I. Nghi Thức Đầu Lễ: Tiếp Nhận
10. Hỏi : Thánh lễ có mấy phần chính ?
– Thưa : Thánh lễ có hai phần chính :
– Một là Phụng vụ Lời Chúa.
– Hai là Phụng vụ Thánh Thể.
11. Hỏi : Ngoài 2 phần chính, Thánh Lễ còn có những phần nào nữa ?
– Thưa : Đó là nghi thức đầu lễ và nghi thức kết lễ.
12. Hỏi : Nghi thức đầu lễ gồm những gì ?
– Thưa : Nghi thức đầu lễ gồm cuộc rước đầu lễ với Ca nhập lễ, dấu Thánh Giá, lời chào khai mạc, nghi thức sám hối, kinh Thương xót, kinh Vinh danh, lời kêu mời cầu nguyện và lời nguyện nhập lễ.
13. Hỏi : Nghi thức đầu lễ giúp các tín hữu điều gì ?
– Thưa : Giúp các tín hữu hiệp thông với nhau, để chuẩn bị tâm hồn lắng nghe Lời Chúa và tham dự cử hành thánh lễ cách sốt sắng hơn.
14. Hỏi : Chúng ta phải có những tâm tình nào với nghi thức đầu lễ ?
– Thưa : Chờ đợi, vui bước đến, chuẩn bị tâm hồn, vui tươi và mau mắn chào hỏi.
15. Hỏi : Ca nhập lễ được cất lên khi nào ?
– Thưa : Khi linh mục và lễ sinh tiến ra bàn thờ để mở đầu thánh lễ.
16. Hỏi : Mục đích của ca nhập lễ là gì ?
– Thưa : Tạo mối dây hiệp nhất giữa các tín hữu tham dự thánh lễ.
17. Hỏi : Vì sao chủ tế và lễ sinh phải bái chào bàn thờ ?
– Thưa : Vì bàn thờ đã được thánh hiến là dấu chỉ chính Đức Kitô, là nơi cử hành lễ hiến tế.
18. Hỏi : Vì sao linh mục hôn bàn thờ ?
– Thưa : Linh mục hôn bàn thờ để tỏ lòng tôn kính Chúa Kitô.
19. Hỏi : Bàn thờ là biểu tượng ai ?
– Thưa : Bàn thờ là biểu tượng Chúa Kitô.
20. Hỏi : Hương thơm biểu tượng cho lời kinh dâng lên Thiên Chúa. Việc xông hương bàn thờ là dấu chỉ tôn kính Chúa Kitô là gì ?
– Thưa : Tôn kính Chúa Kitô là Đền Thờ, là Thượng tế và Hy lễ.
21. Hỏi : Mở đầu thánh lễ, linh mục và cộng đoàn làm dấu thánh giá trên mình là dấu chỉ nói lên mối tương quan giữa chúng ta với ai ?
– Thưa : Giữa chúng ta Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần.
22. Khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta nhắc nhớ lại điều gì trong cuộc đời của Chúa Giêsu ?
– Thưa : Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
23. Hỏi : Dấu thánh giá còn nhắc nhở chúng ta ý thức về bí tích gì mà chúng ta đã lãnh nhận ?
– Thưa : Bí tích Thánh Tẩy.
24. Hỏi : Dấu thánh giá còn là lời tuyên xưng đức tin của người tín hữu về mầu nhiệm gì ?
– Thưa : Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
25. Hỏi : Dấu thánh giá còn nói lên sự vui mừng được ai qui tụ thành một cộng đoàn phụng vụ ?
– Thưa : Thiên Chúa Ba Ngôi
26. Hỏi : Ý nghĩa của từ “Amen” trong cử hành phục vụ là gì ?
– Thưa : Lời Amen kết thúc lời kinh hay trong các nghi thức cử hành phụng vụ là lời chấp nhận về những gì minh vừa đọc hay vừa nghe ; đồng thời cũng là lời tuyên xưng đức tin.
27. Hỏi : Lời chào cộng đoàn của vị linh mục : “Chúa ở cùng anh chị em …” là lời tuyên xưng Thiên Chúa đang ở giữa cộng đoàn và cầu chúc cộng đoàn điều gì ?
– Thưa : Được tràn đầy ân sủng, bình an và niềm vui của Chúa Kitô.
28. Hỏi : Qua lời chào đầu lễ, linh mục muốn công bố với cộng đoàn về điều gì ?
– Thưa : Về sự hiện diện của Thiên Chúa.
29. Hỏi : Trong thánh lễ, Chúa Giêsu hiện diện cách nào ?
– Thưa : Chúa Giêsu hiện diện trong Lời Chúa, trong cộng đoàn cầu nguyện và thực hành bác ái, trong con người thừa tác viên thánh, và nhất là trong hình bánh rượu đã được truyền phép.
30. Hỏi : Lời mời gọi : “Anh chị em hãy nhìn nhận tội lỗi, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh” nhắc nhở cộng đoàn điều gì ?
– Thưa : Nhắc nhở cộng đoàn ý thức thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình, nhìn nhận mình là tội nhân, để xin Chúa nhân từ thương xót thứ tha, hầu xứng đáng tham dự hiến lễ của Chúa Giêsu và nhận lãnh ân sủng của Người.
31. Hỏi : Chúng ta phải có những tâm tình nào với phần sám hối ?
– Thưa : Chúng ta phải khiêm tốn, nhận biết mình, xin ơn tha thứ, thay đổi con tim và tin tưởng và Thiên Chúa.
32. Hỏi : Nghi thức sám hối đầu lễ có thay bí tích Hòa Giải không ?
– Thưa : Thưa không, vì nghi thức sám hối đầu thánh lễ là biểu lộ tâm tình sám hối vì thấy mình bất xứng nên xin Chúa thứ tha lỗi lầm để được xứng đáng cử hành mầu nhiệm cao cả. Vì thế, đây chưa phải là bí tích Hòa Giải, vì chưa có lời Xá giải bí tích cho từng hối nhân.
Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng, và cùng anh chị em: tôi đã phạm tội nhiều
trong tư tưởng, lời nói, việc làm,
và những điều thiếu sót.
Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.
Vì vậy tôi xin Ðức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các Thiên Thần, các Thánh và anh chị em, khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta.
33. Hỏi : Kinh ‘Tôi thú nhận” nói lên điều gì ?
– Thưa : Thú nhận tội lỗi mình xúc phạm đến Chúa, phủ nhận tình yêu đối với anh chị em và xin Hội Thánh cầu bầu.
X: Xin Chúa thương xót chúng con.
Ð: Xin Chúa thương xót chúng con.
X: Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Ð: Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X: Xin Chúa thương xót chúng con.
Ð: Xin Chúa thương xót chúng con.
34. Hỏi : Kinh Thương Xót được cất lên với ý gì ?
– Thưa : Để tung hô Chúa và kêu cầu lòng thương xót của Người.
Kinh Vinh Danh
Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời,
và bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Chúng con ca ngợi Chúa,
chúng con chúc tụng Chúa,
chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa,
chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời,
Là Chúa Cha toàn năng.
Lạy Con Một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô,
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa
là Con Đức Chúa Cha.
Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con;
Chúa xóa tội trần gian,
xin nhậm lời chúng con cầu khẩn.
Chúa ngự bên hữu Đức Chúa Cha,
xin thương xót chúng con.
Vì, lạy Chúa Giêsu Kitô,
chỉ có Chúa là Đấng Thánh,
chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Tối Cao,
cùng Đức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Đức Chúa Cha . Amen.
35. Hỏi : Kinh Vinh Danh có ý nghĩa gì ?
– Thưa : Đây là một thánh thi, được dùng để ca ngợi, tung hô quyền năng và lòng nhân ái của Thiên Chúa. Đồng thời cũng diễn tả lòng biết ơn và mến yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa Ba Ngôi.
36. Hỏi : Những mùa nào trong năm Phụng vụ không đọc Kinh Vinh Danh ?
– Thưa : Các Chúa Nhật Mùa Vọng và Mùa Chay.
37. Hỏi : Kinh Vinh Danh được hát hoặc đọc và những dịp nào ?
– Thưa : Các lễ Chúa Nhật mùa Giáng Sinh, mùa Phục Sinh, mùa Thường Niên. Các lễ trọng kính Chúa, kính Mẹ Maria, lễ kính nhớ các thánh và các dịp lễ cử hành cách long trọng.
38. Hỏi : Vì sao chủ tế lại kêu mời “Chúng ta dâng lời cầu nguyện” và có vài giây thinh lặng ?
– Thưa : Để nhắc mỗi người ý thức mình đang hiện diện trước nhan thánh Chúa và hãy hiệp thông với lời nguyện của ngài. Riêng trong lời nguyện nhập lễ, chủ tế mời gọi mỗi người dâng ý nguyện riêng mà ngài sẽ tổng kết trong lời nguyện được gọi là “lời tổng nguyện”.