Đời Sống Tâm Linh: Bí Tích Thánh Thể và Ý Nghĩa Cuộc Đời
Dưới đây là bản dịch bài giáo lý về Thánh Thể, “The Spiritual Life: How the Eucharist Catechizes about the Meaning of Life”, của Đức Cha Andrew Cozzens, được đăng trên Eucharistic Revivaal Blog ngày 28 tháng 7, năm 2022
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển dịch và thích nghi cho người Việt Nam.
Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ hiện đang tiến hành kế hoạch Phục hưng Thánh Thể. Ý tưởng này bắt đầu vào năm 2019 khi các Giám mục quyết định rằng chúng ta cần phải ứng phó với thời điểm khủng hoảng niềm tin vào Bí tích Thánh Thể mà chúng ta đang trải qua—không chỉ là kết quả đáng buồn của nghiên cứu Pew năm 2019 báo cáo rằng chưa đến 30 phần trăm người Công giáo tin vào Sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể mà còn là ảnh hưởng chưa lường được của đại dịch COVID-19 đối với việc thực hành Thánh Thể của người Công giáo.[1] Phản ứng của các Giám mục đối với ý tưởng này rất nhiệt tình và nhiều người coi đây là thời điểm quan trọng trong đời sống của Hội Thánh tại Hoa Kỳ. Chắc chắn, nếu chúng ta có thể nâng Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể lên cao, Người sẽ thu hút nhiều người hơn đến với Người.
Tôi sẽ không tập trung vào những chi tiết cụ thể của kế hoạch Phục hưng ở đây, nhưng tôi muốn nói về một trong những vấn đề sâu xa hơn của Phục hưng Thánh Thể liên quan đến công việc dạy giáo lý. Bí tích Thánh Thể, là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn thể đời sống của chúng ta như các Kitô hữu, là điều thiết yếu cho việc dạy giáo lý. Thực ra, Bí tích Thánh Thể muốn dạy cho chúng ta giáo lý về bản chất của đời sống Kitô hữu.”
Tất cả chúng ta đều quen thuộc với những lời bất hủ của Công đồng II:
Các Bí tích khác cũng như tất cả các thừa tác vụ trong Hội Thánh và các hoạt động tông đồ đều gắn liền và quy hướng về Bí tích Thánh Thể. Thật vậy, nhiệm tích Thánh Thể cực thánh chứa đựng trọn vẹn nguồn ơn phúc thiêng liêng của Hội Thánh, chính là Đức Kitô, Chiên Vượt qua của chúng ta và là bánh trường sinh trao ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt được tác sinh bởi Chúa Thánh Thần và Thịt mang lại sự sống, nhờ đó, con người được mời gọi và sẵn sàng kết hiệp với Người để hiến dâng chính mình cùng với những lao công vất vả và toàn thể tạo vật. Vì thế, bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn thể công cuộc loan báo Tin Mừng.[2]
Nói cách khác, mọi sự chúng ta làm trong việc rao giảng Tin Mừng đều có một mục đích: đưa người ta đến với Bí tích Thánh Thể. Tại sao? Bởi vì đây là nơi chúng ta gặp gỡ chính Đức Kitô, nơi Người ban cho chúng ta sự sống của Người, và dạy chúng ta cách làm tròn ý nghĩa của cuộc đời mình. Người là nguồn mạch và tột đỉnh.[3] Bí tích Thánh Thể không chỉ là nơi để gặp gỡ Chúa Giêsu và đón nhận sự sống của Người, nguồn mạch, mà còn là nơi chúng ta dâng hiến chính mình cho Người trong sự thờ phượng, tột đỉnh. Đó là nơi chúng ta dâng hiến chính mình, công sức của mình và mọi thụ tạo, cùng với Đức Kitô, Đấng hoàn thành lý do chúng ta được tạo dựng.
Bí tích Thánh Thể như một Hy tế
Theo tôi, khía cạnh hy tế này của Bí tích Thánh Thể bị bỏ qua rất nhiều trong việc dạy giáo lý của chúng ta, thậm chí còn bị bỏ qua nhiều hơn cả giáo huấn của Hội Thánh về Sự hiện diện thật. Tuy nhiên, đây chính là sự trọn vẹn của việc sống một đời sống Thánh Thể có ý nghĩa gì! Bí tích Thánh Thể muốn dạy chúng ta biến cuộc sống của chính mình thành một món quà. Chúng ta cần dạy giáo lý cho mọi người về khía cạnh này của Bí tích Thánh Thể để họ có thể sống trọn vẹn cuộc sống Kitô hữu của mình.
Khía cạnh này của Bí tích Thánh Thể cho chúng ta thấy toàn thể mục đích của cuộc đời, lý do tại sao chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô II thích trích dẫn Công đồng Vaticanô II, trong đó dạy rằng: “Con người, là thụ tạo duy nhất trên thế gian mà Thiên Chúa muốn cho chính họ, và họ không thể tìm thấy bản thân một cách trọn vẹn nếu không chân thành hiến tặng chính mình.”[4] Không ai trong chúng ta sẽ hạnh phúc nếu không học cách tự hiến chính mình như một món quà. Đây chẳng phải là điều Chúa Giêsu đã dạy khi Người nói: ‘Này là Mình Thầy sẽ bị nộp [hiến dâng] vì các con’ sao? Toàn thể Thần học Thân xác của Thánh Gioan Phaolô II đều bắt nguồn từ đây. Thần học về đời sống trong Đức Kitô của Thánh Phaolô cũng vậy: “Người đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ” (2 Cr 5:15); “Tôi đã chịu đóng đinh cùng với Đức Kitô, không còn là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2:19–20).
Thánh Thể còn quý hơn chỉ là một cuộc gặp gỡ với tình yêu. Điều này có nghĩa là đó là cuộc gặp gỡ thân tình nhất có thể có với tình yêu trong cuộc đời này. Nhưng Thánh Thể không chỉ là việc nhận được một món quà. Chúng ta được biến đổi bởi món quà này. Đức Bênêđictô XVI viết trong thông điệp của ngài về tình yêu, “Thánh Thể lôi kéo chúng ta vào hành động tự hiến của Chúa Giêsu. Không chỉ là việc tiếp nhận Ngôi Lời (Logos) Nhập Thể cách thụ động, mà chúng ta bước vào chính động lực tự hiến của Người.”[5] Thánh Thể muốn biến đổi chúng ta thành những người yêu nhau theo một chuyển động hai chiều: Chúa Giêsu đến với chúng ta để gặp gỡ chúng ta trong Tình Yêu của Người, rồi Tình Yêu này biến đổi chúng ta.
Ở trung tâm của Bí tích Thánh Thể là những lời của Chúa Giêsu: “Này là Mình Thầy bị nộp vì các con”; “Này là Máu Thầy đổ ra cho các con”. Những lời này không thể hiểu được nếu không có Cái Chết của Chúa Giêsu trên Thập giá. Chúng gắn liền cách mật thiết với Cái Chết của Người—chúng cho thấy ý nghĩa của Cái Chết ấy. Cũng thế, những lời này nếu không có Cái Chết của Người thì sẽ là những lời trống rỗng. Cuộc đóng đinh sẽ chỉ là một cuộc hành quyết. Tuy nhiên, vì Cái Chết của Người, chúng diễn tả một món quà thực sự của chính Người. Qua những lời truyền phép, Cái Chết của Người được tồn tại mãi và ban sự sống cho mọi thời đại.
Chúng ta biết chân lý này từ thần học bí tích của mình:
Khi Giờ của Người đến, Chúa Giêsu đã sống biến cố độc nhất của lịch sử, một biến cố không qua đi: Chúa Giêsu chịu chết, chịu mai táng, sống lại từ cõi chết và ngự bên hữu Chúa Cha “một lần cho mãi mãi” (Rm 6,10; Dt 7,27; 9,12). Đó là biến cố xác thực, đã xảy ra trong lịch sử của chúng ta, nhưng là biến cố độc nhất. Tất cả những biến cố khác của lịch sử đã xảy ra một lần rồi qua đi, chìm vào dĩ vãng. Trái lại, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô không thể chỉ tồn tại trong quá khứ, bởi vì chính Người đã dùng cái chết của Người mà huỷ diệt sự chết, và bất cứ điều gì Đức Kitô là, bất cứ điều gì Người đã làm và đã chịu vì tất cả mọi người, những điều đó đều tham dự vào tính vĩnh cửu của Thiên Chúa, và như vậy đều vượt trên mọi thời gian và luôn là hiện tại. Biến cố Thập Giá và Phục Sinh vẫn đang tồn tại và lôi kéo mọi sự tới sự sống (GLCG 1085).
Sự kiện này tồn tại giữa chúng ta như thế nào? Đó là qua Thánh Lễ, cuộc cử hành Bí tích Thánh Thể. Ở đây, chúng ta thấy bản chất kép của Cái Chết của Đức Kitô trên Thập giá. Việc chịu đóng đinh của Đức Kitô là món quà sự sống của Người dành cho chúng ta để chúng ta có thể thông phần vào sự sống thần linh của Người, nhưng còn hơn thế nữa. Trước hết, đó là một hành động thờ phượng, một của lễ dâng cho Chúa Cha! Thực ra, đó là sự hoàn thành của tất cả các nghi lễ hy tế thờ phượng trong Cựu Ước. Chúng ta có thể nói rằng đó là hành động thờ phượng đích thực duy nhất mà nhân loại từng dâng hiến vì đó là món quà hoàn hảo của chính MÌnh Chúa Con dâng lên Chúa Cha. Đây là lý do tại sao Cái Chết của Đức Kitô biểu thị sự hủy bỏ nghi lễ thờ phượng trong Cựu Ước. Khi Đức Kitô thanh tẩy đền thờ, người ta hỏi Người lấy thẩm quyền nào để làm như vậy; Người đáp, “Hãy phá đền thờ này đi, và trong ba ngày, Ta sẽ dựng lại”. Và, Thánh Gioan cho chúng ta biết, “Nhưng Người đang nói về Đền Thờ là Thân Thể Người” (Ga 2:19, 21). Thân Thể Người là nơi thờ phượng đích thực, là Đền Thờ mới. Đây cũng là lý do tại sao khi Đức Kitô chết trên Thập giá, bức màn trong đền thờ bị xé ra làm đôi. Sự thờ phượng cũ của đền thờ cũ đã kết thúc: Chúa Giêsu đã hoàn thành mọi sự thờ phượng của Chúa Cha bằng món quà là mạng sống của Người trên Thập giá. Hãy lắng nghe cách Thánh Gioan Phaolô II mô tả Thánh Giá, Bí tích Thánh Thể và sự thờ phượng đích thực này:
Nhờ mối liên hệ chặt chẽ với Hy Lễ trên đồi Golgotha, Bí tích Thánh Thể là một Hy Tế theo nghĩa đen, chứ không chỉ theo nghĩa tổng quát, như thể đó chỉ là việc Đức Kitô ban Chính Mình Người như lương thực thiêng liêng cho các tín hữu. Món quà Tình Yêu và sự vâng phục của Người cho đến mức hiến mạng sống (x. Ga 10:17–18) trước hết như một Của Lễ dâng lên Chúa Cha. . . . “Một Hy Lễ mà Chúa Cha đã chấp nhận, để đáp lại sự hiến thân hoàn toàn này của Chúa Con, Đấng ‘đã vâng lời cho đến chết’ (Pl 2:8), ban tặng lại món quà phụ tử của của chính Ngài, nghĩa là ban tặng sự sống bất tử mới trong việc Phục sinh.”[6]
Bài học từ Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá
Tại sao Đức Kitô hiện tại hóa Cái Chết hy sinh của Người trong Thánh Lễ? Để chúng ta có thể tham gia vào đó. Để hiểu điều này, chúng ta hãy đặt ra một câu hỏi: Đức Mẹ làm gì dưới chân Thánh Giá? Tại sao Mẹ hiện diện ở đó? Mẹ thấy gì? Điều gì xảy ra trong lòng Mẹ? Tại đồi Canvê, nhiều người có mặt ở đó như những khán giả, một số chỉ đến đó để chế giễu. Rất ít người biết chuyện gì đang xảy ra, rằng Chúa Giêsu đang hiến dâng mạng sống Mình để cứu rỗi thế gian. Đức Maria không ở đó như khán giả. Không, Mẹ đang tích cực tham gia, Mẹ đang hiến dâng mạng sống của chính Mẹ cùng với Chúa. Mẹ có thể thấy bí tích. Mẹ có thể thấy những gì đang diễn ra một cách vô hình đằng sau thực tại hữu hình. Đây không phải là cái chết của một tội nhân thông thường. Mẹ đã hiến dâng chính mình cùng với Chúa; Mẹ cũng đã chết, bằng cách chấp nhận cái chết của Người, đó là lý do tại sao các Giáo phụ thời ban đầu của Hội Thánh nói rằng Mẹ đã chịu tử vì đạo. Thực ra, nếu Thập giá là cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa và loài người như các Giáo phụ Hội Thánh tuyên bố, thì Đức Mẹ đã ở đó đại diện cho tất cả chúng ta. Mẹ là Hiền Thê, chấp thuận cuộc hôn nhân này. Đó là lý do tại sao Mẹ được nhiều người coi là đồng công cứu chuộc, không phải theo nghĩa là Mẹ ngang hàng với Chúa trong công trình cứu chuộc chúng ta, mà theo cách Mẹ hợp tác trong công trình này. Bằng lời xin vâng trên đồi Canvê, bằng việc kết hợp với Đức Kitô trong sự tự hiến của Người, Mẹ đã trở thành Mẹ của tất cả những người được cứu chuộc.
Câu hỏi mà chúng ta nên tự hỏi là: Tôi hiện diện như thế nào trong Thánh Lễ? Tôi có ở đó như một khán giả, một người ngoài cuộc bị phân tâm không? Tôi chỉ ở đó để nhận được một cái gì đó? Hay tôi giống như Đức Mẹ, học cách biến chính mình thành một món quà, nói lời xin vâng với Hy Lễ của Người bằng chính mạng sống của mình, hiến dâng chính mình cùng với Đức Kitô trên bàn thờ để cứu rỗi thế gian? Đức Mẹ đã thực hiện chức tư tế vương giả của mình mà tất cả các Kitô hữu đều chia sẻ dưới chân Thập giá, hiến dâng chính mình kết hợp với hy lễ duy nhất của con Mẹ.
Có rất nhiều bàn luãn vè điều Công đồng Vaticanô II nói về sự tham gia trọn vẹn, có ý thức và tích cực. Sự tham gia tích cực là gì? Đức Thánh Cha Bênêđictô vạch ra rằng điều này không được hiểu theo cách bề ngoài. Sự tham gia tích cực không chỉ đơn thuần là làm những việc bề ngoài như quỳ gối, ngồi, hát, thậm chí không phải là người đọc sách trong Thánh Lễ. Sự tham gia tích cực chủ yếu ở nội tâm. Đức Bênêđictô XVI đã nói, “Sự tham gia tích cực mà Công đồng kêu gọi phải được hiểu theo những thuật ngữ có thực chất hơn, đặt nền tảng trên ý thức sâu xa hơn về mầu nhiệm đang được cử hành và mối liên hệ của mầu nhiệm này với cuộc sống hằng ngày.”[7] Hiến chế Sacrosanctum Concilium của Công đồng khuyến khích các tín hữu tham gia phụng vụ Thánh Thể không phải “như những người xa lạ hay những khán giả im lặng,” mà là những người tham gia “vào hành động thánh có ý thức về những gì họ đang làm, với lòng sùng kính và sự hợp tác trọn vẹn.”[8] Lời khuyên này vẫn không hề mất đi sức mạnh của nó. Công đồng tiếp tục nói rằng các tín hữu “phải được Lời Chúa hướng dẫn và được nuôi dưỡng tại bàn tiệc Mình Chúa; họ phải tạ ơn Chúa; khi dâng Lễ Vật Tinh Tuyền, không chỉ qua tay linh mục, mà còn với ngài, họ phải học cách dâng chính mình; nhờ Đức Kitô là Đấng Trung Gian, ngày qua ngày họ phải được lôi kéo vào sự kết hợp hoàn hảo hơn với Thiên Chúa và với nhau.”[9]
Để thực sự tham gia vào Thánh Lễ, chúng ta phải giống như Đức Mẹ Maria. Chúng ta phải ý thức về mầu nhiệm đang được cử hành. Ở đây, trên bàn thờ này, Đức Kitô đang tuôn đổ sự sống của Người ra. Sau đó, chúng ta phải đưa mầu nhiệm ấy vào cuộc sống hằng ngày của mình. Tôi phải để thực tại này biến đổi mọi hành động của mình để cuộc sống của tôi cũng có thể trở thành một món quà, một lễ vật, nhờ Người, với Người, trong Người. Tôi phải học cách hiến dâng cuộc sống của mình cùng với Đức Kitô, như Đức Mẹ đã làm dưới chân Thập giá.
Sự Biến Đổi của Đau Khổ
Không có gì mà tôi không thể biến thành một hành động yêu thương. Đây là giáo lý cơ bản của Bí tích Thánh Thể nhằm dạy tôi cách sống. Như Công đồng Vaticanô II đã nói, qua Bí tích Thánh Thể, tất cả mọi người “được mời gọi và khuyến khích hiến dâng chính mình, công sức của mình và mọi thụ tạo, cùng với Người.”[10]
Giáo lý này có sức mạnh biến đổi toàn thể cuộc sống của chúng ta và đây là điều mà Bí tích Thánh Thể muốn thực hiện. Nếu tôi hiểu được bài giáo lý này, ngay cả những đau khổ khó khăn nhất của tôi cũng có thể trở thành niềm vui! Tại sao? Bởi vì chúng không trống rỗng và vô nghĩa, giống như đau khổ của Đức Kitô không trống rỗng và vô nghĩa. Tất cả những đau khổ của tôi đều có thể được mang đến đây, đến bàn thờ, và đặt lên đó. Ở đây, chúng mang một giá trị vô hạn. Đức Kitô kết hợp nỗi đau khổ của tôi với của Người và dâng nó như một Củ Lẫ lên cho Chúa Cha. Và rồi Chúa Cha ban tặng cho tôi món quà của Chính Người: Người ban lại cho tôi Chúa Giêsu. Người củng cố tôi bằng sự sống của Chúa Giêsu để tôi có thể chịu đau khổ vì yêu. “Giờ đây, tôi vui mừng trong sự đau khổ của tôi vì anh em, và làm trọn trong thân xác tôi những gì còn thiếu trong sự thương khó của Ðức Kitô, vì thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1:24). Điều gì còn thiếu trong sự thương khó của Đức Kitô? Chỉ những gì bạn và tôi không thông phần vào chúng. Tại sao Thánh Phaolô lại vui mừng? Bởi vì ngài biết rằng sự giam cầm của ngài là một món quà tình yêu, và khi kết hợp với sự Hy Tế của Đức Kitô, nó sẽ sinh hoa trái cho thế gian.
Đây là sự viên mãn của đời sống chúng ta. Khi chúng ta nói rằng Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống chúng ta, thì đây chính là tột đỉnh! Mọi sự trong cuộc đời chúng ta, đặc biệt là những đau khổ của chúng ta, đều có thể và phải có một ý nghĩa sâu xa. Bởi vì qua Bí tích Thánh Thể, mọi sự, dù lớn hay nhỏ, đều có thể là một phần của việc cứu chuộc thế gian. Như Đức Thánh Cha Bênêđictô đã nói, “Không có gì thật sự thuộc về con người- tư tưởng và tình cảm, lời nói và hành động- lại không tìm thấy trong Bí tích Thánh Thể hình thái thích hợp để sống một cách sung mãn.”[11]
—-
Đức Cha Andrew Cozzens, S.T.D., D.D. là Giám mục Giáo Phận Crookston (Minnesota) và là Chủ tịch Ủy ban Phúc Âm hoá và Dạy Giáo lý của HĐGMCGHK.
The Spiritual Life: How the Eucharist Catechizes about the Meaning of Life lúc đầu được xuất bản trong @ Catechetical Review 2022 (Online Edition ISSN 2379-6324). Nhà xuất bản giữ bản quyền. Được phép sử dụng.
[1] Theo ước tính thì số người đi nhà thờ thường xuyên giảm đi 20% sau đại dịch.
[2] Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, 5.
[3] Công đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, 11.
[4] Công Đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, 24.
[5] Bênêđíctô XVI, Deus Caritas Est, 13.
[6] Gioan Phaolô II, Ecclesia De Eucharistia, 13.
[7] Bênêđíctô XVI, Sacramentum Caritatis, 52.
[8] Công đồng Vaticanô II, Sacrosanctum Concilium, 48.
[9] Ibid, 48.
[10] Công đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, 5.
[11] Bênêđíctô XVI, Sacramentum Caritatis, 71.