II. Phụng Vụ Lời Chúa

* Tổng quát
 

39. Hỏi : Phần Phụng vụ Lời Chúa được bắt nguồn từ đâu ?
        – Thưa : Được bắt nguồn từ Phụng vụ Hội đường của người Do Thái trong ngày sa-bát.

40. Hỏi : Cuộc cử hành phụng vụ Hội đường của người Do Thái gồm những gì ?
        – Thưa : Gồm những bài Thánh Vịnh, những lời cầu xin, chúc tụng, nhất là đọc Lời Chúa theo chu kỳ nhất định.

41. Hỏi : Lời Chúa được ghi lại trong Thánh Kinh để giáo huấn các tín hữu. Khi Lời Chúa được công bố là lúc Thiên Chúa làm gì ?
        – Thưa : Khi Lời Chúa được công bố là lúc Thiên Chúa hiện diện nói với dân, hướng dẫn và dạy dỗ dân.

42. Hỏi : Thiên Chúa hướng dẫn và dạy dỗ cho dân biết điều gì ?
        – Thưa : Thiên Chúa là Cha nhân từ và mọi người là con Thiên Chúa, là anh chị em với nhau.

43. Hỏi : Lời Chúa dạy cho các tín hữu biết sống đạo đức, thánh thiện trong khi chờ đợi điều gì ?
        – Thưa : Chờ đợi ngày Chúa quang lâm.

44. Hỏi : Chính nhờ được nghe Lời Chúa và được giải thích, tín hữu ngày càng hiểu biết hơn về các mầu nhiệm của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô qua dòng lịch sử. Nhờ đó tín hữu được gì ?
        – Thưa : Được gia tăng đức tin và thực thi giáo huấn của Chúa trong cuộc sống.

45. Hỏi : Lời Chúa cần được tôn kính, nên cần được công bố ở những nơi trang trọng, xứng đáng, thích hợp như : Nhà thờ, Cung thánh, Giảng đài …  để làm gì ?
        – Thưa : Để Lời Chúa được loan báo và tín hữu hướng về nhìn thấy và nghe được Lời Chúa nói với mình qua thừa tác viên.

46. Hỏi : Phần phụng vụ Lời Chúa bắt đầu và kết thúc khi nào ?
        – Thưa : Phụng vụ Lời Chúa bắt đầu từ bài đọc Kinh Thánh thứ nhất, sau lời nguyện nhập lễ của chủ tế, và kết thúc khi đọc xong lời nguyện chung, tức là trước khi dâng lễ vật.

47. Hỏi : Phần Phụng vụ Lời Chúa gồm những gì?
        – Thưa : Bài đọc 1 – Thánh Vịnh đáp ca – Bài đọc 2 – Alleluia – Tin Mừng – Giảng lễ – Kinh Tin Kính – Lời Nguyện Giáo Dân.

48. Hỏi : Phận sự của thừa tác viên đọc sách phải chuẩn bị những gì ?
        – Thưa :
* Một là phải tìm đúng bài đọc của ngày lễ.
* Hai là xem trước bài đọc để tránh va vấp, phát âm đúng những danh từ riêng.
* Ba là nắm vững cấu trúc bài đọc, ngắt câu đúng chỗ, để người nghe không hiểu sai câu văn.
* Bốn là ổn định tâm lý khi đứng trước đám đông.

49. Hỏi : Khi công bố Lời Chúa, thừa tác viên phải làm những gì ?
        – Thưa :
* Một là đứng đọc sách đúng nơi qui định.
* Hai là ý thức mình là người làm cho Lời Chúa dưới dạng chữ viết trong Thánh Kinh trở thành lời nói giữa cộng đoàn.
* Ba là cần đọc rõ ràng, chậm rãi.
* Bốn là không được đọc theo kiểu đọc bài hay như hát.
* Năm là giữa lời tựa và bài đọc cần nghỉ chút ít.
* Sáu là nghỉ lấy hơi đúng dấu chấm, dấu phẩy.
* Bảy là câu cuối bài đọc chậm rãi để dừng.
* Tám là đọc xong, chờ cộng đoàn tung hô “Tạ ơn Chúa” rồi mới xuống.

50. Hỏi : Chúng ta phải có những tâm tình nào với phần Phụng vụ Lời Chúa ?
        – Thưa : Phải lắng nghe, mở lòng đón nhận, thinh lặng, đối thoại, giữ trong lòng và suy niệm.


** Diễn tiến

51. Hỏi : Phụng vụ Lời Chúa là con đường dẫn tín hữu đến với Chúa Kitô, nên Hội Thánh  đã phân chia những giáo huấn quan trọng theo chu kỳ thế nào ?
        – Thưa : Theo chu kỳ 3 năm (A-B-C) cho các ngày Chúa Nhật và chu kỳ 2 năm (năm chẵn, năm lẻ) cho các ngày trong tuần Mùa Thường Niên.

52. Hỏi : Thông thường, ngày Chúa Nhật và ngày lễ trọng có bao nhiêu bài đọc ?
        – Thưa :  Thưa có 3 bài đọc.

53. Hỏi : Những bài đọc ngày Chúa Nhật và ngày lễ trọng là những bài nào ?
        – Thưa : Thưa 1 bài đọc Cựu Ước, 1 bài trích trong thư các tông đồ (hay các sách khác của Tân Ước) và 1 bài Tin Mừng.

54. Hỏi : Ngày trong tuần có bao nhiêu bài đọc ? Đó là những bài nào ?
        – Thưa : Có 2 bài đọc : 1 bài đọc Cựu Ước hoặc thư các tông đồ (hay các sách khác của Tân Ước) và 1 bài Tin Mừng.

55. Hỏi : Bài đọc I thường được trích từ đâu ?
        – Thưa : Bài đọc I thường được trích từ Thánh Kinh Cựu Ước để loan báo hành động của Thiên Chúa là Đấng từ khi tạo thành thế giới, đã chuẩn bị cho dân Ngài đón tiếp Chúa Giêsu. Ngày Chúa Nhật, Bài đọc I giúp ta hiểu bài Tin Mừng rõ hơn.

56. Hỏi : Các bài đọc Cựu Ước cho chúng ta thấy sự trưởng thành đức tin của dân Chúa qua dòng thời gian. Đó là lịch sử cứu độ của điều gì ?
        – Thưa : Đó là lịch sử cứu độ của ân sủng và tội lỗi, của trung tín và phản bội, của niềm tin và nghi ngờ…

57. Hỏi : Các bài đọc Cựu Ước được chọn đọc trong thánh lễ giúp tín hữu nhận ra điều gì ?
        – Thưa : Nhận ra mối dây liên hệ giữa hai giao ước, để thấy Thiên Chúa trong Cựu Ước và Thiên Chúa trong Tân Ước chỉ là một Thiên Chúa của tình thương, giàu lòng nhân nghĩa và trung tín.

58. Hỏi : Trong Mùa Phục Sinh, Bài đọc 1 trích từ sách nào ?
        – Thưa : Từ sách Tông Đồ Công Vụ, kể về các sinh hoạt thời đầu của Hội Thánh.

59. Hỏi : Thánh Vịnh đáp ca có ý nghĩa gì ?
        – Thưa : Thánh Vịnh đáp ca là dây liên kết các bài đọc với nhau, giúp tín hữu hiểu ý nghĩa của các bài đọc Thánh Kinh, cũng chính bày tỏ lòng tin và thái độ đáp lại Lời Chúa vừa nghe.

60. Hỏi : Bài đọc II thường được trích từ đâu ?
        – Thưa : Từ thư của các tông đồ, hoặc từ sách Tông Đồ Công Vụ, qua đó Hội Thánh mời gọi tín hữu nghe lại giáo huấn của Chúa Giêsu do các tông đồ truyền lại.

61. Hỏi : Alleluia là gì ?
        – Thưa : Alleluia là tiếng Do thái, có nghĩa là : “Hãy chúc tụng Chúa”.

62. Hỏi : Lời tung hô trước Tin Mừng “Alleluia” giúp các tín hữu điều gì ?
        – Thưa : Giúp các tín hữu tuyên xưng niềm tin và thể hiện sự vui mừng vì sắp được gặp Chúa qua Lời của Ngài.

63. Hỏi : Các Chúa Nhật nào không đọc hay hát Alleluia ?
        – Thưa : Các Chúa Nhật Mùa chay.

64. Hỏi : Trong Tin Mừng, chính Chúa Giêsu nói với chúng ta. Vì thế chúng ta phải làm gì khi nghe Lời Chúa ?
        – Thưa :  Phải đứng khi nghe Lời Chúa.

65. Hỏi : Tại sao phải đứng khi nghe công bố Tin Mừng ?
        – Thưa : Cử chỉ đứng lắng nghe là dấu chỉ bày tỏ lòng tôn kính Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài.

66. Hỏi : Ai là người được phép công bố Tin Mừng trong Thánh lễ ?
        – Thưa : Khi cử hành Thánh lễ, chỉ có những người có chức thánh mới được phép công bố Tin Mừng. Đó là các giám mục, linh mục hoặc phó tế.

67. Hỏi : Bài Tin Mừng có chỗ đứng như thế nào trong Thánh lễ ?
        – Thưa : Đó là trọng tâm của phần phụng vụ Lời Chúa : Chính Chúa Kitô Phục Sinh đang nói với chúng ta.

68. Hỏi : Trước khi công bố Tin Mừng, linh mục làm gì ?
        – Thưa : Linh mục phải xin Thiên Chúa thanh tẩy môi miệng và tâm hồn để xứng đáng công bố Lời Chúa.

69. Hỏi : Để tỏ lòng tôn kính Lời Chúa, chúng ta có thể làm gì ?
        – Thưa : Có thể rước Sách Tin Mừng với đèn nến, hương trầm nghi ngút.

70. Hỏi : Khi công bố Tin Mừng, chủ tế xướng “Chúa ở cùng anh chị em”, và cộng đoàn phụng vụ thưa “Và ở cùng cha” có ý nghĩa gì ?
        – Thưa : Đó là lời tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện và nói với cộng đoàn phụng vụ.

71. Hỏi : Trước khi nghe công bố Tin Mừng, chúng ta làm Dấu Thánh Giá ở những đâu ?
        – Thưa : Trên trán, trên môi và trên ngực.

72. Hỏi : Những cử chỉ làm Dấu Thánh Giá trên trán, trên môi và trên ngực có ý nghĩa gì ?
        – Thưa : Những cử chỉ này mang ý nghĩa cầu xin cho Lời Chúa đi vào tận sâu trong tâm trí chúng ta, cư ngụ trong tâm hồn chúng ta và được diễn tả bằng lời qua môi miệng chúng ta.

73. Hỏi : Cử chỉ linh mục làm dấu Thánh giá trên Sách Thánh có ý nghĩa gì ?
        – Thưa : Cử chỉ linh mục làm dấu Thánh giá trên Sách Thánh trước khi công bố Tin Mừng là dấu chỉ tuyên xưng Chúa Giêsu đang hiện diện trong Lời của Ngài. Khi linh mục hoặc phó tế đọc Lời Chúa nói đến với cộng đoàn qua môi miệng các Ngài.

74. Hỏi : Khi linh mục xông hương trước sách Tin Mừng, điều này có ý nghĩa gì ?
        – Thưa : Việc xông hương bày tỏ lòng tôn kính, ước mong được Lời Chúa soi sáng, hướng dẫn.

75. Hỏi : Sau khi công bố Tin Mừng, linh mục long trọng xướng “Đó là Lời Chúa” và cộng đoàn phụng vụ đáp “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa” có ý nghĩa gì ?
        – Thưa : Như lời xác nhận, những lời vừa được nghe đích thực là Lời của Chúa nói với cộng đoàn.

76. Hỏi : Việc hôn Sách Thánh có ý nghĩa gì ?
        – Thưa : Linh mục hay phó tế hôn Sách Thánh là cử chỉ tôn kính Sách Thánh và yêu mến Lời Chúa.

77. Hỏi : Ai được phép giảng lễ ?
        – Thưa : Chỉ những người có chức thánh mới được giảng lễ (như Giám mục, linh mục, phó tế).

78. Hỏi : Dựa vào đâu để giảng lễ ?
        – Thưa : Dựa vào những gì Lời Chúa vừa nói với cộng đoàn để giúp chúng ta đón nhận giáo huấn, như xưa Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ làng Emmau.

79. Hỏi : Qua bài giảng lễ, điều gì của Hội Thánh  được thể hiện rõ rệt nơi thừa tác vụ linh mục ?
        – Thưa : Quyền giáo huấn của Hội Thánh.

80. Hỏi : Nhờ bài giảng lễ, Hội Thánh làm gì với Lời Chúa ?
        – Thưa : Làm cho Lời Chúa và lời các thánh ký ăn sâu vào đời sống và tâm thức các tín hữu.

81. Hỏi : Kinh Tin kính là gì ?
        – Thưa : Đây là bản tóm lược toàn bộ đức tin của người kitô. Tuyên xưng niềm tin có nghĩa là công khai bày tỏ những gì chúng ta tin : Tin vào Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu Kitô Con của Người, Chúa Thánh Thần, Hội Thánh, thân xác sống lại và sự sống mai sau.

82. Hỏi : Qua Kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng điều gì ?
        – Thưa : Chúng ta tin vào Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu Kitô Con của Người, Chúa Thánh Thần, Hội Thánh, thân xác sống lại và sự sống mai sau.

83. Hỏi : Trong Hội Thánh có bao nhiêu bản Kinh Tin kính ?
        – Thưa : Thưa có nhiều bản, nhưng thông dụng nhất là Kinh Tin kính của các Tông Đồ và Kinh Tin kính của công đồng Nicêa – Constantiôpôli.

84. Hỏi : Kinh Tin kính thường được đọc hay hát trong các ngày lễ nào ?
        – Thưa : Thường được đọc hay hát trong các ngày lễ Chúa Nhật và lễ trọng.

85. Hỏi : Trong các ngày lễ Chúa Nhật và lễ trọng cộng đoàn thương hát hay đọc Kinh Tin kính nào ?
        – Thưa : Kinh Tin kính của công đồng Nicêa – Constantiôpoli

86. Hỏi : Khi đọc Kinh Tin kính trong thánh lễ là nhắc lại lời tuyên xưng khi chúng ta chịu bí tích gì ?
        – Thưa : Bí tích Thanh Tẩy.


Kinh Tin Kính Nicêa – Constantiôpôli

Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng,
Đấng tạo thành trời đất,
muôn vật hữu hình và vô hình.
Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô,
Con Một Thiên Chúa,
Sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời.
Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa,
Ánh Sáng bởi Ánh Sáng,
Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật,
được sinh ra mà không phải được tạo thành,
đồng bản thể với Đức Chúa Cha :
nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.
Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta,
Người đã từ trời xuống thế.
(từ “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần” đến “và đã làm người” mọi người cúi mình)
Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần,
Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria,
và đã làm người.
Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta,
thời quan Phongxiô Philatô;
Người chịu khổ hình và mai táng,
ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.
Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha,
và Người sẽ lại đến trong vinh quang
để  phán xét kẻ sống và kẻ chết,
Nước Người sẽ không bao giờ cùng.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần
là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống,
Người bởi Đức Chúa Cha
và Đức Chúa Con mà ra,
Người được phụng thờ
và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha
và Đức Chúa Con:
Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.
Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện,
công giáo và tông truyền.
Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa để tha tội.
Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Amen.

 
Kinh Tin Kính các Tông Đồ

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.
Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh: chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh giá, chết và táng xác; xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

 
87. Hỏi : “Lời nguyện giáo dân” trong Thánh lễ là gì ?
        – Thưa : “Lời nguyện giáo dân” (lời nguyện cho mọi người, lời nguyện tín hữu, lời nguyện chung) là lúc cộng đoàn dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho các nhu cầu của toàn thể Hội Thánh và của cộng đoàn.

88. Hỏi : Thứ tự những ý nguyện thường thế nào?
        – Thưa :
        – Trước tiên Cho các nhu cầu của Hội Thánh.
        – Cho chính quyền và thế giới.
        – Cho một hạng người, hay một trường hợp đặc biệt.
        – Và cuối cùng Cho cộng đoàn địa phương (QCTQ 70).