Bài Giáo Lý 1 của ĐTC Phanxicô về Bí Tích Thánh Thể

Thánh Lễ là tột đỉnh của hành động cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu biến Mình thành tấm bánh bị bẻ ra cho chúng ta, đổ trên chúng ta tất cả lòng thương xót và tình yêu của Người, để đổi mới tâm hồn chúng ta, cuộc sống chúng ta và cách thức chúng ta liên hệ với Người và với tha nhân.

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý 1 của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ được ban hành ngày 5 tháng 2 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ĐTC dạy về Bí Tích Thánh Thể

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tôi sẽ bàn về Bí tích Thánh Thể.  Bí tích Thánh Thể cùng với Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức là trọng tâm của việc “khai tâm Kitô giáo”, và là nguồn mạch của chính đời sống Hội Thánh. Thực ra, từ Bí tích Tình Yêu này phát sinh mọi con đường đích thực của đức tin, sự hiệp thông và làm nhân chứng.

Điều mà chúng ta thấy khi tụ họp lại để cử hành Bí tích Thánh Thể, tức là Thánh Lễ, làm cho ‎chúng ta cảm nhận được những gì chúng ta đang sống.  Ở trung tâm của nơi dành để cử hành Thánh Lễ là bàn thờ, là một cái bàn được phủ bằng một khăn trải bàn, và điều này khiến chúng ta nghĩ đến một bữa tiệc. Trên bàn có một cây Thánh Giá, ám chỉ rằng trên bàn thờ ấy hy tế của Đức Kitô được hiến dâng: Người là thần lương mà chúng ta nhận được ở đó, dưới hình bánh và rượu.  Bên cạnh bàn thờ có giảng đài, là nơi công bố Lời Chúa: và điều này cho thấy rằng chúng ta tụ họp lại để nghe Chúa, là Đấng nói qua Thánh Kinh, và do đó lương thực nhận được cũng là Lời của Người.

Lời Chúa và Bánh trở nên một trong Thánh Lễ, như trong Bữa Tiệc Ly, khi tất cả các lời của Chúa Giêsu, tất cả các dấu chỉ mà Người đã thực hiện, được cô đọng trong việc bẻ bánh và dâng chén rượu, diễn tả trước hy tế Thập Giá của Người, và trong những lời này: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy… Các con hãy cầm lấy mà uống, này là Máu Thầy.”

Cử chỉ mà Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly là lời tạ ơn tột bậc của Người dâng lên Chúa Cha vì tình yêu và lòng thương xót của Ngài.  “Tạ Ơn” trong Hy Lạp được gọi là “Eucharistia.”  Và vỉ thế Bí tích này được gọi là Thánh Thể, là lời tạ ơn tối cao dâng lên Chúa Cha, Đấng đã yêu thương chúng ta quá độ đến nỗi ban Con Một của Ngài cho chúng ta vì yêu.  Đó là lý do tại sao từ Thánh Thể gồm tóm tất cả cử chỉ ấy, là cử chỉ của Thiên Chúa và đồng thời cũng là cử chỉ của con người, cử chỉ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật.

Vì vậy, việc cử hành Thánh Lễ cỏn hơn một bữa tiệc bình thường rất nhiều: đó là tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, mầu nhiệm trung tâm của ơn cứu độ.  “Tưởng niệm” không chỉ là một sự nhớ lại, sự tưởng nhớ đơn giản, nhưng có nghĩa là mỗi khi chúng ta cử hành Bí tích này, chúng ta thông phần vào Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô.  Thánh Lễ là tột đỉnh của hành động cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu biến Mình thành tấm bánh bị bẻ ra cho chúng ta, Người đổ trên chúng ta tất cả lòng thương xót và tình yêu của Người, để đổi mới tâm hồn chúng ta, cuộc sống chúng ta và cách thức chúng ta liên hệ với Người và với tha nhân.  Chính vì lý do này mà thường khi chúng ta tiếp cận Bí tích này, chúng ta nói là “nhận sự Hiệp Thông (Hiệp Lễ)” để “hiệp thông”: điều này có nghĩa là nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, việc thông phần vào bàn tiệc Thánh Thể làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô một cách độc đáo và sâu xa, cho chúng ta được nếm trước lúc này sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha, đặc trưng cho bữa tiệc trên trời, nơi mà cùng với tất cả các Thánh, chúng ta sẽ được hưởng niềm vui khôn tưởng là chiêm ngắm Dung Nhan Thiên Chúa cách trực diện.

Các bạn thân mến, tôi không bao giờ có thể cảm tạ Thiên Chúa cho đủ vì hồng ân mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể!  Đó là một hồng ân tuyệt vời, vì thế việc đi dự Thánh Lễ Chúa Nhật là điều rất quan trọng.   Đi dự Thánh Lễ không chỉ để cầu nguyện, nhưng để Rước Lễ (nhận sự Hiệp Thông), bánh là Thân Thể Chúa Giêsu Kitô, là Đấng cứu chúng ta, tha thứ cho chúng ta, liên kết chúng ta với Chúa Cha.  Thật là tốt đẹp khi làm điều này!  Và mỗi Chúa Nhật chúng ta đi dự Lễ, bởi đó là ngày Phục Sinh của Chúa.  Đó là lý do tại sao Chúa Nhật rất quan trọng đối với chúng ta.  Và với Bí Tích Thánh Thể chúng ta cảm thấy thuộc về Hội Thánh, thuộc về Dân Thiên Chúa, thuộc về Thân Thể của Thiên Chúa, là Đức Chúa Giêsu Kitô.  Chúng ta sẽ không bao giờ ngừng thu nhận tất cả mọi giá trị và sự phong phú của nó.  Vậy chúng ta hãy cầu xin Người làm cho Bí tích này có thể tiếp tục duy trì sự hiện diện sống động của Người trong Hội Thánh và hình thành cộng đồng của chúng ta trong đức ái và sự hiệp thông, theo trái tim của Chúa Cha.  Và điều này được thực hiện trong suốt cuộc đời của chúng ta, nhưng bắt đầu được thực hiện từ ngày Rước Lễ Lần Đầu.  Việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho trẻ em Rước Lễ Lần Đầu là điều rất quan trọng, và mỗi em đều phải làm thế, bởi vì đó là bước đầu tiên của việc thuộc về Đức Chúa Giêsu Kitô cách bền vững này, sau Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn Udienza Generale del 5 febbraio 2014 | Francesco (vatican.va)