Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 31 : Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 19 tháng 7 năm 2023
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
Khi chúng ta kết thúc Phụng vụ Lời Chúa và chuẩn bị chuyển sang Phụng vụ Thánh Thể, đây là thời điểm thích hợp để suy nghĩ xem những phần chính này của Thánh Lễ được hiệp nhất và bổ túc cho nhau như thế nào. Trước đây chúng ta đã đề cập đến sự hiệp nhất này trong suy tư của chúng ta về bài giảng. Lần này, chúng ta sẽ nghe từ một số Đức Giáo Hoàng gần đây. Như Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nêu rõ, “Có thể nói Thánh Lễ gồm hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể; cả hai phần liên kết chặt chẻ với nhau đến nỗi làm nên một hành vi phụng tự duy nhất. Quả thật trong Thánh Lễ có dọn sẵn bàn tiệc Lời Chúa và Mình Thánh Chúa, để các tín hữu được giáo huấn và bổ dưỡng” (QCSL, 28, cũng xem SC 56, 48, 51). Có lẽ hai phần chính của Thánh Lễ có vẻ hiển nhiên, nhưng làm sao chúng lại “có mối liên hệ chặt chẽ với nhau” như vậy? Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể có liên hệ với nhau như thế nào? Như hai thí dụ, cả hai đều củng cố chúng ta trong việc hiểu biết đức tin của mình và sống đức tin ấy trong thế gian, đồng thời cả hai đều kéo chúng ta đi sâu hơn vào sự kết hợp thực sự với Đức Kitô.
Hai Cách Chúa Nuôi Dưỡng Chúng Ta
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tư về sự hiệp nhất giữa Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể có từ thời Hội Thánh sơ khai: “Chúng ta biết rõ rằng ngay từ thời xa xưa, việc cử hành Bí tích Thánh Thể đã không chỉ gắn liền với cầu nguyện mà còn bằng việc đọc Thánh Kinh và cả cộng đoàn ca hát. Kết quả là, từ lâu, người ta đã có thể áp dụng vào Thánh Lễ sự so sánh do các Giáo phụ đưa ra với hai bàn tiệc, tại đó Hội Thánh chuẩn bị cho con cái mình Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể, tức là bánh của Chúa.” (Dominicae Cenae, 10). Hình ảnh hai bàn tiệc này minh họa cho chúng ta rằng chúng ta được nuôi dưỡng bằng hai cách chính qua Thánh Lễ: qua việc nghe Lời Chúa phán với chúng ta và qua sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Như chúng ta đã suy nghĩ trước đây, qua Thánh Kinh, chúng ta biết Thiên Chúa như Ngài mạc khải chính Ngài cho chúng ta; chúng ta biết chúng ta là ai như dân của Ngài; và chúng ta học cách sống cuộc đời của mình trong Ngài và với nhau. Như chúng ta sẽ thấy khi tiếp tục đi qua Thánh Lễ, trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được nuôi dưỡng một cách độc đáo nhờ sự hiện diện thật của Chúa Giêsu và việc Người ở cùng chúng ta qua việc Rước Lễ. Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng hai cách tuyệt vời!
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, khi suy tư về hai bàn tiệc Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa chúng: “Trước hết suy tư về sự duy nhất nội tại của nghi thức Thánh Lễ là cần thiết. Cả trong giáo lý và trong cách thức cử hành, cần tránh tạo nên ngộ nhận cho rằng hai phần của Thánh Lễ chỉ được đặt kề bên nhau… Có một mối liên hệ nội tại giữa Lời Thiên Chúa và Thánh Thể. Từ việc lắng nghe Lời Chúa, đức tin được sinh ra và lớn lên (x. Rm 10,17); trong Thánh Thể, Lời-thành-xác-phàm ban chính mình cho chúng ta như lương thực thiêng liêng. Do đó, “từ hai bàn tiệc Lời Chúa và Mình Chúa Kitô, Hội Thánh lãnh nhận và trao cho các tín hữu bánh sự sống”. Vì vậy cần ghi nhớ thường xuyên rằng Lời Chúa, được Hội Thánh đọc và công bố trong phụng vụ, dẫn đến Thánh Thể như là mục đích tự nhiên của mình” (Sacramentum Caritatis, 44).
Mối Liên Hệ và Sự Kết Hợp
Những lời của Đức Thánh Cha Bênêđíctô nhắc nhở tôi về cách chúng ta phát triển trong các mối quan hệ. Thông thường, lần đầu tiên chúng ta gặp những người khác ở một khoảng cách khá xa. Có thể chúng ta nhìn thấy họ trong một nhóm, hoặc chúng ta đi ngang qua nhau một cách nào đó. Tiếp theo, thường có lúc chúng ta tìm hiểu những điều cơ bản, chẳng hạn như tên, hoàn cảnh gia đình, trường học hoặc công việc. Nếu mối quan hệ tiếp tục phát triển, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về những gì một người nghĩ, thích, hy vọng hay ước mơ. Theo thời gian, tình bạn ngày càng phát triển và sâu sắc hơn, và cùng với chiều sâu đó là tình yêu và sự thân mật lớn lao hơn. Đương nhiên, ngay cả với một tình yêu sâu đậm, chúng ta biết mình vẫn liên lạc với nhau và tiếp tục tìm hiểu thêm. Tình yêu giúp chúng ta hiểu nhau trọn vẹn hơn và sự giao tiếp thường xuyên giúp chúng ta đào sâu tình yêu. Sự so sánh cơ bản này giúp tôi nhận ra một cách cụ thể hơn những gì tôi nghĩ là các Đức Giáo Hoàng dạy chúng ta: trong Thánh Lễ, chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu qua Phụng vụ Lời Chúa và qua Phụng vụ Thánh Thể. Cả hai đều ban phúc cho chúng ta ngày càng lớn lên một cách sâu đậm hơn trong mối liên hệ với Người. Cả hai đều dẫn chúng ta đi sâu hơn vào sự hiệp nhất. Cả hai đều mời gọi chúng ta chia sẻ hoa trái của sự hiệp nhất ấy với nhau. Cả hai đều làm tăng thêm niềm hy vọng của chúng ta về sự hiệp nhất hoàn hảo với Đức Kitô đang chờ đợi chúng ta trên Thiên đàng. Hiện nay, việc nếm trước bữa tiệc Thiên quốc đang đến trong Phụng vụ Thánh Thể!
Câu Hỏi để Suy Nghĩ:
- Bạn cảm nghiệm Phụng vụ Lời Chúa như lương thực như thế nào? Hãy cầu nguyện với Êdêkien 3:1-3, trong đó Chúa bảo ông ăn một cuộn giấy. Hãy suy niệm về hình ảnh những “bàn tiệc” được dọn sẵn cho một bữa tiệc như một cách để khơi dậy trong tâm hồn bạn một “khao khát” thờ phượng khi bạn chuẩn bị cho Thánh Lễ.
- Như Cha Luke đã trích dẫn, “các tín hữu cần được giáo huấn và bồi dưỡng” (QCSL, 28) từ Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Hãy chuẩn bị tâm hồn để đón nhận giáo huấn và sự bồi dưỡng bằng cách cầu xin Chúa ban cho bạn những ân sủng này mỗi khi bạn tham dự Thánh Lễ. Sau Thánh Lễ, hãy dành thời gian để suy niệm về giáo huấn và sự bồi dưỡng mà bạn đã nhận được, và tạ ơn Thiên Chúa.