Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 46 : Các Kinh Nguyện Thánh Thể khác nhau
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival ngày 26 tháng 10 năm 2023
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
Vừa cùng các thiên thần hát Thánh, Thánh, Thánh, tiếp theo chúng ta quỳ gối thờ lạy trong Kinh Tạ Ơn (hay Kinh nguyện Thánh Thể). Tại sao chúng ta phải quỳ vào lúc này? Chúng ta quỳ gối để chuẩn bị đón Chúa Giêsu hiện diện thật, thật sự và bản thể trên bàn thờ. Như Cha Stefano Manelli kể lại, Thánh Louis IX, Vua nước Pháp, người được biết đến là người thường xuyên tham dự Thánh Lễ và quỳ trên sàn nhà, đã từng nói: “Trong Thánh Lễ, Thiên Chúa hiến mình làm Hy Lễ, và khi Thiên Chúa hy sinh chính mình, các vua phải quỳ gối trên sàn nhà” (Jesus Our Eucharistic Love, trang 24). Việc tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể (Chầu Thánh Thể) thực sự là một phần mở rộng của việc tôn thờ mà chúng ta dành cho Chúa Giêsu trên bàn thờ sau khi Truyền phép và trong việc nâng Mình và Máu Chúa Giêsu lên trong Thánh Lễ.
Những Điểm Chung và Khác Biệt giữa các Kinh nguyện Thánh Thể
Bạn có thể nhận thấy rằng có một số lựa chọn cho Kinh nguyện Thánh Thể, bắt đầu sau Kinh Sanctus. Mặc dù mỗi Kinh nguyện Thánh Thể là đặc thù và có những điểm nhấn đặc biệt, nhưng mọi Kinh nguyện đều có những yếu tố chính giống nhau, bao gồm cầu khẩn Thánh Thần, tường thuật về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể và Truyền phép, Tưởng nhớ, Tạ ơn, Chuyển cầu và Vinh Tụng ca kết thúc. Chúng tôi sẽ đề cập chi tiết từng yếu tố khi chúng ta tiếp tục.
Nhìn qua Sách Lễ Rôma hiện tại, chúng ta thấy có mười Kinh nguyện Thánh Thể mà Linh mục có thể chọn. Bốn kinh đầu (Lễ Quy Rôma: Kinh nguyện Thánh Thể I, cùng với Kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV) có lẽ là quen thuộc nhất, vì chúng thường được in trong các bản in giúp việc thờ phượng và các sách cầu nguyện khác. Sách Lễ cũng bao gồm hai Kinh nguyện Thánh Thể Giao Hoà và bốn Kinh nguyện cho Thánh Lễ chỉ cho các nhu cầu khác nhau. Các lựa chọn này có các tựa đề sau: “Hội Thánh trên con đường hiệp nhất”; “Thiên Chúa hướng dẫn Hội Thánh của Ngài trên Con Đường Cứu Độ”; “Chúa Giêsu, Con Đường dẫn tới Chúa Cha”; và “Chúa Giêsu, Đấng đi khắp nơi ban phát ơn lành.” Bốn Kinh nguyện cuối cùng này đi kèm với những gợi ý về thời điểm thích hợp để sử dụng chúng; chẳng hạn, lời cầu nguyện “Chúa Giêsu, Đường dẫn tới Chúa Cha” sẽ rất phù hợp cho Thánh Lễ “Phúc Âm hoá các Dân tộc” hoặc “Cầu cho các Kitô hữu bị bách hại”.
Ngoài ra còn có ba Kinh nguyện Thánh Thể cho Thánh Lễ dành cho trẻ em (được tìm thấy trong một cuốn sách riêng và chỉ quy định cho các Thánh Lễ mà trong đó đa số người tham dự là trẻ em).
Kinh nguyện Thánh Thể I–IV
Đôi khi có người hỏi tôi là có Kinh nguyện Thánh Thể nào mà tôi thích nhất không. Câu trả lời trung thực của tôi là mỗi Kinh đều đặc biệt theo cách riêng của nó. Tôi thực sự thích tất cả mọi Kinh!
Kinh nguyện Thánh Thể I bao gồm nhiều tên của các Thánh, nhắc nhở tôi rằng chúng ta được nâng đỡ bởi chứng từ và lời cầu nguyện của những người đã đi trước chúng ta (sẽ nói thêm về các Thánh này trong tương lai gần). Nó cũng có một số lời cầu nguyện độc đáo cho những ngày đặc biệt như Giáng sinh và Phục sinh. Kinh nguyện Thánh Thể I còn được gọi là Lễ Quy Rôma, cho thấy nguồn gốc và cách sử dụng kéo dài hàng thế kỷ của nó trong Nghi thức Latinh của Hội Thánh Công giáo Rôma.
Kinh nguyện Thánh Thể II có một số lời cầu nguyện lâu đời nhất được biết đến trong Thánh Lễ, có từ những năm 200 sau Công nguyên. Tôi luôn được mạnh sức bởi nghĩ rằng các Thánh và các vị tử đạo tiên khởi đã cầu nguyện gần như từng chữ giống như những từ mà chúng ta sử dụng ngày nay; đó là sự thống nhất xuyên suốt thời gian và không gian!
Kinh nguyện Thánh Thể III đặc biệt nói đến Chúa Thánh Thần và có chỗ để điền tên Thánh được kính trong ngày hoặc các thánh bổn mạng.
Kinh nguyện Thánh Thể IV thực sự là một chuyến đi vòng quanh Lịch sử Cứu độ và nhắc nhở tôi về Tin Mừng Thánh Gioan với những câu như: “Lạy Cha chí thánh, Cha yêu thương thế gian, đến nỗi khi tới thời viên mãn, Cha đã sai Con Một đến làm Đấng cứu độ chúng con.”
Các Câu từ nhữngKinh nguyện Thánh Thể khác
Trong số những Kinh nguyện Thánh Thể khác, đây là một vài cụm từ mà tôi thực sự thích cầu nguyện: “Xin trợ giúp chúng con biết đợi chờ Nước Chúa đến cho tới khi chúng con được hầu cận bên Chúa, như là những Thánh nhân giữa hàng chư Thánh nơi thiên tòa” (Giao Hoà I). “Xin Thánh Thần làm cho Hội Thánh của Cha nên dấu chỉ hợp nhất và khí cụ bình an của Cha giữa muôn người” (Giao Hoà II). “Lạy Chúa, nhờ ánh sáng Tin Mừng, xin canh tân Hội Thánh của Chúa (tại …),” (Theo Nhu Cầu I). “Vậy lạy Chúa, chúng con được mời gọi đến bàn tiệc của Chúa, xin củng cố chúng con trong sự hợp nhất …” (Theo Nhu Cầu II). “Lạy Thiên Chúa là Đấng yêu thương nhân loại, Chúa thật là Đấng Thánh và phải được tôn vinh, Chúa luôn hiện hữu với họ trên đường đời.” (Theo Nhu Cầu III). “Xin Chúa mở mắt chúng con, để chúng con nhận biết những nhu cầu của anh em, xin Chúa khơi gọi cho chúng con những lời nói và những việc làm, để chúng con giúp sức cho những người làm lụng vất vả và gồng gánh nặng nề” (Theo Nhu Cầu IV).
Sau khi xem xét kỹ hơn, chúng ta thấy thực sự có rất nhiều Kinh nguyện khác nhau mà chúng ta có thể sử dụng tại bàn thờ trong Thánh Lễ. Bất cứ Kinh nguyện Thánh Thể nào được cầu nguyện, hãy yên tâm rằng cùng một Hy lễ thánh thiện của Đức Kitô xảy ra, vinh quang và vinh dự được dành cho Thiên Chúa, và Chính Mình và Máu Chúa Giêsu được hiện tại hoá trên bàn thờ trước mặt chúng ta!
Câu Hỏi để Suy Niệm:
- Hãy dành thì giờ để cầu nguyện, chậm rãi, với từng cụm từ yêu thích của Cha Luke từ các lựa chọn khác nhau của Kinh nguyện Thánh Thể. Hãy ghi lại những hiểu biết sâu xa hoặc những cảm hứng mà bạn nhận được khi cầu nguyện.
- Lần sau khi bạn tham dự Thánh Lễ, sau đó hãy hỏi Cha chủ tế về việc ngài đã chọn Kinh nguyện Thánh Thể nào. Khi hiểu rõ hơn về các lựa chọn Kinh nguyện Thánh Thể, bạn thử xác định xem bạn đã nghe Kinh nguyện nào.