Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 22 : Sự Hoà Hợp của các Sách Tin Mừng

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 16 tháng 5 năm 2023

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Có ai vẫn còn nghĩ về việc có bốn Sách Tin Mừng khác nhau không? Vấn đề này đã được thảo luận và suy nghĩ bởi một số Kitô hữu thời sơ khai. Một số người đã cố gắng trình bày một tường thuật hài hòa về cuộc đời, cái chết và các giáo huấn của Chúa Giêsu, và kết quả là một loại Tin Mừng một tập. Mặc dù chúng ta không có bất kỳ bản thảo lịch sử nào của nó, nhưng một sự hài hòa một tập được gọi là “Tin Mừng” được nhắc đến bởi một số tác giả Kitô giáo thời sơ khai, kể cả Thánh Ignatiô thành Antiokia (viết vào khoảng năm 115 sau Công nguyên). Có một bản thảo ngày 170 sau Công nguyên bởi một người tên là Tatianô, một học trò của Thánh Gútinô Tử Đạo. Bản thảo này được gọi là Diatessaron và được phụ đề là “Sự Hài Hòa Tin Mừng”. Những người khác cũng đã thử điều này qua các thời đại, kể cả Thánh Augustinô (viết vào năm 405 sau Công nguyên), ngài đã viết một tác phẩm có tựa đề “Về Sự Hài Hòa của Các Thánh Ký.”

Sự Hòa Hợp Độc Đáo

Điều đáng chú ý, điều mỗi người tìm thấy là bốn Sách Tin Mừng không thể bị ép thành một mà không mất đi một điều gì đó quan trọng. Như chúng ta đã coi lại trước đây, mọi chi tiết của từng Sách Tin Mừng được viết cho một mục đích cụ thể. Bỏ sót một trong những chi tiết này là bỏ sót một phần quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu và sứ điệp cứu rỗi của Người ban cho thế giới. Mỗi tác giả trong bốn tác giả Tin Mừng cung cấp cho chúng ta một sự hiểu biết đặc biệt về Chúa Giêsu, một điều mà chúng ta sẽ bỏ sót nếu chúng bị dồn vào một Sách Tin Mừng duy nhất. Khi Hội Thánh thời sơ khai tiến đến việc hoàn thành Quy điển Thánh Kinh (danh sách chính thức của sách trong Thánh Kinh), chúng ta thấy rằng bốn Sách Tin Mừng được bao gồm và tôn vinh.

Quy điển Thánh Kinh

Quy điển Thánh Kinh là danh sách chính thức các văn bản được Hội Thánh Công giáo Rôma biện phân và thu thập theo thời gian và được các Công Đồng của Hội Thánh xác nhận, trước hết được hoàn thành vào thời Công Đồng Hippo năm 390 sau Công nguyên. Danh sách này được nhắc lại bởi Công Đồng Trentô trong những năm 1500 và một lần nữa tại Công Đồng Vaticanô I vào những năm 1800. Chúng ta tin rằng một số sách được Chúa Thánh Thần linh hứng và do đó được bao gồm trong Quy điển. Không có sách được linh hứng nào được biết đến mà ở ngoài Quy điển, và không có sách không được hứng nào ở trong Quy điển cả. Vì Thánh Kinh được trao phó cho Hội Thánh, nên Hội Thánh tuyên bố những gì được bao gồm trong Quy điển. Một vài định nghĩa khác rất hữu ích ở đây:

Linh hứng: Chúa Thánh Thần đã hiện diện và linh hứng cho các tác giả Thánh Kinh, vì vậy những gì Thiên Chúa dự định – và chỉ những điều đó – không những chỉ được hiểu đúng, mà còn theo sự hiểu biết này, các tác giả Tin Mừng đã viết chúng xuống, được diễn tả bằng ngôn ngữ thích hợp và có ý nghĩa. (Xem Providentissimus Deus, 1, 4 và 14).

Không Sai Lầm: Thánh Kinh không sai lầm, không những chỉ về đức tin và luân lý, mà còn trong tất cả các phần liên quan đến và những gì mà Thiên Chúa muốn dạy để cứu rỗi chúng ta. (Xem Dei Verbum, 6 và 11).

Những định nghĩa này giúp chúng ta biết với một xác tín rằng những gì chúng ta đọc là Lời của Thiên Chúa nói với chúng ta, và chúng cũng có thể giúp chúng ta hiểu điều chúng ta đọc. Chúng ta thấy sự hợp nhất của toàn thể Thánh Kinh và tất cả các Sách đều quan trọng. Chúng ta đọc qua lăng kính của đức tin và truyền thống sống động của Hội Thánh. Chúng ta trân quý cách Thánh Kinh đã được hiểu và cầu nguyện trong 2000 năm qua. Chúng ta nhận ra rằng các Giáo Phụ và các Thánh của Hội Thánh có nhiều điều để nói với chúng ta về Thánh Kinh và cách Thánh Kinh giúp chúng ta sống cuộc sống trong Đức Kitô ngày nay.

Một Hợp Chiếu các Tin Mừng

Một thay thế thú vị cho ý tưởng về một sự hài hòa Tin Mừng được gọi là một hợp chiếu các Tin Mừng. Một bản đối chiếu giữ nguyên tất cả bốn Tin Mừng như được viết và sắp xếp các đoạn trong bốn cột để tất cả bốn Tin Mừng đều nằm cạnh nhau. Các đoạn văn được sắp xếp và cách nhau để người ta có thể so sánh các chi tiết của từng tường thuật Tin Mừng. Làm điều này thực sự giúp người ta nhìn thấy cách mỗi tác giả trong bốn Thánh Ký mang đến một hương vị đặc biệt cho cuộc đời và tác vụ của Chúa Giêsu. Một hợp chiếu giống như có từng tác giả của Sách Tin Mừng ngồi với chúng ta, mỗi vị trên một chiếc ghế bành của mình, kể cho chúng ta nghe về Chúa Giêsu.

Câu Hỏi để Suy Nghĩ

  1. Một số đoạn Tin Mừng yêu thích của bạn là những đoạn nào? Bạn có biết (các) Tin Mừng nào có những đoạn này không? Hãy dành một chút thì giờ để tìm một số mục yêu thích của bạn và phát triển mối quan hệ của bạn với những tác giả riêng biệt của từng Sách Tin Mừng.
  2. Phụng vụ và truyền thống Công giáo của chúng ta tôn vinh việc Giáng Sinh của Chúa Giêsu cùng cuộc Khổ Nạn, Cái Chết, Sự Phục Sinh và Lên Trời của Người từ các tài tường thuật Tin Mừng khác nhau. Hãy chọn hoặc Matthêu 1-2 và Luca 1-2 hoặc những câu chuyện về Cuộc Thương Khó trong bốn Sách Tin Mừng để nghiên cứu sâu hơn xem mỗi Tin Mừng đóng góp cho sự hiểu biết của chúng ta về những sự kiện này trong việc cứu rỗi của chúng ta như thế nào.