Phụng Vụ Thánh Thể – Phần 2
106. Hỏi : Kinh Tiền tụng là gì ?
– Thưa : Được đặt trước Kinh Tạ ơn. Đây là lời tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa Cha vì lịch sử cứu độ Người đã thực hiện.
X. Chúa ở cùng anh chị em.
Ð. Và ở cùng cha.
X. Hãy nâng tâm hồn lên.
Ð. Chúng con đang hướng về Chúa.
X. Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.
Ð. Thật là chính đáng.
107. Hỏi : Thánh ! Thánh ! Thánh ! Nghĩa là gì ?
– Thưa : Là một thánh thi ngợi khen được lấy từ Thánh Kinh, qua đó tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng ngàn trùng chí thánh và thật vĩ đại trong lịch sử.
Thánh! Thánh! Thánh!
Chúa là Thiên Chúa các đạo binh.
Trời đất đầy vinh quang Chúa.
Hoan hô Chúa trên các tầng trời.
Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa.
Hoan hô Chúa trên các tầng trời.
108. Hỏi : Trong sách lễ Rôma có bao nhiêu Kinh Tạ Ơn (Kinh nguyện Thánh Thể) để tùy nghi sử dụng sao cho phù hợp với Thánh lễ được cử hành ?
– Thưa : Có 4 Kinh Tạ ơn
109. Hỏi : Kinh Tạ ơn là gì ?
– Thưa : Là kinh hiến tế, là lời kinh cộng đoàn tạ ơn Chúa Cha đã yêu thương thực hiện những việc kỳ diệu.
110. Hỏi : Trọng tâm của Kinh Tạ ơn là gì ?
– Thưa : Là linh mục (người đại diện Chúa Kitô, chủ tọa cộng đoàn phụng vụ) nhân danh Hội Thánh tạ ơn Chúa Cha, nài xin Chúa Thánh Thần đến thánh hóa và biến bánh – rượu thành Mình – Máu Chúa Kitô, và xin Chúa Thánh Thần liên kết tín hữu nên một với Chúa Kitô và với nhau.
111. Hỏi : Khi nói với các môn đệ : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, thì Chúa Giêsu có ý gì ?
– Thưa : Chúa Giêsu không chỉ muốn các môn đệ diễn lại hành vi Ngài đã làm trong Bữa Tiệc Ly, nhưng còn mời gọi họ yêu thương đến độ trao ban chính sự sống của mình như Ngài đã làm cho con người. Với chúng ta, điều này có nghĩa là yêu thương và phục vụ tha nhân ở quanh chúng ta.
112. Hỏi : Khi nào bánh – rượu trở thành Mình – Máu Chúa Kitô ?
– Thưa : Bánh – rượu trở thành Mình – Máu Chúa Kitô khi chủ tế đọc dứt lời truyền phép trên bánh và rượu.
113. Hỏi : Chính Chúa Thánh Thần đã biến đổi bánh và rượu trở thành Thân Mình và Máu Chúa Kitô. Chính Người giờ đây cũng giúp biến đổi chúng ta, gia dình chúng ta và mọi tín hữu thành điều gì ?
– Thưa : Thành một thân thể duy nhất, hiệp nhất trong Chúa Giêsu Kitô.
Chính nhờ Người, với Người và trong Người,
Mà mọi danh dự
và vinh quang đều qui về Chúa
Là Cha toàn năng,
trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần
đến muôn đời. Amen
114. Hỏi : Vinh tụng ca là gì ?
– Thưa : Đây là lời chúc tụng Thiên Chúa kết thúc Kinh Tạ ơn.
* Nghi thức hiệp lễ
115. Hỏi : Nghi thức hiệp lễ gồm những gì ?
– Thưa : Gồm Kinh Lạy Cha, cầu bình an, chúc bình an, bẻ bánh, hiệp lễ và lời nguyện hiệp lễ.
116. Hỏi : Chúng ta phải có tâm tình với nghi thức hiệp lễ ?
– Thưa : Chúng ta phải có tâm tình tha thứ, đón nhận, chia sẻ, xây dựng hiệp nhất và trở nên mạnh mẽ để sống theo những lời dạy của Chúa Giêsu.
117. Hỏi : Kinh Lạy Cha do ai dạy cho chúng ta?
– Thưa : Chính Chúa Giêsu
118. Hỏi : Khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta nhận biết điều gì ?
– Thưa : Chúng ta nhận biết mọi người đều là anh em với nhau và là con của cùng một Cha trên trời.
119. Hỏi : Chúc bình an là dấu chỉ chia sẻ sự bình an của Chúa Giêsu ban tặng diễn tả điều gì?
– Thưa : Diễn tả sự hiệp nhất, hiệp thông liên đới giữa những người được gọi là con cái Chúa.
120. Hỏi : HĐGM Việt Nam quy định giáo dân chúc bình an thế nào ?
– Thưa : Hai bên quay vào nhau, tay để trước ngực, cúi đầu chào nhau.
121. Hỏi : Việc linh mục bẻ bánh nói lên điều gì?
– Thưa : Việc bẻ bánh nói lên sự chia sẻ hiệp thông trong cùng một tấm bánh Ban sự sống là chính Chúa Kitô, làm thành những chi thể trong thân thể nhiệm mầu Chúa Kitô là Hội Thánh.
122. Hỏi : Việc bỏ một miếng Bánh nhỏ đã truyền phép vào chén Máu Thánh có ý nghĩa gì ?
– Thưa : Cử chỉ bỏ một miếng Bánh nhỏ đã truyền phép vào rượu muốn nói rằng : Mình và Máu Chúa Kitô không tách biệt. Ai rước chỉ hình bánh (một mẫu bánh) hay hình Rượu (một chút rượu) đã được truyền phép thì cũng đủ trọn vẹn Chúa Kitô Thánh Thể.
Lạy Chiên Thiên Chúa,
Ðấng xóa tội trần gian:
xin thương xót chúng con.
Lạy Chiên Thiên Chúa,
Ðấng xóa tội trần gian:
xin thương xót chúng con.
Lạy Chiên Thiên Chúa,
Ðấng xóa tội trần gian:
xin ban bình an cho chúng con.
123. Hỏi : Khi nào thì cộng đoàn hát “Lạy Chiên Thiên Chúa” ?
– Thưa : Khi linh mục bẻ bánh.
Kinh Dọn Mình Rước Lễ
Lạy Chúa Giêsu, con tin thật Chúa đang ngự trong tấm bánh bé nhỏ trên bàn thờ. Chúa là Thiên Chúa thật và là người thật, đã trở nên lương thực nuôi sống chúng con/ trên đường về quê trời. Chúa muốn ở lại trong con / và con cũng ước ao rước Chúa vào lòng / để được ở lại trong Chúa. Nhưng con biết / mình còn nhiều tội lỗi, chẳng đáng Chúa đến thăm. Xin Chúa tẩy sạch quả tim con, để con nên trong trắng. Xin Chúa mở rộng tâm hồn con, để con đừng từ chối Chúa sự gì. Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa lắm, xin Chúa mau đến với con.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con xứng đáng đón rước Chúa Giêsu. Amen.
Kinh Cám Ơn Sau Rước Lễ
Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa đang ngự trong lòng con. Con cung kính thờ lạy Chúa / là Thiên Chúa uy nghi cao cả. Con sung sướng vì Cha đến thăm con, dù con không xứng đáng.
Lạy Chúa Giêsu, xin ở với con mãi mãi, trong suốt cuộc đời con. Xin làm cho con nên giống Chúa, hiền hậu và khiêm nhường, chăm chỉ và bác ái, hiếu thảo và vui tươi. Xin cho con nhớ rằng : Chúa đang ngự trong con / và con có bổn phận đem Chúa đến mọi nơi : ở nhà và ở trường, trong khu xóm và ngoài đường phố, để tất cả những người bạn của con / nhận biết Chúa và sống yêu thương nhau.
Lạy Chúa Giêsu, con quyết tâm sống theo lời Chúa dạy, để đáp lại tình Cha yêu con. Có Cha, con không sợ hy sinh. Có Chúa con đủ sức tránh xa tội lỗi / và sống trung thành với Chúa suốt đời con.
Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa. Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa biết bao. Amen.
124. Hỏi : Hiệp lễ là gì ?
– Thưa : Hiệp lễ là đón nhận Chúa Giêsu Kitô cách trọn vẹn dưới hình bánh – rượu, để nuôi dưỡng đức tin, đức mến của tín hữu ; nhờ đó, họ được sống, sống dồi dào và sống đời đời trong ơn nghĩa Chúa.
125. Hỏi : Hiệp lễ được dành cho những ai ?
– Thưa : Cho mọi tín hữu đã chuẩn bị kỹ càng và sạch tội trọng.
126. Hỏi : Lời thưa “Amen” trước khi rước lễ có ý nghĩa gì ?
– Thưa : Lời “Amen” lúc đó có nghĩa là : “Vâng, con tin thật đây là Mình Thánh Chúa !”
127. Hỏi : Việc rước lễ mang lại cho tín hữu những ơn ích gì ?
– Thưa :
– Một là được kết hợp mật thiết với Chúa Kitô
và Hội Thánh.
– Hai là được tẩy xóa các tội nhẹ.
– Ba là được lớn lên trong ân sủng.
– Bốn là được bảo đảm sự sống muôn đời.
128. Hỏi : Muốn Rước lễ cho nên thì phải có những điều kiện nào?
– Thưa : Muốn Rước lễ cho nên thì phải sạch tội trọng, có ý ngay lành, dọn mình chu đáo và giữ chay Thánh Thể theo luật dạy.
129. Hỏi : Giữ chay rước lễ nghĩa là gì ?
– Thưa : Theo Giáo luật số 919 : Những ai muốn rước lễ phải kiêng ăn và uống, chỉ trừ nước lã và thuốc men, ít là một giờ trước khi rước lễ ; ngoại trừ những người cao niên, người đau yếu.
130. Hỏi : Người tín hữu có được rước lễ nhiều lần trong ngày không ?
– Thưa : Theo Giáo luật số 917 : Ai đã rước lễ rồi thì có thể rước lễ thêm một lần nữa trong ngày đó, nhưng chỉ được ở trong thánh lễ mà họ tham dự thôi.
131. Hỏi : Luật của Hội Thánh buộc chúng ta rước lễ thế nào ?
– Thưa : Luật của Hội Thánh buộc chúng ta rước lễ mỗi năm ít nhất một lần.
132. Hỏi : Hội Thánh buộc chúng ta rước lễ mỗi năm ít nhất một lần vào mùa nào ?
– Thưa : Mùa Phục sinh
133. Hỏi : Những ai được phép trao Mình Thánh Chúa ?
– Thưa : Bình thường, Giám mục, linh mục, thừa tác viên ngoại lệ và những tín hữu được cắt cử để làm việc này.
Bất thường : linh mục có thể ủy thác cho các tín hữu thích hợp theo từng lần.
134. Hỏi : Chúng ta nên rước lễ bằng miệng hay bằng tay ?
– Thưa : Chúng ta được tự do chọn một trong hai cách trong việc rước lễ : bằng tay hay bằng miệng. Nhưng cần có sự chuẩn bị và cung kính đón nhận Mình Thánh Chúa. Nếu rước lễ bằng tay, lưu ý vụn Bánh còn sót lại trên tay.
135. Hỏi : Lời nguyện hiệp lễ có ý nghĩa gì ?
– Thưa : Lời nguyện này kết thúc phần hiệp lễ : Xin cho mầu nhiệm Thánh Thể sinh hoa kết quả nơi người lãnh nhận và nói lên ước nguyện của cộng đoàn : mong ước được đoàn tụ trong vương quốc củ Chúa mai sau.