Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 15 : Bài Đọc Một

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 21 tháng 2 năm 2023

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Sau khi dành chút thì giờ suy niệm về Phụng vụ Lời Chúa một cách tổng quát, tuần này chúng ta bắt đầu xem xét kỹ hơn từng phần, bắt đầu từ Bài đọc Thứ Nhất. Chúng ta có thể nghe giảng viên tuyên bố: “Bài trích sách Ngôn sứ Isaia. Vào thời Acha, vua Giuđa, con Giôtham, cháu Udixia, Rêxin, vua Aram, và Phêca, vua Israel, con trai Rêmalia…” (Isaia 7:1-9). Với tất cả những cái tên này, mà nhiều người trong chúng ta thậm chí có thể không biết cách phát âm, chúng ta có thể tự hỏi: Tại sao chúng ta lại sử dụng Cựu Ước trong Thánh Lễ?

Làm Chứng cho sự Thành Tín của Thiên Chúa

Như chúng tôi đã nói trước đây, Bài đọc Thứ Nhất trong Thánh Lễ thường được trích từ Cựu Ước. Khi chúng ta nghe những câu chuyện trong Cựu Ước, chúng ta nghe về việc Thiên Chúa đã kêu gọi và bắt đầu hình thành dân của Người như thế nào. Nếu bạn quen thuộc với Cựu Ước, bạn biết có những thời kỳ trung thành và những thởi phản bội. Có các ngôn sứ, thủ lãnh và các nhà lãnh đạo khác giúp kêu gọi dân chúng trởlại trung thành với Thiên Chúa. Có những lúc rõ ràng là Thiên Chúa can thiệp trực tiếp và có những lúc dường như Ngài ở hậu trường nhiều hơn. Chúng ta học về lòng thành tín của Thiên Chúa, ngay cả khi chúng ta bất trung. Tôi thường ngạc nhiên bởi sự thành tín ấy của Thiên Chúa: chúng ta biết mình bất xứng với điều lòng trung tín ấy, thế nhưng Ngài vẫn ở đó, luôn yêu thương, tha thứ, dẫn dắt, cung cấp và bảo vệ, làm tất cả những gì mà những người cha tốt lành làm cho những đứa con thân yêu của mình. Hy vọng rằng, khi nghe những lời đó mỗi tuần, chúng sẽ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta luôn có thể đến với Thiên Chúa và người Cha yêu thương của mình.

Như chúng ta đã suy niệm lần trước, thông thường khi nói về Cựu Ước, chúng ta nói về sự chuẩn bị. Qua ông Môsê, các ngôn sứ và các tác giả khác, Thiên Chúa chuẩn bị cho dân Ngài (và chúng ta) tiếp nhận chân lý về Chúa Giêsu—rằng Người thực sự là Đấng Mêsai, Đấng đến để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết ngõ hầu để chúng ta có thể sống với Đức Chúa Cha muôn đời. Cựu Ước và Tân Ước phối hợp với nhau: Cựu Ước chuẩn bị cho Tân Ước, và Tân Ước cho chúng ta biết điều chúng ta chờ đợi, đó là Chúa Giêsu Kitô (x. Dei Verbum, số 15).

Gia đình của Thiên Chúa

Nhưng tại sao chúng ta cần tất cả những cái tên đó? Toàn bộ Thánh Kinh, ngay cả những phần chúng ta không hiểu hoặc có vẻ không có ích gì, đều là một phần của Lời quý báu của Thiên Chúa dành cho dân Ngài. Cha Charles Belmonte nhắc nhở chúng ta rằng, giống như mọi phần của Thân thể Đức Kitô đều quý giá, thì mọi từ ngữ (và tên) trong Thánh Kinh cũng vậy. Đôi khi các bài đọc có vẻ “khó hiểu” đối với chúng ta vì chúng ta không hiểu các nền văn hóa cổ xưa của Trung Đông. Đôi khi chúng chỉ nhẹ nhàng gợi ý về một trong những mầu nhiệm lớn lao của Thiên Chúa và tầm quan trọng của chúng có thể dễ dàng bị bỏ qua. Đôi khi chúng ta nói sai tên hoặc không hiểu ngôn ngữ thi ca. “Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng nếu chúng ta cố gắng hết sức, Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta đủ khả năng để hiểu bất cứ điều gì chúng ta cần cho sự thánh hóa và sứ vụ trong cuộc sống. Và ngay cả khi những gì chúng ta đã đọc [hoặc nghe] không còn đọng lại trong trí nhớ của chúng ta, thì Lời Chúa đã thanh lọc và nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta” (Understanding the Mass, trang 85)

Chúng ta có thể nghĩ rằng các tên không quan trọng lắm, nhưng điều chúng cho chúng ta thấy là một chuỗi liên tục những người có mối liên hệ với Thiên Chúa, một gia đình nối dài mà Chúa đang xây dựng theo thời gian. Giống như chúng ta nhớ tên ông bà và ông cố của mình vì các ngài là một phần trong gia phả của chúng ta, chúng ta cũng nhớ tên của những người này, bằng một cách nào đó, đã (và vẫn có) vai trò quan trọng trong gia phả của Thiên Chúa.  Như Hội Thánh dạy: “Các Kitô hữu phải thành kính đón nhận các sách này: chúng diễn tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Ngài, một khoa khôn ngoan hữu ích về đời sống con người, và những kho tàng kinh nguyện tuyệt diệu; sau cùng trong đó ẩn chứa mầu nhiệm ơn cứu độ chúng ta.” (Dei Verbum, số 15).

Một trong những điều tôi thích nhất về Cựu Ước là Thiên Chúa dạy chúng ta mỗi lần một chút. Luôn có một câu chuyện đi kèm với điều chúng ta nghe được; luôn có một giải thích từ từ về điều Thiên Chúa muốn nói với chúng ta. Cựu Ước không chỉ là những tên gọi xa lạ và những câu chuyện dài xen lẫn một số bài hát và thi ca. Đó là Thiên Chúa đang nói với chúng ta và từ từ dạy rằng: “Hãy đến gần hơn một chút nữa… Làm ơn làm quen với Cha… Các con sẽ tìm thấy hạnh phúc trong Cha… Cha muốn chăm sóc các con… Cha sẽ sai Đấng Thiên Sai đến cứu các con… Cha là Người Cha thân yêu của các con.”

Câu Hỏi để Suy Nghĩ:

  1. Để hiểu rõ ý nghĩa của các tên và gia phả trong Cựu Ước, hãy xem lại gia phả của Chúa Giêsu trong Matthêu 1:1-17 và/hoặc Luca 3:23-38. Hãy nhớ lại những gì bạn biết về bất kỳ người nào có tên trong các gia phả này. Đối với bất kỳ tên nào mà bạn không nhận ra, hãy dừng lại và mời Chúa giúp bạn thấy rõ hơn cách Ngài hoàn thành công việc của mình qua những người nam nữ trong suốt lịch sử cứu độ.
  2. Bạn có “cây phả hệ” bằng văn bản hoặc hình ảnh về di sản của riêng mình không? Nếu không, hãy cân nhắc việc làm một cây phả hệ cho chính bạn hoặc cho gia đình bạn. Hãy dành thì giờ để cầu nguyện tạ ơn vì sự hiện diện của Thiên Chúa qua gia phả của bạn và nâng đỡ bất kỳ người nào đang cần được chữa lành hoặc cần được thương xót.