Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy – Bài 2 : Bái gối

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày từ 28 tháng 11 năm 2022.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Khi chúng ta đến nhà thờ để cùng với Đức Kitô dâng lễ vật hoàn hảo của Người lên Chúa Cha, cử chỉ đầu tiên của chúng ta trước cửa nhà thờ là làm dấu Thánh giá bằng nước thánh. Sau khi đã nhớ lại Phép Rửa của mình bằng cách làm Dấu Thánh Giá bằng nước từ giếng, điều tiếp theo chúng ta làm là tìm một chỗ để ngồi. Tuy nhiên, trước khi vào chỗ ngồi, nếu có Mình Thánh Chúa hiện diện trên cung thánh của nhà thờ thì chúng ta sẽ bái gối.

Bạn thấy đôi khi linh mục và những người giúp lễ bái gối trong Thánh Lễ. Nếu Nhà tạm với Mình Thánh Chúa hiện diện trong cung thánh của nhà thờ, linh mục và những người giúp lễ bái gối khi họ đến gần bàn thờ lúc bắt đầu Thánh Lễ và sau phép lành cuối lễ khi họ rời gian thánh (Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 274; Các Nghi Thức của Nghi Lễ Rôma Hiện Đại, số 199). Linh mục cũng bái gối trước bàn thờ sau khi nâng Mình Thánh, sau khi nâng Chén thánh, và trước khi rước Lễ (QCSL, số 274). Việc linh mục bái gối vào những thời điểm này trong Thánh Lễ giúp chúng ta nhớ lại hồng ân lạ lùng là Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Vì trong Thánh Lễ, trọng tâm là bàn thờ, bạn sẽ thấy rằng vào những thời điểm khác, các thừa tác viên cúi đầu khi họ đi qua cung thánh.

Tại sao người Công giáo bái gối?

Bái gối là gì, và tại sao chúng ta lại bái gối? Câu trả lời đơn giản là khi chúng ta bái gối, chúng ta chạm đầu gối phải xuống nền nhà để tôn vinh Chúa Giêsu, Đấng thực sự hiện diện trong Nhà tạm!

Giáo lý của Hội Thánh Công giáo định nghĩa bái gối là “một cử chỉ tôn kính được thực hiện bằng cách bái quỳ, đặc biệt là để bày tỏ sự tôn thờ Bí tích Thánh Thể” (GLCG, Glossary). Bằng cách bái gối hoặc cúi mình thật sâu trong tinh thần cầu nguyện và như một dấu chỉ tôn thờ Chúa, “chúng ta bày tỏ niềm tin của mình vào sự hiện diện thật của Đức Kitô dưới hình bánh và rượu” (GLCG, số 1378). Để tôn vinh sự hiện diện thật của Chúa Giêsu Kitô, tất cả những ai đi ngang qua Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, cũng như khi vào hoặc ra khỏi nhà thờ, nên bái gối. Nếu vì lý do thể lý không thể bái gối được, thì có thể thay thế bằng cách cúi đầu để tỏ lòng tôn kính.

Nói “con kính chào” với Chúa Giêsu

Một trong những kỷ niệm mà tôi rất thích khi là một linh mục là dạy lớp giáo lý cho trẻ nhỏ. Chúng tôi thường gặp nhau trong nhà thờ hơn là trong lớp học. Tôi muốn chỉ cho cho các em nghệ thuật thánh trong nhà thờ, cũng như các bình thánh và sách được sử dụng trong Thánh Lễ. Lần đầu tiên chúng tôi bước vào nhà thờ, tôi đã dạy các em bái gối. Đương nhiên, chúng tôi phải bắt đầu với việc dạy các em đâu là gối phải và đâu là gối trái! Tiếp theo, chúng tôi tập khoanh tay và đặt đầu gối phải xuống nền nhà. Tuần này qua tuần khác, tôi nhận thấy các em đã cải thiện thể thức cũng như cách tôn kính của chúng như thế nào. Vào cuối năm, khi chúng tôi đang ôn lại những gì đã học, tôi hỏi các em: “Tại sao chúng ta lại bái gối khi vào nhà thờ?” Một em mỉm cười và háo hức trả lời: “Để kính chào Chúa Giêsu và tôn vinh Người.” Tôi không thể nói gì hơn!

Lần sau khi bạn vào một nhà thờ, hãy chú ý đến gian thánh, bàn thờ và Nhà tạm ở phía trên nhà thờ. Trong các nhà thờ Công giáo, một ngọn nến được thắp sáng bên cạnh Nhà tạm để biểu thị và tôn vinh sự hiện diện của Đức Kitô. Nhìn cây đèn, gọi là đèn cung thánh, chúng ta có thể nhận ra Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Thánh Thể và dâng lên Người vinh dự cao cả xứng đáng với Người. Khi bái gối, chúng ta làm một cử chỉ khiêm tốn nhìn nhận sự cao cả của Thiên Chúa và tuyên xưng rằng Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong Thánh Thể là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chúa Giêsu Kitô, Đấng yêu thương chúng ta một cách trọn vẹn, Đấng đã chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại trong chiến thắng—Chúa Giêsu Kitô đang ngự ở đó trước mặt chúng ta! Mặc dù đúng là khi chúng ta bái gối, chúng ta tôn vinh Đức Kitô và tuyên xưng niềm tin của chúng ta rằng Người đang hiện diện ở đó, nhưng đó cũng là một vinh dự lớn cho chúng ta, vì khi làm như thế, chúng ta nhớ rằng mình là phần tử của gia đình yêu dấu của Thiên Chúa. Hãy dừng lại và suy nghĩ về điều đó một lúc.

Câu hỏi để Suy Nghĩ:

  1. Hãy suy niệm về sự khiêm nhường của Đức Kitô như được mô tả trong Philiphê 2:6-11, điều này đưa ra bối cảnh cho lời tuyên bố rằng “khi nghe danh Chúa Giêsu, mọi vật đều phải bái quì” (Ph 2:10). Hãy xem Thiên Chúa đang kêu gọi bạn bày tỏ đức khiêm nhường trong cuộc sống của chính bạn ra sao.
  2. Bạn muốn thưa gì với Chúa trong lần tới khi bạn bái gối để chào Người?