Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 10 : Lời Tha Tội
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 17 tháng 1 năm 2023.
Sau khi dành một chút thì giờ để nhớ lại tội lỗi của chúng ta và cùng nhau ca ngợi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, vị linh mục đọc tiếp những lời mà Sách Lễ Rôma gọi là “Lời tha tội” hay “Lời xá giải”. Đây có phải là một lời tha tội “thực sự”, một phiên bản khác của lời tha tội mà chúng ta nhận được trong Bí tích Hòa Giải không? Câu trả lời ngắn gọn là không, chúng không giống nhau. Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn một chút vào lời tha tội này.
Không phải là một Bí tích Xưng tội
Theo lời của Charles Belmonte: “Khi kết thúc [Hành động Thống hối], linh mục cùng anh chị em mình nương náu trong Lòng Thương Xót của Thiên Chúa: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời” (Understanding the Mass, tr. 56). Trước đây, một số người (kể cả linh mục) đã được dạy rằng lời nguyện này tương đương với Lời Nguyện Tha Tội mà linh mục đọc trong Bí tích Hòa giải. Điều này chắc chắn không đúng! Để làm sáng tỏ điều này, Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nói trực tiếp rằng lời cầu nguyện này “không có hiệu quả của Bí tích Thống hối” (GIRM, số 51). Cha Belmonte giải thích thêm, “[Hành động] Thống hối của Thánh Lễ không phải là Bí tích Giải tội; do đó, nó không tha tội trọng ngay lập tức. Việc tha tội trọng phải được thực hiện qua Bí tích Hòa giải. Điều quan trọng cần nhớ là một người phạm tội trọng không thể rước Lễ trừ khi họ xưng tội trước” (Understanding the Mass, trang 57).
Nếu chúng ta nghĩ về những lời thực sự của kinh nguyện thì lời giải thích này hợp lý. Vị linh mục ở đây chỉ cầu xin Chúa thương xót chúng ta, tha tội cho chúng ta và đưa chúng ta về thiên đàng. Điều này rõ ràng khác với những Lời Xá Tội trong Bí tích mà qua đó linh mục, nhân danh Đức Kitô, nói những lời: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hoà thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. xin Thiên Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho anh chị em ơn tha thứ và bình an. vậy tôi (cha) tha tội cho anh chị em nhân danh Cha + và Con và Thánh Thần.” Trong Bí tích Hòa giải (còn được gọi là Bí tích Thống hối hay Xưng tội), chúng ta công khai thú nhận tội lỗi mình và xưng với linh mục, trong khi trong Thánh Lễ, chúng ta nhớ lại chúng trong lòng. Trong Thánh Lễ, chắc chắn chúng ta nhìn nhận rằng mình có tội và cần đến Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nhưng chúng ta không trực tiếp đem các tội ấy đến với Thiên Chúa để được tha tội như trong Bí tích Hòa Giải.
Nhận được Ơn Tha Tội
Mặc dù những lời linh mục nói trong Thánh Lễ không phải là Lời Xá Tội theo Bí tích, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không quan trọng. Như Cha Belmonte nói, “[Hành động Thống hối], nếu được thực hiện với lòng ăn năn thực sự, sẽ giúp chúng ta nhận được ơn tha thứ những tội nhẹ hiện đang mắc phải, cũng như tái khơi dậy sự đau buồn vì những tội đã được tha trong quá khứ. Bằng cách này, nó giúp chúng ta thanh tẩy chính mình và nhờ đó tham dự Thánh Lễ cách hiệu quả hơn” (Understanding the Mass, trang 57). Như chúng ta đã ôn lại trước đây, Hy tế Thánh Lễ là sự tham dự của chúng ta vào Hy lễ hoàn hảo duy nhất của Chúa Giêsu hiến dâng trên Thập Giá để được tha tội. Đó là nơi thích hợp để chúng ta nhớ lại Đấng Cứu Thế tuyệt vời mà chúng ta có và món quà tha thứ của Người thực sự có quyền năng như thế nào trong tâm hồn chúng ta. Hy vọng rằng nó cũng giúp chúng ta quyết tâm tìm kiếm ân sủng của bí tích Hòa Giải bất cứ khi nào chúng ta cần!
Sự tạm ngưng cần thiết
Không biết các bạn thế nào, nhưng đôi lúc tôi thấy rằng khi một ngày của mình quá bận rộn, tôi thường làm hết việc này đến việc khác mà không có thì giờ để suy nghĩ. Tôi cảm thấy cần có những giây phút yên tĩnh ngắn ngủi trong ngày để có thể xem xét kỹ lưỡng những gì mình đã nói và đã làm. Chính trong những lúc ấy, tôi nhận ra rằng mình đã đi sai đường và cần phải điều chỉnh lại. Cũng tương tự, Nghi thức Thống hối của Thánh Lễ chắc chắn có thể là một cơ hội quan trọng để chúng ta xem lại cách mình đã sống kể từ khi tham dự Thánh Lễ lần trước. Đây cũng là thời điểm rất tốt để nhận ra rằng mình có thể có những tội cần được tha thứ cách Bí tích trước khi rước Lễ.
Khi tiếp tục lớn lên trong đời linh mục của mình, tôi nhận ra rằng Nghi thức Thống hối là một trong những phần tôi yêu thích trong Thánh Lễ. Thật là một hồng ân tuyệt vời để nhớ lại là mình cần đến Lòng Thương Xót của Thiên Chúa ở chỗ nào và cùng với Dân Chúa mà ca ngợi Lòng Thương Xót bao la của Ngài. Để thêm vào niềm vui của chúng ta, chúng ta cùng hát tôn vinh Thiên Chúa sau đó trong Thánh Lễ!
Câu Hỏi để Suy Nghĩ:
- Thánh thi của ông Dacaria (Lc 1:68-79) phản ánh xác tín của ông vào Lòng Thương Xót đầy yêu thương của Thiên Chúa sau thời gian chín tháng im lặng trước khi Thánh Gioan Tẩy Giả ra đời. Hãy dành chút thì giờ để âm thầm suy niệm về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong cuộc đời bạn. Kết thúc bằng việc cầu nguyện bằng bài thánh ca này, là một phần của Kinh Sáng hàng ngày của Hội Thánh.
- Cha Luke thừa nhận tầm quan trọng của những giây phút yên tĩnh ngắn ngủi trong ngày để suy nghĩ về những ý tưởng, lời nói và hành động của mình. Bạn có thể kết nạp hoặc tận dụng những lúc yên tĩnh trong lịch trình hàng ngày của mình không? Lần sau khi bạn tự hỏi “Phải làm gì tiếp?”, hãy dành cho mình một vài giây phút để âm thầm cầu nguyện trước khi chuyển sang việc kế tiếp.