Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 28 :  Kinh Tin Kính là Tuyên Xưng Đức Tin

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 28 tháng 6 năm 2023

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Từ Kinh Tin Kính có nghĩa là gì? Theo Cha Guy Oury, “Từ Latin cho Kinh Tin Kính là symbolum. Ý nghĩa đầu tiên của nó là một dấu chỉ, một dấu chỉ đánh dấu sự nhận biết mà qua đó một người đại diện được công nhận hoặc những người lạ biết nhau là thuộc cùng một nhóm. ‘Biểu tượng’ đức tin (Tín biểu) nhận dạng các Kitô hữu. Những người không phải là Kitô hữu không thể tuyên xưng điều đó mà không nói dối” (The Mass, tr. 71). Ngoài việc là dấu chỉ của sự hiệp nhất của chúng ta, Kinh Tin Kính còn là bản tóm tắt các giáo lý nòng cốt mà chúng ta tin vào và là một phần quan trọng của Thánh Lễ. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma nêu rõ: “Kinh Tin Kính, cũng gọi là lời tuyên xưng đức tin, nhằm làm cho giáo dân tập họp đáp lại Lời Chúa, được loan báo trong các bài đọc và giải thích trong bài diễn giảng, đồng thời khi đọc qui luật đức tin theo công thức chấp thuận dùng trong phụng vụ, họ nhớ lại và tuyên xưng những mầu nhiệm chính của đức tin trước khi bắt đầu cử hành Thánh Thể” (QCSL, số 67). Tóm lại, Cha Charles Belmonte nói, “Tín biểu hay Kinh Tin Kính bày tỏ sự đáp trả và ưng thuận của chúng ta với những gì chúng ta vừa nghe trong các bài đọc và trong bài giảng” (Understanding the Mass, trang 99). Sau khi đã nghe những chân lý về Đức tin trong Phụng vụ Lời Chúa, bây giờ chúng ta tuyên xưng những chân lý ấy trong Kinh Tin Kính.

Đứng Lên và Tuyên Xưng

Tại sao chúng ta đứng lên tuyên xưng Đức Tin của mình? Như Giáo phận Peoria dạy: “Qua Kinh Tin Kính, chúng ta với tư cách là một cộng đồng tín hữu đứng lên và tuyên xưng, một cách chính xác, những nền tảng đức tin của chúng ta. Chúng ta đứng lên khi đọc Kinh Tin Kính vì tầm quan trọng của nó trong Hội Thánh và trong cuộc sống của chúng ta. Điều đáng chú ý là một cử chỉ khác mà Hội Thánh yêu cầu chúng ta khi tuyên xưng Kinh Tin Kính. Khi chúng ta nói ‘Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người’, chúng ta phải cúi đầu tôn thờ Việc Nhập Thể và giáng sinh của Chúa chúng ta. Điều thú vị là, trong các lễ trọng tương ứng (Truyền tin và Giáng sinh), chúng ta vẫn giữ phong tục cổ xưa là quỳ gối ở những dòng đó” (“A Study of the Mass,” trang 10). Như chúng ta đã ôn lại trước đây, mỗi cử chỉ và tư thế trong phụng vụ đều có ý nghĩa và có thể giúp chúng ta cầu nguyện sâu xa hơn. Trong suốt Thánh Lễ, chúng ta cùng nhau đọc những kinh nguyện chính. Nói một cách rất thực tế, đứng là một cách khác để bày tỏ sự ưng thuận của chúng ta, giống như khi một đám đông đứng dậy vỗ tay. Việc đứng sẽ tăng thêm sự nhiệt tình cho việc công nhận. Cũng tương tự, việc cùng nhau đứng cầu nguyện sẽ tăng thêm sức mạnh cho những lời chúng ta công bố. Việc cúi đầu khi chúng ta nhớ lại Sự Nhập Thể nhìn nhận một cách khiêm tốn rằng chúng ta tôn vinh thời điểm quan trọng đó trong lịch sử thế giới biết là bao. Việc quỳ gối trong Đại Lễ Truyền Tin và Lễ Giáng Sinh càng làm tăng thêm lời ca ngợi long trọng cho niềm vui của giây phút ấy, phản ánh lòng tôn thờ của chúng ta đối với Chúa, Đấng đã mang lấy bản tính nhân loại, làm người vì chúng ta.

Khi cùng nhau tuyên xưng đức tin, chúng ta gia nhập vào một sự hợp nhất bắt đầu từ ngày Rửa tội của chúng ta. “Cũng như trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, khi trọn cuộc sống của chúng ta được ủy thác cho ‘quy luật đạo lý’, chúng ta hãy đón nhận Tín biểu, để nhờ đó chúng ta được sống. Khi đọc kinh Tin Kính với lòng tin, chúng ta được hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và cũng được hiệp thông với Hội Thánh phổ quát, là người lưu truyền đức tin cho chúng ta, và chính trong lòng Hội Thánh mà chúng ta tin” (GLCG, số 197). Sách Giáo Lý trích dẫn Thánh Ambrôsiô: “’Tín biểu là dấu ấn thiêng liêng, là điều chúng ta tâm niệm, và như là người canh giữ luôn hiện diện, chắc chắn đó là kho tàng của linh hồn chúng ta’” (GLCG , số 197).

Suy niệm những lời của Thánh Ambrôsiô gợi lại cho tôi món quà tuyệt vời mà chúng ta đã nhận được ban qua Bí tích Rửa Tội, được mời vào chính sự sống của Thiên Chúa. Điều đó chắc chắn đáng để chúng ta đứng lên và cùng nhau tuyên xưng!

Câu Hỏi để Suy Nghĩ:

  1. Hãy nghĩ đến (các) tư thế của bạn trong các hình thức cầu nguyện khác nhau. Điều gì thôi thúc bạn tỏ ra tôn kính và nhiệt tình? Điều gì khiến bạn phải cúi đầu kính sợ và kinh ngạc? Hãy chú ý đến việc cầu nguyện bằng toàn thể con người bạn, bao gồm cả tư thế của thân thể bạn.
  2. Lần tới khi bạn đọc Kinh Tin Kính một mình, hãy nhớ đến sự hiệp nhất của bạn với tất cả các Kitô hữu cùng tuyên xưng đức tin này.