Thánh Thể và Lời Mời Gọi Truyền Giáo, Phần II
Dưới đây là bản dịch bài The Eucharist and Our Call to Mission, Part II của Tiến sĩ James Pauley được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 27 tháng 8 năm 2024.
Phần II của bài này mô tả cách lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi chúng ta cũng như cách Thánh Thể và mẫu gương của các thánh giúp chúng ta sống lòng thương xót này như thế nào.
Phaolô Phạm Xuân Khôi dịch và tóm lược cũng như thêm những câu hỏi để suy nghĩ cho người Việt Nam.
Trong Phần I của loạt bài này, Tiến sĩ Pauley đã giới thiệu những gì Hội Thánh dạy về Sự hiệp thông Thánh Thể với Đức Kitô và những hiệu quả của sự hiệp thông này. Bài này đã được xuất bản trên tạp chí Catechetical Review số tháng 7 năm 2024, Tập 10, số 3.
Bằng chứng cho những Sự Thật đầy Thách đố này
Có một khẳng định quan trọng được đưa ra ở đây. Nếu bạn nghi ngờ điều này thì dưới đây là một số bằng chứng.
Khi những người trong Tân Ước gặp Chúa Giêsu, nhiều người đã chọn rời xa Người và không thay đổi. Tuy nhiên, có rất nhiều mẫu gương về những người nam nữ đã trải qua sự hoán cải sâu xa, đôi khi rất từ từ và đôi khi dường như ngay lập tức.
Một trong những người ấy là ông Giakêu, người thu thuế. Ông Giakêu đã trèo lên cây để nhìn thấy Chúa Giêsu khi Người đi ngang qua. Còn Chúa Giêsu thì đến gần ông Giakêu và tình nguyện dùng bữa tối tại nhà ông. Người thu thuế ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu đến nhà mình. Chúng ta đọc: “Còn Dakêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng, “Lạy Chúa, này đây, một nửa tài sản của con, con cho người nghèo; và nếu con đã tước đoạt của ai bất cứ điều gì, thì con xin bồi thường gấp bốn lần.” Chúa Giêsu bảo ông, “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến với nhà này, bởi vì người này cũng là con cháu ông Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19:8–10). Câu chuyện này chứng minh luận lý của việc gặp gỡ Chúa Giêsu. Khi chúng ta nhận được tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy rằng việc quay về con người cũ là con người gây ra tội lỗi không còn chỗ đứng nơi chúng ta nữa. Tình yêu của Thiên Chúa và bóng tối của tội lỗi không thể cùng tồn tại được lâu trước khi nhu cầu ăn năn hối cải nảy sinh.
Để giúp chúng ta hiểu được những thực tại lớn lao này, Chúa Giêsu kể câu chuyện về người đầy tớ mắc nợ chủ mình một khoản nợ lớn (Mt 18:21–35). Trong khi hắn van xin ông chủ cho thêm thời gian để trả món nợ này, nhưng thật đáng kinh ngạc, ông chủ đã tha thứ hoàn toàn món nợ. Bạn có thể tưởng tượng ra một hành động thương xót quảngh đại như thế không? Nhưng sau đó, chúng ta biết điều gì xảy ra:
Nhưng khi tên đầy tớ ấy vừa rời đó, hắn gặp một người đầy tớ khác, nợ hắn một trăm quan bạc. Hắn liền túm lấy cổ mà bảo, ‘Trả tao những gì mày nợ!’ Và người đầy tớ bạn sấp mình xuống dưới chân hắn mà năn nỉ, ‘Xin đại ca khoan thứ cho em, em sẽ trả hết cho đại ca.’ Nhưng hắn không chịu, và tống anh ta vào ngục cho đến khi trả hết nợ. Cho nên khi những bạn đầy tớ khác thấy việc đã xảy ra, thì rất buồn phiền, và đến trình bày với chủ mọi chuyện đã xảy ra. (Mt 18:28–31)
Tại sao những người đầy tớ lại buồn phiền đến như vậy? Rõ ràng, hành động của người đồng bạn của họ hoàn toàn không phù hợp với món quà phi thường mà hắn vừa được ban cho. Trong khi món quà vô cùng đại lượng của ông chủ lẽ ra phải thay đổi con tim của hắn, thì cách đối xử của hắn với những người khác lại không bị ảnh hưởng bởi lòng thương xót như vậy. Để nhận được lòng thương xót như thế, hắn phải mở rộng lòng thương xót của mình cho cả người đầy tớ nợ hắn tiền. Chúng ta không mấy thường xuyên áp dụng đoạn Thánh Kinh này vào đời sống bí tích của mình, nhưng chúng ta nên làm vậy. Đi kèm với lòng thương xót, ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa, là nghĩa vụ tương ứng, tức là đối xử với người khác bằng lòng thương xót, ân sủng và tình yêu thương quảng đại.
Điểm chứng minh thứ ba là điểm chúng ta gần gũi nhất. Khi cầu nguyện Kinh Lạy Cha, chúng ta dâng lên Chúa Cha những lời thật đáng sợ nếu chúng ta nghĩ về chúng. Đương nhiên, bất cứ ai đọc bài này đều biết những lời mà tôi nhắc đến. “(Xin Cha) tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Việc cầu nguyện lời kinh này đặt ra cho chúng ta những đòi hỏi nghiêm túc. Chúng ta đang cầu xin Chúa Cha ban cho chúng ta cùng một lượng thương xót mà chúng ta dành cho những người đã có lỗi với chúng ta. Lời cầu xin mà chúng ta thường cầu nguyện này nên phải làm cho chúng ta ngừng lại [mà suy nghĩ].
Và cuối cùng, khi chúng ta cầu nguyện bằng Nghi Thức Sám Hối theo truyền thống (đọc Kinh Ăn Năn Tội) trong tòa giải tội, chúng ta đọc những lời này: “Con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng.” Dĩ nhiên, chúng ta không thể đạt được một quyết tâm như vậy bằng sức mạnh của riêng mình ngoài ân sủng của Thiên Chúa. Và ngay cả với ân sủng, hầu hết chúng ta vẫn phạm tội trở lại. Dù vậy, việc hình thành quyết tâm này trong lòng mình là một khía cạnh cần thiết để nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa và được phục hồi mối quan hệ với Ngài. Nó giúp chúng ta thực hiện những bước nhỏ hướng tới tình yêu và sự thánh thiện. Tuy nhiên, chúng ta phải có ý định kết hợp chính mình một cách mật thiết hơn với lòng thương xót mà chúng ta đã được ban cho. Trong các mối quan hệ của con người, chúng ta sẽ ghi nhận rằng hành động này cũng rất cần thiết nếu muốn phục hồi tình bạn và tình yêu khi cầu xin người khác tha thứ.
Với mỗi Bí tích, có những hiệu quả siêu nhiên, việc ban những khả năng thiêng liêng, là điều đến từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Và có những cách cụ thể mà cuộc sống của chúng ta phải trở nên, nhờ quyền năng của ân sủng và sự hợp tác tự do lựa chọn của chúng ta, phù hợp với tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta, những người bước vào sự hiệp thông với Chúa Giêsu ngày nay, cũng phải chịu cùng một cách thử thách mà những người đã gặp Chúa Giêsu cách đây hai nghìn năm đã chịu, để hoán cải cuộc sống.
Các Thánh: Những Mẫu Gương Sứ Vụ Thánh Thể của Chúng Ta
Khi nói đến việc sống cuộc sống của chúng ta trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu, các Thánh chỉ cho chúng ta con đường. Thánh Têrêxa Calcutta bắt đầu mỗi ngày bằng Thánh Lễ và chầu Thánh Thể, rồi Mẹ và các chị em của Mẹ được trao quyền phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo – có khả năng nhận ra và phục vụ Đức Kitô “được che giấu dưới hình dạng đau khổ nhất” của Người.
Thánh Thomas More, sau khi bị kết án tử hình một cách bất công, đã tha thứ cho những kẻ đã gây ra sự hủy diệt cho ngài. Ngài đã sáng tác một kinh nguyện phi thường trong những ngày cuối đời:
Lạy Thiên Chúa Toàn năng, xin thương xót… tất cả những ai có ý xấu và muốn làm hại con. Và bằng những phương tiện dễ dàng, dịu dàng và thương xót tốt nhất, mà sự khôn ngoan vô hạn của Ngài có thể nghĩ ra, xin ban ơn để những lỗi lầm của họ và của con đều được sửa đổi và khắc phục; và biến chúng con thành những linh hồn được cứu rỗi cùng nhau trên thiên đàng, nơi chúng con có thể sống và yêu thương cùng với Ngài và các Thánh của Ngài.[1]
Vị thánh vĩ đại người Anh này, trong cuộc khổ nạn cuối cùng và cái chết của chính mình, nhờ ân sủng của Đức Kitô, đã trở nên gần gũi hơn với Người, Đấng đã tha thứ cho kẻ thù của chính Người từ Thập giá. Những lời cuối cùng của Thomas trong kinh nguyện này thật ấn tượng: “Lạy Chúa, những điều con cầu xin, xin ban cho con ơn để con cố gắng thi hành”[2]. Trong những giờ phút cuối đời, thay vì tập trung vào những bất công đa dạng đã giáng xuống mình và gia đình, thay vì đầu hàng cơn giận dữ và than thân trách phận, ngài đã ở trong phòng giam của mình để cố gắng tha thứ cho kẻ thù. Loại đức tính này không thể tự nhiên mà có. Trong suốt cuộc đời, ngài đã sống một đời sống bí tích, và tìm cách hợp tác với ân sủng, củng lớn lên trong nhân đức. Ngài là một tấm gương phi thường về một con người bình thường đang nỗ lực để càng ngày càng sống thích hợp với ân sủng của Đức Kitô đã được ban cho ngài.[3]
Những vị Thánh được đề cập đến ở đây có thể nằm ngoài tầm với của những người trong chúng ta, là những người đang tham gia vào cuộc chiến nội tâm của chính mình. Tôi muốn để lại cho bạn sự khôn ngoan tuyệt vời và thực tế của Bậc Đáng Kính Madeleine Delbrêl, một phụ nữ ở Paris trong thế kỷ 20, người đã trải qua một cuộc hoán cải sâu xa và dần dần, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, đã phát triển để trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Người phụ nữ thánh thiện ấy cung cấp cho chúng ta một cách thế hữu hình để thực hiện những bước nhỏ trong việc hợp tác của chúng ta với ân sủng, và trong tình yêu của chúng ta dành cho tha nhân. Chị viết:
Hãy suy nghĩ về điều này. Chúng ta hãy lấy một phần rất nhỏ trong cuộc sống của mình và để đức bác ái của Đức Kitô tự do hoạt động trong đó, hầu thấy mọi sự nó có thể làm, mọi sự nó muốn làm, và để nó làm những điều ấy. Bạn đổi chuyến tàu, bạn đợi trong phòng chờ đợi vào giữa đêm. Đức bác ái của Chúa ở trong bạn giữa phòng chờ đợi này. Nó sẽ làm gì? Người phụ nữ rất lịch lãm, người đàn ông rất đúng mực này sẽ nói gì khi bạn chia sẻ cà phê từ phích nước của bạn với người ở bên phải, chia sẻ bánh mì và phô mai của bạn với người ở bên trái, nếu bạn quấn đứa trẻ đó trong áo khoác của mình… Nhưng Đức Kitô sẽ nói gì nếu bạn không làm những điều đó? Hội Thánh thánh thiện mong ước có nhiều Thánh, và các Thánh là những người yêu thương.[4]
Bí tích Thánh Thể ban cho chúng ta mọi sự chúng ta cần để tiến những bước nhỏ về phía trước trong tình yêu. Đây thực sự là động lực thiết yếu của đời sống Bí tích. Sự hiệp thông Thánh Thể đòi hỏi việc sinh hoa trái thiêng liêng, nhưng nó cũng ban cho chúng ta khả năng để sống một cuộc sống như vậy. Trong thời gian Phục hưng Thánh Thể này, Hội Thánh và thế giới của chúng ta sẽ được hưởng lợi ích từ nhiều nhân chứng sống động về loại sinh hoa trái cách bí tích này.
Tóm Lược
Trong bài này, Tiến sĩ Pauley nhấn mạnh đến cách lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi cuộc sống, và cách Bí tích Thánh Thể và gương của các Thánh hướng dẫn chúng ta sống lòng thương xót này thế nào. Qua Thánh Kinh, chúng ta thấy quyền năng biến đổi của việc gặp gỡ Chúa Giêsu, điển hình là việc trở lại của ông Giakêu. Thánh Kinh cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ phải mở rộng lòng thương xót ra với tha nhân sau khi nhận được lòng thương xót, như được minh họa trong dụ ngôn tên đầy tớ bất nhân. Các Thánh như Têrêxa Calcutta và Thomas More đã mô phỏng cuộc sống bí tích bắt nguồn từ lòng thương xót và sự phục vụ. Đấng Đáng Kính Madeleine Delbrêl nhấn mạnh đến những hành động yêu thương nho nhỏ như những bước tiến đến sự trọn lành. Bí tích Thánh Thể trao quyền cho chúng ta để sinh hoa trái về tâm linh, và truyền cảm hứng cho cuộc sống truyền giáo.
Câu hỏi để suy Nghĩ
- Làm sao để việc nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa qua Bí tích Thánh Thể có thể truyền cảm hứng cho bạn để mở rộng lòng thương xót với người khác trong cuộc sống hàng ngày của mình?
- Bạn đồng cảm nhất với tấm gương nào của các Thánh và làm sao bạn có thể noi theo lòng sùng kính Bí tích Thánh Thể của các ngài?
- Bạn có thể thực hiện những hành động nhỏ bé, hữu hình nào ngày hôm nay để cuộc sống của mình gần gũi hơn với tình yêu và ân sủng của Đức Kitô?
[1] Gerard B. Wegemer, Thomas More: A Portrait of Courage (Princeton, NJ: Scepter Publishers, 1995), 219.
[2] Ibid.
[3] Sách của Wegemer (được trích dẫn ở trên) rất hữu ích trong việc tìm hiểu về sự lớn lên trong nhân đức hạnh và sự thánh thiện của Thánh Thomas More trong suốt cuộc đời ngài, vì sách tập trung cụ thể vào cách Thánh Thomas More tự thử đố mình để phát triển nhân đức ở nhiều tình cảnh khác nhau trong cuộc sống gia đình và nghề nghiệp của ngài.
[4] Madeleine Delbrêl, The Dazzling Light of God: A Madeleine Delbrêl Reader (San Francisco: Ignatius Press, 2023), 56.