Linh đạo Thánh Thể của Linh mục – Bài 4

Dưới đây là tóm tắt từng bài huấn đức trong bốn bài của Đức Cha Daniel Flores, Chủ Tịch Ủy Ban Tín Lý của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Bốn bài huấn đức này tập trung vào linh đạo Thánh Thể của Linh mục. Ngài mời gọi các Linh mục gặp gỡ nơi Bí tích Thánh Thể nguồn mạch canh tân cho ơn gọi Linh mục của các ngài. Ngoài ra, Bí tích Thánh Thể cũng là một phần không thể thiếu được trong sứ mệnh thúc đẩy tinh thần đồng trách nhiệm trong giáo xứ giữa các tín hữu đã được rửa tội. Các video này được McGrath Institute for Church Life thực hiện và đăng trên YouTube. Loạt bài này này tóm tắt những điểm chính của Đức Cha Flores trong mỗi video.

Trong chương trình Phục hưng Thánh Thể Năm Thứ Nhất, Tiểu ban Phục hưng Thánh Thể của HĐGMHK đề nghị các Linh mục suy niệm về các bài gỉảng này dựa trên phương pháp Lectio Divina khi xem từng video. Các Giám mục tha thiết yêu cầu các Linh mục bỏ ra chút ít thì giờ để xem những video này vì nó là nền tảng cho công trình Phục hưng Thánh Thể của giáo xứ.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Bài 4 – Thánh Lễ và Sứ Vụ: Hành Trình từ Phụng Vụ sang Phúc Âm Hoá

“Câu hỏi thứ tư mà tôi nghĩ đôi khi hữu ích cho chúng ta là loại biểu thị nào đang diễn ra khi Hội Thánh cử hành Bí tích Thánh Thể từ lời Đại Amen đến Kinh Lạy Cha, nghĩa là Kinh của Chúa, và đến việc bày tỏ Chiên Thiên Chúa, rồi việc Rước Lễ của dân chúng, và rồi việc sai đi.” (Đức Cha Flores)

Trong bài này Đức Cha Flores đào sâu vẻ đẹp phức tạp và chiều sâu khôn dò của việc cử hành Thánh Lễ trong Hội Thánh. Ngài muốn giúp chúng ta hiểu những biểu thị và ý nghĩa của phụng vụ, kết nối nó với sứ vụ và căn tính rộng lớn hơn của Hội Thánh.

Việc cử hành Thánh Lễ được coi là một bày tỏ cách bí tích về sự Hiện Diện Thật của Đức Kitô giữa dân Người. Hành trình phụng vụ, từ Đại Amen đến Kinh Lạy Cha, việc tỏ bày Chiên Thiên Chúa, việc Rước Lễ và Sai Đi, phản ảnh chuyển động của công cuộc cứu độ của Đức Kitô trong việc hòa giải thế giới. Những giây phút này trong phụng vụ không phải là những sự kiện riêng rẽ mà là những hành động liên kết với nhau biểu thị sự hiệp nhất và hiệp thông của Hội Thánh.

Cuộc gặp gỡ Thánh Thể: Biểu Lộ Đức Kitô một cách Bí Tích

Việc cử hành Thánh Lễ là một cuộc hành trình mở ra những mầu nhiệm về tình yêu cứu độ của Đức Kitô. Mỗi bước chuyển tiếp trong phụng vụ biểu thị một cuộc gặp gỡ thân tình hơn với Đức Kitô, hướng dẫn chúng ta tới một sự hiểu biết sâu xa hơn về tình yêu Hy Sinh của Người và sự hiệp nhất của Hội Thánh.

Từ Đại Amen đến Kinh Lạy Cha: Hiệp Nhất trong Hiệp Thông

Việc chuyển từ Đại Amen sang Kinh Lạy Cha tượng trưng cho sự hiệp nhất và hiệp thông của Hội Thánh. Kinh Lạy Cha, được chính Chúa dạy cho chúng ta, đóng vai trò trung điểm biểu lộ sự hiệp nhất và hiệp thông của những người đã được Rửa Tội trước sự hiện diện của Đức Kitô. Nó hướng tâm hồn chúng ta về Chúa Cha, đặt nền tảng cho chúng ta trong công cuộc Hy Sinh của Đức Kitô để hòa giải thế giới.

Kinh Chiên Thiên Chúa: Đạy Là Tình Yêu Hy Sinh

Chuyển từ Kinh Lạy Cha đến Kinh Chiên Thiên Chúa, phụng vụ trình bày một biểu hiện đầy ý nghĩa khác về Đức Kitô. Việc nâng cao Bánh Thánh, kèm theo lời công bố: “Đây Chiên Thiên Chúa”, mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Đức Kitô, Đấng bị đâm thâu, bằng cả con mắt thể xác lẫn con mắt tâm hồn. Việc chiêm ngưỡng này không phải là một hành động thụ động mà là một sự dấn thân tích cực vào mầu nhiệm Hy Sinh của Đức Kitô, được hướng dẫn bởi giáo huấn của các Tông Đồ và các Ngôn Sứ.

Kinh Chiên Thiên Chúa là một khoảnh khắc sâu xa khác trong phụng vụ, ở đó Đức Kitô được tỏ hiện cho các tín hữu. Việc nâng Bánh Thánh có nghĩa là nhìn thấy Chiên Thiên Chúa, mời gọi cộng đoàn nhận ra và tiếp đón toàn thể tầm mức Hy Sinh của Đức Kitô. Khi hướng dẫn cộng đoàn thực hiện điều này, các Linh mục nhấn mạnh đến hành động chuẩn bị và đáp trả trước sự hiện diện của Đức Kitô, thúc giục các tín hữu hướng về Người trong tâm hồn họ.

Rước Lễ: Hành Trình Hướng Tới Hiệp Nhất trong Đức Kitô

Việc Rước Lễ là đỉnh cao của việc cử hành Thánh Lễ, thể hiện hành trình chung của Hội Thánh hướng tới Đức Kitô. Nó tượng trưng cho cuộc hành hương chung của chúng ta khi chúng ta đến gần bàn thờ để được chính Đức Kitô cho ăn, nuôi dưỡng sự kiên nhẫn, sự quan tâm lẫn nhau và ý thức hiệp nhất sâu xa giữa các tín hữu.

Sự Di Chuyển Có Trật Tự của Những Người Đã Được Rửa Tội

Việc Rước Lễ trong Hội Thánh là một minh chứng cho sự di chuyển có trật tự của những người đã được Rửa Tội hướng về Đức Kitô. Sự biểu lộ có trật tự này diễn tả lòng kiên nhẫn, sự quan tâm lẫn nhau và ý thức đoàn kết sâu xa giữa các tín hữu trước sự hiện diện của Đức Kitô. Rước Lễ không chỉ là một hành vi thể lý mà còn là một hành vi thiêng liêng, lôi kéo các tín hữu vào sự hiệp thông sâu đặm hơn với Đức Kitô và với nhau. Nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được lôi kéo vào trong Thân Mình Đức Kitô, trở thành một phần của tạo vật mới của Người qua bí tích Rửa Tội.

Suy tư này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nhìn nhận Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô. Qua Phép Rửa, các tín hữu là một phần thân thể của Đức Kitô, được đón rước và được đón nhận vào trong Người. Sự hiểu biết này rất cần thiết để nhận ra bản chất sâu xa của sự hiệp thông và quyền năng biến đổi của tình yêu Đức Kitô.

Đức Ái: Huyết Mạch của Sự Hiệp Thông

Sự hiệp thông của Hội Thánh được duy trì bởi đức ái, huyết mạch của đức tin chúng ta. Đó là một hồng ân siêu nhiên từ Đức Kitô. Hờng ân này sinh động hoá căn tính và sứ vụ của Hội Thánh. Tình Yêu của Đức Kitô, được Chúa Thánh Thần đổ vào tâm hồn chúng ta, đòi buộc chúng ta phải mở rộng tình yêu này đến cho tha nhân. Sự hiệp thông của Hội Thánh được duy trì và hoàn thiện nhờ đức ái, vốn là cội rễ của mọi hoạt động và sáng kiến của Hội Thánh. Đức ái là động năng thúc đẩy việc truyền giáo, chăm sóc người nghèo và tiếp cận những người gặp khó khăn, duy trì sự hiệp thông của Hội Thánh và sinh động hóa căn tính của chúng ta như một thân thể cùng nhau tiến bước trong lịch sử.

Sứ Vụ của Hội Thánh: Mở Rộng Cuộc Gặp Gỡ Thánh Thể Ra cho Thế Giới

Việc cử hành Thánh Lễ không phải là điểm cuối mà là điểm khởi đầu, thúc đẩy chúng ta bước vào sứ vụ của Hội Thánh. Cuộc gặp gỡ của chúng ta với Đức Kitô trong phụng vụ sẽ thúc đẩy chúng ta mở rộng tình yêu của Người ra cho thế giới, đến với những lầm lạc, những người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và tất cả những người cần đến lòng thương xót và trắc ẩn của Thiên Chúa.

Phúc Âm Hoá: Công Bố Công Cuộc Cứu Độ của Đức Kitô

Lời kêu gọi Phúc Âm hoá là một phần không thể thiếu được trong sứ vụ của Hội Thánh, được thúc đẩy bởi lòng bác ái của Đức Kitô. Nó được thể hiện trong sự tham gia tích cực của chúng ta với thế giới, tìm cách hòa giải nhân loại qua tình yêu của Đức Kitô. Việc Hội Thánh chăm sóc người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội không phải là điều cần suy nghĩ mà là khía cạnh cơ bản của việc Phúc Âm hoá. Nó đóng vai trò như một cách thể hiện hữu hình tình yêu của Đức Kitô để biến đổi cuộc sống và cộng đồng.

Thị Kiến của Sách Khải Huyền: Một Cái Nhìn Thoáng Qua về Sự Hiệp Thông Trên Trời

Thị kiến của Thánh Gioan trong Sách Khải Huyền mang đến một cái nhìn thoáng qua về sự hiệp thông trên Thiên Đàng, ở đó mọi người từ mọi chủng tộc, ngôn ngữ và quốc gia tụ tập quanh ngai Con Chiên. Thị kiến này đóng vai trò như một lời loan báo tiên tri về ước muốn của Thiên Chúa về một nhân loại được hòa giải, hiệp nhất trong lời ca ngợi và hiệp thông với Đức Kitô, mang lại ý thức về hướng đi cho Hội Thánh.

Chầu Thánh Thể: Đi vào Mầu Nhiệm Tình Yêu của Đức Kitô

Trong thế giới hiện đại, người ta có xu hướng chia nhỏ các khía cạnh của cuộc sống thành những buồng riêng biệt, trái ngược hẳn với quan điểm của Hội Thánh về tính liên kết. Hội Thánh ý thức được tính liên tục, trong đó yếu tố này chảy một cách liên tục sang những yếu tố khác. Việc Chầu Thánh Thể diễn tả sự hiệp nhất này. Nó mang lại một con đường sâu xa để dấn thân vào công việc mà Đức Kitô đang thực hiện.

Đức Kitô Hoạt Động Không Ngừng

Đức Kitô vẫn hoạt động không ngừng trong sứ vụ nhân từ của Người đối với nhân loại. Việc liên tục trao ban chính Mình của Người được hiện tại hóa một cách bí tích trong Hy Lễ Thánh Thể và toàn thể phụng vụ. Ngoài những hành động này, những giây phút cầu nguyện của Đức Kitô, chẳng hạn như khi Người rút lên núi với các môn đệ, tỏ lộ một mầu nhiệm sâu xa về sự hiệp thông của Người với Chúa Cha. Cuộc đối thoại thiêng liêng này bao gồm những lời cầu nguyện của chúng ta, vang vọng bản chất của Kinh Lạy Cha.

Chiêm Niệm Mầu Nhiệm Hiệp Thông qua Việc Chầu Thánh Thể

Việc Chầu Thánh Thể mang lại cho chúng ta một cơ hội duy nhất để tham gia vào sự hiệp thông chiêm niệm này. Rất ít thực hành có thể sánh được với chiều sâu của việc suy niệm Tin Mừng trước sự hiện diện của Thánh Thể. Ở đây, những lời của Đức Kitô vang vọng, thúc giục chúng ta hướng ý định của mình đến với Chúa Cha qua Người. Như Thư gửi tín hữu Do Thái bảo đảm với chúng ta, Đức Kitô “sống để chuyển cầu cho chúng ta ngay cả bây giờ”, nhấn mạnh đến vai trò chuyển cầu liên tục của Người.

Việc Chầu Thánh Thể Phong Phú Hoá các Thực Hành Tâm Linh Khác

Việc Chầu Thánh Thể không cạnh tranh với các thực hành tâm linh khác; thay vào đó, nó phong phú hoá chúng. Nó phục vụ như một nền tảng chuẩn bị cho Thánh Lễ, mời gọi chúng ta đắm mình trong Thánh Kinh và Lời Chúa. Cuộc gặp gỡ cá nhân này với Đức Kitô trong Lời Chúa và Bí tích trang bị cho chúng ta sự dấn thân sâu hơn vào các hoạt động phụng vụ, mạc khải công trình vĩ đại của Đức Kitô.

Việc Chầu Thánh Thể Truyền Sinh Lực cho Sứ Vụ của Hội Thánh

Việc thường xuyên viếng Thánh Thể truyền thêm sinh lực cho chúng ta để hoàn thành sứ vụ của Hội Thánh trong thế gian. Cuộc gặp gỡ với Tình Yêu của Đức Kitô trong Chầu Thánh Thể trở thành động lực thúc đẩy chúng ta tham gia tích cực vào những nỗ lực đầy cảm thương, đặc biệt đối với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nó nhấn mạnh rằng hành động của chúng ta phải phản ánh tình yêu và lòng thương xót của Đức Kitô, hướng dẫn những nỗ lực của chúng ta để thể hiện lòng bác ái của Người một cách hữu hình.

Sự Hiện diện Thật của Đức Kitô

Trong cả Phụng vụ Thánh Thể và Chầu Thánh Thể, Đức Kitô biểu lộ sự hiện diện thật của Người giữa chúng ta. Chúng ta phải liên tục nhắc nhở mình về thực tại sâu xa này, khuyến khích những người khác đến gần Người hơn. Không có Đức Kitô, những nỗ lực của chúng ta sẽ thiếu mục đích; chính nhờ Người mà chúng ta tìm thấy phương hướng, khả năng phục hồi và ý nghĩa trong cuộc sống và sứ mệnh của mình.

Kết luận

Tóm lại, việc cử hành Thánh Lễ là một cuộc hành trình gặp gỡ Đức Kitô, dẫn chúng ta từ phụng vụ đến việc tham gia tích cực vào sứ vụ của Người. Những kinh nghiệm bí tích trong phụng vụ thúc đẩy cho chúng ta mở rộng tình yêu của Đức Kitô đến người khác, chăm sóc người nghèo và loan báo Tin Mừng. Qua việc bác ái, hiệp thông và Chầu Thánh Thể, chúng ta trở thành tay chân của Đức Kitô, hoạt động hướng tới vương quốc hòa giải và tình yêu của Thiên Chúa.

Khi rời khỏi nhà thờ, chúng ta được kêu mời gọi trở thành đại diện của vương quốc này, phản ánh tình yêu có sức biến đổi của Đức Kitô trong các hành động của chúng ta. Sự hiệp thông mà chúng ta kinh nghiệm trong phụng vụ sẽ thúc đẩy cho chúng ta truyền bá niềm vui và hy vọng này, mời gọi người khác chia sẻ Tin Mừng.

Chúng ta hãy nhiệt thành đón nhận sứ vụ này, để cho cuộc gặp gỡ Thánh Thể biến đổi chúng ta thành những khí cụ của tình yêu và lòng thương xót của Đức Kitô, mang lại niềm hy vọng, lòng trắc ẩn và sự hòa giải cho một thế giới đang cần Thiên Chúa chạm đến và chữa lành.