Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 30 : Chuyển Cầu
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 11 tháng 7 năm 2023Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
Chúng ta có thể nhận ra các cụm từ “Chúng ta hãy cầu xin Chúa” và “Xin Chúa nhậm lời chúng con” từ Lời nguyện Chung trong Thánh Lễ. Sau Kinh Tin Kính, kết thúc Phụng vụ Lời Chúa, cộng đoàn cùng nhau cầu nguyện, cầu xin Thiên Chúa cho những nhu cầu khác nhau. Phần này của Thánh Lễ có nhiều tên gọi, bao gồm Lời nguyện Tín hữu, Lời nguyện Chung, Lời nguyện Phổ quát hoặc Lời Cầu xin. [Nhiều giáo xứ Việt Nam gọi lời nguyện này là “Lời nguyện Giáo dân” vì không phân biệt giữa từ ’tín hữu’ và ‘giáo dân’. Tín hữu là tất cả những người có đức tin (tức là đã được rửa tội, kể cả hàng giáo sĩ và tu sĩ), còn giáo dân là những người đã được rửa tội, nhưng không phải là tu sĩ hay giáo sĩ. Lời nguyện này là của tất cả mọi người đã được rửa tội, kể cả giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, nên không gọi là “Lời nguyện Giáo dân”).
Như Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma dạy: “Trong lời nguyện cho mọi người, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, chính dân Chúa, sau khi tiếp nhận trong đức tin, đáp lại Lời Chúa và thực thi chức tư tế do phép rửa của mình mà cầu cho hết mọi người. Lời nguyện này thường nên thực hiện trong các Thánh Lễ có giáo dân tham dự, để họ cầu cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những người đang gặp đủ thứ khó khăn, cho hết mọi người và cho toàn thế giới được ơn cứu độ” (QCSL, 69).
Dĩ nhiên, việc cầu nguyện cùng nhau với tư cách là Kitô hữu đã là một phần trong cuộc sống của chúng ta ngay từ đầu. Như Cha Charles Belmonte ghi nhận: “Cầu nguyện cho các nhu cầu của Hội Thánh và thế giới là một phong tục Kitô giáo thời sơ khai. Thánh Phaolô khuyên Timôtê, một trong những môn đệ của ngài: ‘Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh.’ (1 Tim 2:1–2)” (Understanding the Mass, trang 104). Vì vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên khi phần này của Thánh Lễ bắt nguồn từ những mô tả sớm nhất về Thánh Lễ, bao gồm cả phần mô tả của Thánh Gútinô Tử đạo (+165 sau Công nguyên).
Hội Thánh Hiệp Nhất trong Cầu Nguyện
Tên gọi “Lời nguyện Chung” và “Lời nguyện Phổ quát” hướng dẫn chúng ta về cách cấu tạo của những lời cầu nguyện này. Chúng được cầu nguyện một cách tổng quát cho những nhu cầu rộng lớn, điển hình là theo mẫu cầu nguyện cho các nhu cầu của Hội Thánh, cho chính quyền và phần rỗi của thế giới, cho những người đang gặp khó khăn và cho cộng đồng địa phương. Thông thường, lời chuyển cầu cuối cùng sẽ bao gồm những lời cầu nguyện cho người đã khuất. Trong khi những lời cầu nguyện này được hình dung là “tổng quát”, Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma lưu ý rằng đối với một Thánh Lễ cử hành cụ thể như Bí tích Thêm sức hoặc Lễ Cưới, “thì thứ tự ý nguyện có thể dành ưu tiên cho trường hợp đặc biệt đó” (QCSL, 70). Sau loạt lời chuyển cầu, Lời nguyện Tín hữu kết thúc bằng lời nguyện kết thúc do linh mục đọc, xin Thiên Chúa chấp nhận lời cầu xin của chúng ta.
Như tên gọi “Lời nguyện Tín hữu” cho thấy, ngay từ thủa ban đầu các thành viên đã được rửa tội của cộng đoàn (các tín hữu) đã tham gia vào lời cầu nguyện này (những người chưa được rửa tội đã được giải tán sau các bài đọc và bài giảng ngõ hầu họ có thể tiếp tục học tập và chuẩn bị để được tiếp nhận vào Hội Thánh). Một cách tuyệt vời, Lời nguyện Tín hữu nhấn mạnh đến một trong những đặc ân lớn lao mà chúng ta có được với tư cách là dân Chúa: có thể cùng nhau cầu xin Thiên Chúa những gì chúng ta cần. Vừa lắng nghe Lời Chúa và cùng nhau tuyên xưng đức tin qua Kinh Tin Kính, chúng ta vừa kết hợp với nhau trong đức tin khi cầu xin Thiên Chúa những điều chúng ta cần. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng lời cầu nguyện của chúng ta có sức mạnh ngay cả khi chỉ có hai người đồng ý cầu xin điều gì (Matthêu 18:19). Hãy tưởng tượng lời cầu nguyện của chúng ta mạnh mẽ biết bao khi toàn thể Hội Thánh hợp lại với nhau. Thật là tuyệt vời khi nghĩ đến điều này!
Câu Hỏi để Suy Nghĩ:
- Hãy dành thời gian để suy ngẫm về Matthêu 18:19, mà Cha Luke ám chỉ ở trên: “Một lần nữa, [amen], Thầy còn bảo thật các con: nếu ở dưới đất, hai người trong các con hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.” Hãy nghĩ lại về kinh nghiệm của bạn khi cầu nguyện với những người khác cho những nhu cầu cụ thể và đem những lãnh ngộ này vào lần tham dự Thánh Lễ tới của bạn.
- Hãy chuẩn bị tâm hồn để hoàn toàn bước vào Lời nguyện Tín hữu, hay Lời nguyện Phổ quát, bằng cách xét xem bạn mong muốn cầu nguyện cho thế giới vào lúc này thế nào. Hãy chăm chú lắng nghe lời cầu nguyện của cộng đoàn và kết hợp tâm hồn của bạn với Lời nguyện Phổ quát này.