Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy – Bài 4 : Ca Nhập Lễ
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 8 tháng 12 năm 2022.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam trong [. . .]
Giờ đây, sau khi chúng ta đã nhớ lại Bí tích Rửa Tội của mình (nước thánh), bày tỏ lòng tôn kính Chúa Giêsu hiện diện trong Nhà tạm (bái gối), và lặng lẽ cầu nguyện chuẩn bị, chúng ta sẵn sàng đứng lên tham dự Nghi thức Nhập lễ. Đối với hầu hết các giáo xứ, nghi thức này sẽ bắt đầu bằng một bài thánh ca hoặc Ca Nhập Lễ.
Chắc chắn rằng mọi người đều có “cách đặc biệt” để hát trong Thánh Lễ. Một số người thực sự hát lớn tiếng, cho dù họ có hát hay hoặc giở. Một số người khác hát thì thầm đến nỗi ngay cả khi họ có micrô, bạn cũng khó mà có thể nghe thấy giọng họ. Một số người hầu như thuộc lòng các bài hát đến nỗi thậm chí không cần đến sách! Một số người khác nữa chắc có mối liên hệ nội tâm sâu xa với Thiên Chúa đến nỗi họ thậm chí không hát thành tiếng—chỉ hát trong lòng mà thôi!
Chúng ta hãy cầu nguyện
Tại sao chúng ta hát? Nhìn lại lịch sử của chúng ta và nguồn gốc Do Thái trong phụng vụ của mình, chúng ta thấy rằng âm nhạc và ca hát là một phần quan trọng trong việc cầu nguyện chung của chúng ta. Ca hát là một trong những lời ngợi khen thích hợp nhất dành cho Thiên Chúa, vì nó liên quan đến cả thân xác lẫn linh hồn hơn lời nói. (Ca hát tốn nhiều công hơn nói!). Khi hát, chúng ta dùng toàn thể con người của mình để ngợi khen Thiên Chúa. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma giải thích tầm quan trọng của việc ca hát:
“Thánh Tông Ðồ khuyên Kitô hữu, lúc hội họp trông đợi Chúa đến, hãy cùng nhau hát những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thánh Thần linh hứng (x. Cl 3,16). Quả vậy, hát là dấu chỉ niềm vui trong tâm hồn (x. Cv 2,46). Bởi đó, thánh Augúttinô nói đúng: ‘Người nào yêu thì hát’. Và ngay từ ngàn xưa, câu: ‘Ai hát hay là cầu nguyện gấp đôi’ đã trở thành ngạn ngữ.” (QCSL, số 39).
Với những lời khuyên này, “Vậy việc sử dụng ca hát trong cử hành Thánh Lễ phải là điều quan trọng,” (QCSL, số 40).
Khi bắt đầu Thánh Lễ, các lựa chọn phổ thông nhất cho “Ca Nhập Lễ” là Thánh Thi Nhập Lễ hoặc Điệp Ca Nhập Lễ. Mục đích của việc hát vào lúc này là để “mở đầu việc cử hành Thánh Lễ, giúp giáo dân thêm hiệp nhất, hướng tâm hồn họ vào mầu nhiệm mùa phụng vụ hay ngày lễ và đi kèm với cuộc rước của vị tư tế và các người giúp lễ.” (QCSL, số 47). Bài Ca Nhập Lễ hay Tiền Ca giúp chúng ta “đi sâu vào” những gì chúng ta sắp cử hành; nó giúp chúng ta bỏ mọi thứ khác đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta ra ngoài và giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn để ngợi khen Chúa và tham dự Thánh Lễ. Bài hát này đặc biệt nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là một cộng đồng, bởi vì đó là hành động đầu tiên mà tất cả chúng ta cùng làm trong Thánh Lễ.
Tôi thường nghe mọi người nói, “Tôi cảm thấy ngượng ngùng vì giọng của tôi thật tệ!” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và nhiều vị khác đã trích lời của Chúa chúng ta: “Đừng sợ!” Thiên Chúa đã ban cho bạn giọng hát mà bạn có, và khi ca ngợi Ngài, bạn đang dâng lên Ngài những món quà mà Ngài đã ban cho bạn. Vì vậy, hãy cầm bài thánh ca đó ấy lên và cùng hát với mọi người!
Câu Hỏi để Suy Nghĩ:
- Hãy nghĩ về việc tham dự Thánh Lễ của bạn như một cơ hội để thực hiện lời khuyến khích của Thánh Vịnh 96: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới. Hát lên mừng Chúa hỡi toàn thể địa cầu. Hát lên mừng Chúa chúc tụng Danh Người! Ngày ngày truyền rao ơn cứu độ Chúa ta.” (Tv 96:1-2).
- Cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều đưa ra nhiều thí dụ về những cá nhân đã đáp lại hành động cứu rỗi của Thiên Chúa bằng các bài hát, hay “Thánh Thi,” chẳng hạn như ông Môsê và bà Miriam (Xh 15:1-21), ông Môsê (Đnl 32:1- 44), bà Hanna (1 Sm 2:1-10), vua Đavid (1 Sb 29:10-13), ông Tôbit (Tb 13:1-8), bà Giudith (Gdt 16:13–17), Ông Sirach (Hc 1:1–13), ngôn sứ Isaia (Is 20:1–6; 45:15–25), ngôn sứ Giêrêmai (Gr 31:10–14), ngôn sứ Đaniên (Đn 3:52–88), ngôn sứ Habacúc ( Hb 3:2–19), ông Dacaria (Lc 1:68–79), Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1:46-55), và ông Simêôn (Lc 2:29–32). Hãy dành thì giờ để suy niệm về một bài thánh thi trong Thánh Kinh và xem Thiên Chúa thúc đẩy bạn đáp lại thế nào.