Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 17 : Bài Đọc Hai
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 7 tháng 3 năm 2023
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
Vào các Chúa nhật và các Lễ trọng, sau Thánh vịnh Đáp ca, chúng ta luôn nghe công bố Bài đọc thứ hai, được trích từ các sách Tân Ước (trừ các sách Tin Mừng) và thường được đọc liên tục từ tuần này sang tuần khác. Trong khi Thánh Phaolô là tác giả viết Tân Ước nhiều nhất, chúng ta cũng có các bài đọc của Thánh Gioan, Thánh Phêrô, Thánh Giacôbê và những Thánh khác. Mặc dù các câu trong các bài đọc này đôi khi dài và hơi khó hiểu (vì chúng được viết từ đầu bằng tiếng Hy Lạp chứ không phải tiếng Anh), nhưng chúng chứa đựng sự khôn ngoan và những chỉ dẫn sâu sắc cho đời sống Kitô hữu. Như Edward Sri viết, “Mặc dù thường được chọn độc lập với Bài Đọc Thứ Nhất và Tin Mừng, những tác phẩm Tân Ước này phản ảnh sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô và công cuộc cứu độ của Người cũng như ý nghĩa của nó đối với cuộc sống của chúng ta. Chúng cũng rút ra những ứng dụng thực tế của đời sống chúng ta trong Đức Kitô và khuyến khích chúng ta luôn luôn ‘mặc lấy Đức Kitô’ và tránh xa tội lỗi” (A Biblical Walk Through the Mass, trang 64).
Làm sao để Sống trong Đức Kitô Mỗi Ngày
Khi xem qua các sách Tân Ước, chúng ta thấy mỗi tác giả đã nói với một người hoặc một cộng đồng cụ thể như thế nào về những ưu điểm và khuyết điểm riêng của họ. Tác giả biết độc giả của mình và, qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, đã dạy những người này các điều Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta và làm sao để sống trong Đức Kitô mỗi ngày. Các bài đọc này mời gọi chúng ta trung thành và quảng đại yêu thương nhau. Đôi khi chúng ta nghe những lời lẽ thật vui vẻ: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3:1). Chúng ta cũng nghe thấy những lời an ủi: “Chúng tôi luôn cầu nguyện cho anh em” (2 Thes 1:11). Vào những lúc khác, chúng ta sẽ nghe những lời khuyên nên thánh như: “Anh em không biết rằng mình là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cor 3:16) và “đừng dùng sự tự do này làm cơ hội cho xác thịt” (Gal 5:13).
Những bài viết này có ích cho chúng ta vì Thánh Phaolô và các tác giả khác đều giúp đỡ các Kitô hữu thời sơ khai hiểu cách sống trong một thế giới chống Kitô giáo (hãy nhớ rằng Kitô giáo là bất hợp pháp ở Đế quốc Rôma trong những thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh). Các tác giả đã đưa ra những câu trả lời cho những câu hỏi khó, đưa ra những lời giải thích tại sao chúng ta làm những việc này mà không phải những việc khác, đồng thời khuyến khích mọi người nên thánh và trung thành ngay cả giữa những phấn đấu và bách hại hàng ngày.
Làm Thế Nào để Sống như Một Kitô Hữu trong Thế Gian
Một số câu hỏi rất phổ biến ngày nay là: “Tôi thực sự sống như một Kitô hữu trong thế giới này như thế nào? Làm cách nào để những việc tôi làm trong ngày Chúa nhật kéo dài suốt cả tuần?” Nhờ các Bài đọc Tân Ước này, chúng ta có câu trả lời cho những câu hỏi ấy. Hãy xem qua các bài đọc của mỗi Chúa Nhật và bạn thấy gì? “Anh em hãy bắt chước tôi như chính tôi bắt chước Đức Kitô” (1 Côrintô 11:1); “Vì tất cả anh em là một trong Chúa Giêsu Kitô” (Gal 3:28); “Vì Người là sự bình an của chúng ta” (Êphêxô 2:14); “Hãy tìm kiếm những gì trên trời” (Col 3:1); “, để anh em không chán chường hay nản chí” (Dt 12:3); “Hãy thực hành Lời Chúa, chứ không phải chỉ là những người nghe thôi” (Giacôbê 1:22); “Hãy chiến đấu vì đức tin” (1 Tim 6:12); “Hỡi các con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng bằng việc làm và trong chân lý.” (1 Ga 3:18); “Ngài sẽ lau sạch nước mắt trên mắt họ” (Kh 21:4); “Hãy luôn sẵn sàng trả lời…về niềm hy vọng của anh em” (1 Phêrô 3:15). Có cảm giác như chúng ta có thể tiếp tục đi mãi không? Chúng ta thực sự có thể! Trong mỗi Thánh lễ Chúa nhật và các Lễ trọng, Bài đọc Thứ Hai chứa đựng sự khôn ngoan của các Thánh để giúp chúng ta cũng nên thánh!
Câu Hỏi để Suy Nghĩ:
- Mời các thành viên trong gia đình, bạn bè hoặc giáo dân cùng học một văn bản Tân Ước (trừ các Sách Tin Mừng). Tìm một nguồn tài liệu hoặc người cố vấn để hướng dẫn các bạn học tập trong tinh thần cầu nguyện. Hãy cam kết gặp gỡ thường xuyên và cảm nghiệm xem những văn bản này gửi đến các cá nhân và cộng đồng Kitô giáo tiên khởi có thể củng cố đời sống cộng đồng của bạn ngày nay như thế nào.
- Hãy xem xét tầm quan trọng của việc viết thư trong những năm mới bắt đầu phát triển của Hội Thánh. (Những) người nào trong cuộc sống của bạn có thể khuyến khích hoặc động viên bạn bằng một lá thư? Hãy dành thời gian để tiếp cận qua giao tiếp cá nhân này.
- Các Giáo hoàng và Giám mục vẫn viết thư cho các tín hữu. Hãy tìm lá thư gần đây nhất mà vị Giám mục của bạn đã viết và đọc sứ điệp của ngài trong cầu nguyện. Nếu bạn được đánh động để đáp trả, hãy làm đi!