Bốn Trụ Cột của Năm Truyền Giáo Thánh Thể
Kế hoạch Phục hưng Thánh Thể Toàn quốc đã đạt đến giai đoạn then chốt là giai đoạn truyền giáo. Hai giai đoạn trước của kế hoạch này tập trung vào việc xây dựng một nền văn hoá Thánh Thể trong các giáo phận và giáo xứ. Trong hai giai đoạn ấy, Hội Thánh mời gọi mọi người Công giáo đào sâu sự hiểu biết và mối quan hệ cá nhân của họ với Chúa Giêsu qua việc gặp gỡ Người trong Bí tích Thánh Thể và đem tình yêu của Người đến cho thế gian. Giai đoạn thứ ba này, được nhấn mạnh đến trong Đại hội Thánh Thể Toàn quốc vào tháng 7 năm 2024, Đâi hội đầu tiên tại Hoa Kỳ sau 83 năm. Đại hội này không phải là kết thúc mà là một mốc khởi đầu quan trọng trong kế hoạch Phục hưng Thánh Thể trường kỳ.
Có nhiều người tưởng rằng Phục hưng Thánh Thể chỉ có ba năm. Nhưng thực ra ba năm này là ba năm chuẩn bị cho một phong trào Phục hưng Thánh Thể lâu dài. Dù đã tích cực tham gia công cuộc Phục hưng Thánh Thể hay chưa, thì tất cả các giáo phận và giáo xứ đều sống bởi Thánh Thể. Chính vì thế mà tất cả đề có nhiệm vụ tiếp tục cổ võ các cuộc gặp gỡ Thánh Thể và hoạt động truyền giáo. Tất cả mọi người đều có trách nhiệm tham gia vào sứ vụ có sức biến đổi thế gian này của họ. Sáng kiến “Mời Một Người Trở lại” và “Đồng Hành với Một Người” là những sáng kiến quan trọng, khuyến khích người Công giáo tìm ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để giúp đỡ những người khác trở về với Chúa và đồng hành với họ trong cuộc hành trình đức tin.
Được hướng dẫn bởi Bốn Trụ cột là Gặp gỡ Thánh Thể, Căn tính Thánh Thể, Đời sống Thánh Thể và Sứ vụ Thánh Thể, Phục hưng Thánh Thể thúc giục những người Công giáo cảm nghiệm được việc gặp gỡ Đức Kitô một cách cá nhân, để Người hình thành căn tính của họ và biến họ thành những thừa sai Thánh Thể ngõ hầu thay cho Người phục vụ tha nhân. Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu sơ lược về bốn căn tính này.
1. Gặp gỡ Thánh Thể
Trụ cột thứ nhất Khuyến Khích Các Môn Đệ Truyền Giáo Gặp Gỡ Đức Kitô thường xuyên trong Bí tích Thánh Thể. Gặp gỡ Thánh Thể là một kinh nghiệm sâu sắc và có sức biến đổi, ở đó chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, đặc biệt là qua việc cử hành Thánh Lễ và Chầu Thánh Thể. Cuộc gặp gỡ này rất cần thiết cho các môn đệ truyền giáo, định hình cuộc sống của chúng ta và hướng dẫn hành động của chúng ta. Trong Tin Mừng Thánh Luca (22:39-46), chúng ta thấy Chúa Giêsu lui về Vườn Cây Dầu để cầu nguyện trước Cuộc Khổ nạn của Người. Hành động tìm kiếm sự hiện diện của Chúa Cha trong giờ phút thử thách cam go này mang đến cho chúng ta một mô hình ấn tượng. Giống như Đức Kitô, chúng ta được kêu gọi chuẩn bị chính mình qua kinh nguyện và sự hiệp thông với Thiên Chúa, đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể, trước khi đối diện với những đòi hỏi của sứ vụ của mình trên thế gian.
Đức Phanxicô thúc giục chúng ta tôn thờ Chúa trong im lặng, ở đó chúng ta có thể thực sự trải nghiệm sự hiện diện của Chúa. Ngài kêu gọi chúng ta trở về nơi thờ phượng, lắng nghe Thiên Chúa của Lòng Thương Xót và Tình Yêu bằng trái tim mình[1]. Cuộc gặp gỡ Thánh Thể này, không chỉ là một nghi thức mà là một cảm nghiệm có sức biến đổi, tác động sâu xa đến cuộc sống của chúng ta. Đức Bênêđictô XVI khai triển điều này, ngài dạy rằng Bí tích Thánh Thể là cuộc gặp gỡ và kết hợp với chính Con Thiên Chúa. Sự kết hợp này là nền tảng cho sứ vụ của chúng ta như các môn đệ của Người, phá tan những rào cản ngăn cách giữa chúng ta với người khác và Thiên Chúa. Qua việc tôn thờ, chúng ta hoàn toàn chấp nhận mầu nhiệm này, cho phép nó biến đổi chúng ta thành những người môn đệ thực sự của Đức Kitô[2].
Bí tích Thánh Thể cũng liên kết chặt chẽ với công việc của Chúa Thánh Thần. Mỗi Thánh Lễ là một “Lễ Hiện xuống vĩnh cửu”, ở đó Chúa Thánh Thần làm cho sự kết hợp của chúng ta với Đức Kitô mật thiết hơn và ban cho chúng ta khả năng để sống theo Tin Mừng. Đức Bênêđictô nhấn mạnh rằng việc thường xuyên tham dự Thánh Lễ và Chầu Thánh Thể thúc đẩy quyết tâm vui tươi hiến dâng cuộc đời mình cho sứ vụ của Đức Kitô. Bí tích Thánh Thể không những là một cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô, mà còn là nguồn sức mạnh thúc đẩy chúng ta tích cực sống đức tin của mình trên thế gian[3].
Đức Phanxicô, trong bài huấn dụ dành cho các đại diện của Ban Tổ Chức Đại hội Thánh Thể Toàn quốc, đã bày tỏ hy vọng về một cảm giác ngạc nhiên và kinh sợ mới mẻ trước món quà Thánh Thể. Ngài than thở về sự mất mát cảm giác tôn thờ trong thời hiện đại và kêu gọi tái khám phá hình thức cầu nguyện này. Việc Chầu Thánh Thể, đặc biệt là trong thinh lặng, cho phép chúng ta kết hợp mật thiết với Đức Kitô, được nuôi dưỡng bởi sự hiện diện của Người và đem cuộc gặp gỡ đó vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta[4].
Tóm lại, Cuộc gặp gỡ Thánh Thể rất quan trọng đối với hành trình đức tin của chúng ta, kêu gọi chúng ta gặp gỡ Đức Kitô cách rất riêng tư. Cuộc gặp gỡ này biến đổi mối quan hệ của chúng ta với Chúa và trang bị cho chúng ta để tiến bước như những môn đệ truyền giáo, mang tình yêu và ánh sáng của Đức Kitô vào thế giới. Sau mỗi Thánh Lễ, hãy cùng Chúa Giêsu ra về như những nhà tạm sống động của Chúa và công bố Tin Mừng, tôn vinh Chúa bằng cuộc sống của chúng ta, cùng đem những Kỳ quan của Bí tích Thánh Thể vào thế gian để cho Người thánh hóa nó.
2. Căn tính Thánh Thể
Trụ cột thứ hai khuyến khích các môn đệ truyền giáo giữ chặt căn tính thực sự của họ là con cái yêu dấu của Chúa Cha qua mối quan hệ của họ với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Căn tính Thánh Thể là sự hiểu biết và chấp nhận con người thật của mình như những người con yêu dấu của Thiên Chúa qua mối quan hệ của chúng ta với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Trong Tin Mừng Thánh Gioan (15:1, 7-17), Chúa Giêsu nói về cây nho và cành nho. Người nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc ở lại trong tình yêu của Người và sinh hoa trái như những môn đệ của Người. Đoạn văn này mặc khải về căn tính sâu xa nhất của chúng ta, được hiện thực hóa trọn vẹn trong Bí tích Thánh Thể.
Đức Kitô, trong đêm trước khi hiến mạng sống Người vì chúng ta, đã truyền lệnh cho chúng ta ở lại trong tình yêu của Người và yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta. Lệnh truyền này mời gọi chúng ta sống theo căn tính thật của mình, bắt nguồn từ sự hiệp thông của chúng ta với Người trong Bí tích Thánh Thể. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II giải thích rằng nhân loại đói khát Lời Chúa một cách khủng khiếp, một cơn đói chỉ có thể được thỏa mãn khi kết hợp với Đức Kitô. Bí tích Thánh Thể được ban cho chúng ta như một cách để được “no thỏa” Thiên Chúa ở đây dưới trần, chuẩn bị cho chúng ta cho sự viên mãn cuối cùng trên thiên đàng[5].
Khi gặp gỡ Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi đáp lại và trưởng thành trong mối quan hệ của mình với Người. Sự trưởng thành này có nghĩa là vượt qua niềm vui ban đầu khi mới gặp Người để đi đến một tình yêu tận tụy và có chủ đích, cùng sống như những dưỡng tử hay dưỡng nữ của Thiên Chúa. Căn tính Thánh Thể không chỉ là trải nghiệm niềm vui hay sự bình an; mà là nhận lấy tư tưởng và tâm tình của Đức Kitô, để cho Người định hình mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta.
Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng lòng sùng kính Thánh Thể, vốn phải là trung tâm và mục tiêu của mọi hình thức sùng kính khác[6]. Khi chúng ta để Đức Kitô hình thành chúng ta qua Bí tích Thánh Thể, thì Bí tích Thánh Thể trở thành “nguồn mạch và tột đỉnh” của đời sống chúng ta, ảnh hưởng đến cách chúng ta sống và tương tác với người khác trong thế giới[7].
Đức Phanxicô dạy rằng phụng vụ Thánh Thể là một cuộc gặp gỡ được đảm bảo với Đức Kitô và Mầu nhiệm Vượt qua của Người. Cuộc gặp gỡ này không chỉ có tính trí tuệ mà còn là sự tham gia thực sự, hiện sinh với Đức Kitô. Phụng vụ là về việc ngợi khen, tạ ơn và trở nên giống Đức Kitô hơn. Như Đức Phanxicô đã trích dẫn lời của Đức Lêô Cả, sự tham gia của chúng ta vào Mình và Máu Đức Kitô nhằm mục đích biến chúng ta trở thành điều chúng ta nhận được trong Thánh Thể, là Thân Mình Đức Kitô[8].
Tóm lại, việc chấp nhận căn tính Thánh Thể có nghĩa là nhận ra và sống căn tính thật của chúng ta như những người con yêu dấu của Thiên Chúa, được hình thành và nuôi dưỡng bởi mối quan hệ của chúng ta với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Căn tính này mời gọi chúng ta ở lại trong tình yêu của Người, sinh hoa trái như những môn đệ của Người và để Bí tích Thánh Thể biến đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta.
3. Đời sống Thánh Thể
Trụ cột thứ ba khuyến khích các môn đệ truyền giáo củng cố và đổi mới căn tính Kitô hữu của họ qua Bí tích Thánh Thể, ý thức rằng, khi chúng ta yêu Đức Kitô nhiều hơn, cuộc sống của chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Điều đó dẫn chúng ta đến việc sống đức tin của mình một cách sâu sắc và hy sinh.
Trong Chương 2 của Sách Công vụ Tông đồ[9], Thánh Luca minh họa cách các Kitô hữu tiên khởi, sau khi được rửa tội, đã chuyển từ việc chỉ gặp gỡ Đức Kitô sang việc để cuộc gặp gỡ đó định hình căn tính của họ và cuối cùng là sống cuộc sống của họ như một món quà cho Đức Kitô qua Bí tích Thánh Thể. Các Kitô hữu này đã hết mình học hỏi các giáo huấn của các Tông Đồ, tận tâm với đời sống cộng đồng, chuyên cần với việc Bẻ Bánh và cầu nguyện. Cuộc sống của họ phản ảnh tình yêu của họ dành cho Đức Kitô, và họ thể hiện tình yêu này qua những hành động cụ thể như chia sẻ tài sản của họ, giúp đỡ những người gặp khó khăn và vui vẻ sống trong tình bằng hữu.
Mẫu sống này chứng minh quyền năng biến đổi của Bí tích Thánh Thể. Khi chúng ta bước vào mối quan hệ với Đức Kitô, chúng ta được mời gọi trao tặng chính mình, giống như Đức Kitô đã trao ban chính Mình cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Đức Phanxicô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể như là hành động hy sinh tột cùng, ở đó Chúa Giêsu hoàn toàn trao ban chính Mình vì sự vâng phục và tình yêu dành cho Chúa Cha. Hành động trao ban chính Mình này là bản chất của sự thờ phượng đích thực[10] và là mô hình cho cách chúng ta sống cuộc sống của mình.
Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh thêm rằng “việc tham dự vào Bí tích Thánh Thể đưa chúng ta vào động lực tự hiến của Đức Kitô. Bí tích Thánh Thể không chỉ là một nghi lễ; đó là lời mời gọi tham gia vào tình yêu hy sinh của Đức Kitô, biến cuộc đời chúng ta thành một của lễ kết hợp với Người”[11]. Khi chúng ta sống cuộc sống Bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi để tình yêu này lan tràn sang những hành động cụ thể của tình yêu dành cho tha nhân.
Như Đức Bênêđictô XVI đã tuyên bố, “Một Bí tích Thánh Thể không chuyển thành việc thực hành tình yêu cụ thể thì về bản chất đã bị phân chia thành những mảnh vụn”[12]. Đức Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng “Tình yêu mà chúng ta nhận được trong Bí tích Thánh Thể không phải để giữ cho riêng mình mà để chia sẻ với thế giới…. Bí tích Thánh Thể là câu trả lời của Thiên Chúa cho cơn đói sâu thẳm nhất của tâm hồn con người—cơn đói đời sống đích thực.” [13] Trong Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô nuôi dưỡng, an ủi và nâng đỡ chúng ta, thêm sức cho chúng ta để sống căn tính Kitô hữu của mình trong cuộc hành trình phục vụ tha nhân.
4. Sứ Vụ Thánh Thể
Trụ cột thứ tư khuyến khích những người đã gặp gỡ Đức Kitô, những người đã bước vào mối quan hệ với Người, và những người đã được trở nên đồng hình đồng dạng với Người ra đi truyền giáo cho thế gian, Phúc Âm hoá và đem tình yêu của Người đến cho mọi người, đặc biệt là những người cần đến lòng thương xót của Người nhất.
Đức Phanxicô viết “Hội Thánh ‘ra đi’ là một cộng đồng gồm các môn đệ truyền giáo đi bước đầu tiên, tham gia và hỗ trợ, sinh hoa trái và vui mừng. Một cộng đồng truyền giáo biết rằng Chúa đã chủ động, Ngài đã yêu thương chúng ta trước (x. 1 Ga 4:19), và do đó chúng ta có thể tiến về phía trước, mạnh dạn chủ động, đi ra ngoài với người khác, tìm kiếm những người đã bỏ đạo, đứng ở ngã tư và chào đón những người bị ruồng bỏ”.[14] Sứ vụ Thánh Thể kêu gọi chúng ta đem tình yêu mà chúng ta gặp được trong Đức Kitô vào thế giới, đặc biệt cho những người cần Lòng Thương Xót của Người nhất. Sứ vụ này không chỉ là một lựa chọn mà là sự tuôn chảy tự nhiên của mối quan hệ của chúng ta với Đức Kitô, bắt nguồn từ Bí tích Thánh Thể.
Trong Tin Mừng Thánh Gioan, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã hỏi Thánh Phêrô ba lần rằng ông có yêu Người không. Mỗi lần, Phêrô đều khẳng định tình yêu của mình, và Chúa Giêsu đáp lại bằng một mệnh lệnh: “Hãy chăn các chiên của Thầy”, “Hãy chăn các chiên của Thầy” và “Hãy chăn chiên của Thầy”[15]. Cuộc trao đổi này rất ý nghĩa vì nó cho thấy rằng tình yêu đích thực dành cho Đức Kitô phải được thể hiện bằng hành động—cụ thể là chăm sóc người khác và hoàn thành sứ mệnh mà Đức Kitô đã trao phó cho chúng ta. Việc Thánh Phêrô, người trước đây đã chối Đức Kitô, giờ đây đã được phục hồi và được trao quyền lãnh đạo và phục vụ, nhấn mạnh rằng những thất bại trong quá khứ của chúng ta không làm chúng ta mất tư cách thi hành sứ vụ; thay vào đó, chúng chuẩn bị cho chúng ta làm điều đó.
Bí tích Thánh Thể là trọng tâm của sứ vụ này. Như Sách Giáo lý Công giáo dạy, một trong những tên gọi của Bí tích Thánh Thể là “Thánh Lễ (Missa)”, vì phụng vụ kết thúc bằng việc sai các tín hữu đi truyền giáo[16]. Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh rằng tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân là không thể tách rời nhau được vì nó bắt nguồn từ tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu thiêng liêng này, được gặp thấy trong Bí tích Thánh Thể, thúc đẩy chúng ta chia sẻ tình yêu đó với người khác. Nếu không có sứ vụ, tình yêu mà chúng ta nhận được trong Bí tích Thánh Thể không thể hoàn toàn bén rễ trong cuộc sống của chúng ta[17].
Để hỗ trợ cho sứ vụ này, các sáng kiến như “Mời Một Người Trở Lại” hay “Đồng hành với Một Người” của kế hoạch Phục hưng Thánh Thể khuyến khích chúng ta tiếp cận những người đã rời xa Hội Thánh, mời họ quay lại gặp gỡ Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Cho dù họ đã bỏ đạo, không tham dự Thánh Lễ thường xuyên hay chưa bao giờ hiểu rõ ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể, sứ vụ này kêu gọi chúng ta trở thành công cụ của tình yêu Đức Kitô, hướng dẫn người khác trở về với Người.
Đức Kitô không sai chúng ta ra đi thi hành sứ vụ này một mình. Người hứa rằng Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo trợ, sẽ luôn ở cùng chúng ta, hướng dẫn và trao quyền cho chúng ta. Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI gọi Chúa Thánh Thần là “tác nhân chính của việc Phúc Âm Hoá”[18], nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần biến đổi Hội Thánh thành chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa. Đức Bênêđictô XVI giải thích thêm rằng Chúa Thánh Thần ban thêm sinh lực cho sứ vụ của Hội Thánh, giúp chúng ta giải quyết cả nhu cầu tinh thần lẩn vật chất, đóng vai trò là ngọn hải đăng của tình yêu Đức Kitô trong một thế giới tan vỡ[19].
Khi đón nhận Sứ vụ Thánh Thể, chúng ta trở thành những môn đệ đích thực, đem tình yêu của Đức Kitô vào thế gian và thi hành mệnh lệnh của Người là “Chăn dắt các chiên của Ta”.
Kết luận
Giai đoạn Truyền giáo của Phục hưng Thánh Thể Toàn quốc mời gọi mọi người Công giáo hành động tích cực và hăng say với một sự hiểu biết sâu xa. Đây là thời điểm để đào sâu mối quan hệ cá nhân của chúng ta với Đức Kitô qua Bí tích Thánh Thể và tích cực chia sẻ tình yêu của Người với thế gian. Phục hưng Thánh Thể không chỉ là các sự kiện mà là lời mời gọi biến đổi chính mình và người khác qua quyền năng của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Đức tin của chúng ta không thể bị cô lập mà phải được chia sẻ một cách rộng rãi. Là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu, Bí tích Thánh Thể thúc đẩy chúng ta vươn mình ra, đặc biệt là đến với những người cần Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Các sáng kiến như “Đồng hành với Một Người” đóng vai trò then chốt trong sứ vụ này, khuyến khích chúng ta kết nối lại với những người đã rời xa Hội Thánh và mời họ trở lại hiệp thông với Đức Kitô.
Trong giai đoạn sứ vụ này, chúng ta được kêu gọi trở thành những thừa sai Thánh Thể, được Chúa Giêsu Thánh Thể hình thành, nuôi dưỡng và sai đi. Tình yêu mà chúng ta nhận được trong Bí tích Thánh Thể phải lan tràn sang hành động của chúng ta, hướng dẫn chúng ta phục vụ người khác và làm chứng cho quyền năng biến đổi của sự hiện diện của Đức Kitô trong thế giới chúng ta.
Tuy nhiên, điều tiên quyết vẫn là thiết lập một nền văn hoá Thánh Thể vững chắc trong giáo xứ theo các kế hoạch được đề ra trong năm thứ nhất và thứ hai trước khi mời gọi người khác trở về với Giáo Xứ. Bởi vì các giáo xứ phải trở nên những thửa ruộng mầu mỡ trước rồi mới có thể gieo hạt giống truyền giáo cách hiệun quả được.
Câu hỏi để Suy Nghĩ
- Làm thế nào để cuộc gặp gỡ Thánh Thể có thể biến đổi đời sống của chúng ta và hướng dẫn chúng ta phục vụ tha nhân? Bạn đã trải nghiệm điều này như thế nào trong cuộc hành trình đức tin của bạn?
- Bạn hiểu như thế nào về “căn tính Thánh Thể” của mình là con cái yêu dấu của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể? Sự hiểu biết này đã ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với những người chung quanh ra sao?
- Đời sống Thánh Thể mời gọi chúng ta thể hiện tình yêu Đức Kitô qua hành động cụ thể. Có những việc làm nào bạn có thể thực hiện để đem tình yêu và ánh sáng của Đức Kitô đến với cộng đồng?
- Sứ vụ Thánh Thể thúc đẩy chúng ta ra đi, trở thành các thừa sai của tình yêu Đức Kitô. Có ai trong cuộc sống của bạn mà bạn cảm thấy được mời gọi “đồng hành” hoặc “mời trở lại” với Hội Thánh không? Bạn sẽ tiếp cận họ thế nào?
Phaolô Pham Xuân Khôi
Viết phỏng theo Cẩm Nang Năm Truyền Giáo
[1] X. Phanxicô, Bài Giảng Thứ Tư Lễ Tro, 2024
[2] X. Bênêđctô XVI, Huấn Từ dành cho Giáo Triều Rôma, ngày 22 tháng 12, 2005.
[3] X. Bênêđictô XVI, Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế giới thứ XXIII, 2008
[4] X. Phanxicô, Diễn từ Tiếp đón Ban Tổ chức Đâi Hội Thánh Thể Toàn quốc, ngày 19 thàng 6, 2023.
[5] X. Gioan Phaolô II, Mane Nobiscum Domine, số 19)
[6] X. Phaolô VI, Mysterium fidei, số 64)
[7]Lumen Gentium, số 11
[8] X. Phanxicô, Bài Giảng Thứ Tư Lễ Tro 2024
[9] X. CV 2:32-47.
[10] X. Phanxicô, Desiderio Desideravi, số. 7)
[11] Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis. Số 11
[12] Bênêđictô XVI, Deus Caritas Est, số 14
[13] Phanxicô, Phanxicô, Diễn từ Tiếp đón Ban Tổ chức Đâi Hội Thánh Thể Toàn quốc, ngày 19 thàng 6, 2023.
[14] Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 24.
[15] X. Gioan 21: 15-17, 19.
[16] X. GLCG, số 1332.
[17] X. Bênêđictô XVI, Deus Caritas Est, số 18.
[18] X. Phaolô VI,
[19] X, Beneđictô XVI, Deus Caritas Est, số 20.