giải thích cho các ông những gì liên quaan đến người trong tất cả Sách Thánh (Lc 24, 27)

11. Câu chuyện Đức Giêsu phục sinh hiện ra cho hai môn đệ đi Emmaus giúp chúng ta tập trung vào một khía cạnh tiêu biểu của mầu nhiệm Thánh Thể, khía cạnh luôn luôn phải có trong lòng sùng kính của Dân Thiên Chúa : Thánh Thể, mầu nhiệm ánh sáng ! Nói như thế nghĩa là gì và cụm từ đó hàm ý gì đối với linh đạo và đối với đời sống Kitô hữu ?

Đức Giêsu cho thấy chính Người là “ánh sáng của thế giới” (Ga 8,12), và phẩm cách đó hiện rõ trong những khoảnh khắc cuộc sống dương thế của Người, chẳng hạn trong cuộc Biến hình và cuộc Phục sinh. Trong những khoảnh khắc ấy, vinh quang Thiên Chúa của Người toả rạng. Nhưng trong Thánh Thể, vinh quang của Đức Kitô được che giấu. Bí tích Thánh Thể là “mầu nhiệm đức tin” tuyệt đỉnh. Như thế, chính trong mầu nhiệm ẩn giấu hoàn toàn, Đức Kitô lại trở thành mầu nhiệm ánh sáng, nhờ đó người tín hữu được dẫn đưa vào chiều sâu thăm thẳm của sự sống Thiên Chúa. Nhờ một trực giác bén nhạy, trong hoạ phẩm về Chúa Ba Ngôi, danh họa Rublev rõ ràng đặt Thánh Thể vào giữa trung tâm đời sống của Chúa Ba Ngôi.

12. Thánh Thể là ánh sáng tiên vàn bởi vì, trong mỗi Thánh lễ, phụng vụ Lời Thiên Chúa đi trước phụng vụ Thánh Thể, nhưng cả hai vẫn là một thể thống nhất gồm có hai bàn tiệc, một bàn là Lời và một bàn là Bánh. Sự liên tục này hiện rõ ở diễn từ Thánh Thể theo Tin Mừng thánh Gioan, trong đó lời loan báo của Đức Giêsu đi từ chỗ trình bày mầu nhiệm bản tính của Người đến chỗ toả ra chiều kích Thánh Thể : “Thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” (Ga 6,55). Như ta đã biết, lời công bố trên đây đã khiến phần lớn thính giả đều thất vọng, khiến ông Phêrô phải đứng ra tuyên xưng niềm của các Tông đồ khác và của Hội Thánh ở mọi thời : “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Trong câu chuyện các môn đệ đi Emmaus, chính Đức Kitô can thiệp vào, “bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ”, để cho thấy rằng “tất cả Sách Thánh” đều dẫn tới mầu nhiệm ngôi vị của Người (x. Lc 24,27). Những lời của Người làm cho tâm hồn các môn đệ “bừng cháy”, kéo các ông ra khỏi bóng tối của buồn phiền và thất vọng, đồng thời khơi lên từ đáy lòng các ông ước muốn được ở lại với Người : “Xin ở lại với chúng con, lạy Chúa” (Lc 24,29).

“Các ông đã nhận ra Người khi Người bẻ bánh” (Lc 24, 35)

14. Trên đường đi Emmaus, nhờ lắng nghe Lời Chúa, hai môn đệ được chuẩn bị sẵn sàng, vừa đến lúc đồng bàn họ tức khắc nhận ra Người nhờ một cử điệu rất đơn giản đó là “bẻ bánh”, sự kiện này thật ý nghĩa biết chừng nào. Quả vậy, khi tâm trí được khai sáng và tâm hồn được hun đúc bừng cháy, các dấu chỉ bắt đầu “lên tiếng”. Thánh Thể tỏ mình trong khung cảnh các dấu chỉ sống động, các dấu chỉ ấy chuyển tải một thông điệp sung túc và minh bạch. Nhờ các dấu chỉ như thế mà, một cách nào đó, mầu nhiệm mở toang trước mắt người tín hữu.

Như tôi đã nhấn mạnh trong thông điệp Ecclesia de Eucharistia, điều quan trọng là đừng coi thường bất cứ một chiều kích nào của Bí tích này. Thật vậy, chúng ta thường bị cám dỗ giản lược Thánh Thể thành những chiều kích cá biệt của mình, trong khi đáng lẽ chính chúng ta mới là những người cần phải mở toang con người của mình để vươn tới những chiều kích của Mầu nhiệm này. Quả thực, “Thánh Thể là một hồng ân kỳ vĩ đến mức khó có thể chịu đựng nổi bất cứ lối diễn đạt hàm hồ và thái độ khinh suất nào của chúng ta”.[4]

15. Chiều kích hiển nhiên nhất của Thánh Thể chắc chắn phải là chiều kích bữa tiệc. Thánh Thể ra đời vào tối ngày thứ năm Tuần Thánh, trong khung cảnh bữa tiệc Vượt qua. Vì thế, ý nghĩa đồng bàn là thành phần trong chính cấu trúc của Thánh Thể : “Anh em hãy cầm lấy mà ăn … Rồi Người cầm lấy chén … trao cho các ông mà nói : “Tất cả hãy uống chung chén này …” (Mt 26,26.27). Theo đó, ý nghĩa bàn tiệc diễn tả xác thực mối tương quan bằng hữu Thiên Chúa muốn thiết lập với chúng ta, và rồi, chính chúng ta cũng phải dựng xây mối giao hảo ấy với tha nhân.

Thế nhưng, chúng ta đừng quên rằng ý nghĩa sâu xa và then chốt của bàn tiệc Thánh Thể lại chính là hiến tế.[5] Nơi bàn tiệc Thánh Thể, Đức Kitô lại làm cho hiến tế đã thành toàn chỉ một lần cho mãi mãi trên đồi Gôngôtha xưa thành hiện thực giữa chúng ta. Tuy hiện diện trong Thánh Thể như là Đấng Phục sinh, Người vẫn mang những dấu tích cuộc thương khó. Do vậy, mỗi Thánh lễ là một “cuộc tưởng niệm”, như phụng vụ nhắc cho chúng ta nhớ trong lời tung hô sau truyền phép : “Lạy Chúa Giêsu, chúng con công bố sự kiện Chúa đã chết, chúng con hát mừng biến cố Chúa phục sinh …”. Đồng thời, đang khi hiện tại hóa những gì đã diễn ra trong quá khứ, Thánh Thể lại câu thúc chúng ta hướng về tương lai tức là việc Đức Kitô trở lại lần sau hết, lúc thời gian viên mãn. Khía cạnh “cánh chung” này làm cho Bí tích Thánh Thể trở thành một biến cố dẫn chúng ta tiến bước và thổi vào hành trình Kitô giáo một làn gió hy vọng.

Thầy ở với anh em mọi ngày” (Mt 28, 20)

16. Nhưng những chiều kích của Thánh Thể đó được đan kết với nhau trong một khía cạnh trổi vượt hơn bất kỳ một khía cạnh nào khác. Khía cạnh này là một thử thách cam go đối với niềm tin chúng ta : mầu nhiệm của sự hiện diện “thật”. Cùng với toàn thể truyền thống Hội Thánh, chúng ta tin rằng Đức Giêsu đang hiện diện thật trong phép Thánh Thể dưới hình bánh và hình rượu. Theo cách giải thích của Đức giáo hoàng Phaolô VI, sự hiện diện này tuy rất “thật”, nhưng không phải là sự hiện diện duy nhất đến mức loại trừ tất cả các hình thức hiện diện khác, mà là sự hiện diện tuyệt đẳng kỳ vĩ,[6] bởi do sự hiện diện này, Đức Kitô hoàn toàn hiện diện theo bản thể trong thực tại là mình và máu Người.[7] Vì thế, trước Thánh Thể, đức tin đòi chúng ta phải vững lòng ý thức rằng chúng ta đang ở trước chính Đức Kitô. Chính vì Người hiện diện thật trong Thánh Thể mà tất cả những chiều kích khác của Thánh Thể như bữa tiệc, lễ tưởng niệm cuộc Vượt qua, tham dự trước vào tiệc cánh chung, đều mang nghĩa tuyệt đẳng, vượt xa những ý nghĩa biểu tượng thuần tuý. Thánh Thể là mầu nhiệm của sự hiện diện, nhờ đó lời Đức Giêsu hứa ở với chúng ta cho đến tận thế được thể nghiệm.

Cử hành, thờ lạy, chiêm ngưỡng

Cử hành, thờ lạy, chiêm ngưỡng

17. Thánh Thể là bí tích cực trọng ! Mầu nhiệm này trước hết phải được cử hành cách xứng hợp. Thánh lễ phải giữ vị trí trung tâm đời sống Kitô hữu và trong mỗi cộng đoàn, chúng ta gắng sức tối đa để Thánh lễ được cử hành một cách xứng đáng, tuân thủ những quy tắc đã ấn định, mọi thành viên trong cộng đoàn cùng cử hành, các thừa tác viên khác nhau hãy thi hành những phận vụ mà mình đã được ủy thác, và ý tứ chọn lọc những nhạc phẩm đã được liệt vào danh mục thánh nhạc, phù hợp với bầu khí “linh thánh”. Suốt Năm Thánh Thể này, tại mỗi cộng đoàn giáo xứ, có lẽ việc làm cụ thể là học hỏi sâu xa Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma. Cuối cùng, con đường ưu việt để đi vào mầu nhiệm cứu độ vẫn phải là kiên tâm bước theo diễn tiến của Năm phụng vụ một cách trung tín, bởi mầu nhiệm cứu độ ấy đã trở thành hiện tại qua các dấu chỉ “thánh thiêng”. Ước mong các vị Mục tử hãy nỗ lực khai triển một huấn giáo “có tính cách thần bí” vốn rất được các Giáo phụ quý chuộng, bởi huấn giáo này làm sáng tỏ ý nghĩa những cử điệu và lời xướng trong Phụng vụ, giúp các tín hữu vượt qua các dấu chỉ để vươn tới mầu nhiệm và càng ngày họ càng làm cho trọn cuộc đời mình bén rễ sâu vào trong mầu nhiệm này.

18. Một yêu cầu đặc biệt thích hợp, cả trong việc cử hành Thánh lễ lẫn trong việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ, đó là cần vun trồng một ý thức sống động về sự hiện diện đích thực của Đức Kitô, thể nghiệm ý thức ấy bằng lời ăn tiếng nói, phong cách đi đứng, và ý tứ trong mọi hành vi. Về điểm này, các quy tắc phụng vụ nhắc cho chúng ta nhớ – và chính tôi mới đây cũng đã nhắc lại[8] – là cần ý thức tầm quan trọng những lúc phải thinh lặng trong khi cử hành thánh lễ cũng như trong những dịp chầu Thánh Thể. Tóm lại, các thừa tác viên cũng như các tín hữu cần phải tỏ ra hết lòng kính trọng đối với Thánh Thể.[9] Sự hiện diện của Đức Giêsu trong nhà tạm phải nên như một thứ nam châm thu hút đông đảo càng ngày càng nhiều những tâm hồn ngưỡng mộ Người, sẵn lòng kiên nhẫn chờ đợi nghe tiếng Người và thậm chí nghe thấy cả nhịp đập trái tim Người nữa. “Hãy nếm thử và hãy nhìn xem : Chúa tốt lành biết dường nào” (Tv 33 [34],9).

Trong Năm này, ước chi việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ là một mối quan tâm đặc biệt của các cộng đoàn giáo xứ và các cộng đoàn tu trì ! Chúng ta hãy ở lại lâu giờ, phủ phục trước Đức Giêsu đang hiện diện trong Thánh Thể, đem lòng tin và lòng mến của chúng ta đền bù những khoảnh khắc lơ là, những bổn phận thiếu sót, và cả những xúc phạm Đấng cứu thế của chúng ta phải chịu tại nhiều nơi trên thế giới. Ước gì trong khi tôn thờ như thế, chúng ta đào sâu đời sống chiêm niệm của cá nhân cũng như cộng đoàn, nhờ có những bản văn trợ giúp cầu nguyện luôn thấm đẫm Lời Thiên Chúa và nhờ kinh nghiệm của biết bao nhà thần bí từ trước đến nay ! Chính Kinh Mân côi, hiểu theo nghĩa thâm sâu nhất, vốn mang đậm nét Kinh Thánh và quy Kitô, lời kinh tôi đã nhắn nhủ trong tông thư Rosarium Virginis Mariae, sẽ là một phương thế rất phù hợp cho việc chiêm niệm Thánh Thể cùng với Đức Maria trong sự đồng hành và hướng dẫn của Mẹ.[10]

Cũng trong Năm này, ước chi chúng ta hãy tỏ lòng sùng mộ đặc biệt mừng lễ trọng kính Mình và Máu thánh Chúa Kitô, bằng những cuộc rước kiệu truyền thống. Ước gì niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng khi nhập thể đã trở thành người bạn đường của chúng ta được công bố ở bất cứ nơi nào, đặc biệt trên các đường phố và trong các mái ấm của chúng ta, như thể đó là cách chúng ta biểu tỏ lòng mộ mến tri ân và là nguồn suối phúc lành không bao giờ tát cạn được.


[1] X. số 51.

[2] X. Ibid., số 7.

[3] X. Ibid., số 52.

[4] X. Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17 tháng tư 2003), số 10 : AAS 95 (2003), p. 439 ; La Documentation catholique 100 (2003), p. 371.

[5] X. Ibid., số 10 : l. c., p. 439 ; La Documentation catholique 100 (2003), p. 371 ; Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Huấn thị Redemptionis Sacramentum về một số điều cần phải giữ và phải tránh liên quan đến Bí tích Thánh Thể chí thánh, số 38 ; Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Huấn thị Redemptionis Sacramentum về một số điều cần phải giữ và phải tránh liên quan đến Bí tích Thánh Thể chí thánh, số 38 ; La Documentation catholique 101 (2004), p. 468.

[6] Về ý nghĩa cụm từ này, chúng tôi đành phải chuyển dịch theo theo bản Anh ngữ là “par excellence”, xét vì nó dễ hiểu đối với phần đông độc giả. Tuy nhiên, để chính xác về phương diện thần học, bản Pháp ngữ lại dùng cụm từ “par antonomase”, cũng như bản Ý ngữ dùng “per antonomasia”, tạm dịch là cách hiện diện “hoán xưng”, nghĩa là dùng tên gọi của thực thể này để chỉ thực thể kia; dùng tên cái chứa đựng để chỉ cái được chứa đựng. Tương tự, cách hiện diện hoán xưng ý nói Thánh Thể tuy mang hình bánh rượu đấy, nhưng lại là chính thịt máu Chúa Kitô (ND).

[7] Thông điệp Mysterium fidei (03 tháng chín 1965), số 39 : AAS 57 (1965), p. 764 ; La Documentation catholique 62 (1965), col. 1643 : Thánh bộ Nghi lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium về việc tôn thờ Mầu nhiệm Thánh Thể, số 9 : AAS 59 (1967), p. 547 ; La Documentation catholique 64 (1967), col. 1098-1099.

[8] X.Thông điệp Spiritus et Sponsa, nhân dịp kỷ niệm XL năm Hiến chế Sacrosanctum Concilium về Phụng vụ thánh (04 tháng mười hai 2003), số 13 : AAS 96 (2004), p. 425 ; La Documentation catholique 101 (2004), p. 55.

[9] Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Huấn thị Redemptionis Sacramentum về một số điều cần phải giữ và phải tránh liên quan đến Bí tích Thánh Thể chí thánh, số 38 ; La Documentation catholique 101 (2004), p. 458-490.

[10] Ibid., số 137 : l. c., p. 483.