Phục Hưng Giáo Phận

Năm Thứ Nhất của Phục hưng Thánh Thể – Thắp Lại Ngọn Lửa Yêu Mến Thánh Thể trong Hội Thánh

Phục hưng Thánh Thể, một sáng kiến do Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (HĐGMHK) khởi xướng, đánh dấu một thời điểm quan trọng trong đời sống Hội Thánh. Theo Đức Cha Andrew Cozzens, Chủ tịch Ủy ban Phúc Âm hoá và Day Giáo lý của HĐGMHK, kế hoạch này không chỉ là một chương trình hay một loạt sự kiện mà là lời kêu gọi sâu xa để canh tân mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Đây là câu trả lời cho một thế giới đang cần được chữa lành, hợp nhất và một cuộc gặp gỡ được đổi mới với Chúa ở trung tâm của đức tin Công giáo, là Bí tích Thánh Thể.

Mục đích của Phục hưng Thánh Thể:  Tái khám phá Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể

Trọng tâm của kế hoạch Phục hưng Thánh Thể Toàn quốc là sứ vụ đánh thức người Công giáo về thực tại của Sự hiện diện thật của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Nhiều người Công giáo đã trở nên xa cách với mầu nhiệm sâu sắc này, và các số liệu thống kê rất đáng báo động: chỉ có 31% người Công giáo Hoa Kỳ tin vào Sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và số người tham dự Thánh Lễ đã giảm mạnh. Đây là một cuộc khủng hoảng đức tin rộng lớn, một cuộc khủng hoảng khiến nhiều người Công giáo mất kết nối về tâm linh với nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu.

Đức Cha Cozzens giải thích rằng Phục hưng Thánh Thể là một câu trả lời cho những thách đố này, mang đến cho Hội Thánh một cơ hội để tái tập trung cuộc sống của mình vào Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Năm thứ nhất của chương trình Phục hưng kéo dài ba năm này đặc biệt tập trung vào các nỗ lực của giáo phận, giúp các giáo phận thực hiện các bước thiết thực để canh tân cả tâm linh lẫn mục vụ.

Vì Phục hưng Thánh Thể là một phong trào quần chúng, nên sẽ có hình thức khác nhau ở mỗi cộng đồng. Không có chương trình hay công thức cố định nào. Chúa chúng ta kêu gọi bạn đáp lại một cách cá nhân và mục vụ theo những cách phù hợp với nền văn hóa và nhu cầu địa phương của bạn. Các Giám mục cũng thành lập một nhóm Điều hành Phục hưng Thánh Thể Toàn quốc. Chức năng của nhóm là tập hợp các nguồn lực để hỗ trợ việc phân định và lãnh đạo tại địa phương. Khi các sáng kiến ​​hiệu quả xuất hiện trên khắp đất nước, nhiều nguồn tài nguyên cụ thể hơn sẽ được chia sẻ để giúp hướng dẫn những nỗ lực tương tự ở cấp địa phương.

Trước khi lên kế hoạch cho bất kỳ sáng kiến ​​nào, hãy tập họp nhóm của bạn lại để cầu nguyện. Xin Chúa Thánh Thần cho phép làm việc trong và qua bạn trong suốt thời gian Phục hưng. Khi những đáp ứng tại địa phương của bạn diễn ra, hãy cầu nguyện và suy nghĩ về cách các giáo xứ có thể tham gia vào sự hợp nhất với các nỗ lực rộng lớn hơn của giáo phận.

Bốn Trụ Cột của Phục Hưng Thánh Thể

Bốn trụ cột của Phục hưng Thánh Thể cung cấp điểm khởi đầu cho các sáng kiến ​​được đưa ra trong những cuộc thảo luận địa phương sẽ thắp sáng cộng đồng của bạn bằng tình yêu sâu xa dành cho Chúa Giêsu. Những ý tưởng sau đây nhằm mục đích truyền cảm hứng cho các cách tiếp cận sáng tạo, hiệu quả và thiết thực phù hợp với đặc điểm của giáo phận của bạn, thay vì đưa ra một định hướng cứng nhắc. Từ những hạt giống này, chúng tôi mong đợi sự phát triển mạnh mẽ của những biểu hiện độc đáo về tình yêu Thánh Thể!

1. Gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể

Trụ cột thứ nhất của Phục hưng Giáo Phận là gặp gỡ cá nhân. Đây là lời mời gọi những người Công giáo trải nghiệm Chúa Giêsu Kitô một cách mới mẻ. Phục hưng Thánh Thể tìm cách tạo ra không gian cho những cuộc gặp gỡ sâu đậm với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, biết rằng trải nghiệm cá nhân thường là chất xúc tác cho đức tin sâu xa hơn. Tiến trình này bắt đầu với các nhà lãnh đạo ở cấp giáo phận và giáo xứ, những người được mời gọi bước vào việc chuẩn bị tâm linh của riêng mình, trước khi mời các tín hữu cùng tham gia.

Khuyến khích các cơ hội để gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu, giai đoạn Phục hưng giáo phận nhấn mạnh đến việc Chầu Thánh Thể, các cuộc rước Thánh Thể và các sự kiện trên toàn giáo phận như  các Đại Hội Thánh Thể địa phương, theo hạt chẳng hạn, các cuộc hội họp của thanh thiếu niên và các buổi tĩnh tâm. Những cuộc tụ họp này nhằm mục đích soi sáng đức tin của mọi người, kêu gọi họ quay trở lại mối quan hệ với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể.

Một gợi ý như “Đêm Thương Xót” hoặc diễn đàn để Chầu Thánh Thể và cầu nguyện, ở đó các tín hữu có thể tụ họp để cầu nguyện trước Thánh Thể và để sự hiện diện chữa lành của Đức Kitô biến đổi lòng họ. Ngoài ra, các giáo xứ được khuyến khích cung cấp các cơ hội thường xuyên để Chầu Thánh Thể và xưng tội Thánh Thể, tạo ra các con đường để gặp gỡ thân mật với Chúa Giêsu.

2. Hồi Sinh Lòng Sùng Kính và Thờ Phượng

Trụ cột thứ hai, hồi sinh lòng sùng kính, nhấn mạnh đến nhu canh tân đời sống phụng vụ của Hội Thánh. Cách chúng ta thờ phượng thực sự quan trọng. Sự tôn kính và lòng sùng kính đối với Bí tích Thánh Thể phải là ưu tiên hàng đầu trong mọi nghi thức phụng vụ, đặc biệt là trong cách cử hành Thánh Lễ và trong việc thúc đẩy lòng sùng kính Thánh Thể như Chầu Thánh Thể và rước kiệu.

Để khuyến khích điều này, các giáo phận được mời gọi cổ võ một nền văn hóa sùng kính Thánh Thể, bắt đầu từ các giáo sĩ và vị bề trên các dòng tu, những người được mời dành Giờ Thánh hàng tuần để cầu nguyện cho nỗ lực Phục hưng Thánh Thể. Thực hành này không chỉ củng cố các vị lãnh đạo về tinh thần mà còn nêu gương cho các tín hữu. Việc tạo ra một nền văn hóa cầu nguyện chuyển cầu là điều rất quan trọng đối với trụ cột này, vì Hội Thánh tin rằng việc canh tân tinh thần phát sinh từ lòng sùng kính trong cầu nguyện.

Một khía cạnh quan trọng khác của việc hồi sinh lòng sùng kính là làm cho Bí tích Thánh Thể dễ tiếp cận hơn với giáo dân. Điều này có thể bao gồm việc tăng cơ hội Chầu Thánh Thể, đảm bảo rằng các nhà thờ địa phương mở cửa để cầu nguyện và khuyến khích các gia đình đến viếng Mình Thánh Chúa trong thời gian ngắn trong suốt cả tuần. Các giáo xứ được khuyến khích chia sẻ những câu chuyện truyền cảm về phép lạ Thánh Thể, chứng từ và cuộc đời của các vị thánh đã thể hiện lòng sùng kính sâu xa đối với Thánh Thể, như Chân phước Carlo Acutis và Thánh Phêrô Giulianô Eymard.

3. Đào Sâu Tiến Trình Đào Tạo về Thánh Thể

Trụ cột thứ ba, đào sâu tiến trình đào tạo, đề cập đến một nhu cầu cấp thiết: nhiều người Công giáo không hiểu đầy đủ giáo huấn của Hội Thánh về Sự hiện diện thật của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Như Đức Cha Cozzens lưu ý, Phục hưng Thánh Thể là cơ hội để giảng dạy chân lý này một cách rõ ràng táo bạo. Có rất nhiều hiểu lầm. Nhiều người Công giáo lầm tưởng rằng Thánh Thể chỉ là một biểu tượng. Sự thiếu hiểu biết này là cơ hội trực tiếp để dạy lại giáo lý, không những chỉ cho trẻ em mà còn cho người lớn. Mục tiêu nhắm đến trước hết là những người trong Hội Thánh và sau đó là những người đã rời bỏ đức tin hoặc đang tìm kiếm sự hiểu biết sâu xa hơn về đức tin.

Tiến trình đào tạo phải dễ tiếp cận và hấp dẫn, với các nhà lãnh đạo giáo phận và giáo xứ làm việc để chia sẻ giáo huấn của Hội Thánh về Sự hiện diện thật, Hy tế Thánh Lễ và các thực hành Thánh Thể đúng đắn. Các chương trình như “Mầu Nhiệm Thánh Thể trong Đời sống Hội Thánh”, có sẵn các video, cung cấp các nguồn tài liệu giáo lý miễn phí cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về giáo lý Bí tích Thánh Thể.

Việc đào tạo không chỉ giới hạn ở giáo sĩ và giáo lý viên. Mọi người Công giáo đều phải được trang bị để hiểu và giải thích ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể. Tiến trình đào tạo này bao gồm việc dạy các tín hữu cách chuẩn bị đúng cách để rước Lễ, cách cầu nguyện sau khi rước Lễ, tầm quan trọng của những giây phút thinh lậng trước Thánh Thể để tâm sự với Chúa, khuyến khích xưng tội thường xuyên và cung cấp các bài linh thao để giúp các tín hữu phát triển lòng sùng kính Bí tích Thánh Thể.

4. Sai đi truyền giáo: Trở thành Thừa Sai Thánh Thể

Trụ cột cuối cùng, sai đi truyền giáo, là đỉnh cao của những nỗ lực trong Năm thứ nhất của kế hoạch Phục hưng Thánh Thể. Phục hưng Thánh Thể không chỉ đào sâu lòng sùng kính cá nhân mà còn sai các tín hữu ra đi như những thừa sai Thánh Thể. Những người trải nghiệm Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể được mời gọi chia sẻ món quà này với những người khác, đặc biệt là những người đã xa rời đức tin hoặc chưa bao giờ biết đến Đức Kitô.

Năm Phục hưng Giáo phận chỉ là khởi đầu của một nỗ lực truyền giáo lớn hơn sẽ diễn ra trong những năm tới. Phong trào Phục hưng Thánh Thể nhằm mục đích hình thành “Những thừa sai Thánh Thể”, những người được trang bị để Phúc Âm hoá và đồng hành với những người khác trong mối quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Các thừa sai này được coi là những nhân chứng sống động cho quyền năng biến đổi của Bí tích Thánh Thể, đem Đức Kitô đến cho những người túng thiếu qua các hành động bác ai, thương xót và Phúc Âm hoá.

Việc huy động các tín hữu trở thành những thừa sai Thánh Thể bao gồm các bước thực tế, chẳng hạn như thành lập các nhóm cầu nguyện chuyển cầu, tổ chức các chương trình tiếp cận và khuyến khích người Công giáo tham gia vào các công việc thương xót về thể xác và tinh thần. Phong trào cũng bao gồm việc thúc đẩy một sứ điệp rõ ràng và nhất quán về tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể qua các hoạt động truyền thông của giáo phận và giáo xứ, các phương tiện truyền thông xã hội và các diễn đàn trực tuyến.

Ảnh Hưởng của Phục Hưng Thánh Thể: Một Hội Thánh Hợp Nhất Và Đổi Mới

Khi năm thứ nhất của kế hoạch Phục hưng Thánh Thể diễn ra, tác động được dự kiến ​​sẽ rất sâu xa. Phục hưng Thánh Thể nhằm mục đích hợp nhất Hội Thánh quanh Bí tích Thánh Thể, thúc đẩy sự hoán cải, chữa lành và đổi mới con người nội tâm một cách sâu xa hơn. Qua các cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, các tín hữu sẽ trải nghiệm một cảm giác mới mẻ về sứ vụ, sự bình an và mục đích trong cuộc sống của họ.

Giám Cha Cozzens bày tỏ sự tin tưởng rằng kế hoạch Phục hưng Thánh Thể sẽ mang lại nhiều hoa trái, không những chỉ cho các cá nhân mà còn cho toàn thể Hội Thánh. Khi các tín hữu biết đến và tin tưởng chắc chắn hơn vào Sự hiện diện thật, Hội Thánh sẽ được củng cố trong sứ vụ đem Đức Kitô đến với thế giới. Bí tích Thánh Thể sẽ một lần nữa trở thành nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Hội Thánh, với các tín hữu được trang bị để chia sẻ món quà này với một thế giới đang vô cùng khẩn thiết cần hy vọng và chữa lành.

Kết Luận: Lời Mời Gọi Đáp Trả

Phục hưng Thánh Thể là lời tha thiết mời gọi mọi người, đặc biệt là các nhà lãnh đạo Hội Thánh địa phương, tái khám phá vẻ đẹp và Mầu Nhiệm Thánh Thể cùng sống đức tin của mình một cách trọn vẹn hơn. Năm thứ nhất của Phục hưng Thánh Thể đặt nền tảng cho những năm sắp tới, đưa ra đồ án để các giáo phận, giáo xứ và cá nhân noi theo khi họ tìm cách đào sâu mối quan hệ của họ với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể.

Lời mời gọi rất rõ ràng: chúng ta hãy trở về với cốt lõi đức tin của mình. Qua các cuộc gặp gỡ cá nhân, việc sùng kính, sự đào tạo và hoạt động truyền giáo, chúng ta có thể đáp lại lời mời gọi này và tham gia vào công cuộc canh tân Hội Thánh. Như Thánh Phêrô Giulianô Eymard nhắc nhở chúng ta, “Bí tích Thánh Thể là tất cả, và mọi sự đều từ Bí tích Thánh Thể”. Mong rằng Cuộc Phục hưng này sẽ dẫn chúng ta trở về với nguồn mạch và tột đỉnh của đức tin, biến đổi tâm hồn và cuộc sống của chúng ta trong tiến trình này.

Để bắt đầu cuộc hành trình này, chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ Guadalupe và Chân phước Carlo Acutis chuyển cầu cho chúng ta, tin tưởng rằng qua lời chuyển cầu của các Ngài, Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta đến cuộc gặp gỡ sâu đậm hơn với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và từ đó, bước vào cuộc sống tông đồ truyền giáo để làm vinh Danh Thiên Chúa và cứu chuộc thế gian.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Viết phỏng theo Cẩm Nang Năm Thứ Nhất.

Các Bài Liên Quan

Phục Hưng Một Nền Văn Hoá Thánh Thể – Linh đạo Thánh Thể của Linh mục – Bài 1

Phục Hưng Một Nền Văn Hoá Thánh Thể – Linh đạo Thánh Thể của Linh mục – Bài 2

Phục Hưng Một Nền Văn Hoá Thánh Thể – Linh đạo Thánh Thể của Linh mục – Bài 3

Phục Hưng Một Nền Văn Hoá Thánh Thể – Linh đạo Thánh Thể của Linh mục – Bài 4

Phục Hưng Một Nền Văn Hoá Thánh Thể – Bài 5 – Xây Dựng một Nền Văn hóa Thánh Thể

Phục Hưng Một Nền Văn Hoá Thánh Thể – Bài 6 – Vun Trồng Một Nền Văn hóa Thánh Thể

Phục Hưng Một Nền Văn Hoá Thánh Thể – Bài 7 – Đời Sống Giáo Xứ Hậu COVID – Tạo Không Gian để Gỡ và Liên Hệ

Phục Hưng Một Nền Văn Hoá Thánh Thể – Bài 8 – Tiến về Phía Trước – Yêu Đến Cùng

8 Lý Do Để Biến Đổi Một Giáo Xứ từ Tình Trạng Bảo Trì sang Truyền Giáo

Categories

Latest Posts

Wounds of Disconnection: How Negative Encounters with Catholics Drive Young People Away from the Church
Eucharistic Revival in A Nutshell

Wounds of Disconnection: How Negative Encounters with Catholics Drive Young People Away from the Church

The Alarming Statistics Facing Catholic Church Leaders: A Call for Eucharistic Revival
Eucharistic Revival in A Nutshell

The Alarming Statistics Facing Catholic Church Leaders: A Call for Eucharistic Revival

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 52 – Giải Tán và Cuộc Rước Kết Lễ
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 52 – Giải Tán và Cuộc Rước Kết Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 51 – Nghi Thức Kết Lễ
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 51 – Nghi Thức Kết Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 50 – Lời Nguyện Hiệp Lễ
5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ

5 Phút Giáo Lý về Thánh Lễ 50 – Lời Nguyện Hiệp Lễ