Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 18 : Lời Đáp sau các Bài Đọc

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 11 tháng 4 năm 2023

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

“Đó là Lời Chúa..”

“Tạ ơn Chúa!”

Sau Bài đọc Thứ Nhất và Thứ Hai trong Thánh Lễ, chúng ta có câu tung hô và câu trả lời quen thuộc này từ cộng đoàn. Như sách A Study of the Mass của Giáo phận Peoria dạy: “Cuối bài đọc, người đọc công bố ‘Đó là Lời Chúa’, là bằng chứng về đức tin của chúng ta vào Lời Chúa được linh hứng trong Thánh Kinh. Chúng ta sẵn sàng bày tỏ lòng biết ơn và đáp lại: ‘Tạ ơn Chúa!’ Chúng ta biết ơn vì Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho chúng ta và Ngài tiếp tục nói với chúng ta” (trang 7).

Thiên Chúa Nói với Chúng Ta

Không chỉ là “thủ tục hoạt động thông thường”, những cuộc đối thoại nhỏ này còn là những lời khẳng định thật sự hùng hồn về điều đang xảy ra trong Phụng vụ Lời Chúa. Trong khi người đọc công bố Lời Chúa, chúng ta lắng nghe những gì Thiên Chúa muốn dạy chúng ta trong ngày ấy. Ngay cả khi chúng ta thường chăm chú nghe các bài đọc, chúng ta vẫn có thể dễ dàng bị chia trí. Có lẽ chúng ta để ý thấy ai đó đang ngồi gần và nghĩ ra một câu hỏi mà chúng ta muốn hỏi người ấy. Đôi khi, một từ trong bài đọc gợi ra cho chúng ta một ý tưởng khác. Có thể là kiến đang bò bụng và chúng ta bắt đầu nghĩ xem bữa ăn sắp tới sẽ có những gì. Trong bất cứ trường hợp nào, khi kết thúc bài đọc, người đọc giúp chúng ta quay lại đúng hướng nếu chúng ta đi lạc đường. Người đọc công bố: “Đó là Lời Chúa” như muốn nói: “Trong trường hợp bạn quên hoặc không để ý thì Chúa là Thiên Chúa trời đất vừa nói với bạn”. Thật là tuyệt vời khi ngừng lại và suy nghĩ: Thiên Chúa đang nói với chúng ta, dân của Người, qua các bài đọc trong Thánh Lễ!

Câu trả lời của chúng ta, “Tạ ơn Chúa,” nhìn nhận rằng Thiên Chúa thật sự đang nói với dân Ngài qua bài đọc Thánh Kinh mà chúng ta vừa nghe và chúng ta nhận ra rằng mình thật may mắn khi được nghe những Lời ấy! Có thói quen hướng về Thiên Chúa với lòng biết ơn cũng có thể rất hữu ích trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Giữa cuộc sống, chúng ta dễ dàng hướng nội, chẳng hạn như khi nghĩ về điều gì khiến mình hạnh phúc hoặc sẽ thưởng thức món gì trong bữa tối. Trong những hoàn cảnh nghiêm trọng hơn, khi chúng ta phạm tội, chúng ta hướng nội theo cách làm cho tầm nhìn của chúng ta xa rời Thiên Chúa và tha nhân. Khi điều này xảy ra, chúng ta có thể thấy mình rơi vào hành vi ích kỷ và tư lợi. Chúng ta cũng có thể bỏ lỡ những cơ hội làm việc bác ái vì không nhận ra những điều tốt đẹp nơi những người chung quanh chúng ta.

Thực Hành Lòng Biết Ơn

Trong những tình trạng sau này, ân sủng của các Bí tích thêm sức mạnh cho chúng ta. Lòng biết ơn cũng là một phương thuốc tuyệt vời giúp thay đổi tâm hồn chúng ta khi nhận ra các phúc lành đến từ Thiên Chúa và những người khác. Lòng biết ơn có thể giúp chúng ta bắt đầu lại và một lần nữa giúp chúng ta nhìn thấy và trân quý những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta cũng như những điều tốt đẹp mà chúng ta có thể thấy nơi nhau. Chúng ta thoáng thấy sự khôn ngoan đằng sau lời đáp trả của các bài đọc trong Thánh Lễ. Có thói quen thường xuyên tạ ơn Thiên Chúa giúp chúng ta giữ cho tâm hồn an mạnh và đi đúng đường.

Cuộc đối thoại này không những chỉ giúp chúng ta nhận biết Thiên Chúa và tạ ơn Ngài vì Thánh Kinh, mà còn có thể giúp chúng ta hòa hợp với điều chúng ta đang làm trong Thánh Lễ. Như bạn có thể biết, từ Thánh Thể tự nó có nghĩa là “Tạ Ơn”. Trong Thánh Lễ, chúng ta kết hợp cùng Đức Kitô trong hy tế hoàn hảo của Người để ca ngợi Thiên Chúa Cha. Là dân Chúa, chúng ta cũng cùng nhau ca ngợi tạ ơn, nhận ra tình yêu của Đức Kitô và lời mời gọi chia sẻ tình yêu ấy. Thật là rất thích hợp khi sau Bài đọc Thứ Hai và lời đáp chúng ta sẽ cùng nhau ca ngợi Thiên Chúa để chuẩn bị cho Tin Mừng khi chúng ta hát Alleluia!

Câu Hỏi để Suy Nghĩ:

  1. Hãy suy niệm về một số đoạn Thánh Kinh có câu “Tạ ơn Chúa” (chẳng hạn như: Rôma 7:25, 1 Côrintô 15:57, 2 Côrintô 9:15). Hãy so sánh lý do tạ ơn của Thánh Phaolô với lý do của chính bạn khi tạ ơn. Hãy nghĩ đến việc thêm câu “Tạ ơn Chúa” vào những cách bạn công khai bày tỏ niềm vui và lòng biết ơn trong cuộc sống hàng ngày.
  2. Các Thánh vịnh 105, 106, 107, 118 và 136 (trong số các Thánh vịnh khác) đều bắt đầu bằng việc mời gọi chúng ta “Hãy tạ ơn Chúa”. Hãy thử bắt đầu lần cầu nguyện sau của bạn bằng lời tạ ơn.