Phục Hưng Một Nền Văn Hoá Thánh Thể – Bài 3 – Đời Sống Giáo Xứ Hậu COVID – Tạo Không Gian để Gỡ và Liên Hệ

Các bài từ 5 đền 8 tóm tắt các video do Chương trình the McGrath Institute for Church Life’s Bishop John M. D’Arcy thực hiện trong bộ Video Canh tân Đời Sống Linh mục. Chúng được sử dụng làm tài liệu để các Linh mục huấn luyện nhân viên giáo xứ của các ngài. Các video này nhằm trả lời câu hỏi: Làm sao để Bí tích Thánh Thể có thể là nguồn canh tân cho toàn thể giáo xứ?

Hình thức của những video này là một cuộc thảo luận bàn tròn giữa Đức Cha Flores và năm nhà chuyên môn về thần học và mục vị trong Hội Thánh: Tiến sĩ Timothy O’Malley, Bà Julianne Stanz, Tiến sĩ McManaway, Bà Crystal Serrano-Puebla và ông Peter J. Ductrám. Trong những cuộc đàm thoại này, những cái nhìn khác nhau của họ mở ra một sự hiểu biết mới về những cách thức giúp các thừa tác vụ của chúng ta thể hiện Nền Văn hóa Thánh Thể. Chương này được viết dựa trên Video 3 của Phần II và các câu hỏi để suy niệm và thảo luận được lấy trực tiếp từ Cẩm nang của Chương trình.

Trong cuộc thảo luận đang diễn ra của chúng ta về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với việc tham dự Thánh Lễ và những thách đố mà các mục tử và giáo xứ phải đối diện trong việc mời giáo dân trở lại với Thánh Lễ, điều cần thiết là phải đi sâu vào các khía cạnh đa diện của vấn đề này. Đại dịch thực sự đã cho thấy những yếu điểm tỏ tưởng trong cộng đồng của chúng ta, báo cho chúng ta thấy những lĩnh vực cần phải tự kiểm và hành động.

Tìm Hiểu Sự Miễn Cưỡng Trở Lại Tham Dự Thánh Lễ

Trước hết, một trong những vấn đề cấp bách nhất là tìm hiểu tại sao nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, không muốn quay lại tham dự Thánh Lễ. Các bậc phụ huynh thường bày tỏ lo ngại về việc con em của họ không còn hứng thú để đến nhà thờ. Sự miễn cưỡng này không chỉ đơn thuần là vấn đề thờ ơ; nó đòi hỏi một cuộc đối thoại cởi mở, trong đó chúng ta thực sự lắng nghe những suy nghĩ và cảm xúc của họ. Khi tham gia vào những cuộc trò truyện này, chúng ta có thể khám phá ra những thắc mắc sâu xa về đức tin và sự hiện diện của Chúa trong thời kỳ khủng hoảng. Chẳng hạn, một số người có thể cảm thấy bị Chúa bỏ rơi vì những đau khổ mà họ đã trải qua trong đại dịch.

Cung cấp không gian cho những cuộc trò chuyện này là điều rất quan trọng vì nó cho phép các cá nhân nói lên những nghi ngờ và mối quan tâm của mình, đây là bước đầu tiên hướng tới sự chữa lành và hòa giải. Tiến trình hiệp hành, vốn nhấn mạnh đến việc lắng nghe và sự phân định cộng đồng, có thể mang lại cơ hội tuyệt vời cho những cuộc đối thoại này. Điều quan trọng là mời mọi người chia sẻ kinh nghiệm của họ mà không có tiền kiến về lý do khiến họ xa cách Hội Thánh. Tiến trình này không những chỉ giúp chúng ta hiểu được nhu cầu và mối quan tâm cụ thể của cộng đồng mà còn tạo ra một cảm giác thân thuộc và hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng.

Giải Quyết Những Đau Buồn, Lo Sợ và Trách Nhiệm

Hơn nữa, đại dịch đã gây ra những đau buồn và lo sợ đáng kể trong cộng đồng của chúng ta. Việc chính trị hóa vi khuẩn và hậu quả của nó đã làm những cảm xúc này thêm trầm trọng, tạo ra một môi trường phức tạp mà một cách tiếp cận duy nhất có thể không đủ. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng phản ứng của mỗi người trước đại dịch rất khác nhau, được hình thành bởi kinh nghiệm cá nhân của họ và bối cảnh xã hội rộng lớn hơn.

Như một Hội Thánh, chúng ta cần phải chậm lại và thực sự tiếp đón người ta ở trong tình trạng của họ, nhìn nhận những đau buồn và khó khăn của họ. Các nghi lễ và phụng vụ đề cập đến những biến chuyển ban đầu này có thể là những công cụ mạnh mẽ để chữa lành và canh tân cộng đồng. Than thở, một thực hành có nguồn gốc sâu xa trong truyền thống tôn giáo của chúng ta, có thể đóng một vai trò then chốt ở đây. Nó cho phép các cá nhân và cộng đồng bày tỏ nỗi buồn và sự thất vọng của mình một cách cởi mở, tạo ra một con đường hướng tới sự chữa lành tập thể. Những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng nhắc nhở chúng ta rằng Hội Thánh phải là một nơi nương náu, ở đó những người mệt mỏi và gánh nặng tìm thấy niềm an ủi. Ngày nay, con người đang khao khát chân lý, ý nghĩa, niềm vui và hy vọng. Để giải quyết những nhu cầu này đòi hỏi Hội Thánh phải có mặt, hiện diện và gánh nhận trách nhiệm.

Trách nhiệm là một khía cạnh quan trọng mà đại dịch đã làm nổi bật. Nhiều người cảm thấy bị Hội Thánh bỏ rơi trong cuộc khủng hoảng, cảm thấy rằng cuộc đấu tranh của họ không được ai quan tâm đến. Trước khi đưa ra lời mời quay trở lại, Hội Thánh phải nhìn nhận những thất bại này và nỗ lực xây dựng lại niềm tin. Điều này liên quan đến việc đến gần, lắng nghe những câu chuyện của mọi người và xin lỗi về những lần Hội Thánh vắng mặt. Chỉ bằng cách bày tỏ sự quan tâm và cam kết thực sự, Hội Thánh mới có thể hy vọng lấy lại được niềm tin của các thành viên.

Một yếu tố quan trọng khác là giải quyết sự tức giận và thất vọng mà nhiều người cảm thấy đối với Hội Thánh. Những cảm xúc này có giá trị và có thể là động lực mạnh mẽ để thay đổi nếu được nhìn nhận và truyền tải một cách thích hợp. Các Thánh Vịnh và Ai Ca chứa đầy những biểu hiện giận dữ và tuyệt vọng hướng về Thiên Chúa, tuy nhiên những bản văn này cũng cho thấy rằng sự trung thực như vậy là một phần của mối quan hệ sâu xa, đích thực với Thiên Chúa. Các mục tử và các vị lãnh đạo Hội Thánh phải sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận những cảm xúc khó nghe này mà không bào chữa, nhưng thể hiện lòng trắc ẩn và kiên nhẫn của Đức Kitô.

Tái Khám phá Các Hình Thức Đạo Đức Bình Dân và Sự Hiện Diện Thể Lý

Giữa những thách đố này, đã có những câu chuyện đầy cảm hứng về các mục tử đã nỗ lực hết mình để phục vụ cộng đồng của các ngài trong thời kỳ đại dịch. Những hành động dũng cảm và tận tâm này, chẳng hạn như cầu nguyện ngoài trời hoặc xin được vào bệnh viện để đồng hành cùng những người hấp hối, minh chứng cho tính anh hùng mục vụ chiếu sáng trong thời kỳ đen tối. Những câu chuyện này là minh chứng cho tinh thần kiên trì của Hội Thánh và các nhà lãnh đạo, mang lại hy vọng và gây hứng khởi cho nhiều người.

Ngoài ra, đại dịch đã thúc đẩy việc tái lượng giá nền văn hóa Thánh Thể của chúng ta. Mặc dù Thánh Lễ là trung tâm đức tin của chúng ta, nhưng có lẽ chúng ta đã quá nhấn mạnh đến nó mà quên đi các khía cạnh khác của đời sống thiêng liêng của mình. Thời gian để suy nghĩ này có thể dẫn tới một tiếp cận cân bằng và toàn diện hơn đối với việc đào luyện đức tin, một tiếp cận bao gồm sự hiểu biết rộng hơn về cộng đồng và việc phục vụ.

Về vai trò của các Thánh Lễ trực tuyến trong đại dịch COVID-19, điều quan trọng là phải nhận ra cả sự thoải mái mà chúng mang lại cũng như những giới hạn của chúng. Mặc dù các buổi phát hình trực tuyến là một công cụ có giá trị để duy trì sự kết nối với phụng vụ, nhưng chúng cũng làm nổi bật khoảng cách trong sự tham gia của Hội Thánh so với các hình thức đạo đức bình dân phong phú theo truyền thống về các thực hành đạo đức và nghi lễ cộng đồng, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng.

Trong lịch sử, Hội Thánh luôn rút ra từ nguồn tài nguyên dồi dào trong thời kỳ đại dịch. Chẳng hạn như Thánh Charles Borromeo, trong trận dịch hạch ở Milan, đã tạo ra những sách cầu nguyện tại nhà và tổ chức hát thánh ca từ cửa sổ. Cũng tương tự như vậy, các bàn thờ được dựng ở các góc phố để mọi người có thể chiêm ngắm Mình Thánh Chúa được nâng lên ngay cả khi họ không thể tham dự Thánh Lễ trong nhà thờ chính tòa. Các cuộc rước công cộng, được cho là an toàn hơn ở ngoài trời, cũng trở thành một cách thế quan trọng để các cộng đồng thể hiện đức tin chung của họ trong thời kỳ dịch hạch.

Ngược lại, phản ứng hiện đại đối với đại dịch dường như lệ thuộc rất nhiều vào việc phát hình Thánh Lễ trực tuyến, tuy có ích lợi, nhưng lại thiếu các thực hành đạo đức và nghi lễ gia đình khác, là những điều có thể duy trì đức tin khi không thể thờ phượng chung. Việc lệ thuộc vào các Thánh Lễ trực tuyến này cho thấy sự nhấn mạnh quá mức đến Thánh Lễ như một biểu hiện duy nhất của đời sống Công giáo, mà bỏ qua phạm vi rộng lớn hơn của các việc đạo đức và linh đạo Công giáo có thể được thực hành tại nhà.

Khoảng cách này trở nên rõ ràng khi nhiều cộng đồng nói tiếng Anh, đặc biệt, nhận thấy mình không có phương tiện nào để duy trì sự liên lạc với Hội Thánh ngoài màn ảnh hình kỹ thuật số. Mặc dù có những phản ứng sáng tạo, chẳng hạn như các cuộc rước công cộng ở Louisiana hay Mình Thánh Chúa được đưa qua các khu dân cư bằng xe bán tải, đây là những trường hợp ngoại lệ chứ không phải là thông lệ. Những hành động sáng tạo này lặp lại những truyền thống trong quá khứ nhưng không đủ phổ biến để lấp đầy khoảng trống tinh thần mà nhiều người cảm thấy.

Suy nghĩ về điều này, có thể thấy rõ rằng Hội Thánh cần khôi phục và tổng hợp một tiếp cận toàn diện hơn vào đời sống đạo đức. Thánh Lễ thực sự là nguồn mạch và tột đỉnh của đức tin của chúng ta, nhưng không phải là điều duy nhất. Đạo Công giáo bao gồm một loạt các kinh nguyện, tuần cửu nhật, kinh cầu và các thực hành đạo đức khác có thể và nên là một phần của cuộc sống hàng ngày. Những thực hành này duy trì đức tin khi không có việc thờ phượng chung và kết nối các tín hữu với đời sống rộng lớn hơn của Hội Thánh.

Ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, các Linh mục chỉ có thể đến thăm mỗi tháng một lần, cộng đồng địa phương vẫn duy trì đức tin của mình qua các việc đạo đức bình dân. Chẳng hạn như ở Peru, Chí Lợi và Ba Tây, việc chờ đợi chuyến viếng thăm của Linh mục được đánh dấu bằng một đời sống cầu nguyện cộng đồng và tại gia sống động. Các gia đình và cộng đồng tham gia các tuần cửu nhật, các cuộc tụ họp cầu nguyện và các hình thức sùng kính khác để giữ cho đức tin của họ được sống động và chuẩn bị cho họ một cách vui tươi để đón nhận Bí tích Thánh Thể khi có thể.

Kinh nghiệm này gợi ý rằng việc nuôi dưỡng một ý thức sáng tạo và sáng kiến tương tự giữa những giáo dân ở các khu vực phát triển hơn có thể mang lại lợi ích to lớn. Các Linh mục cần sự hỗ trợ từ cộng đồng của các ngài, và giáo dân phải trau dồi khả năng sáng tạo tâm linh của mình để đưa Hội Thánh vào thế giới một cách tích cực. Nỗ lực chung này có thể giúp đảm bảo rằng Hội Thánh hiện diện trong cuộc sống của mọi người, ngay cả bên ngoài bối cảnh phụng vụ chính thức.

Hơn nữa, thế giới ảo, tuy cung cấp một phương tiện để duy trì kết nối trong thời kỳ đại dịch, cũng có những thách đố. Việc dễ dàng tránh một điều gì đó mà người ta không thích tương phản rõ rệt với thực tại thể lý của việc tham dự Thánh Lễ, nơi mà người ta không thể va lánh người ngồi bên cạnh mình. Khía cạnh hiện diện thể lý và sự tham gia cộng đồng này là điều không thể thiếu được đối với đời sống của Hội Thánh và không thể được sao chép hoàn toàn một cách trực tuyến.

Thực tại thể lý của Hội Thánh, kinh nghiệm hữu hình khi ở trong một cộng đồng, và những cuộc gặp gỡ không thể lường trước được nhưng phong phú mà nó mang lại là điều cần thiết. Như Chúa Giêsu chào đón mọi người và dạy các môn đệ yêu thương nhau bất chấp sự khác biệt của họ, việc tụ tập thể lý trong Thánh Lễ thể hiện nguyên tắc này. Đó là một lời nhắc nhở rằng Hội Thánh không chỉ là một tập hợp những cá nhân mà là một cộng đồng được mời gọi cùng nhau sống Tin Mừng, với tất cả những hỗn loạn và ân sủng đi kèm.

Một cách thiết thực để thu hẹp khoảng cách giữa sự tham gia trực tuyến và thực tại có thể qua một tiếp cận có chủ ý hơn đối với việc phục vụ hiếu khách kỹ thuật số. Chẳng hạn, trong các Thánh Lễ được phát hình trực tiếp, việc có một thừa tác viên tiếp tân chào đón mọi người, mời họ chia sẻ ý chỉ cầu nguyện và tạo ra cảm giác cộng đồng, có thể nâng cao trải nghiệm. Cử chỉ nhỏ nhưng đầy ý nghĩa này giúp nuôi dưỡng cảm giác thân thuộc và tham gia, ngay cả trong không gian ảo.

Cuối cùng, giai đoạn này trong đời sống Hội Thánh đòi hỏi một suy tư sâu xa hơn về mầu nhiệm Nhập Thể – thực tại sâu thẳm về việc Thiên Chúa nhập thể và ở giữa chúng ta. Nó mời gọi chúng ta xét đến tầm quan trọng của sự hiện diện thể lý, không những chỉ trong Thánh Lễ mà còn trong những tương tác hàng ngày và đời sống cộng đồng của chúng ta. Mặc dù các kết nối ảo có chỗ đứng của chúng, nhưng chúng không thể thay thế niềm vui và thách đố của việc sống đức tin của chúng ta bằng những cách hữu hình, cụ thể.

Kết Luận

Tóm lại, thực tại hậu COVID mang lại cả thách đố và cơ hội cho Hội Thánh. Bằng cách cổ võ việc đối thoại cởi mở, nhìn nhận sự đau buồn và sợ hãi, chấp nhận những than thở, nhận lãnh trách nhiệm, trực diện với sự tức giận và tôn vinh những hành động anh hùng mục vụ, Hội Thánh có thể vượt qua thời điểm mong manh này. Đó là giai đoạn chuyển tiếp cần kiên nhẫn, đồng cảm và quyết tâm đổi mới đối với các nhu cầu tinh thần và tình cảm của cộng đồng. Chỉ bằng cách thực sự có mặt và hiện diện thì Hội Thánh mới có thể hy vọng mời được các thành viên của mình trở lại Thánh Lễ và xây dựng lại cảm thức đức tin và hy vọng cộng đồng. 

Đại dịch cũng mang lại một cơ hội quan trọng để Hội Thánh tái khám phá và khôi phục lại truyền thống phong phú về việc sùng kính và các nghi lễ cộng đồng của mình. Bằng cách nuôi dưỡng một tiếp cận đức tin toàn diện hơn, vượt ra ngoài Thánh Lễ, thúc đẩy tính sáng tạo của giáo dân và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hiện diện thể lý và cộng đồng, Hội Thánh có thể vùng lên một cách mạnh mẽ và kiên cường hơn. Tiếp cận toàn diện này sẽ trang bị tốt hơn cho chúng ta để đối diện với những thách đố trong tương lai và đảm bảo rằng đức tin vẫn luôn sống động và mang lại sự sống trong mọi hoàn cảnh.

Câu Hỏi để Suy Nghĩ và Thảo Luận

Dựa trên thực tại của giáo xứ của bạn, hãy chọn những câu hỏi có ý nghĩa hơn đối với giáo xứ của bạn và chia sẻ câu trả lời của bạn trong các nhóm nhỏ.

  1. Cộng đồng của bạn đã trải qua những thách đố nào kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng lên? Những thách đố này cho thấy điều gì về những lĩnh vực mà cộng đồng của bạn có thể cần phát triển và thay đổi?
  2. Giáo xứ của bạn có đánh dấu bất cứ thời điểm nào của đại dịch qua các nghi lễ (chẳng hạn như cầu nguyện than thở chung, cầu nguyện chữa lành, v.v.) không? Giáo xứ của bạn có tham gia vào việc tiếp cận cộng đồng để giúp mọi người cảm thấy được nhìn nhận, được biết đến và được yêu thương không?
  3. Đâu là những ‘nguồn’ cầu nguyện và thực hành sáng tạo mà bạn có thể khuyến khích giáo dân xử dụng tại nhà ngõ hầu đời sống đạo đức có thể phong phú hoá việc cử hành phụng vụ và đời sống đức tin trong cuộc sống hàng ngày của họ?
  4. Hãy suy nghĩ về việc cộng đồng của bạn sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Làm sao bạn có thể tương tác với thế giới ảo theo cách nó giúp mọi người phát triển các mối quan hệ trong thế giới thực sự và thể lý?