Giải Thích về Thánh Lễ: Hãy Làm Việc Này mà Nhớ Đến Thầy – Bài 24 :  Bài Giảng

Của Cha LUKE SPANNAGEL được đăng trên Eucharistic Revival Blog ngày 31 tháng 5 năm 2023

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ và thích nghi cho người Việt Nam

Sau khi nghe Lời Thiên Chúa nói với chúng ta trong Thánh Kinh và đặc biệt là trong cuộc đời và lời nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng, kế đó là cơ hội để suy niệm sâu xa hơn về những Lời ấy trong bài giảng. Như Giáo phận Peoria dạy, sau Mừng, chúng ta chuyển sang “Nửa Thứ Hai” của Phụng Vụ Lời Chúa, ‘bao gồm bài giảng, Tuyên Xưng Đức Tin và Lời Nguyện Tín Hữu. Ba “thời khắc” của phụng vụ hoạt động như một cây cầu nối giữa Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể” (A Study of the Mass, tr. 9).

Căn Ngữ của Thuật Ngữ

Bài giảng chính xác là gì? “Bài giảng” đến từ một từ Hy Lạp có nghĩa là “giải thích.” Mục đích của “bài giảng là mở tung Thánh Kinh ra và dẫn chúng ta vào một sự hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm mà chúng ta cử hành” (A Study of the Mass, p. 9). Từ giải thích của sách Giáo Lý, bài giảng là “giảng dạy của một thừa tác viên có chức thánh để giải thích Thánh Kinh được công bố trong phụng vụ và khuyên nhủ dân chúng chấp nhận chúng như Lời Chúa” (CCC, tr. 882). Theo Tân Tự Điển Bách Khoa Công Giáo, “một bài giảng là một bài thuyết giảng hơi ngắn có tính giáo huấn về đoạn Thánh Kinh mà trong đó bài học tinh thần của bản văn Thánh Kinh được làm sáng tỏ… Nó thường có tính giáo huấn, thông tin, và thông minh.” (tr. 271). Một số người có thể cho rằng đó là một đòi hỏi khó khăn!

Ai có thể giảng? Như Quy Chế Tổng quát Sách Lễ Rôma viết, “Người diễn giảng thông thường là chính vị chủ tế hay một trong các vị đồng tế được vị chủ tế nhờ, hay đôi khi, tuỳ nghi, là phó tế, nhưng không bao giờ là giáo dân. Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, một Giám Mục hay một linh mục hiện diện trong buổi cử hành mà không đồng tế có thể đảm trách việc giảng.” (QCSL, 66). Lý do mà chỉ có Giám mục, linh mục hay phó tế được giảng trong tác vụ liên hệ trực tiếp với việc công bố Tin Mừng. Mặc dù lời văn bây giờ hơi khác, tôi còn nhớ rõ phần của nghi thức truyền chức phó tế khi Đức Giám mục trao cho tôi Sách Tin Mừng và nói, “Hãy nhận lấy Tin Mừng của Đức Kitô, mà bây giờ con là sứ giả. Hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin, và thực hành điều con dạy.” Lâu lâu khi soạn bài giảng, tôi nghĩ đến những lời ấy là những lời nhắc nhở tôi rằng tôi đã được chọn cho tác vụ này. Tôi sẽ đọc qua Thánh Kinh và nhắc nhở chính mình rằng Chúa Giêsu đã yêu cầu tôi chia sẻ các chân lý này với dân Chúa, hy vọng giúp họ hiểu trọn vẹn hơn, lớn lên trong đức tin, và sống kiiên định hơn trong tình yêu của Người.

Một Mối Liên Hệ Giữa các Phụng vụ

Quy Chế Tổng Quát về Sách Lễ Rôma dạy, “Bài diễn giảng là thành phần của phụng vụ và rất được khuyến khích, vì cần thiết để nuôi dưỡng đời sống kitô hữu. Bài này phải diễn giải hoặc một khía cạnh nào của các bài đọc Thánh Kinh, hoặc một bản văn khác thuộc phần Thường Lễ hay phần Riêng của Thánh Lễ ngày đó, đồng thời lưu ý đến mầu nhiệm được kính nhớ, hay nhu cầu riêng biệt của thính giả.” (QCSL, 65). Vì vậy, trong khi bài giảng thông thường nhất là về các bài đọc được sử dụng trong Thánh Lễ, cũng thích hợp cho nhà giảng thuyết suy niệm về các kinh nguyện trong Thánh Lễ. Tôi thường một phần nào nhắc đến những cụm từ trong Kinh Tiền Tụng trước Kinh Nguyện Thánh Thể, nhất là trong những ngày Lễ đặc biệt khi những kinh nguyện này được dùng cách đặc thù cho cuộc cử hành.

Chúng ta có cần luôn phải có bài giảng không? Như Quy Chế Tổng Quát về Sách Lễ Rôma nói, phải có bài giảng trong mỗi Thánh Lễ Chúa nhật và Lễ Trọng khi có mặt cộng đoàn. Còn những ngày khác, thì cũng nên diễn giảng, đặc biệt là ngày trong tuần của Mùa Vọng, Mùa Chay, và Mùa Phục Sinh cũng như “những ngày lễ và các dịp đặc biệt” khi nhiều người tham dự cuộc cử hành (QCSL, 66). Lần sau, chúng ta sẽ xem kỹ hơn về bài giảng và nó giúp phục vụ như một nối kết giữa Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể như thế nào.

Câu Hỏi để Suy Nghĩ

  1. Hãy cầu nguyện với chỉ dẫn này dành cho Timôtê về giảng dạy: “Trước mặt Thiên Chúa và Đức Kitô Giêsu, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, cha truyền cho con: hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.” (2 Tim 4:1-2). Hãy nghĩ đến việc bài giảng mà bạn trải nghiệm có chức năng chu toàn chỉ dẫn này như thế nào.
  2. Hãy suy nghĩ về tầm quan trọng của bài giảng trong lịch sử cuộc đời bạn. Có những dịp đáng ghi nhớ nào khi sứ điệp của một bài giảng có ảnh hưởng đến bạn? Hãy cảm tạ Thiên Chúa vì ảnh hưởng của bài giảng này.