Bài Ca Người Tôi Tớ Thứ Ba (Is 50:4-11)
Phaolô Phạm Xuân Khôi
Bài Ca này nói về cách Thiên Chúa chuẩn bị cho Người Tôi Tớ của Ngài trước khi Người công khai rao giảng và thái độ của Người Tôi Tớ trong lúc rao giảng. Hội Thánh đọc Bài Ca này trong Thánh Lễ Thứ Tư Tuần Thánh để chuẩn bị tâm hồn chúng ta cho Tam Nhật Thánh.
Việc Đào Luyện của Người Tôi Tớ
Để chuẩn bị cho Người Tôi Tớ trong sứ vụ của mình, Thiên Chúa đã đào luyện Người như minh sư đào luyện một môn đệ. Có người sẽ thắc mắc là “nếu Người Tôi Tớ là Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu là Thiên Chúa, thì tại sao cần được đào luyện?” Thực ra, Chúa Giêsu không cần được đào luyện, nhưng khi chấp nhận thân phận của Người Tôi Tớ, Người cũng chấp nhận: “hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Phil 2:7), ngoại trừ tội lỗi, để làm gương cho chúng ta (x. Ga 13:14-15). Không những thế, Chúa Giêsu để cho Thiên Chúa sửa dậy, không phải vì Người bất toàn, nhưng vì Người chịu sửa dạy thay cho chúng ta, người chịu phạt thay cho tội lỗi của toàn thể nhân loại, đồng thời cũng để nâng đỡ chúng ta.
4 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng
đã cho tôi nói năng như một người môn đệ,
để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.
Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi
để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.
Thái Độ của Người Tôi Tớ
Trong trường môn đệ, điều quan trọng là người môn đệ biết vâng phục huấn luyện viên. Đau khổ và sỉ nhục là những gì cần thiết cho người môn đệ. Đau khổ giúp họ thêm mạnh mẽ. Sỉ nhục giúp họ thêm kiên trì. Kiên nhẫn là một đức tính rất cần thiết cho một môn đệ truyền giáo. Tất cả những gì Ngôn Sứ Isaia nói ở đây đã xảy ra cho Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Người, và Chúa Giêsu đã “không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui”.
5 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi,
còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
6Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
Người dám đương đầu với tất cả mọi quân thù cùng mọi khó khăn thử thách vì biết rằng Thiên Chúa ở với Người và phù trợ Người. Mọi thử thách và đau khổ không làm cho Người Tôi Tớ nản lòng, bỏ cuộc và than trách Thiên Chúa. Vì ý thức rằng mình làm mọi sự vì Thiên Chúa, nên Người Tôi Tớ can đảm chấp nhận mọi chống đối và bách hại của người đời.
7 Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi,
vì thế, tôi đã không hổ thẹn,
vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.
Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
Bị người đời nghi ngờ, lăng nhục và kết án oan, Người vẫn chấp nhận vì biết rằng mình vô tội và Thiên Chúa sẽ minh oan cho mình. Vì thế, Người dám mạnh bạo tuyên bố rằng: “có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?”
8 Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên.
Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà!
Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi!
9Này, có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?
Người Tôi Tớ can đảm đứng trước mặt những kẻ nhục mạ và buộc tội Người vì biết rằng chúng sẽ mục đi như chiếc áo bị mối ăn, trong khi đó sự trợ giúp của Thiên Chúa thì trường tồn.
Này, tất cả chúng sẽ mục đi như chiếc áo, và sẽ bị mối ăn.
Lời Khuyên và Cảnh Báo của Ngôn Sứ dành cho Chúng Ta
Ở đây Ngôn Sứ Isaia kêu gọi tất cả những ai kính sợ Đức Chúa hãy nghe tiếng Tôi Tớ của Ngài. Người là ánh sáng chiếu soi cho những ai đang đi trong bóng tối và cũng là nơi nương tựa của họ.
10 Ai trong các ngươi kính sợ ĐỨC CHÚA,
nghe theo tiếng tôi tớ của Người,
ai đi trong bóng tối, không một tia sáng nào chiếu rọi,
hãy tin tưởng vào danh ĐỨC CHÚA
và tìm nương tựa nơi Thiên Chúa mình thờ.
Những ai chống đối Thiên Chúa và Người Tôi Tớ của Ngài thì giống như những kẻ tự phóng hoả đốt mình. Đây cũng là lời cảnh cáo cho mỗi người chúng ta.
11 Phần tất cả các ngươi, những ai đã phóng hoả,
dùng mũi tên lửa làm vũ khí, hãy đâm đầu vào đống lửa
chính các ngươi đã đốt lên, vào làn tên các ngươi đã châm lửa.
Những gì các ngươi đang phải chịu đều là do chính tay Ta:
các ngươi sẽ nằm xuống trong đớn đau cùng cực.
Người Tôi Tớ và Thánh Thể
Bài Ca này nói về việc Người Tôi Tớ hoàn toàn tin tưởng và vâng phục Thiên Chúa. Đồng thời Ngôn sứ cũng khuyên chúng ta “hãy tin tưởng vào danh ĐỨC CHÚA và tìm nương tựa nơi Thiên Chúa mình thờ.” Có nghĩa rằng hãy tin và nương tựa nơi Ngài. Nhưng làm sao để tin tưởng và nương tựa Ngài khi Ngài là Đấng Vô hình ?
Chính vì thế mà Thiên Chúa đã nỗi đã ban Con Một, để “ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3 :16). Trước khi Chúa Giêsu xuống trần thì tất cả thế gian đều “đi trong bóng tối, không một tia sáng nào chiếu rọi.” Chúa Giêsu là Ngôi Lời Nhập Thể, là Tiếng của Thiên Chúa nói với chúng ta qua tiếng của Tôi Tớ Ngài trong con người Chúa Giêsu thành Nadareth. Trước Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã giảng một bài rất dài mà nhiều học giả cho rằng đó là những lời trăng trối của Người cho các môn đệ, là những vị sẽ tiếp tục sứ vụ Tôi Tớ này trên thế gian.
Mục đích thứ nhất của việc làm Người Tôi Tớ của Chúa Giêsu là để làm gương cho chúng ta. Trong thế giới ngày nay, khi chủ nghĩa cá nhân và tương đối đang thịnh hành, mẫu gương của Người Tôi Tớ Đau Khổ là mẫu gương lội ngược dòng, là mẫu gương phản lại nền văn hoá hiện nay. Mẫu gương này rất khó cho một số người chấp nhận. Nhưng nếu chúng ta nghe lời Người Tôi Tớ Giêsu “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để các con cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”các con.” (Ga 13 : 14-15), thì Chúa sẵn sàng chịu đựng tất cả nghịch cảnh trong đời Người để làm gương cho chúng ta noi theo.
Mục đích thứ hai của Người là để trờ thành nơi nương tựa vững chắc cho chúng ta đến muôn đời. Không những làm gương cho chúng ta, Chúa Giêsu còn muốn ghánh đỡ những đau khổ của chúng ta. Người phán, “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11 :28-30).
Chúa Giêsu bồi dưỡng chúng ta bằng cách ban chính Thịt Người làm của ăn và Máu Người làm của uống cho chúng ta. Người quả quyết, “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6 :51). Không những thế, Người còn nói, “Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10 :30). Như thế nghĩa là Chúa Giêsu cũng là Đức Chúa và là Thiên Chúa mà chúng ta phải tôn thờ như Chúa Cha vì Người là một với Chúa Cha. Vì muốn làm nơi nương tựa cho chúng ta mà Người đã tự giam mình trong các Nhà Tạm trên khắp thế gian để được gần gũi, an ủi và nâng đỡ chúng ta cách cụ thể. Cho nên gặp gỡ Thánh Thể là gặp gỡ Đức Kitô, mà gặp gỡ Đức Kitô là gặp gỡ Thiên Chúa.
Chúa Giêsu không muốn chúng ta chỉ gặp Người ở nhà thờ mà còn muốn chúng ta sống như hiện thân của Người trong thế gian như Người nói “Thầy đã nêu gương cho các con, để các con cũng làm như Thầy đã làm cho các con.” (Ga 13:15). Chúa Giêsu đã đem lửa Tình Yêu xuống thế gian và và Người muốn lửa ấy cháy bùng lên (x. Lc 12:49). Chính chúng ta phải trở thành những ngọn lửa Tình Yêu của Chúa sau khi gặp Người trong Thánh Thể để ra đi đốt cháy mọi tội lỗi trên thế gian cũng bằng ngọn lửa Tình Yêu ấy.
Đó chính là lý do tại sao các Giám Mục Hoa Kỳ đã đề ra Ba Năm Phục hưng Thánh Thể. Mục đích của các ngài là canh tân Hội thánh bằng cách khơi dậy một mối liên hệ sống động với Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể trong mỗi người Công Giáo chúng ta, để chúng ta trở thành những môn đệ truyền giáo của Người. Đồng thời các ngài muốn gợi hứng cho một phong trào của những người Công giáo trên khắp nước Hoa Kỳ, là những người được chữa lành, hoán cải, đào luyện và hợp nhất nhờ gặp gỡ với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể — và sau đó đem ánh sáng của Chúa đến cho những kẻ hiện đang đi trong bóng tối, không một tia sáng nào chiếu rọi, để họ tin tưởng vào danh ĐỨC CHÚA và tìm nương tựa nơi Người.
Câu hỏi để hồi tâm
Chúng ta hãy dành một ít thì giờ đọc lại Bài Ca Thứ Ba và hồi tâm bằng cách suy nghĩ và trả lời những câu hỏi sau:
- Có khi nào bạn bị hàm oan hay hiểu lầm trong đời, nhất là khi phục vụ trong các đoàn thể của giáo xứ chưa? Bạn có phản ứng gì với những hiểu lầm hay hàm oan ấy?
- Thánh Phaolô nói: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8 :31). Có khi nào bạn nghi ngờ sự trợ giúp của Thiên Chúa trong đời chưa? Khi đó bạn cảm thấy thế nào?
- Thất bại lớn nhất trong đời bạn là gì? Bạn học được điều gì về thất bại ấy? Sau khi đọc về Người Tôi Tớ Đau Khổ ở trên, bạn có rút ra được bài học nào mới từ thất bại ấy không?
- Làm sao Bí tích Thánh Thể có thể giúp bạn biến những đau khổ và thất bại thành phương tiện cứu độ cho mình và người khác?