Người Tôi Tớ Đau Khổ và Thánh Thể

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Người Tôi Tớ Đau Khổ là chủ đề của bốn bài ca trong sách Ngôn Sứ Isaia (Is 42:1-4; 49:1-7; 50:4-11; 52:13-53).  Bốn bài ca này mô tả về sứ vụ và thân phận của một nhân vật bí ẩn trong tương lai, mà nhiều người Do Thái coi là Đấng Thiên Sai hay Mêsia.  Ngôn sứ không cho biết Người Tôi Tớ này là ai, nhưng cho chúng ta biết nhiều chi tiết về Người này để hậu thế có thể nhận ra khi Người đến. Cho đến hôm nay người Do Thái vẫn còn tranh luận với nhau về Người Tôi Tớ này và vẫn còn mong đợi Người đến để giải thoát họ.  Còn các Kitô hữu thì tin rằng Đức Kitô chính là Người Tôi Tớ Đau Khổ mà Ngôn Sứ Isaia đã nói đến. Bài này muốn giới thiệu mối liên hệ giữa người Tôi Tớ này với Bí tích Thánh Thể.

Người Tôi Tớ Đau Khổ là ai?

Ngôn sứ Isaia không nói rõ Người này là ai, nhưng mỗi bài ca cho chúng ta thêm một ít chi tiết để chúng ta có thể nhận ra Người khi Người đến. Người Do Thái sở dĩ không nhận ra Người vì họ mong chờ một Đấng Thiên Sai theo nghĩa đen, là Đấng sẽ giải thoát họ khỏi ách đô hộ của quyền lực thế trần và thiết lập một triều đại trường cửu mà trong đó họ sẽ làm bá chủ như triều đai của vua Đavít. Nhưng nếu đọc lại những đoạn văn này theo nghĩa thiêng liêng và theo ánh sáng của Tân Ước, thì chỉ một mình Chúa Giêsu là đã làm tròn mọi sấm ngôn trong cả bốn bài ca của Ngôn Sứ Isaia. Người không đến để thống trị nhân loại bằng cách thiết lập một vương quốc trần thế, nhưng Người đến để đền tội thay cho nhân loại và giải thoát nhân loại khỏi ách tội lỗi cùng thiết lập một triều đại của Thiên Chúa đến muôn đời.

Nghĩa Văn Tự của các Bài Ca Người Tôi Tớ

Trước khi chúng ta đi vào giải thích của Kitô giáo về Người Tôi Tớ Đau Khổ, chúng ta nên hiểu nghĩa văn tự hay nghĩa đen của những bài ca này, đặc biệt là Chương 53 của Isaia.

Người Do Thái ngay từ những thế kỷ đầu đã hiểu theo nghĩa đen là Người Tôi Tớ Đau Khổ này chính là Dân Israel hay bất cứ một vị ngôn sứ nào chịu đau khổ vì tội của dân, kể cả ngôn sứ Isaia. Một số học giả Do Thái công nhận rằng chương này nói về một vị Thiên Sai trong tương lai, nhưng họ xác quyết rằng Chúa Giêsu không phải là vị Thiên Sai ấy vì Người đã thất bại trong việc giải phóng dân Israel khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma. Hiện nay họ vẫn tiếp tục mong chờ một Đấng Thiên Sai theo nghĩa đen này.

Nếu không tin vào Chúa Giêsu thì rất khó mà nhìn nhận Người là Đấng Thiên Sai mà Ngôn Sứ Isaia nói đến trong bốn bài ca về Người Tôi Tớ Đau Khổ. Thực ra các giải thích của người Do Thái không phải là không có lý, nhưng họ vẫn chưa thực sự hiểu Đấng Thiên Sai này là ai. Sở dĩ họ không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai vì họ chỉ hiểu theo nghĩa đen và ngừng lại ở đó.

Chỉ hiểu được ý nghĩa của các Bài Ca này trong ánh sáng Tân Ước

Sở dĩ chúng ta tin rằng Ngôn Sứ Isaia đã nói về Đức Giêsu Kitô trong những chương này vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu.  Chính Người đã tự nhận mình là Đấng Thiên Sai khi Người trở về Nadarét. Sau khi đọc sách Ngôn Sứ Isaia về sứ vụ của Người Tôi Tớ Đau Khổ trong bài ca số 1 ở Chương 42, Người đã cuộn sách lại và về chỗ ngồi. Rồi Người bảo dân chúng: “Hôm nay đọan Kinh Thánh này mà quý vị vừa nghe đã được ứng nghiệm.” Chính vì những người Do Thái ở đó nhận ra rằng Người ám chỉ chính Người là Đấng Thiên Sai mà ngôn sứ Isaia nói đến, nên họ đã kết án Người phạm thượng và lôi đi ném đá (x. Luca 4:16-28).

Còn các môn đệ thì cũng hiểu rất lờ mờ về Người cho đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống.  Chỉ với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần các ngài mới hiểu là các đoạn này nói về Chúa Giêsu vì chỉ có một mình Người là làm trọn từng câu trong các bài ca này, còn các nhân vật Thiên Sai khác chỉ làm tròn một phần nhỏ mà thôi.

Chương 8 của Tông Đồ Công Vụ kể lại chuyện Phó Tế Philipphê gặp quan thái giám Ethiôpia khi ông này đang ngồi trên xe đọc đoạn Isaia 53:7-8. Sau khi Philipphê cắt nghĩa cho ông về Chúa Giêsu thì ông đã xin rửa tội rồi ông hoan hỉ tiếp tục quãng đường (x. Cv 8:26-39).  Sở dĩ Phó Tế Philipphê có thể giúp ông thái giám hiểu đoạn Thánh Kinh này vì ngài đã giải thích nó theo ánh sáng của Đức Kitô.

Người Tôi Tớ Đau Khổ liên hệ với Bí tích Thánh Thể thế nào?

Vì Bí tích Thánh Thể là Chính Chúa Giêsu, Nguồn mạch và Tột đỉnh của đời sống Hội Thánh và mỗi Kitô hữu, nên bất cứ điều gì liên quan đến Chúa Giêsu đều liên quan đến Thánh Thể. Chúng ta sẽ lần lượt khám phá ra mối liên quan này trong từng bài ca một ở những bài tới. Trong chương trình học tập trong tương lai về Chúa Giêsu và Thánh Thể chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về điều này.

Thánh Kinh là câu chuyện về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ngài đã tạo dựng chúng ta vì yêu và muốn cho chúng ta được sống với Ngài muôn đời. Nhưng vì Nguyên Tổ phạm tội nên con người trở thành nô lệ của tội lỗi và sự chết. Vì con người không thể tự cứu mình được nên Thiên Chúa đã sai Con Một của Người đến để cứu chuộc chúng ta bằng cách chịu đau khổ và chịu chết thay cho chúng ta. Không những thế, Người còn thiết lập Bí tích Thánh Thể để hiện tại hoá mầu nhiệm này cho mọi thế hệ cho đến muôn đời. Chính vì thế mà chúng ta có thể nói rằng Người Tôi Tớ Đau Khổ ám chỉ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Người đang ở trong các Nhà Tạm trên khắp thế gian câm nín nhìn người ta sỉ nhục Người. Người đang ở trong những chi thể nghèo hèn, nhỏ bé của Người đang bị quẳng ra ngoài lề xã hội.

Cuộc Vượt Qua của Người được hiện tại hoá cho chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ để chúng ta có thể đến với Người để đươc Người chữa lành các vết thương lòng, biến đổi chúng ta nên giống Người và sai chúng ta ra đi tiếp tục thi hành sứ vụ của Người. Chúa Giêsu đang cần chúng ta trở nên hiện thân của Người trong thế gian. 

Đó là lý do tại sao các Giám Mục Hoa Kỳ đề ra Ba Năm Phục hưng Thánh Thể. Mục đích của các ngài là canh tân Hội thánh bằng cách khơi dậy một mối liên hệ sống động với Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể trong mỗi người Công Giáo chúng ta, để những tim đèn đức tin đang thoi thóp được bùng cháy lên thay vì bị trận cuồng phong của chủ nghĩa thế tục dặp tắt. Đồng thời các ngài muốn gợi hứng cho một phong trào của những người Công giáo trên khắp nước Hoa Kỳ, là những người được chữa lành, hoán cải, đào luyện và hợp nhất nhờ gặp gỡ với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể — và sau đó được sai đi truyền giáo “để cho thế gian được sống” vì tất cả chúng ta đều là hiện thân của Người Tôi Tớ Thiên Chúa cho thế gian.

Do đó, chúng ta phải hăng say cùng nhau phục hồi niềm tin vào sự Hiện Diện Thật của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể và thắp lên ngọn lửa yêu mến Người trong lòng mình và đốt cháy thế gian bằng những ngọn lửa nho nhỏ của mỗi người chúng ta.

Gợi Ý để Hồi Tâm

  1. Trong những ngày Tuần Thánh này, Hội Thánh đọc các Bài Ca Người Tôi Tớ trong mỗi Thánh Lễ. Bạn có chú ý lắng nghe và liên hệ những gì bạn nghe với tình yêu tha thiết mà Thiên Chúa dành cho bạn không?
  2. Hãy chú ý đọc các Bài Đọc của Ngôn Sứ Isaia trong tuần này trước khi đi dự Thánh Lễ và suy niệm về chúng trong tương quan với Thánh Thể mà bạn sẽ nhận trong Thánh Lễ.