Đồng hành với Người Bị Tổn Thương Trong Hội Thánh Trên Con Đường Hy Vọng

Sau khi tham dự buổi hội thảo với chủ đề “Đồng hành với Một Người đã bị Hội Thánh làm Tổn Thương” của Đức Cha Cozzens, tôi xin chia sẻ một số bài học rút ra từ bài nói chuyện của Đức Cha và các thuyết trình viên. Đây là Phần 1 của video.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Cuộc hành trình trở lại với đức tin Công Giáo và Bí tích Thánh Thể thường rất khó khăn, đặc biệt là đối với những người đã bị Hội Thánh làm tổn thương. Nỗi đau của họ, do hành động của các phần tử trong Hội Thánh, hoặc do nền văn hóa [của giáo xứ], tạo ra những trở ngại lớn cho việc hòa giải. Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đồng hành với những người bị tổn thương, nhìn nhận những nỗi đau của họ và giúp họ cảm nghiệm được tình yêu chữa lành của Đức Kitô. Tiến trình này đòi hỏi sự đồng cảm, kiên nhẫn và quyết tâm bền vững để trở thành một Hội Thánh nuôi dưỡng hy vọng và canh tân.

1. Nhìn Nhận Những Tổn Thương trong Hội Thánh

Một trong những trở ngại lớn nhất để một người trở lại là nỗi đau gây ra bởi các phần tử của Hội Thánh. Nỗi đau này có thể từ thái độ bị coi thường hoặc sự đối xử cách thờ ơ, gương mù, hiểu lầm, cho đến vết thương nặng nhất là lạm dụng, đặc biệt là lạm dụng tình dục bởi một người trong vai trò lãnh đạo. Đối với nhiều người, Hội Thánh, được coi là nơi nương náu, đã trở thành nguồn gốc của những nỗi đau sâu xa, khiến họ cảm thấy bị xa lánh và mất niềm tin.

Công nhận những nỗi đau này là bước đầu cần thiết để giúp người bị tổn thương. Quá thường xuyên, Hội Thánh đã chậm trễ trong việc nhận ra chiều sâu của những sai lầm này. Trải nghiệm của các nạn nhân đã bị coi thường, và nỗi đau của họ bị bỏ qua. Tuy nhiên, chữa lành bắt đầu khi chúng ta xác nhận nỗi đau của họ và lắng nghe câu chuyện của họ với lòng khiêm nhường và tâm tình cảm thông.

Là một Hội Thánh, chúng ta mang gánh nặng của những tổn thương này. Công nhận chúng không làm giảm sứ vụ của Hội Thánh mà còn củng cố nó bằng cách thúc đẩy sự minh bạch, trách nhiệm và quyết tâm mãnh liệt hơn với công lý. Nó cũng tạo ra một môi trường mà trong đó những người bị tổn thương cảm thấy được nhìn nhận và trân trọng.

2. Đồng Hành với Sự Đồng Cảm: Noi Gương Đức Kitô

Chúa Giêsu là tấm gương hoàn hảo về cách đồng hành với những người bị tổn thương. Các lần Người gặp gỡ với những người phong cùi, người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, ông Gia Kêu và người phụ nữ Samarita tại giếng Giacóp, minh họa lòng trắc ẩn sâu xa và sự tôn trọng phẩm giá của mỗi cá nhân của Người. Người gặp gỡ họ trong tình trạng của họ, giải quyết nỗi đau của họ và mang đến sự chữa lành mà không phán xét họ.

Đồng hành với những người đã bị Hội Thánh làm tổn thương đòi buộc chúng ta phải trở thành hiện thân cho cùng một sự đồng cảm và kiên nhẫn này. Với những người bị chấn thương về tâm lý, ngay cả những hành động đơn giản, như trở lại xưng tội hoặc tham dự Thánh Lễ, cũng có thể gây ra những cảm xúc quá sức chịu đựng. Vết thương tâm lý thường ảnh hưởng đến cách người ta phản ứng với các tình cảnh nhất định, và tiến trình chữa lành của họ có thể dài và theo một lộ trình quanh co.

Như những người bạn đồng hành trong cuộc hành trình này, chúng ta được mời gọi lắng nghe những người bị tổn thương mà không phán xét, xoa dịu lòng họ để họ an tâm và tôn trọng bước tiến của họ. Chữa lành không thể vội vàng. Nó đòi hỏi một môi trường an toàn và nâng đỡ, trong đó họ cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. Qua việc yêu thương bằng con tim của Đức Kitô, chúng ta tạo điều kiện cho sự chữa lành, chứng minh rằng nỗi đau của họ có ý nghĩa, và rằng họ không cô độc.

Một trong những sứ điệp quan trọng nhất mà chúng ta có thể mang lại là sự chữa lành là điều khả thi. Dù có thể sẽ mất nhiều thì giờ và đòi hỏi nhiều kiên nhẫn, nhưng ân sủng của Thiên Chúa làm cho sự biến đổi trở thành khả thi. Sứ điệp này đặc biệt vang dội trong Năm Thánh Hy Vọng, một thời gian tập trung vào việc chữa lành và đổi mới.

3. Hy Vọng và Chữa Lành: Con Đường Dẫn Đến Đổi Mới

Chữa lành bắt đầu bằng những bước nho nhỏ nhưng ý nghĩa – chăm sóc, lắng nghe và hiện diện. Những hành động yêu thương này có thể mang lại hy vọng cho những người cảm thấy lạc lối hoặc bị bỏ rơi. Bí tích Thánh Thể, là nguồn mạch và tột đỉnh của đức tin chúng ta, cũng mang lại của ăn tinh thần sâu sắc, nhắc nhở người bị tổn thương về tình yêu và lòng thương xót vô biên của Đức Kitô.

Khi những người đã bị Hội Thánh làm tổn thương tìm thấy sự chữa lành và trở lại, họ mang lại một góc nhìn độc đáo có thể củng cố Hội Thánh. Những chứng từ và trải nghiệm của họ có thể truyền cảm hứng cho sự thay đổi, giúp ngăn chặn những tổn thương trong tương lai, cùng cổ võ một cộng đồng nhân ái và bao dung hơn. Bằng cách đón nhận hành trình của họ, chính Hội Thánh sẽ được đổi mới, trở thành một nơi, mà ở đó hy vọng và chữa lành sẽ là một thực tại sống động, chứ không chỉ là những điều lý tưởng.

Kết Luận

Đồng hành với những người bị tổn thương trong hành trình trở lại Hội Thánh là công việc thánh thiêng. Nó đòi hỏi sự đồng cảm, kiên nhẫn và sẵn lòng đối diện với những sự thật khó chịu. Bằng cách theo gương nhân từ của Đức Kitô, chúng ta có thể giúp những người bị tổn thương tìm thấy sự chữa lành và đổi mới.

Cuộc hành trình này không chỉ nhằm phục hồi cá nhân mà còn biến đổi Hội Thánh thành một phản chiếu chân thật hơn của tình yêu Đức Kitô. Khi chúng ta đồng hành với những người bị tổn thương, chúng ta không chỉ mang lại cho họ hy vọng mà còn tạo cơ hội cho Hội Thánh phát triển trong sự khiêm nhường, trách nhiệm và ân sủng. Bằng cách này, chúng ta trở thành một cộng đồng thật sự hiện thân cho sứ điệp Tin Mừng về tình yêu, chữa lành và hòa giải.

Câu Hỏi để Suy Nghĩ

  1. Làm sao tôi có thể trở thành hiện thân cho sự đồng cảm và lòng trắc ẩn của Đức Kitô khi đồng hành với một người đã bị Hội Thánh làm tổn thương?
  2. Giáo xứ của tôi có thể thực hiện những bước nào để trở nên một môi trường nâng đỡ và chữa lành cho những người đang bị tổn thương?
  3. Làm sao tôi có thể giúp nuôi dưỡng hy vọng và sự đổi mới trong cộng đồng đức tin của mình, đặc biệt là đối với những người đang cảm thấy bị xa lánh hoặc bị tổn thương?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *