III. Phụng Vụ Thánh Thể – Phần I
PHỤNG VỤ THÁNH THỂ – DÂNG LỄ VẬT
89. Hỏi : Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể khi nào ?
– Thưa : Trong Bữa Tiệc ly, trước khi Ngài chịu chết.
90. Hỏi : Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Thánh Thể là thi hành ý muốn và lệnh truyền của Chúa Giêsu theo câu Thánh Kinh nào ?
– Thưa : Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.
91. Hỏi : Phụng vụ Thánh Thể gồm những gì ?
– Thưa : Gồm dâng lễ vật, Kinh Tiền tụng, Kinh Tạ Ơn, thánh hiến lễ vật và hiệp lễ.
92. Hỏi : Chúng ta phải có tâm tình gì trong phần Phụng vụ Thánh Thể ?
– Thưa : Chúng ta phải có tâm tình biết ơn, mở rộng bàn tay, đón nhận, cảm tạ và trao ban.
93. Hỏi : Lễ vật là những gì ?
– Thưa : Đó là bánh và rượu, (hoa màu ruộng đất và công lao của con người) để cử hành Thánh lễ cùng với những lễ vật khác diễn tả sự dâng hiến đời sống của chúng ta cho Chúa.
94. Hỏi : Ngoài bánh rượu, chúng ta còn dâng gì nữa không ?
– Thưa : Còn phần tiền lắc giỏ để dành cho người nghèo và Hội Thánh như dấu hiệu của việc chia sẻ.
95. Hỏi : Phần tiền lắc giỏ có ý nghĩa gì ?
– Thưa : Đó là dấu chỉ sự tham dự tích cực của tín hữu vào cử hành Thánh lễ, như lễ vật của mỗi người. Ngoài ra, còn thể hiện tình liên đới giữa các phần tử trong cộng đoàn, góp phần mình trong những vấn đề chung của giáo xứ, giáo phận … và giúp đỡ người nghèo.
96. Hỏi : Thứ tự dâng lễ vật thế nào ?
– Thưa : Trước hết là Bánh và rượu, tiếp đến hoa-nến, trái cây, vật kỷ niệm, tiền lạc quyên…
97. Hỏi : Việc rung chuông trong phụng vụ có ý nghĩa gì ?
– Thưa : Tiếng chuông được rung lên trong phụng vụ vào những lúc được coi như quan trọng, nhằm nhấn mạnh việc cử hành và tập trung sự chú ý của cộng đoàn cũng như lời mọi gọi tín hữu chiêm ngắm sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn.
98. Hỏi : Tiếng chuông được rung lên trong phụng vụ vào những lúc được coi như quan trọng, nhằm nhấn mạnh việc cử hành và tập trung sự chú ý của cộng đoàn như những lúc nào?
– Thưa : Khi chủ tế tiến ra bàn thờ dâng lễ, khi hát Kinh Vinh Danh, khi chủ tế đặt tay trên lễ vật, khi chủ tế rước lễ.
99. Hỏi : Tiếng chuông như lời mọi gọi tín hữu chiêm ngắm sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn như những lúc nào ?
– Thưa : Khi truyền phép, khi mở cửa Nhà Tạm, khi ban phép lành Chầu Thánh Thể.
100. Hỏi : Tại sao phải đặt Chén, Đĩa thánh, bình đựng Mình Thánh Chúa trên khăn thánh ?
– Thưa : Việc đặt Chén, Đĩa thánh, bình đựng Mình Thánh Chúa trên khăn thánh để bày tỏ sự tôn kính cần phải có đối với bí tích Thánh Thể.
101. Hỏi : Việc linh mục pha chút nước và rượu có nghĩa gì ?
– Thưa : Việc linh mục pha chút nước và rượu là dấu chỉ nhân loại được tham dự vào đời sống thần linh của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
102. Hỏi : Theo truyền thống Tây phương, người ta thường dùng bánh gì trong phụng vụ ?
– Thưa : Thường dùng bánh không men theo gương Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly.
103. Hỏi : Sau phần chúc tụng trên bánh và rượu, có thể xông hương những gì ?
– Thưa : Chủ tế có thể xông hương lễ vật, bàn thờ, thánh giá rồi Phó tế hoặc giúp lễ xông hương cho chủ tế, vì thừa tác vụ thánh, và cộng đoàn, vì phẩm giá phép Rửa.
104. Hỏi : Việc chủ tế rửa tay có ý nghĩa gì ?
– Thưa : Đó là dấu chỉ bày tỏ lòng ước ao được thanh tẩy trong tâm hồn. Vì nước là dấu chỉ của sự thanh tẩy.
105. Hỏi : Lời nguyện tiến lễ kết thúc phần chuẩn bị lễ vật để dẫn vào cử hành Thánh Thể, (như lời nguyện nhập lễ kết thúc phần mở đầu thánh lễ để dẫn vào Phụng vụ Lời Chúa và lời nguyện hiệp lễ kết thúc Phụng vụ Thánh Thể để chuyển sang phần kết lễ) diễn tả tâm tình gì ?
– Thưa : Diễn tả tâm tình tạ ơn và xin Chúa thương nhận của lễ được Hội Thánh dâng tiến để trở thành Mình và Máu Chúa Kitô.