Căn tính Thánh Thể – Con đường Phúc Âm Hoá và Làm Môn Đệ Truyền Giáo

Ở trọng tâm của sứ vụ Hội Thánh là mầu nhiệm cao cả về Bí tích Thánh Thể, nguồn mạch sự sống và tình yêu, là điều xác định căn tính của mỗi Kitô hữu. Căn tính Thánh Thể không chỉ là một khái niệm thần học mà là một thực tại sống động. Căn tính này hình thành chính bản chất của lời mời gọi Phúc Âm hoá và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Hội Thánh. Căn tính này, được bắt nguồn từ sự hiện diện cách bí tích của Đức Kitô, mời gọi mọi tín hữu tham gia vào sứ vụ của Người, biến đổi thế giới nhờ quyền năng của tình yêu và sự hy sinh của Người.

Hiểu về Căn Tính Thánh Thể

Căn tính Thánh Thể đến từ một ý thức sâu xa rằng chính con người Kitô hữu của chúng ta có một mối liên hệ mật thiết với mầu nhiệm Thánh Thể. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta gặp gỡ chính Đức Kitô, hiện diện thật trong Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Người. Cuộc gặp gỡ bí tích này không là một hành động tượng trưng, mà là một trải nghiệm có sức biến đổi, kết hợp chúng ta với Đức Kitô và với nhau như Thân thể của Người, tức là Hội Thánh.

Maurice Zundel, một linh mục Công giáo và nhà thần bí người Thụy Sĩ, đã hiểu một cách sâu sắc những hàm ý của căn tính này. Ngài nhấn mạnh rằng Thánh Thể không chỉ là một nghi lễ cần tuân thủ, mà là một thực tại sống động mời gọi chúng ta trờ thành hiện thân cho sự hiện diện của Đức Kitô trên thế gian. Theo Cha Zundel, căn tính Thánh Thể của chúng ta là lời mời gọi trở thành “Bánh Thánh sống động“, hiến dâng chính mình trong tình yêu và phục vụ người khác, giống như Đức Kitô đã hiến dâng chính Mình Người trên Thập giá.

Thánh Thể là Nguồn Mạch của Việc Phúc Âm Hoá

Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu, và chính từ nguồn ân sủng này mà mọi công cuộc Phúc Âm hoá tuôn chảy. Sứ vụ công bố Tin Mừng cho muôn dân của Hội Thánh bắt nguồn từ việc cử hành Thánh Lễ, ở đó công trình cứu độ của Đức Kitô được hiện tại hoá và có hiệu quả. Trong Thánh Lễ, chúng ta nhận được sức mạnh và ân sủng cần thiết để thi hành Mệnh Lệnh Cao Cả, “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19).

Căn tính Thánh Thể của chúng ta thúc đẩy chúng ta chia sẻ tình yêu của Đức Kitô với thế gian. Như Người đã hiến Mình cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi hiến mình cho tha nhân trong phục vụ và yêu thương. Tình yêu tự hiến này là trọng tâm của việc Phúc Âm hoá. Chỉ rao giảng Tin Mừng bằng lời nói mà thôi thì chưa đủ; chúng ta phải sống Tin Mừng bằng hành động của mình, qua việc hiện thân cho tình yêu và lòng thương xót của Đức Kitô trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Thánh Thể và Việc Làm Môn Đệ Truyền Giáo

Làm môn đệ truyền giáo là lời mời gọi đi theo Đức Kitô và đưa những người khác đến với Người. Đó là ơn gọi được sai đi khắp thế gian như những chứng nhân cho tình yêu và chân lý của Người. Bí tích Thánh Thể đóng vai trò trung tâm trong sứ vụ này, vì trong Bí tíchThánh Thể, chúng ta được nuôi dưỡng và củng cố để trở thành những nhân chứng của Đức Kitô.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể trong đời sống của một môn đệ truyền giáo. Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, ngài viết: “Thánh Thể, mặc dù là sự viên mãn của đời sống Bí tích, nhưng không phải là phần thưởng dành cho người hoàn hảo mà là phương thuốc và nguồn dinh dưỡng hiệu lực cho người yếu đuối“. Thánh Thể là nơi chúng ta gặp gỡ lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa. Và chính từ cuộc gặp gỡ này, chúng ta được sai đi để đem tình yêu ấy đến cho tha nhân.

Căn tính Thánh Thể của chúng ta như những môn đệ truyền giáo là lời kêu gọi sống một cách sống phản ảnh tình yêu tự hiến của Đức Kitô. Đó là lời mời gọi trở thành tay và chân của Người trên thế gian, đi đến với những người bị thiệt thòi, nghèo đói và đau khổ. Bí tích Thánh Thể trao quyền cho chúng ta trở thành tác nhân của sự biến đổi, đem ánh sáng của Đức Kitô vào những ngóc ngách tối tăm nhất của thế giới.

Quyền Năng Biến Đổi của Bí Tích Thánh Thể

Bí tích Thánh Thể không chỉ là nguồn mạch của lòng đạo đức cá nhân; đó là quyền năng mãnh liệt để biến đổi thế giới. Khi chúng ta rước nhận Thánh Thể, chúng ta được kết hợp với Đức Kitô trong tình yêu hy sinh của Người, và tình yêu này thúc đẩy chúng ta hành động. Bí tích Thánh Thể kêu gọi chúng ta đập tan những rào cản chia rẽ chúng ta, và làm việc vì công lý và hòa bình trong cộng đồng của mình.

Cha Maurice Zundel tin rằng Bí tích Thánh Thể có quyền năng biến đổi không những chỉ các cá nhân mà còn cả xã hội. Ngài coi Bí tích Thánh Thể như nguồn gốc của việc canh tân xã hội, như một lời kêu gọi sống đoàn kết với người nghèo hổ và bị áp bức. Tầm nhìn của cha Zundel về căn tính Thánh Thể là một căn tính mà ở đó tình yêu của Đức Kitô, hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, tràn ngập vào mọi khía cạnh của cuộc sống, dẫn dắt chúng ta làm việc vì công ích và xây dựng một thế giới công bằng và nhân ái hơn.

Căn tính Thánh Thể và Sứ Vụ của Hội Thánh

Sứ vụ Phúc Âm hoá và đào tạo môn đệ của Hội Thánh gắn liền một cách mật thiết với căn tính Thánh Thể của mình. Thánh Thể là nền tảng của đời sống và sứ vụ Hội Thánh. Chính trong Thánh Thể, Hội Thánh tìm thấy sự hợp nhất và sức mạnh của mình, và chính từ Thánh Thể, Hội Thánh được sai đi khắp thế gian để loan báo Tin Mừng.

Căn tính Thánh Thể của chúng ta như những phần tử của Hội Thánh kêu gọi chúng ta trở thành những người tham gia tích cực vào sứ vụ này. Chỉ đơn thuần đón nhận Thánh Thể mà thôi thì chưa đủ; chúng ta phải sống Thánh Thể. Chúng ta phải để cho ân sủng của Chúa Thánh Thể biến đổi tâm hồn và trí khôn chúng ta, làm cho chúng ta trở nên giống Đức Kitô hơn và cho phép chúng ta trở thành chứng nhân của Người trên thế gian.

Hội Thánh, như Thân mính của Đức Kitô, được mời gọi trở thành một cộng đồng Thánh Thể, một cộng đồng phản ảnh tình yêu và sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi. Cộng đồng Thánh Thể này là dấu chỉ hy vọng trong một thế giới chia rẽ và tan vỡ. Đó là một cộng đồng chào đón người lạ, chăm sóc người nghèo, cùng làm việc vì công lý và hòa bình. Khi sống căn tính Thánh Thể, chúng ta trở thành ánh sáng muôn dân, ngọn hải đăng hy vọng trong một thế giới đang vô cùng cần tình yêu của Đức Kitô.

Những Thách Đố Khi Sống Căn Tính Thánh Thể

Việc sống căn tính Thánh Thể của chúng ta không phải là không có những thách đố. Trong một thế giới coi trọng chủ nghĩa cá nhân và lợi ích riêng tư, lời kêu gọi yêu thương quên mình có thể rất khó được chấp nhận. Chúng ta liên tục bị cám dỗ hướng về mình, tập trung vào những nhu cầu và mong muốn của riêng mình hơn là nhu cầu của người khác.

Hơn nữa, sự bận rộn và những thú tiêu khiển của cuộc sống hiện đại có thể làm cho chúng ta khó tập trung vào Bí tích Thánh Thể. Thật dễ dàng để quên đi mầu nhiệm cao cả mà chúng ta được mời gọi thông phần mỗi khi rước Lễ. Sống căn tính Thánh Thể đòi hỏi một mối quan hệ mật thiết và lâu dài với Đức Kitô, được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện, chiêm niệm, hy sinh và thường xuyên lãnh nhận các Bí tích.

Cha Maurice Zundel nhắc nhở chúng ta rằng để thực sự sống căn tính Thánh Thể, chúng ta phải trở thành những người chiêm niệm trong hành động. Chúng ta phải học cách nhìn thấy sự hiện diện của Đức Kitô trong mọi người mà chúng ta gặp và trong mọi hoàn cảnh mà chúng ta phải đối mặt. Điều này đòi hỏi một sự hoán cải liên tục của tâm hồn, một quyết tâm sống trong tình yêu của Đức Kitô hàng ngày và chia sẻ tình yêu ấy với người khác.

Vai Trò của Thánh Thể trong Việc Xây Dựng Cộng Đồng

Bí tích Thánh Thể cũng là một quyền lực vô song để xây dựng cộng đồng trong Hội Thánh. Khi chúng ta tụ họp lại để cử hành Thánh Lễ, chúng ta không những chỉ kết hợp với Đức Kitô mà còn với nhau. Thánh Thể đập tan những rào cản chia rẽ chúng ta và tạo ra mối dây hợp nhất giữa các tín hữu.

Khía cạnh cộng đồng này của Bí tích Thánh Thể là điều cần thiết cho căn tính của chúng ta như một Hội Thánh. Chúng ta không phải là những cá nhân biệt lập, mà là các phần tử của Thân thể Đức Kitô. Thánh Thể nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều được kết nối, rằng cuộc sống của chúng ta đan xen với cuộc sống của những người khác. Cảm giác cộng đồng này là điều cần thiết cho sứ vụ Phúc Âm hoá của Hội Thánh. Chính qua tình yêu và sự quan tâm của chúng ta dành cho nhau mà thế gian biết rằng chúng ta là môn đệ của Đức Kitô (x. Ga 13:35).

Căn tính Thánh Thể kêu gọi chúng ta trở thành những người xây dựng cộng đồng, làm việc vì sự hợp nhất và hòa giải trong Hội Thánh và trên thế giới rộng lớn hơn. Căn tính này mời gọi chúng ta vươn tới những người đang sống bên lề xã hội, chào đón những người xa lạ và chăm sóc những người đang gặp khó khăn. Khi sống căn tính này, chúng ta trở thành dấu chỉ sống động cho tình yêu của Đức Kitô trên thế gian.

Kết Luận

Căn tính Thánh Thể là một lời mời gọi sống trong sự hiện diện của Đức Kitô, được tình yêu của Người biến đổi và chia sẻ tình yêu ấy với tha nhân. Đó là lời mời gọi Phúc Âm hoá, làm môn đệ và xây dựng một xã hội công bằng và nhân ái hơn. Tầm nhìn của Cha Maurice Zundel về căn tính Thánh Thể thách đố chúng ta vượt ra ngoài sự hiểu biết đơn thuần về nghi thức Thánh Lễ và đón nhận căn tính này như một cách sống.

Khi chúng ta hành trình trong sứ vụ của mình như Hội Thánh, hãy liên tục múc lấy sức mạnh từ Thánh Thể, để Thánh Thể hình thành căn tính của mình và hướng dẫn chúng ta trong sứ vụ của mình. Chúng ta hãy trở thành những Bánh Thánh sống động, hiến dâng chính mình trong tình yêu và phục vụ tha nhân. Khi làm như vậy, chúng ta trở thành những chứng nhân đích thực của Đức Kitô trên thế gian.

Bằng cách này, căn tính Thánh Thể trở thành nền tảng cho công cuộc Phúc Âm hoá và sứ vụ truyền giáo của chúng ta, dẫn chúng ta đến việc biến đổi thế gian bằng quyền năng của tình yêu Đức Kitô, trong từng hành động phục vụ một.

Câu hỏi để Suy Nghĩ

  1. Làm thế nào việc tôi hiểu và sống căn tính Thánh Thể có thể ảnh hưởng đến cách tôi hành động trong đời sống thường ngày?
  2. Tôi có thấy sự hiện diện của Đức Kitô trong những người và hoàn cảnh xung quanh mình không? Những thách đố nào tôi cần vượt qua để nhận ra điều đó?
  3. Tôi có thể tham gia tích cực hơn vào cộng đồng Hội Thánh và sứ vụ Phúc Âm hoá như thế nào qua căn tính Thánh Thể của mình?

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Viết dựa theo các tài liệu về Năm Truyền Giáo và sách “Je ne crois pas en Dieu, je le vis” của Lm. Maurice Zundel.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *