Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 12A : Giảng Đài – Ambo

Bài này không có trên Eucharistic Revival blog. Phaolô Phạm Xuân Khôi viết ngắn gọn dựa theo bài The Ambo: Launch Platform for the Word của TS Denis R. MCNamara được đăng trên Adoremus ngày 15 tháng 11 năm 2016.

Khi bạn vào một nhà thờ Công Giáo, thường bạn thấy ở trên cung thánh, bên phải hay bên trái bàn thờ có một cái giảng đài hay ambo, được làm bằng cùng một chất liệu như bàn thờ.  Đồng thời ở phía đối diện, thường có một cái giá sách nhỏ hơn được để ngay trên sàn nhà. Giảng đài chỉ được sử dụng để đọc và giảng Lời Chúa. Còn cái giá sách nhỏ thường được dùng cho những việc không liên quan đến Lời Chúa như xướng kinh, đọc thông báo, giới thiệu, cảm ơn, vân vân.

Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (QCSL) viết: “Qua lời Thánh Kinh đọc trong Hội Thánh, chính Thiên Chúa nói với dân Ngài và Ðức Kitô, hiện diện trong lời của mình, loan báo Tin Mừng” (QCSL, số 29). Khẳng định thần học này nhấn mạnh đến tính Bí tích của phụng vụ, trong đó các thực tại hữu hình dưới thế đóng vai trò dấu chỉ của các thực tại vô hình trên Trời. Đỉnh cao của công trình Bí tích này là Bí tích Thánh Thể, trong đó Thiên Chúa khôn tả mang lấy hình thức hữu thể hữu hình để nhân loại có thể nhận thấy, chạm tới và thậm chí ăn uống được.

Trong số những trang bị khác nhau của nhà thờ, giảng đài giữ một vị trí quan trọng trong công trình bí tích này. Không chỉ là một giá đọc Sách Thánh trong phụng vụ, giảng đài còn biểu thị và khuếch đại tầm quan trọng của Lời sống động và hữu hiệu của Thiên Chúa được công bố trong phụng vụ. Trong tâm trí của Hội Thánh, giảng đài mở rộng sứ vụ công bố Thánh Kinh một cách hữu hình, thể hiện tình yêu bất diệt của Chúa Cha vốn thánh hóa nhân loại (x. QCSL, số 29; Dẫn Nhập vào Sách Bài ĐọcSBĐ, 4).

Sự phát triển lịch sử của Giảng Đài

Thuật ngữ “ambo” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp ambon (ἄμβων), có nghĩa là một cái vành hoặc khu vực nhô cao. Ban đầu, nó nói về một bục cao được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả việc đọc Sách Thánh. Việc sử dụng giảng đài của Kitô giáo sớm nhất có thể được tìm thấy từ các tài liệu ở thế kỷ thứ tư, chẳng hạn như Điều 15 của Công đồng Laodicea (c. 363) và tác phẩm của các sử gia Hội Thánh như Socrates thành Constantinople.

Trong suốt nhiều thế kỷ, giảng đài đã phát triển từ một bục cao đơn giản thành một không gian được chỉ định trong nhà thờ dành riêng cho việc công bố Lời Chúa. Sự phát triển kiến trúc và nghệ thuật của nó đạt đến đỉnh cao ở thế kỷ XII trước khi dần dần không còn được sử dụng rộng rãi nữa. Tuy nhiên, Công đồng Vaticanô II đã đánh dấu sự hồi sinh của mối quan tâm đến giảng đài như một yếu tố quan trọng của cuộc cải tổ phụng vụ, nhấn mạnh vai trò của nó trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc công bố Lời Chúa và bài giảng.

Ý nghĩa Thần học của Giảng Đài

Trọng tâm của thần học phụng vụ Công giáo là niềm tin rằng Thiên Chúa trực tiếp nói với dân Ngài qua Thánh Kinh. Giảng đài phục vụ như một biểu hiện hữu hình của thực tại bí tích này, tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Kitô trong Lời của Người khi Lời ấy được công bố cho các tín hữu. Như đã được nêu rõ trong Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, Hội Thánh khẳng định rằng “Qua các bài đọc, được bài diễn giảng giải thích, Thiên Chúa nói với dân Ngài, Ngài mạc khải mầu nhiệm cứu chuộc và ơn cứu độ, đồng thời cung cấp lương thực thiêng liêng; chính Ðức Kitô dùng lời của mình mà hiện diện giữa các tín hữu.” (QCSL, 55). Việc giảng dạy Lời Chúa này là điều cần thiết để chuẩn bị cho các tìn hữu gặp gỡ Đức Kitô trong Phụng vụ Thánh Thể.

Do đó, giảng đài vượt trên vai trò đơn thuần như một chiếc bàn đọc sách; nó trở thành một không gian thánh qua đó Lời hằng sống và hữu hiệu của Thiên Chúa được ra giảng để thánh hóa nhân loại và dâng lên Chúa Cha một sự thờ phượng hoàn hảo. Thiết kế, vị trí và việc sử dụng dành riêng của các thừa tác viên Lời Chúa nhấn mạnh tầm quan trọng và sự tôn kính dành cho Thánh Kinh trong bối cảnh phụng vụ.

Ý nghĩa Thần bí và Biểu tượng

Biểu tượng gắn liền với giảng đài vượt ra ngoài hình thức kiến trúc của nó để bao hàm những ý nghĩa thần bí sâu xa hơn bắt nguồn từ Thánh Kinh và Thánh Truyền. Lấy cảm hứng từ hình ảnh trong Thánh Kinh, giảng đài được ví như một ngọn núi thánh, một đá tảng thánh và một ngôi mộ trống, tất cả đều gợi lên những mối liên hệ sâu xa với những cuộc gặp gỡ Thiên Chúa, mặc khải và lịch sử cứu rỗi.

Việc Thánh Kinh đề cập đến những ngọn núi là nơi gặp gỡ Thiên Chúa, cùng với hình ảnh sự Phục sinh của Đức Kitô và việc loan báo Tin Mừng, đã làm cho giảng đài thấm nhuần ý nghĩa biểu tượng phong phú. Như ông Môsê đã nhận Thập Giới trên Núi Sinai và Đức Kitô giảng Bài giảng Trên Núi, giảng đài đóng vai trò như một nơi cao tâm về tâm linh để từ đó Lời Chúa được công bố cho các tín hữu.

Hơn nữa, sự kết hợp của giảng đài với ngôi mộ trống của Đức Kitô nhấn mạnh vai trò của nó như nền tảng cho việc công bố Sự Phục Sinh. Giống như các thiên thần đã loan báo tin mừng về chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết tại ngôi mộ trống, thừa tác viên Lời Chúa cũng công bố Tin Mừng từ giảng đài trên cao, biểu thị sự chiến thắng của sự sống trên sự chết và lời hứa cứu độ.

Những Lưu ý thực tế và Nguyên tắc Thiết kế

Ngoài ý nghĩa thần học và biểu tượng, việc thiết kế giảng đài phải tuân thủ những lưu ý thực tế được nêu trong các chỉ dẫn phụng vụ. Giảng đài phải được nâng cao, cố định, có thiết kế phù hợp và sang trọng, đảm bảo rằng nó thu hút được sự chú ý và phản ánh phẩm giá của Lời Chúa được công bố. Sự gần gũi của nó với Bàn Thờ, tâm điểm của Hy lễ Thánh Thể, nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể.

Các yếu tố kiến trúc như đá quý, gỗ quý, kim loại quý, đồ khảm và các họa tiết trang trí nhằm nâng cao tính phong phú về mặt hình ảnh và biểu tượng của giảng đài, củng cố vai trò của nó như một không gian thánh để rao giảng Lời Chúa. Các biểu tượng của các Thánh Sử, thiên thần và các họa tiết gợi lên chủ đề về sự Phục sinh, sự cứu chuộc và sự mong đợi về Đất Mới đã được hứa hẹn trong học thuyết về cánh chung Kitô giáo.

Kết Luận

Tóm lại, giảng đài là một biểu tượng sâu xa của mặc khải bí tích trong phụng vụ Công giáo, thể hiện niềm tin của Hội Thánh vào Lời sống động và hữu hiệu của Thiên Chúa được hiện diện cho dân Ngài. Bắt nguồn từ lịch sử, thần học và thần bí, giảng đài đóng vai trò như ngọn hải đăng giúp chúng ta nghe và nhìn về chân lý của Thiên Chúa, công bố các mầu nhiệm cứu rỗi và mời gọi các tín hữu bước vào cuộc gặp gỡ thân tình hơn với Đức Kitô trong Phụng vụ Thánh Thể. Khi Hội Thánh tiếp tục cử hành phụng vụ, ước gì giảng đài luôn là lời nhắc nhở kiên định về sự hiện diện không ngừng của Thiên Chúa và Lời Hằng Hữu của Ngài, luôn được công bố để cứu rỗi các linh hồn.

Câu hỏi để suy nghĩ

  1. Bạn có khi nào được làm thừa tác viên đọc Sách Thánh hay hát Thánh Vịnh chưa? Bạn chuẩn bị thế nào và thái độ của bạn đối với giảng đài ra sao? Bạn chỉ coi đó như một cái giá để sách hay bạn tôn kính nó như một nơi thánh?
  2. Trong khi đọc Sách Thánh trên giảng đài, có khi nào bạn muốn mọi người chú ý đến bạn không? Nếu bạn là ngồi ở dưới hàng ghế, bạn thường chú ý nhiều hơn đến người đọc hay đến những gì họ đọc?