Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 21 : Bốn Sách Tin Mừng
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 9 tháng 5 năm 2023
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
Có bao giờ bạn thắc mắc rằng tại sao có bốn Sách Tin Mừng: Matthêu, Marcô, Luca và Gioan không? Tại sao không chỉ một Sách? Trong gần 2000 năm, các nhà thần học, học giả và các Thánh cũng đã thắc mắc về “vấn đề” này. Có một số người cảm thấy những khác biệt trong bốn sách Tin Mừng về các chi tiết và thứ tự của các sự kiện như một thách đố. Hơn nữa, Tin Mừng theo Thánh Gioan rất khác với ba Tin Mừng kia. Vì vậy, vấn đề ở đây là gì?
Thứ nhất, các Sách Tin Mừng Matthêu, Marcô và Luca đều rất giống nhau. Chúng được gọi là Tin Mừng Nhất Lãm, bắt nguồn từ từ “synopsis (toát yêu)”, có nghĩa là “ở một góc nhìn”. Phần lớn, ba Sách Tin Mừng này có nội dung tương tự như nhau, mặc dù mỗi Sách chứa đựng một số sự kiện, phép lạ và giáo huấn mà những Sách khác không có. Ngoài ra, trong mỗi Sách Tin Mừng này, một số sự kiện được kể theo thứ tự khác nhau. Thứ hai, Tin Mừng Gioan có văn phong rất khác; người ta không cần đọc nhiều hơn một vài câu cũng có thể nhận ra rằng nó cho chúng ta một câu chuyện hoàn toàn khác về cuộc đời của Chúa Giêsu.
Tại sao có bốn sách Tin Mừng?
Một trong những lý do chính cho việc có bốn Sách Tin Mừng liên quan đến cách phát triển của chúng. Trước hết, Chúa Giêsu Kitô, khi hiện diện trên thế gian, đã giảng dạy, rao giảng và làm nhiều phép lạ. Sau Cái Chết của Người, các Tông Đồ đã công bố bằng lời nói về Cuộc Khổ Nạn và Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, trung thành kể lại cuộc đời và những lời của Người. Giai đoạn rao giảng bằng lời nói này, cũng như việc dạy giáo lý, các thánh thi và các vinh tụng ca, đã trở thành nền tảng cho các tác giả Tin Mừng, được gọi là các Thánh Sử. Sau nhiều năm thuyết giảng và suy niệm, các tác giả Tin Mừng đã lấy các nguồn truyền khẩu cùng khối lượng giáo huấn sớm nhất và viết ra tất cả những điều mà ngày nay chúng ta biết là bốn Sách Tin Mừng.
Khi các tác giả Tin Mừng viết những câu chuyện này (dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần), các ngài đã nghĩ đến những đối tượng độc giả khác nhau và những bối cảnh khác nhau. Điều này giải thích một số khác biệt mà chúng ta tìm thấy trong các Sách Tin Mừng của các ngài. Thí dụ, các học giả cho rằng Thánh Matthêu đã viết cho độc giả Do Thái, những người đã biết, chẳng hạn như nền tảng Do Thái giáo của các nghi lễ và những việc khác mà Chúa Giêsu đã làm. Vì vậy, Tin Mừng Matthêu không giải thích ý nghĩa của những điều này bởi vì ngài cho rằng độc giả của mình đã biết chúng rồi. Quan trọng hơn nữa, vì ngài viết cho độc giả Do Thái nên điều quan trọng đối với Thánh Matthêu là ngài phải chứng tỏ rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia thực sự mà họ đang mong chờ. Mặt khác, Thánh Luca là một Dân Ngoại đã trở lại đạo và ngài viết cho độc giả nói tiếng Hy Lạp, những người không hiểu các nghi lễ và truyền thống của người Do Thái. Đó là lý do tại sao chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng của ngài những lời giải thích chi tiết hơn về các nghi lễ. Tin Mừng Marcô, (được viết dựa theo lời rao giảng của Thánh Phêrô, mà nhiều học giả cho rằng là) Tin Mừng đầu tiên, trình bày một câu chuyện hùng hồn về cuộc đời của Chúa Giêsu và thường bao gồm nhiều chi tiết sống động hơn các Tin Mừng khác. Thánh Gioan, viết muộn hơn ba vị kia một chút, nhấn mạnh các sự kiện cụ thể để gợi hứng và xác nhận đức tin của độc giả vào Chúa Giêsu, vì ngài có thể cho rằng họ đã quen thuộc với những câu chuyện về Chúa Giêsu cũng như các phép lạ và giáo huấn của Người.
Mục Đích Thực Sự của Các Sách Tin Mừng
Vậy, chúng ta có thể thấy, khi viết các Sách Tin Mừng, các tác giả không chỉ nhắc lại những việc làm và lời nói của Chúa Giêsu; các ngài đã rao giảng về Chúa Giêsu, Đấng Mêsia thật, để mọi người thực sự biết đến Người. Theo nghĩa này, Các Tin Mừng giống như những bài giảng, là một cách để cố gắng giúp đỡ người ta liên hệ với Chúa Giêsu và sứ điệp cứu rỗi của Người. Chúng là một trình bày cẩn thận về những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm—vừa là lời chỉ dẫn vừa là lời mời gọi đến với một đức tin sâu xa hơn.
Việc chúng ta có bốn Sách Tin Mừng này sau 2000 năm thực sự là một lý luận minh chứng cho việc Mặc Khải của Thiên Chúa của chúng. Nếu những tài liệu này chỉ đơn thuần do con người viết ra thì sự khác biệt về từ ngữ, các sự kiện và thứ tự sẽ quá lớn để vượt qua. Người ta sẽ nhanh chóng loại bỏ Kitô giáo như một tôn giáo không có nguồn gốc rõ ràng! Đối với chúng ta, chúng ta có thể thấy rằng Thiên Chúa đã cho phép nhiều câu chuyện khác nhau với các tình tiết khác nhau đứng chung trong cùng một cuốn Sách của các sách (Thánh Kinh) vì chúng được chấp nhận là được Thiên Chúa linh hứng, ngay cả khi chúng hơi khác nhau. Các Giáo Phụ thời sơ khai của Hội Thánh để yên chúng như được truyền lại vì các ngài tôn trọng Thánh Truyền mà các ngài đã tiếp nhận. Các ngài tôn trọng các Sách Tin Mừng được tiếp nhận như là Sách thánh và nhận ra rằng nếu các ngài cố gắng “sửa chữa chúng” bằng cách gom chúng thành một câu chuyện, chúng ta sẽ đánh mất một khía cạnh đặc biệt nào đó về cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu như đã được các tác giả khác nhau của các Sách Tin Mừng kể lại. Các ngài đã nhìn thấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa khi có bốn Sách Tin Mừng với bốn cách trình bày khác nhau về Chúa Giêsu để đảm bảo rằng tất cả mọi người, bất kể hoàn cảnh hay kinh nghiệm của họ ra sao, đều có thể nghe hoặc đọc một tường thuật về Chúa Giêsu Kitô mà họ có thể hiểu, điều đó nói với tâm hồn họ, và điều đó lôi kéo họ vào cuộc sống kết hợp với Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ đích thực của thế gian!
Câu Hỏi để Suy Nghĩ
- Hãy dành thì giờ để tìm hiểu những đặc điểm riêng biệt của mỗi Sách Tin Mừng. Bắt đầu bằng cách chỉ đọc chương thứ nhất của Tin Mừng Matthêu, Marcô, Luca và Gioan. Bạn ghi nhận những gì? Mỗi Sách Tin Mừng có điểm gì chung với những Sách Tin Mừng khác? Mỗi Sách Tin Mừng đưa ra (những) đóng góp riêng biệt nào? Hãy tạ ơn Thiên Chúa vì bốn Thánh Ký của chúng ta!
- Hãy dành thời gian cầu nguyện với Ga 20:30-31, trong đó tác giả Tin Mừng theo Thánh Gioan giải thích lý do tại sao bản văn này được viết ra. Hãy chiêm ngưỡng những “dấu chỉ” sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc đời bạn. Hãy cầu xin Chúa ban cho bạn một đức tin vững mạnh hơn qua sự hiểu biết về các Sách Tin Mừng.