Giới Thiệu Giai đoạn Truyền giáo của Kế hoạch Phục hưng Thánh Thể Toàn Quốc

Bài này được viết dựa theo các tài liệu trong trang web Năm Truyền Giáo (The Year of Mission) của Phục hưng Thánh Thể Toàn quốc.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Kế hoạch Phục Hưng Thánh Thể Toàn quốc đang bước vào giai đoạn quan trọng nhất là giai đoạn Truyền giáo. Được khởi xướng bởi các Giám mục Hoa Kỳ, Phục hưng Thánh Thể nhằm mục đích cổ võ một cuộc gặp gỡ được đổi mới với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, tìm cách đào tạo, chữa lành, hoán cải, kết hợp và sai Dân Chúa ra đi ra đối thoại với và giải quyết những vấn đề của một thế giới đang bị khủng hoàng nhiều bề. Cuộc Phục hưng Thánh Thể đã bắt đầu hai năm qua với các Năm Giáo phận và Giáo xứ, dẫn đến Năm Truyền giáo trong hiện tại và kéo dài mãi mãi trong tương lai.

Ý Nghĩa cuộc Hành hương Thánh Thể và Đại Hội Thánh Thể Toàn Quốc 2024

Hiện nay người Công giáo trên khắp đất Nước Hoa Kỳ đang tham gia một biến cố lịch sử chưa từng xảy ra, đó là Cuộc Hành hương Thánh Thể Toàn quốc. Cuộc Hành hương này bắt đầu từ ngày 17 tháng 5 năm 2024 từ bốn góc của Nước Hoa Kỳ và sẽ kết thúc vào ngày 18 tháng 7 tại Đại Hội Thánh Thể Toàn quốc ở Indiannapolis, Indiana. Đây là một cách thể hiện đức tin công khai, không chỉ giới hạn trong các nhà thờ, mà còn trên các đường phố, quảng trường và làng mạc của đất nước.

Hành hương tượng trưng cho Hội Thánh như một dân lữ hành, hành trình qua lịch sử dưới sự hướng dẫn của Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng Hội Thánh trên trần thế đang trong một cuộc hành hương hướng về quê trời, được Chúa Giêsu dẫn dắt đến niềm vui và chân lý tối hậu. Đó là một hành trình cầu nguyện cho sự chữa lành của đất nước, thể hiện vai trò của Hội Thánh như một cộng đồng sống động và năng động. Cuối cùng, cuộc hành hương chỉ đến một cuộc hành trình vĩnh cửu hướng tới một cuộc tạo dựng mới, ở đó không còn tội lỗi và sự chết. Đó là chứng tá cho những người đang tìm kiếm niềm hy vọng và lòng thương xót, cho thấy rằng sứ vụ của Hội Thánh là hướng dẫn mọi người tiến về Giêrusalem trên trời.

Đại hội Thánh Thể Toàn quốc là cột mốc quan trọng trong hành trình này. Đây là Đại hội Thánh Thể Toàn quốc đầu tiên sau 83 năm. Sự kiện này, mặc dù mang tính then chốt, nhưng không đánh dấu sự kết thúc của Phục hưng Thánh Thể. Thay vào đó, nó đóng vai trò khởi đầu giai đoạn tiếp theo, tập trung vào việc chia sẻ tình yêu của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể với mọi người, để biến đổi xã hội và thế giới. Đó là giai đọn Truyền giáo. Mọi người Công giáo, bất kể bậc sống, tuổi tác hay nghề nghiệp, đều được mời gọi đào sâu mối quan hệ của họ với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, để Bí tích này định hình căn tính và sứ vụ của họ. Rồi sau đó được sai đi truyền giáo cho người khác hầu Phúc Âm hoá toàn thể thế gian.

Nguồn gốc và Trụ Cột của Giai Đoạn Truyền Giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài giáo lý về Luca 24:13–25 (“Đường Emmaus”), đã nhấn mạnh đến các cử chỉ cơ bản của Thánh Thể: cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra và trao. Ngài vạch ra rằng những hành động này tóm gọn toàn thể cuộc đời Chúa Giêsu và tượng trưng cho sứ vụ của Hội Thánh. Chúa Giêsu đón nhận chúng ta, chúc lành cho chúng ta, “bẻ” cuộc đời của chúng ta ra thành nhiều mảnh vụn qua những hy sinh hằng ngày của chúng ta được kết hợp với Hy tế của Người trong Thánh Lễ, và trao ban chúng ta cho những người khác.

Mô hình này, được phác thảo trong Cẩm nang Năm Truyển Giáo (Year of Mission Playbook). Cẩm nang này được chia thành bốn trụ cột: Gặp gỡ Thánh Thể, Căn tính Thánh Thể, Đời sống Thánh Thể và Sứ vụ Thánh Thể. Đó là một lời mời gọi bỏ ngỏ dành cho tất cả những người Công giáo đang dấn thân ở Hoa Kỳ, cung cấp những ý tưởng và chiến lược để tham gia Phong trào Phục hưng Thánh Thể. Nó được soạn ra cho cả những người tham gia lâu năm và những người mới tham gia, cung cấp những hiểu biết sâu xa và những mẫu gương từ một số vị Thánh, là những người hiện thân cho lý tưởng Phục hưng Thánh Thể. Việc chia sẻ rộng rãi Cẩm Nang này được khuyến khích để mở rộng sự tham gia và đảm bảo sự thành công của Cuộc Phục hưng Thánh Thể. Dưới đây là tóm lược của bốn trụ cột kể trên.

  1. Gặp gỡ Thánh ThểKhuyến khích các môn đệ truyền giáo thường xuyên gặp gỡ Đức Kitô qua Bí tích Thánh Thể. Để dẫn mọi người đến mối quan hệ với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chính chúng ta phải duy trì mối quan hệ tích cực với Người. Trụ cột này tập trung vào việc đào sâu mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu Thánh Thể qua cầu nguyện, chầu Thánh Thể và các Bí tích. Những cuộc gặp gỡ thường xuyên và sâu xa này với Chúa Giêsu sẽ củng cố chúng ta để chúng ta có thể trở thành những chứng nhân đích thực và đáng tin cậy hơn cho tình yêu của Người.
  2. Căn tính Thánh ThểKhuyến khích các môn đệ truyền giáo giữ chặt căn tính thực sự của họ là con cái yêu dấu của Chúa Cha qua mối quan hệ của họ với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Để thực sự sống sứ vụ của mình với tư cách là người Công giáo, trước hết chúng ta phải ý thức rằng mình là con cái yêu dấu của Chúa Cha, được hình thành bởi mối quan hệ của chúng ta với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Trụ cột này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hấp thụ cùng sống theo những giáo huấn và tình yêu của Chúa Giêsu, để cho những cuộc gặp gỡ Thánh Thể xác định con người chúng ta. Qua những cuộc gặp gỡ này, trái tim và trí khôn của chúng ta được biến đổi, hướng dẫn chúng ta đến việc phản ảnh tình yêu của Đức Kitô trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
  3. Đời sống Thánh ThểKhuyến khích các môn đệ truyền giáo củng cố và đổi mới căn tính Kitô hữu của họ qua Bí tích Thánh Thể. Trụ cột này khuyến khích chúng ta đem tình yêu của Đức Kitô vào mọi khía cạnh của cuộc sống, biến những hành động hằng ngày thành những hành động thờ phượng và phục vụ liên tục. Khi chúng ta yêu Đức Kitô nhiều hơn, cuộc sống của chúng ta trở nên giống cuộc sống của Người hơn, phản ánh tình yêu hy sinh của Người. Khi sống một đời sống Thánh Thể, chúng ta tham gia vào sự tự hiến của Đức Kitô, để cho tình yêu của Người chảy qua chúng ta đến những người khác.
  4. Sứ vụ Thánh ThểKhuyến khích những người đã gặp gỡ Đức Kitô, những người đã bước vào mối quan hệ với Người, và những người đã được trở nên đồng hình đồng dạng với Người ra đi truyền giáo cho thế gian, Phúc Âm hoá, và đem tình yêu của Người đến cho mọi người, đặc biệt là những người cần đến lòng thương xót của Người nhất. Trụ cột này là lời mời gọi Phúc Âm hoá – mạnh dạn truyền bá Tin Mừng về tình yêu Thánh Thể và lòng thương xót của Đức Kitô bằng lời nói và việc làm của mình. Khi tình yêu của chúng ta dành cho Người càng ngày càng sâu đậm, cuộc sống của chúng ta sẽ càng ngày càng trở nên thích hợp với sứ vụ của Người hơn, thúc đầy chúng ta phục vụ người khác bằng con tim của Người. Chúng ta sẽ bị lôi cuốn vào sự phục vụ đầy lòng trắc ẩn, sống lời mời gọi trở thành những tay chân của Chúa cho tha nhân và mang sự hiện diện của Người đến những vùng bên lề xã hội.

Sáng kiến ​​“Đồng hành với Một người”

Sau khi đã khuyến khích mỗi người chúng ta mời một người đã bỏ Thánh Lễ trở lại với giáo xứ sau đại dịch COVID, bây giờ mới thật sự đến giai đoạn truyền giáo. Giai đoạn này của Cuộc Phục hưng Thánh Thể nhấn mạnh đến lời mời gọi hành động của mỗi cá nhân. Mỗi người Công giáo được khuyến khích chủ đông trong việc canh tân đời sống Thánh Thể của họ và của đất nước họ. Các Giám mục đưa ra một sáng kiến ​​mới, “Đồng hành với một người”. Sáng kiến này thách đố các cá nhân cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho biết một người mà họ có thể đồng hành qua Cuộc Phục hưng Thánh Thể, và sau đó tìm cách quen thuộc và đồng hành với họ trên con đường đức tin. Đây là một tiến trình đồng hành đơn giản gồm bốn giai đoạn, tập trung vào cách tiếp cận “từ con tim đến con tim”:

  • Nhận ra một người có tinh thần khiêm tốn
  • Cầu xin cho người ấy được hiệp thông với Chúa Thánh Thần
  • Liên hệ với người ấy trong tình bằng hữu Thánh Thể
  • Mời người ấy đi theo một con đường phù hợp nhất với người ấy.

Điểm mấu chốt của sáng kiến này là: Nếu bạn có thể mở lòng mình ra để nói về việc Chúa Giêsu đã chạm đến cuộc đời bạn như thế nào, thì con tim bạn sẽ chạm đến con tim của bất cứ ai mà Chúa Thánh Thần muốn bạn đi cùng. Đây là nhiệm vụ của mỗi người Công giáo vì có rất nhiều người đang lạc xa chân lý vì những lỗi lầm của chính chúng ta trong quá khứ. Chúa muốn chúng ta tiếp tay Người đem họ trở về qua cách sống Thánh Thể của mình.

Vai trò của các Giáo phận và Giáo xứ

Các giáo phận và giáo xứ đóng một vai trò rất quan trọng trong giai đoạn này. Trong hai năm vừa qua, nhiều Giám mục và mục tử đã tích cực tham gia Cuộc Phục hưng Thánh Thể, tạo cơ hội cho giáo dân của các ngài gặp gỡ Chúa Thánh Thể, nuôi dưỡng căn tính Thánh Thể của họ, cung cấp những của ăn thiêng liêng cho họ và hướng dẫn họ chuẩn bị cho giai đoạn này. Tuy nhiên cũng có rất nhiều nơi, vì thiếu Linh mục và nhân sự, nên giáo dân hầu như không biết gì về Phục hưng Thánh Thể. Tuy nhiên, đây là một sứ vụ trường kỳ có thể bắt đầu bất cứ lúc nào. Các Linh mục có thể chuyển giáo xứ của mình từ tình trạng bảo trì sang tình trạng truyền giáo bằng cách canh tân giáo xứ qua việc xây dựng một nền văn hoá Thánh Thể trong giáo xứ. Đồng thời các ngài có thể giúp giáo dân đào sâu mối quan hệ cá nhân của họ với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể qua những buồi học tập về Thánh Lễ, về Mầu Nhiệm Thánh Thể và về Chúa Giêsu và Thánh Thể, cùng tạo dịp cho họ gặp Chúa qua những buổi Chầu Thánh Thể và những Đêm Gặp gỡ trong đó họ có thể vừa Chầu Chúa vừa có dịp lãnh nhận Bí tích Hoà giải.

Bất kể các giáo xứ đã bắt đầu hay chưa bắt đầu cuộc Phục hưng Thánh Thể, tất cả đều được mời gọi tham gia giai đoạn này, góp phần vào nỗ lực chung nhằm canh tân Hội Thánh và sứ vụ của Hội Thánh cùng cứu rỗi các linh hồn đang vất vơ trước nanh vuốt của ma quỷ.

Kết Luận

Khi giáo xứ bắt tay vào giai đoạn truyền giáo này, điều cần thiết là cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta có can đảm biến giáo xứ thành một trung tâm truyền giáo. Muốn được như thế, cần phải tổ chức những khoá đào tạo cần thiết để các thành viên có thể sống linh đạo Thánh Thể và tạo những dịp cho họ gặp gỡ riêng với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể.

Công việc này phù hợp với các nguyên tắc của một Hội Thánh Hiệp Hành, thúc đẩy sự tham gia sâu xa hơn, sự hiệp thông và ý thức chung về sứ vụ của giáo xứ. Giai đoạn truyền giáo của Phục hưng Thánh Thể Quốc gia thể hiện một cơ hội và trách nhiệm quan trọng đối với Hội Thánh. Nó đòi hỏi một đức tin sâu đặm hơn và sự dấn thân chia sẻ quyền năng biến đổi của Bí tích Thánh Thể. Việc tham gia vào sứ vụ này với niềm vui, nhiệt tình và có mục đích, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, sẽ giúp hoàn thành tầm nhìn của kế hoạch Phục hưng Thánh Thể và đáp lại mong ước của Chúa Giêsu là nuôi sống thế gian bằng Chính Mình và Máu Người.

Câu hỏi để Suy Nghĩ

  1. Làm sao bạn có thể đào sâu mối quan hệ với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể để cho mối quan hệ đó biến đổi cuộc đời và căn tính của bạn, định hình các hành động và quyết định của bạn như một người Công giáo? Những thực hành hoặc cam kết cụ thể nào có thể giúp bạn nuôi dưỡng mối quan hệ này một cách mật thiết hơn?
  2. Hãy suy nghĩ về ý tưởng “đồng hành với một người” trên con đường đức tin của họ, như được đề nghị trong giai đoạn truyền giáo của Phục Hưng Thánh Thể. Có ai trong cuộc sống bạn mà bạn cảm thấy được mời gọi để đồng hành, giúp họ trở lại hoặc phát triển đức tin không? Bạn có thể tiếp cận họ với lòng trắc ẩn và cảm thông như thế nào?
  3. Cuộc Hành Hương Thánh Thể Toàn quốc là một biểu hiện công khai về đức tin trên khắp nước Mỹ. Trong hoàn cảnh của bạn, bạn có thể bày tỏ đức tin của mình trước mặt người khác như thế nào, và đem sự hiện diện của Chúa Kitô vào trong các mối tương tác hàng ngày, đặc biệt