Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 20 : Tin Mừng
Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 2 tháng 5 năm 2023
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam
Đối với nhiều người trong chúng ta, Tin Mừng là một trong những phần mà chúng ta yêu thích nhất trong Thánh Lễ. Chúng ta được nghe những câu chuyện về Chúa Giêsu và các Tông đồ, cách Chúa Giêsu làm các phép lạ chữa lành và những lời Người dạy. Đối với nhiều người, thật dễ dàng để tưởng tượng ra những quang cảnh trong tâm trí khi chúng ta nghe những lời ấy. Như Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma khẳng định: “Bài Tin Mừng là cao điểm của phụng vụ Lời Chúa” (QCSL, số 60). Công đồng Vaticanô II dạy chúng ta rằng các Sách Tin Mừng có tầm quan trọng đặc biệt trong tất cả các sách của Thánh Kinh vì chúng là “chứng từ chính cho cuộc đời và giáo huấn” của Chúa Giêsu (Dei Verbum, 18). Theo Cha Charles Belmonte, việc công bố Tin Mừng “nhấn mạnh sự kết hợp giữa Ngôi Lời Nhập Thể, Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi, được biểu tượng bằng bàn thờ và sự hiện diện cách Bí tích sau khi Truyền phép, và lời Thiên Chúa được viết trong Tin Mừng” (Understanding the Mass, trang 91).
Ý Nghĩa của Tin Mừng
Từ Tin Mừng có nghĩa là gì? Bảng chú giải của Sách Giáo lý định nghĩa Tin Mừng là “tin mừng” về Lòng Thương Xót và Tình Yêu của Thiên Chúa được mạc khải nơi cuộc đời, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Đức Kitô. […] Tin Mừng được truyền lại theo Truyền Thống các Tông Đồ của Hội Thánh như là nguồn mạch của tất cả chân lý cứu độ và kỷ luật luân lý” (GLCG, Chú giải thuật ngữ, “Tin Mừng”). Bốn sách Tin Mừng được đặt tên theo các tác giả là nhân loại: Matthêu, Marcô, Luca và Gioan. Công đồng Vaticanô II dạy rằng: “Trong mọi thời đại và ở khắp nơi, Hội Thánh đã và đang quả quyết rằng bốn sách Tin Mừng bắt nguồn từ các Tông Ðồ. Thực vậy, những gì các Tông Ðồ rao giảng theo lệnh Chúa Kitô, sau này nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, chính các ngài và những người sống bên các ngài viết lại và lưu truyền cho chúng ta như nền tảng đức tin: đó là Tin Mừng trình bày dưới bốn hình thức: theo Thánh Matthêu, Thánh Marcô, Thánh Luca và Thánh Gioan.” (Dei Verbum, 18).
Trong Thánh Lễ, sau khi chúng ta đứng xướng Lời tung hô Tin Mừng, Linh mục hoặc phó tế bắt đầu với lời đối thoại quen thuộc: “Chúa ở cùng anh em!” và mọi người trả lời, “Và ở cùng (thần trí) cha!” Sau đó, Linh mục giới thiệu Tin Mừng và mọi người thưa: “Lạy Chúa, vinh danh Chúa!” Các lời đối thoại qua lại này giúp chúng ta chuẩn bị cho điều sắp xảy ra: Chúa Giêsu nói với chúng ta. Một chuẩn bị khác cho những lời của Chúa Giêsu là một cử chỉ đơn giản làm dấu Thánh Giá. Khi linh mục hoặc phó tế nói: “Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh…”, ngài sẽ làm dấu Thánh Giá trên Sách Tin Mừng. Đồng thời, mọi người tham dự Thánh Lễ làm dấu Thánh giá kép trên trán, trên môi và ngực. Tôi vẫn nhớ, khi còn là một em bé, cha tôi đã dạy chúng tôi làm cử chỉ này và tự nhủ: “Xin cho những lời Tin Mừng ở trong tâm trí con, trên môi con và trong trái tim con.” Những lời đó đã ở lại với tôi suốt nhiều năm và vẫn là lời cầu nguyện chân thành rằng Lời Chúa sẽ đi đầu trong cuộc sống hàng ngày của tôi. Như Giáo phận Peoria dạy, những hành vi và lời cầu nguyện này đều là “dấu chỉ tôn kính Lời Chúa được công bố cho chúng ta trong Tin Mừng thánh. Việc chúng ta đứng, chúng ta hát Alleluia, các cử chỉ và các lời đáp của chúng ta đều là những dấu chỉ bề ngoài cho thấy tâm tình bên trong của chúng ta là yêu mến Đức Kitô và tôn kính Lời Người” (A Study of the Mass, t. 8).
Lời Đáp của chúng ta với Tin Mừng
Khi kết thúc đoạn Tin Mừng trong một Thánh Lễ cụ thể, Linh mục hoặc phó tế xướng: “Tin Mừng của Chúa!” Câu trả lời trong đức tin của chúng ta là: “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!” Sau đó, linh mục hoặc phó tế hôn trang sách vừa đọc và thầm nói: “Nhờ những lời Tin Mừng vừa đọc, xin Chúa xoá tội chúng con.” Cha Charles Belmonte viết rất hay rằng “ít nhất chúng ta có thể biến nụ hôn mà vị Linh mục đã đặt lên cuốn sách thánh này thành của mình. Với nó, chúng ta muốn thưa cùng Chúa rằng chúng ta sẵn sàng hiến mạng sống mình cho những chân lý chứa đựng trong Tin Mừng… Đồng thời, chúng ta xin Chúa tha thứ cho các lỗi lầm của mình” (Understanding the Mass, trang 95).
Dĩ nhiên, các sách Tin Mừng thật tuyệt vời đến nỗi chúng ta nên đọc và cầu nguyện về chúng thường xuyên hơn là chỉ trong Thánh Lễ Chúa nhật. Cuộc đời của Chúa Giêsu rất phong phú cùng xinh đẹp và thực sự có thể mang lại sức mạnh lớn lao cho chúng ta mỗi ngày. Có lẽ hãy thử đọc chỉ một chương của các sách Tin Mừng mỗi ngày và xem điều gì sẽ xảy ra!
Câu Hỏi để Suy nghĩ
- Chấp nhận lời khuyên của Cha Luke và bắt đầu đọc một trong bốn sách Tin Mừng, bắt đầu bằng một chương mỗi ngày. Hãy tận dụng cơ hội này để tiến gần hơn đến mối quan hệ với Chúa Giêsu.
- Hãy xem mỗi tác giả Tin Mừng giới thiệu bản văn của mình như thế nào. Những câu mở đầu của mỗi Tin Mừng cho thấy điều gì về sứ điệp trong đó?