Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 14 : Lắng nghe Lời Chúa

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 16 tháng 2 năm 2023

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Như Thánh Giêrônimô đã nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô”. Chắc chắn là Thánh Giêrônimô hiểu rằng Thánh Kinh thực sự là Lời của Thiên Chúa nói với dân Ngài. Đó là lý do tại sao việc đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ rất quan trọng. Việc lắng nghe Lời Chúa giúp chúng ta học biết và hiểu Thiên Chúa là ai và Ngài yêu thương chúng ta đến mức nào. Ngoài ra, chúng ta còn học biết về chính mình và nhận ra chúng ta cần Thiên Chúa đến mức nào trong cuộc đời mình. Bây giờ chúng ta tiếp tục suy niệm về Phụng vụ Lời Chúa, tuần này chúng ta tập trung vào các khía cạnh thiêng liêng hơn của việc lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Lời Chúa vào tâm hồn.

Bắt Đầu với Sự Im Lặng

Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nhắc nhở chúng ta rằng thinh lặng là một phần rất quan trọng của Thánh Lễ. Chúng ta không chỉ im lặng khi đọc các bài đọc, mà còn phải có một lúc im lặng ngắn sau mỗi bài đọc. Như sách A Study of the Mass của Giáo phận Peoria dạy: “Ngay cả những khoảnh khắc ngắn ngủi này cũng cho phép chúng ta suy niệm về những điều kỳ diệu và mầu nhiệm mà chúng ta vừa nghe… Trong thế giới ‘ồn ào’ của chúng ta, sự im lặng này có thể khiến chúng ta khó chịu. Tuy nhiên, đây càng là lý do để chúng ta phải chú ý kỹ hơn đến chi tiết này của Phụng vụ thánh” (tr. 7). Im lặng là một phương tiện quan trọng để giúp các tín hữu tích cực tham dự vào Thánh Lễ, vì nó cho phép chúng ta có cơ hội thực sự lắng nghe bằng trái tim và hấp thụ Lời Chúa.

Điều gì sẽ xảy ra nếu các bài đọc không có ý nghĩa với bạn? Cha Guy Oury nhắc nhở chúng ta rằng “Lời Chúa không phải là một tài liệu. Đó không phải là điều gì đó của quá khứ tình cờ thuật lại một giai đoạn mặc khải” (The Mass, trang 62). Lời Chúa tiếp tục sống động và linh hoạt (Do Thái 4:12), tìm kiếm chúng ta và giúp kéo chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là chúng ta phải thi hành phần vụ của mình trong lúc nghe các bài đọc của Thánh Lễ bằng cách thực sự lắng nghe và suy niệm về những lời Thánh Kinh ấy. Nếu Thiên Chúa đang nói với dân Ngài qua Thánh Kinh và chúng ta là một phần trong gia đình của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đang nói một điều gì đó với chúng ta qua mỗi bài đọc. Một câu hỏi quan trọng mà chúng ta phải tự hỏi là: Thiên Chúa đang dạy tôi điều gì ở đây? Nói về Chính Ngài? Về chúng ta với tư cách là dân của Ngài? Về việc Ngài muốn chúng ta phải sống như thế nào? Những suy niệm này sẽ giúp chúng ta tập trung hơn vào các Lời mà chúng ta đang nghe và giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của chúng, ngay cả khi đọc về một chủ đề bất thường nhất!

Để cho Lời Ngài Bén Rễ

Một cách khác để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các bài đọc là nhận ra rằng toàn thể Cựu Ước là để chuẩn bị cho dân Chúa (kể cả chúng ta!) đón nhận Chúa Giêsu. Tân Ước là sự làm tròn Cựu Ước – tất cả các lời tiên tri, tất cả các mong đợi – tất cả đều được ứng nghiệm một cách hoàn hảo nơi con người Chúa Giêsu Kitô. Một trong những cách suy niệm mà tôi yêu thích là nghĩ về một điều nào đó trong Cựu Ước và xem nó dẫn đến Chúa Giêsu như thế nào. Cũng thế, hãy nhìn vào một điều nào đó trong Tân Ước và nhớ lại khởi điểm của nó trong Cựu Ước. Chẳng hạn như chúng ta đọc trong Isaia 7:14, “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Emmanuel”. Đối với nhiều người trong chúng ta, tâm trí của chúng ta có lẽ nghĩ ngay đến Đức Maria và Chúa Giêsu. Một số kết nối rất rõ ràng, và một số khó thấy hơn. Dành thời gian suy niệm về các bài đọc không những chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều chúng ta nghe mà còn giúp cho Lời Chúa thực sự bén rễ trong tâm hồn, suy nghĩ và hành động của chúng ta.

Như Cha Charles Belmonte nhắc nhở chúng ta, Thánh Kinh mạc khải cho chúng ta “sự thật, cả về Thiên Chúa lẫn về ơn cứu độ của chúng ta… Những gì chúng ta nghe trong Phụng vụ Lời Chúa là chân lý về Thiên Chúa và trình thuật về những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện… Cao điểm của nó là Mầu nhiệm Vượt Qua về Cái chết và Phục sinh của Đức Kitô, được tồn tại mãi mãi trong Bí tích Thánh Thể. Vì vậy, chủ đề trung tâm của các bài đọc luôn luôn là Đức Kitô… Qua việc chăm chú lắng nghe Lời Chúa và suy niệm Lời Chúa, chúng ta sẽ nhận ra… Đức Kitô là ai, Người nói gì và làm gì, Người mong đợi gì ở chúng ta, và chúng ta phải làm gì để chu toàn nhiệm vụ được Người trao phó. Dần dần, chúng ta sẽ bước vào sự mật thiết của Thiên Chúa và khám phá ý nghĩa của sự hiện hữu của chính mình. Và kết quả là chúng ta sẽ biết cách thực thi thánh ý của Thiên Chúa, luôn luôn và trong mọi sự.” (Understanding the Mass. tr. 75-76). Vì thế đó là lý do tại sao chúng ta phải “lắng nghe!”

Câu hỏi để suy nghĩ:

  1. Khi nhận ra sự hiện diện độc đáo của Chúa Giêsu trong Thánh Kinh, bạn hãy suy niệm về việc Chúa Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24:13-35). Hãy đặc biệt chú ý đến những gì Chúa Giêsu nói về sự hiện diện của Người trong “tất cả Thánh Kinh”, kể cả “Môsê và tất cả các ngôn sứ” (Lc 24:27). Lần sau khi tham dự Thánh lễ, hãy lắng nghe Chúa Giêsu hiện diện như thế nào trong mỗi phần Phụng vụ Lời Chúa.
  2. Để có một thí dụ ngắn gọn về các trích dẫn trong Cựu Ước về Chúa Giêsu, hãy xem xét việc cầu nguyện bằng Đệ Nhị Luật 18:15, Thánh Vịnh 22:1–18 hoặc Isaia 53. Hãy cầu xin Chúa đánh thức nhận thức của bạn về sự hiện diện của Người khắp nơi trong Thánh Kinh.