Bài Giáo Lý Thứ 5 của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thánh Lễ: Thánh Lễ là cuộc tưởng niệm và Hiện tại hoá Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô

“Việc tham dự Thánh Lễ làm cho cho chúng ta bước vào mầu nhiệm của Đức Kitô, bằng cách cho chúng ta đi với Người từ cái chết sang sự sống.”

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý 5 của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 22 tháng 11, 2017 tại Quảng trường Thánh Phêrô Vatican. Hôm nay ĐTC giải thích tại sao Thánh Lễ là cuộc tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Ngài nhắn nhủ chúng ta phải ý thức rằng khi tham dự Thánh Lễ là chúng ta lên Núi Sọ cùng Chúa Giêsu chứ không phải đi xem một buổi trình diễn.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tiếp tục bài giáo lý về Thánh Lễ, chúng ta có thể tự hỏi: Thánh Lễ là gì? Thánh Lễ là cuộc tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Thánh Lễ cho chúng ta tham dự vào cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết của Mầu Nhiệm này, và mang lại ý nghĩa đầy đủ cho cuộc sống của chúng ta.

Vì lý do này, để hiểu được giá trị của Thánh Lễ, trước tiên chúng ta phải hiểu ý nghĩa của “việc tưởng niệm”theo Thánh Kinh. Nó “không chỉ là tưởng nhớ các biến cố trong quá khứ, mà còn, bằng cách nào đó, làm cho các biến cố ấy hiện diện và được hiện tại hóa. Đây chính là cách dân Israel hiểu về cuộc giải phóng của họ từ Ai Cập: Mỗi lần lễ Vượt Qua được cử hành, các biến cố thời Xuất Hành lại hiện diện trong ký ức của các tín hữu, để họ làm sao cho cuộc sống của mình phù hợp với các biến cố ấy” (GLCG, 1363). Chúa Giêsu Kitô, với cuộc Khổ Nạn, cái Chết, sự Phục Sinh và Lên Trời của Người, đã hoàn tất Lễ Vượt Qua. Và Thánh Lễ là tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Người, “cuộc xuất hành” mà Người đã thực hiện cho chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi tình trạng nô lệ và đưa chúng ta vào miền đất hứa của sự sống đời đời. Nó không chỉ là một lời nhắc nhở, không, nó còn hơn thế nữa: đó là để ghi nhớ những gì đã xảy ra cách đây 20 thế kỷ.

Bí tích Thánh Thể luôn luôn đưa chúng ta đến tột đỉnh của ơn cứu độ của Thiên Chúa: Chúa Giêsu, khi bẻ bánh ra cho chúng ta, đổ trên chúng ta tất cả lòng thương xót và tình yêu của Người, như Người đã làm trên Thập Giá, để đổi mới tâm hồn chúng ta, cuộc sống chúng ta, và cách chúng ta hiệp thông với Người và với anh em mình. Công Đồng Vaticanô II nói: “Mỗi khi hy tế Thập Giá được cử hành trên bàn thờ, qua đó ‘Đức Kitô là con chiên vượt qua của chúng ta đã chịu hiến tế’, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện”. (Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3).

Mỗi cuộc cử hành Thánh Lễ là một tia nắng mặt trời không có hoàng hôn, là Chúa Giêsu Phục Sinh. Tham dự Thánh Lễ, đặc biệt vào ngày Chúa Nhật, có nghĩa là bước vào cuộc chiến thắng của Đấng Phục Sinh, được chiếu sáng bởi ánh sáng của Người, được sưởi ấm bởi sự ấm áp của Người. Qua việc cử hành Thánh Lễ, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, là sự sống có khả năng biến đổi tất cả con người hay chết của chúng ta. Và trong cuộc Vượt Qua của Người từ sự chết sang sự sống, từ thời gian đến vĩnh hằng, Chúa Giêsu cũng kéo chúng theo với Người để làm Lễ Vượt Qua. Thánh lễ được thiết lập cho Lễ Vượt Qua. Trong Thánh Lễ, chúng ta cùng chết và sống lại với Chúa Giêsu, và Người đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Trong Thánh Lễ, chúng ta kết hợp với Người. Đúng hơn là, Đức Kitô sống trong chúng ta và chúng ta sống trong Người. Thánh Phaolô nói, “Tôi đã chịu đóng đinh cùng với Đức Kitô” và Thánh Nhân nghĩ rằng, “không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Và cuộc sống này, mà tôi sống trong thân xác, là sống trong đức tin vào Con Thiên Chúa, là Ðấng đã yêu thương tôi và đã hiến mạng sống Mình vì tôi” (Gal 2: 19-20).

Thực ra, Máu Người giải thoát chúng ta khỏi sự chết và việc sợ chết. Người giải thoát chúng ta không những chỉ khỏi sự thống trị của cái chết thể lý, mà còn cả cái chết thiêng liêng là sự dữ và tội lỗi, là những gì bắt giữ chúng ta mỗi khi chúng ta trở thành nạn nhân của tội lỗi của mình hay của người khác. Và rồi cuộc sống của chúng ta bị ô nhiễm, mất thẩm mỹ, mất ý nghĩa và đau khổ.

Thay vào đó, Đức Kitô ban lại sự sống cho chúng ta; Đức Kitô là sự sung mãn của đời sống, và khi phải đối diện với cái chết, Người đã vĩnh viễn tiêu diệt nó: “Từ cõi chết sống lại, Người huỷ diệt sự chết và canh tân sự sống” (Kinh nguyện Thánh Thể IV). Cuộc Vượt Qua của Đức Kitô là chiến thắng cuối cùng trên sự chết vì Người đã biến đổi cái chết của Người thành hành động tình yêu tối cao. Người đã chết vì yêu! Và trong Bí tích Thánh Thể, Người muốn thông truyền cho chúng ta tình yêu tha thiết và chiến thắng này. Nếu chúng ta đón nhận tình yêu ấy trong đức tin, chúng ta cũng có thể thật sự yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta có thể yêu như cách Người đã yêu chúng ta, bằng cách hiến mạng sống.

Nếu tình yêu của Đức Kitô ở trong tôi, tôi có thể trao hiến trọn vẹn chính mình tôi cho tha nhân, với niềm xác tín rằng cả khi người khác có thể làm tổn thương tôi, tôi sẽ không chết; nếu không thì tôi sẽ phải bảo vệ mình. Các vị tử vì đạo đã hiến mạng sống của các ngài chính vì xác tín về chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết. Chỉ khi nào chúng ta cảm nghiệm được quyền năng này của Đức Kitô, quyền năng của tình yêu của Người, chúng ta mới thực sự tự do hiến mình mà không sợ hãi. Đây là Thánh Lễ: là bước vào cuộc Khổ Nạn, cái Chết, sự Phục Sinh và Lên Trời của Chúa Giêsu; khi chúng ta đi dự Thánh Lễ thì giống như chúng ta đang đi lên Núi Sọ, y như thế. Nhưng anh chị em hãy nghĩ xem: nếu lúc đi Lễ chúng ta đi lên Núi Sọ – chúng ta nghĩ bằng trí tưởng tượng – và chúng ta biết rằng Đấng đang ở đó là chính Chúa Giêsu, thì chúng ta có được phép trò chuyện, chụp hình, trình diễn một chút không? Không! Vì đó là Chúa Giêsu! Chúng ta chắc chắn sẽ im lặng, than khóc, và thậm chí vui mừng vì được cứu độ. Khi chúng ta bước vào nhà thờ để cử hành Thánh Lễ, chúng ta hãy nghĩ về điều này: tôi đến Núi Sọ, nơi mà Chúa Giêsu hiến mạng sống cho tôi. Và như vậy việc trình diễn, đồn đại, bình phẩm ​​và những điều khiến chúng ta xa cách điều tuyệt mỹ này, là Thánh Lễ, chiến thắng của Chúa Giêsu, đều sẽ biến mất.

Tôi nghĩ rằng giờ đây chúng ta thấy rõ hơn là làm sao lễ Vượt Qua lại được hiện tại hoá và hoạt động mỗi khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, đó là ý nghĩa của cuộc tưởng niệm. Việc tham dự Thánh Lễ làm cho cho chúng ta bước vào Mầu Nhiệm của Đức Kitô, bằng cách cho chúng ta đi với Người từ cái chết sang sự sống, nghĩa là, ở đó trên Núi Sọ. Thánh Lễ là sống lại Núi Sọ, chứ không phải một buổi trình diễn.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2017/documents/papa-francesco_20171122_udienza-generale.html

Categories

Latest Posts

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa
Hãy Làm Việc Này

Giải Thích về Hội Thánh: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 67 : Đây Chiên Chiên Chúa

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 35 – Kinh Cầu Khẩn Thánh Thần – Epiclesis

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng –  Sanctus
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 34 – Kinh Tiền Tụng – Sanctus

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 33 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Nguyện Tư Tế

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 32 – Kinh Tiền Tụng I – Lời Đối Thoại