Bài 9 – Thánh Lể là Hy Tế Bí Tích

Từ ban đầu, các Kitô hữu đã cử hành Thánh Lễ với một hình thức cơ bản không thay đổi. Chúng ta chỉ chu toàn mệnh lệnh của Chúa khi cử hành lễ tưởng niệm hy tế của Người. Chúng ta dâng lên Chúa Cha những gì mà chính Ngài đã ban cho chúng ta: nhờ lời của Ðức Kitô và quyền năng Chúa Thánh Thần, bánh và rượu trở nên Mình và Máu Ðức Kitô. Như thế, Ðức Kitô thực sự hiện diện và hiện diện một cách huyền nhiệm.  Do đó, chúng ta sẽ phải xem bí tích Thánh Thể là: (1) lời tạ ơn và ca ngợi Thiên Chúa Cha; (2) tưởng niệm hy tế của Ðức Kitô và Nhiệm Thể của Người; (3) sự hiện diện của Ðức Kitô, nhờ quyền năng của Lời và Thánh Thần của Người (x. GLCG 1356-1358).

Tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha

Thánh Thể là bí tích cứu độ được Ðức Kitô hoàn tất trên thập giá, đồng thời cũng là hy tế tạ ơn và ca ngợi công trình của Tạo Hóa.  Bí tích Thánh Thể “hy tế tạ ơn”, là lời chúc tụng mà Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa để tỏ lòng tri ân vì mọi điều tốt lành Ngài đã thực hiện.  Bí tích Thánh Thể còn là hy tế chúc tụng, nhờ đó Hội Thánh, hợp nhất với Đức Kitô, dâng lời chúc tụng vinh quang Thiên Chúa nhân danh toàn thể thụ sinh (x. GLCG 1359-1361).

Tưởng niệm Hy tế của Đức Kitô và Hội Thánh

Bí Tích Thánh Thể tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Ðức Kitô, hiện tại hóadâng tiến cách bí tích hy tế duy nhất của Người.  Trong các kinh nguyện Thánh Thể, sau phần tường thuật việc lập bí tích Thánh Thể và phần thánh hiến, là một kinh Tưởng Niệm.  Tưởng Niệm còn là loan báo những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho nhân loại.  Khi cử hành phụng vụ, các biến cố này hiện diện sống động giữa cộng đoàn.  Khi cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tưởng nhớ cuộc Vượt Qua của Ðức Kitô; cuộc Vượt Qua này trở nên hiện diện giữa cộng đoàn, vì lễ tế của Ðức Kitô trên thập giá chỉ dâng một lần là đủ và luôn sống động để đem lại ơn cứu độ.  Thánh Lễ cũng là một hy tế vì hiện tại hóa hy tế thập giá,tưởng niệm và ban phát hiệu quả của hy tế này.  

Hy tế của Đức Kitô và Hy tế Thánh Thể chỉ là một

Lễ vật duy nhất là Ðức Kitô, xưa trên thập giá, nay được dâng lên nhờ thừa tác vụ linh mục. Thánh Lễ cũng là hy tế của Hội Thánh.  Là Nhiệm Thể Ðức Kitô, Hội Thánh tham dự vào hy lễ của Ðức Kitô.  Cùng với Người, Hội Thánh cũng được dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha.  Hội Thánh hiệp nhất với Ðức Kitô để chuyển cầu cho toàn thể nhân loại. Trong Thánh Lễ, hy tế của Ðức Kitô trở thành hy tế của mọi chi thể trong Nhiệm Thể.  Ðời sống, lời ca ngợi, đau khổ, kinh nguyện, công việc của các tín hữu đều được kết hợp với Ðức Kitô và với lễ dâng toàn hiến của Người.  Ðức Giáo Hoàng liên kết với mọi cử hành Thánh Lễ; trong Thánh Lễ, ngài được nhắc đến như là dấu chỉ và là người phục vụ sự hiệp nhất của Hội Thánh toàn cầu.  Vị giám mục giáo phận luôn chịu trách nhiệm về Thánh Lễ, dù Thánh Lễ do một linh mục cử hành; ngài được nhắc đến trong Thánh Lễ như thủ lãnh của giáo phận, giữa hàng linh mục và phó tế.  Không phải chỉ những tín hữu còn tại thế, mà cả những vị được hưởng vinh quang trên trời cũng được kết hợp với hy tế của Ðức Kitô.  Thánh Lễ cũng được dâng lên để cầu cho các tín hữu đã qua đời (x. GLCG 1362-1372).

Đức Kitô hiện diện nhờ quyền năng của Người và Chúa Thánh Thần

Ðối với Hội Thánh, Đức Kitô hiện diện dưới nhiều hình thức: trong Lời Chúa; trong kinh nguyện của Hội Thánh, trong những người nghèo khổ, đau yếu, tù đày; trong các bí tích; trong hy tế Thánh Lễ và nơi thừa tác viên; “nhất là Người hiện diện thực sự dưới hai hình Thánh Thể”.   Trong bí tích cực thánh, có sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thể của Mình và Máu Ðức Kitô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, nghĩa là Ðức Kitô trọn vẹn, qua sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Người, nhờ hiệu quả của lời Ðức Kitô và tác động của Chúa Thánh Thần.  Vị linh mục, hiện thân của Ðức Kitô, đọc lời truyền phép, nhưng hiệu quả và ân sủng là do Thiên Chúa. Ðức Kitô hiện diện trong Thánh Thể bắt đầu từ lúc truyền phép và kéo dài bao lâu hình bánh rượu còn tồn tại.  Trong hình bánh cũng như trong hình rượu, Ðức Kitô hiện diện trọn vẹn.  Và trong bất cứ phần nhỏ bé nào cũng có trọn vẹn Mình và Máu Chúa (x. GLCG 1373-1377).

Tôn thờ Thánh Thể

Trong Thánh Lễ, chúng ta bày tỏ niềm tin vào sự hiện diện thật của Ðức Kitô dưới hình bánh rượu, bằng cách bái gối hay cúi đầu để tỏ lòng tôn thờ Chúa.  Hội Thánh bảo quản Thánh Thể trong Nhà Tạm để tín hữu tôn thờ.  Trong bí tích Thánh Thể, Đức Kitô hiện diện cách mầu nhiệm giữa chúng ta như “Ðấng đã yêu mến và thí mạng vì chúng ta”, Người hiện diện qua những dấu chỉ biểu lộ và thông ban tình yêu.  Hội Thánh và thế giới rất cần tôn thờ Thánh Thể.   Chúa Giêsu đang chờ chúng ta trong bí tích tình yêu này (x. GLCG 1378-1381).

Categories

Latest Posts

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa
Hãy Làm Việc Này

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng –  Sanctus
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng – Sanctus

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại